(Quanlynhanuoc.vn) – Chuyển đổi số là quá trình tất yếu của Việt Nam để phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn mới. Chuyển đổi số với những chính sách phù hợp, bước đi đúng sẽ tận dụng được cơ hội để vượt lên thành nước phát triển. Mặt khác, đây là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ và như vậy càng là lợi thế của Việt Nam khi chúng ta có Ðảng lãnh đạo, có thể đưa ra được những quyết sách lớn một cách nhanh và tập trung, tạo ra sự thống nhất trong toàn xã hội.
Với quyết tâm cao, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự nỗ lực, chủ động, tích cực của các bộ, ngành, địa phương, việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, là một điểm sáng trong nhiệm kỳ Chính phủ vừa qua. Đặc biệt, là việc ban hành, triển khai hiệu quả Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ và thiết lập, kiện toàn thống nhất bộ máy chỉ đạo triển khai xây dựng Chính phủ điện tử ở Trung ương là Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, còn các bộ, ngành, địa phương là Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử.
Hiện nay, Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử đã được mở rộng chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo thêm nội dung về chuyển đổi số, kinh tế số, đô thị thông minh. Khung khổ pháp lý cho phát triển Chính phủ điện tử đã cơ bản được hình thành tương đối đầy đủ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật tạo nền tảng pháp lý cho các hoạt động cốt lõi nhất của Chính phủ điện tử. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu trên quy mô toàn quốc đã được phát triển và hình thành theo Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử.
Các bộ, ngành, địa phương đã có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh để kết nối chia sẻ dữ liệu trong mỗi bộ, mỗi tỉnh và là đầu mối kết nối ra bên ngoài. Hiện nay, một số cơ sở dữ liệu quy mô quốc gia đã được xây dựng và phát huy hiệu quả như các cơ sở dữ liệu về đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm, y tế, giáo dục, hộ tịch, đặc biệt là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được khai trương ngày 25/02/2021, đánh dấu mốc son đặt nền tảng hình thành công dân số trên cơ sở đổi mới tổ chức, quản lý, chia sẻ, khai thác thông tin dân cư chính xác, thống nhất hiện đại, là cú hích giảm giấy tờ và thủ tục hành chính đáng kể hiện nay ở nước ta. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu hiệu quả sẽ là tiền đề phát triển Chính phủ số.
Các bộ, ngành, địa phương cũng đã có Trung tâm điều hành và giám sát an toàn, an ninh và kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia để tạo thành hệ thống giám sát toàn diện không gian mạng quốc gia. An toàn, an ninh mạng, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian số là điều kiện tiên quyết, luôn là nhiệm vụ song hành với các nhiệm vụ chuyển đổi số.
Các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao được phát triển để phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt khoảng 31%, một số bộ, ngành, địa phương đã cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến,đủ điều kiện lên mức độ 4.
Cổng Dịch vụ công quốc gia do Văn phòng Chính phủ chủ trì xây dựng đã phát huy hiệu quả rõ rệt, ngày càng tích hợp nhiều dịch vụ công trực tuyến tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công với hơn 2.800 dịch vụ đã được tích hợp, cung cấp. Việc trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước đã trở thành nề nếp giúp tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí hành chính (trên 90% văn bản điện tử được trao đổi giữa các cơ quan nhà nước; trên 4,5 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận qua trục liên thông văn bản quốc gia. Theo Báo cáo khảo sát xếp hạng mức độ phát triển Chính phủ điện tử năm 2020 của Liên hợp quốc, xếp hạng chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam tăng 3 bậc so với năm 2016.
Việc triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia đã được khởi động và đạt được một số kết quả bước đầu, trên 50% các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng và bắt đầu triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch về chuyển đổi số. Nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã làm chủ các công nghệ cốt lõi, phát triển các nền tảng công nghệ cho chuyển đổi số, đã có khoảng 40 nền tảng make in Việt Nam được ra mắt.
Công tác ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số cho doanh nghiệp cũng được thúc đẩy, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra mắt Cổng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, sau hơn 1 tháng hoạt động đã thu hút được khoảng 400 người dùng doanh nghiệp, hỗ trợ gần 200 doanh nghiệp sử dụng các nền tảng số để chuyển đổi số.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các ứng dụng công nghệ số được xây dựng nhanh chóng để cùng cả nước tham gia phòng chống dịch; các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, người dân đã tích cực sử dụng và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi mặt đời sống, kinh tế – xã hội như họp trực tuyến, làm việc từ xa, dịch vụ công trực tuyển, khám chữa bệnh từ xa, học trực tuyến… Đây cũng là cú hích cho chuyển đổi số quốc gia.
Bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được, cũng phải nhìn nhận thẳng thắn tồn tại, hạn chế cần được đẩy mạnh khắc phục trong thời gian tới như xếp hạng về Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên Hợp quốc còn thấp, đúng thứ 6 trong khu vực ASEAN; môi trường pháp lý cho Chính phủ điện tử chưa hoàn thiện, một số nghị định quan trọng về bảo vệ dữ liệu cá nhân, định danh và xác thực điện tử chưa được ban hành; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, phát sinh hồ sơ trực tuyến vẫn còn thấp; các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành triển khai chưa đáp ứng tiến độ, kế hoạch đề ra; việc kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước chưa hiệu quả; vấn đề an toàn, an ninh mạng chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức hơn.
Để phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số giai đoạn tới, một số nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai gồm:
Một là, về thể chế, chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, Bộ Công an cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trình Chính phủ xem xét ban hành. Bộ Thông tin và Truyền thông cần hoàn thiện dự thảo nghị định về định danh và xác thực điện tử trình Chính phủ xem xét, ban hành; hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030.
Hai là, các bộ, ngành địa phương cần đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tập trung nguồn lực, nâng tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và tích hợp cung cấp dịch vụ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2021 phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.
Ba là, Bộ Công an cần triển khai hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, kết nối, chia sẻ, khai thác triệt để dữ liệu để giảm tối đa giấy tờ trong xử lý thủ tục hành chính, đến tháng 7/2021 khai thác, sử dụng chính thức trên diện rộng. Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, bảo đảm đến tháng 7/2021 hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu đất đai theo quy định.
Bốn là, các bộ, ngành, địa phương sử dụng, khai thác hiệu quả các dịch vụ cung cấp trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; chủ động thực hiện kết nối, chia sẻ, cung cấp dữ liệu của mình cho các cơ quan khác theo quy định tại Nghị định số 47/2020/NĐ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 100% các bộ, ngành, địa phương cần hoàn thành xác định cấp độ an toàn hệ thống thông tin và đề xuất phương án bảo đảm an toàn thông tin.
Năm là, các bộ, ngành, địa phương cần hoàn thành xây dựng, triển khai ngay các chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số cho giai đoạn mới, quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, trường học tiếp tục duy trì, phát triển các hoạt động trực tuyến, ứng dụng công nghệ số trong mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội như đã được hình thành trong thời gian dịch bệnh covid-19. Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường quản lý, đẩy mạnh triển khai công nghệ thông tin và viễn thông phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số.