Các nội dung cần quan tâm khi xây dựng chương trình bồi dưỡng về chính phủ điện tử cho cán bộ, công chức

(Quanlynhanuoc.vn) – Sự thành công của chính phủ điện tử trong việc nâng cao chất lượng quản trị nhà nước và cung cấp dịch vụ công là vấn đề của quản trị nhà nước hơn là của công nghệ thông tin. Đội ngũ cán bộ, công chức cần ý thức được trách nhiệm trong việc hoàn thiện và sử dụng hiệu quả chính phủ điện tử, góp phần hoàn thiện hệ thống thể chế, thủ tục hành chính thông qua việc chủ động cải tiến, thay đổi phương thức làm việc và đổi mới văn hóa công vụ. Mặt khác, chính phủ điện tử chỉ thành công khi có công dân điện tử, vì vậy, chính quyền còn phải có trách nhiệm đối với việc phát triển các “khách hàng điện tử” của nhà nước – các công dân, tổ chức và doanh nghiệp điện tử.
Hội thảo khoa học: “Góp ý Chương trình bồi dưỡng về chính phủ điện tử cho cán bộ, công chức”, ngày 19/8/2021 theo hình thức trực tuyến tại Học viện Hành chính Quốc gia.
Vai trò của chính phủ điện tử trong việc nâng cao chất lượng quản trị nhà nước và sự tham gia của người dân trong quản trị nhà nước

Chính phủ điện tử (CPĐT) đề cập đến một trạng thái, trong đó các cơ quan chính quyền (bao gồm cả trung ương và chính quyền địa phương) ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới phương thức làm việc, nâng cao chất lượng quản trị nhà nước, chất lượng các dịch vụ công cho công dân, tổ chức và doanh nghiệp, nhờ đó mà đưa chính quyền lại gần dân hơn, tăng cường tính minh bạch cho các hoạt động của chính quyền, hạn chế cơ hội tham nhũng và cắt giảm chi phí công.

Sự thành công của CPĐT trong việc nâng cao chất lượng quản trị nhà nước phải được thể hiện qua các tiêu chí sau:

Thứ nhất, người dân dễ dàng hơn trong việc phản biện và góp được tiếng nói của mình trong các quyết sách của chính quyền;

Thứ hai, người dân nhận được các dịch vụ công tốt hơn từ chính quyền, đặc biệt là  các dịch vụ công tích hợp hơn nhờ sự phối hợp thực hiện hiệu quả giữa các cơ quan của chính quyền trên môi trường mạng;

Thứ ba, các cơ quan quản lý nhà nước được chia sẻ hệ thống dữ liệu và phối hợp thực hiện hiệu quả trong quản lý các lĩnh vực có tính chất liên ngành;

Thứ tư, người dân được cung cấp và có cơ hội cập nhật thông tin tốt hơn, kịp thời hơn về luật pháp, các chính sách, quy định và các dịch vụ của chính phủ.

Thứ năm, các chính phủ có thể chia sẻ dữ liệu trong phối hợp giải quyết những vấn đề mang tính quốc tế và toàn cầu.

Trách nhiệm của chính quyền trong xây dựng chính phủ điện tử: vấn đề của quản lý hơn là công nghệ thông tin

Để đạt được các tiêu chí chất lượng quản trị nhà nước thông qua CPĐT, các cơ quan chính quyền phải có trách nhiệm và chịu trách nhiệm trong việc:

(1) Tối ưu hóa chức năng, nhiệm vụ của bộ máy quản lý nhà nước theo nguyên tắc không chồng chéo và chịu trách nhiệm đối với kết quả đầu ra;

(2) Tối ưu hóa các quá trình xử lý công việc, loại bỏ các công đoạn thừa dựa trên một triết lý quản trị nhà nước nhất quán và hiện đại. Điều này giúp cho việc số hóa và minh bạch hóa các hoạt động của chính quyền được áp dụng dễ dàng;

(3) Tối ưu hóa quy trình phối hợp giữa các chủ thể quản lý nhà nước trong việc thực hiện thẩm quyền trên cơ sở kết hợp giữa nguyên tắc chịu trách nhiệm “trọn gói” hoặc từng công đoạn phù hợp với thẩm quyền theo luật định;

(4) Phát triển và ngày càng hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý, hệ thống dữ liệu lớn trên cơ sở tích hợp toàn phần (fully intergrated), xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu thông suốt giữa các cơ quan quản lý nhà nước, bảo đảm sự thống nhất trong quản lý, hạn chế sự lãng phí nguồn lực và xu hướng “độc quyền” thông tin, dữ liệu quản lý;

