Quảng Ngãi đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm, đột phá để phát triển kinh tế – xã hội

(Quanlynhanuoc.vn) – Những bài học kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIX là hết sức có ý nghĩa để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá của vùng miền Trung; tạo tiền đề để đến năm 2030, trở thành tỉnh phát triển, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước.

 

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi khóa 20.
Bài học kinh nghiệm từ thực tiễn

Năm năm qua, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, tỉnh cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: biến đổi khí hậu gia tăng; Biển Đông diễn biến phức tạp; đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế – xã hội,… Trong bối cảnh đó, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Quảng Ngãi đã nỗ lực thực hiện Nghị quyết Đại hội XIX đạt một số kết quả quan trọng. Kinh tế tiếp tục phát triển; quy mô tổng sản phẩm tăng khá. “3 nhiệm vụ đột phá, 3 nhiệm vụ trọng tâm” được tập trung chỉ đạo và thực hiện đạt một số kết quả quan trọng. Giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm công nghiệp vượt chỉ tiêu trong Nghị quyết đề ra. Hạ tầng kinh tế – xã hội có bước phát triển khá. Môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút đầu tư từng bước được cải thiện, có mặt chuyển biến tích cực. Xây dựng và phát triển văn hóa, con người được chú trọng. Chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng lên. Sự nghiệp y tế tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển. Thực hiện tốt các chính sách xã hội. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Công tác nội chính, đối ngoại được tăng cường. Cải cách hành chính đạt một số kết quả tiến bộ. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể được đổi mới. Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ và kiểm tra đạt một số kết quả tích cực.

Tuy nhiên, thực tiễn như một số chỉ tiêu chủ yếu chưa đạt mục tiêu đề ra. Việc thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chưa toàn diện, kết quả chưa như mong muốn. Thứ hạng các chỉ số cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ở vị trí thấp so với một số địa phương trong cả nước. Quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên, môi trường còn nhiều thiếu sót, hiệu quả chưa cao; tồn tại những hạn chế, sai phạm, khuyết điểm trong thực hiện một số dự án đầu tư, công tác cán bộ, cử cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài, quản lý ngân sách một số cơ quan, tổ chức còn thiếu minh bạch làm giảm niềm tin của Nhân dân. Phát triển văn hóa chưa đồng bộ với phát triển kinh tế. Đời sống của một bộ phận người dân, nhất là ở miền núi còn khó khăn.

Những hạn chế, khuyết điểm trên do một số nguyên nhân chủ yếu sau: giá dầu giảm sâu trong thời gian dài; ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19; ý thức trách nhiệm, năng lực công tác của một số cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu; một bộ phận cán bộ, đảng viên và người đứng đầu chưa làm tốt vai trò, trách nhiệm, có việc thiếu nêu gương; một số chính sách ban hành chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.

Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIX của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi, rút ra một số kinh nghiệm sau:

(1) Đặc biệt coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đề cao trách nhiệm nêu gương, nhất là của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp… Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; tự phê bình và phê bình; giữ gìn đoàn kết thật sự trong Đảng.

(2) Phải thật sự gần dân, trọng dân, tin dân và lắng nghe dân. Công khai, minh bạch chủ trương, kế hoạch, đề án, dự án kinh tế – xã hội để Nhân dân phản biện, giám sát, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

(3) Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, tránh bao biện, làm thay. Trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và thường xuyên kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện.

(4) Bám sát thực tiễn, giải quyết linh hoạt, đúng đắn, kịp thời, hiệu quả các vấn đề phát sinh. Tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình tốt, cách làm hay, hiệu quả.

(5) Coi trọng tính cân đối, hiệu quả trong phân bổ, sử dụng nguồn lực cho các lĩnh vực, bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững.

Mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu giai đoạn 2020 – 2025

Mục tiêu của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi thời gian tới theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX là: tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng bộ và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh toàn diện, xứng đáng với niềm tin của Nhân dân; khơi dậy niềm tự hào, phát huy truyền thống anh hùng, sức mạnh đoàn kết và khát vọng phát triển; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, tận dụng thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển nhanh và bền vững; nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân; bảo đảm quốc phòng – an ninh, ổn định chính trị – xã hội. Phấn đấu đến năm 2025, Quảng Ngãi trở thành tỉnh phát triển khá của vùng miền Trung; tạo tiền đề để đến năm 2030, trở thành tỉnh phát triển khá, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 7 – 8%/năm; năng suất lao động tăng bình quân 6 – 8%/năm. Đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người khoảng 4.200 – 4.400 USD; thu nhập bình quân đầu người (giá hiện hành) tăng bình quân 7 – 10%/năm; tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GRDP khoảng 69 – 70%; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 35%. Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn trong 5 năm đạt ít nhất 150.000 tỷ đồng. Phấn đấu thu ngân sách hàng năm vượt mức chỉ tiêu Trung ương giao trên 5%.

Đến năm 2025, có 119 xã và 6 huyện đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới; tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 37%; tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 65%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị khoảng 2,8%; có ít nhất 50% trường mầm non, 88% trường tiểu học, 88% trường trung học cơ sở, 32% trường tiểu học – trung học cơ sở, 71% trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia; có trên 8 bác sĩ và 32 giường bệnh trên 1 vạn dân; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1 – 1,5%/năm.

Đến năm 2025, có ít nhất 90% dân số đô thị, 75% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch; 100% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; ít nhất 65% chất thải nguy hại, 95% chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn; giữ tỷ lệ che phủ rừng ổn định 52%.

Hằng năm, có khoảng 95% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn vững mạnh về quốc phòng, trong đó vững mạnh toàn diện đạt khoảng 65%; ít nhất 80% xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đạt tiêu chuẩn an toàn về an ninh trật tự.

Bình quân hàng năm, có khoảng 70% tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó có khoảng 20% tổ chức cơ sở đảng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong giai đoạn 2020 – 2025

Cùng với việc thực hiện toàn diện, đồng bộ các phương hướng, nhiệm vụ nêu trên, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị.

Hai là, cải cách hành chính; nâng cao thứ hạng các chỉ số về cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Ba là, đẩy mạnh phát triển du lịch, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Bốn là, đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi.

Năm là, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển công nghiệp.

Sáu là, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Bảy là, đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo động lực cho phát triển.

Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo số 625-BC/TƯ ngày 02/10/2020 của Tỉnh ủy Quảng Ngãi.
2. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX, ngày 22/10/2020.
ThS. Phan Thị Thuý Hiển
Trường Chính trị tỉnh Quảng Ngãi