(5) Tối ưu hóa và công khai, minh bạch toàn bộ các thủ tục hành chính liên quan đến công dân, tổ chức và doanh nghiệp, bảo đảm việc thực hiện quyền và nghĩa vụ hợp pháp của người dân, tổ chức và doanh nghiệp;

(6) Tối ưu hóa các phương thức và kênh giao tiếp giữa chính quyền với công dân, tổ chức và doanh nghiệp, bảo đảm sự tương tác hai chiều thuận lợi, đưa chính quyền gần dân, tạo cơ hội để người dân, tổ chức và doanh nghiệp phản biện và góp tiếng nói đối với các quyết sách của chính quyền;

(7) Phổ cập kiến thức và kỹ năng liên quan đến việc sử dụng các dịch vụ của CPĐT trên cơ sở chính quyền và người dân đều phải sẵn sàng. Một CPĐT thành công khi chính phủ đó có công dân điện tử, việc cập nhật kiến thức, kỹ năng về CPĐT không chỉ cần thiết đối với cán bộ, công chức mà còn đối với cả công dân, tổ chức và doanh nghiệp;

(8) Thấm nhuần nguyên tắc “có đi có lại” giữa quản lý nhà nước và công nghệ thông tin: Công nghệ số hóa đòi hỏi việc tối ưu hóa hệ thống thông tin quản lý, các quy trình, thủ tục và phương thức xử lý công việc, ngược lại sự đổi mới trong quản lý nhà nước lại đặt ra yêu cầu không ngừng cập nhật và nâng cao chất lượng công nghệ ứng dụng, bao gồm cả phần cứng và mềm;

(9) Phát triển và hoàn thiện không ngừng chất lượng của CPĐT ở 4 nhóm quan hệ tương tác:

– G2C: Quan hệ Chính phủ với người dân.

– G2B: Quan hệ Chính phủ với doanh nghiệp.

– G2E: Quan hệ giữa chính phủ với người lao động.

– G2G: Quan hệ giữa các cấp, ngành, tổ chức của bộ máy nhà nước trong việc điều hành và quản lý nhà nước, trong phối hợp, chuyển giao và cung cấp các dịch vụ một cách có hiệu quả.

(10) Thay đổi phong cách, lề lối làm việc và văn hóa ứng xử trên môi trường mạng của đội ngũ cán bộ, công chức.

Một số nội dung chương trình bồi dưỡng về chính phủ điện tử cho cán bộ, công chức

Chương trình bồi dưỡng nên bao gồm các nhóm nội dung sau:

Một là, CPĐT và các giai đoạn phát triển CPĐT.

Nội dung này giúp cho cán bộ, công chức sau khi học xong có thể nhận diện được thực trạng phát triển CPĐT ở cơ quan, địa phương mình và xác định các yêu cầu cũng như trách nhiệm đối với việc xây dựng CPĐT.

Hai là, CPĐT trong quản trị nhà nước.

Với nội dung này, mục đích giúp cho cán bộ, công chức sẽ nhận thức được sâu sắc trách nhiệm của chính quyền và bản thân mỗi cán bộ, công chức trong việc xây dựng CPĐT nhằm nâng cao chất lượng quản trị nhà nước.

Ba là, CPĐT trong việc nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công phục vụ công dân, tổ chức và doanh nghiệp.

Nội dung này giúp cán bộ, công chức phải ý thức sâu sắc được rằng, công nghệ chỉ là phương thức đưa chính quyền lại gần dân nhưng chất lượng các dịch vụ công, đặc biệt các dịch vụ hành chính công lại phụ thuộc cơ bản vào sự cải tiến, hoàn thiện không ngừng hệ thống thể chế, chính sách và văn hóa công vụ của các cơ quan chính quyền; chất lượng các dịch vụ công mà CPĐT đem lại chỉ thành công khi có “đối tác” là “công dân điện tử”, “tổ chức điện tử” và “doanh nghiệp điện tử”.

Bốn là, CPĐT đáp ứng yêu cầu toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Nội dung này giúp cán bộ, công chức có thể nhận diện được các yêu cầu đối với CPĐT trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Tài liệu tham khảo:
1. Thực trạng và giải pháp xây dựng Chính phủ điện tử. http://vpcp.chinhphu.vn.
2. Quyết định 2323/QĐ-BTTTT ngày 31/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Khung kiến trúc chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0.
3. Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về chính phủ điện tử.
4. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
5. Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ quy định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước.
6. Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
7. Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
8. Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 10/3/202 của Chính phủ 1 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019- 2020, định hướng đến 2025.
PGS.TS. Lê Thị Vân Hạnh
Học viện Hành chính Quốc gia