Chính phủ điện tử và đề xuất chương trình đào tạo công chức, viên chức

(Quanlynhanuoc.vn) – Theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới (WB), chính phủ điện tử là các cơ quan của Chính phủ sử dụng một cách có hệ thống các phương thức công nghệ thông tin, truyền thông mạng để thực hiện quan hệ, giao dịch với công dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội, nhờ đó cải thiện hiệu quả và chất lượng quản lý đa chiều. Lợi ích thu được là giảm thiểu tham nhũng, tăng cường tính công khai, sự tiện lợi, góp phần vào sự tăng trưởng và giảm chi phí toàn xã hội1.
ảnh minh họa (internet)
Về chính phủ điện tử trong quản lý nhà nước ở Việt Nam

Từ khi internet trở nên phổ biến trên thế giới, nhu cầu triển khai các hoạt động, phối hợp, tích hợp từ các nghiệp vụ nội bộ đến tương tác với các đối tượng bên ngoài của các cơ quan Chính phủ ngày càng thiết yếu, gia tăng, toàn diện. Quá trình đó được thực hiện thông qua môi trường thông tin – số hóa trên cơ sở các website và tương tác giữa chúng, từ vi mô đến vĩ mô và vượt ra ngoài phạm vi không gian, thời gian tại các địa phương, các quốc gia. Với vai trò “kiến tạo xã hội”, Chính phủ là lực lượng tiên phong xây dựng, ứng dụng, phát triển các phương thức, công cụ từ các nền tảng công nghệ thông tin (CNTT), như: website kết nối mỗi cơ quan, nối mạng toàn hệ thống để thực hiện mọi chức năng quản lý nhà nước (QLNN) từ địa phương đến quốc gia. Điều đó dẫn đến thay đổi các tập quán, kỹ thuật quản trị mà công chức, viên chức (CCVC) cần được đào tạo, tập huấn để có trình độ, kỹ năng tiêu chuẩn trong các tác nghiệp thường xuyên.

Ý nghĩa chính yếu, đồng thời là mục tiêu của việc xây dựng chính phủ điện tử (CPĐT) thực chất là quá trình xã hội hóa toàn diện QLNN trên cơ sở tiến bộ CNTT, thông qua đó, bảo đảm hiệu quả hệ thống quản lý của Chính phủ, gia tăng nhiều cơ hội cho mọi đối tượng tham gia và thụ hưởng quá trình quản lý đó, như: (1) Tăng tốc độ các thông tin QLNN, bảo đảm giảm thiểu tính “bất đối xứng thông tin” trong QLNN. (2) Phục vụ xã hội bằng các dịch vụ công một cách minh bạch, chuẩn tắc, đồng bộ, kịp thời thông qua môi trường mạng, website chính thống. (3) Thay đổi các hình thức quản lý hành chính kiểu cũ sang các hình thức kinh tế hóa mọi quy mô. (4) Hội nhập từ các địa phương, từ quốc gia đến quốc tế, thúc đẩy quá trình “hài hòa, tương thích, hội nhập” về chủ trương và chính sách. (5) Tích hợp và thúc đẩy quá trình số hóa rộng khắp mọi giao dịch dân sự – Nhà nước – quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế, quản lý xã hội.

CPĐT là một thực tế toàn diện trong quá trình QLNN. Do cách thâm nhập, sử dụng công cụ mới (trong môi trường thông tin; số hóa) sẽ làm ảnh hưởng, thậm chí làm thay đổi cơ bản đến các hình thức cung cấp dịch vụ quản lý truyền thống. Có bốn dạng thức chính về CPĐT:

Một là, G2C (Government to Citizen): tương tác/dịch vụ số do Chính phủ cung cấp cho người dân, bao gồm: giao dịch và cung cấp dịch vụ của Chính phủ trực tiếp cho các nhu cầu hành chính phổ thông của người dân (như: các giấy tờ, thủ tục theo quy định cần phải có). Bảo đảm sự liên lạc tốt hơn giữa Chính phủ và công dân với chi phí thấp nhất có thể về thời gian và tiền bạc. Tạo cơ hội cải thiện hiệu quả chức năng, tính minh bạch của các cơ quan Chính phủ, góp phần xây dựng mối quan hệ với công chúng tốt đẹp, nhanh chóng hơn.

Hai là, G2B (Government to Business): tương tác/dịch vụ số do Chính phủ cung cấp cho doanh nghiệp, bao gồm: các dịch vụ khác nhau được trao đổi giữa Chính phủ và các tổ chức kinh doanh, như: các chính sách, các quy định và thể chế; tiếp cận các thủ tục trong quản lý…), làm tăng tính công bằng và minh bạch của các chương trình, dự án của Chính phủ; hỗ trợ việc phát triển kinh doanh bằng các “dữ liệu lớn” được Chính phủ xử lý cung cấp. Cũng như vậy, các doanh nghiệp có thể tham gia đấu thầu chủ động và công bằng vào các dự án của Chính phủ thông qua các website mở.

Ba là, G2E (Government to Employee): tương tác/dịch vụ số cung cấp cho công chức, viên chức (CCVC), bao gồm: các dịch vụ, giao dịch trong mối quan hệ giữa Chính phủ đối với CCVC (như: phổ biến các chủ trương, chính sách quản lý. Cung cấp các thông tin về chế độ lương thưởng và lợi ích khác trong ngành đến cá nhân; tra cứu các hướng dẫn thực hiện. Cung cấp kiến thức phổ thông và nâng cấp nghiệp vụ, chuyên môn, các thông tin và dữ liệu chuyên biệt hoặc thống kê hỗ trợ tác nghiệp).

Bốn là, G2G (Government to Government): tương tác/dịch vụ số trao đổi nội bộ giữa các cơ quan thuộc Chính phủ, bao gồm: phối hợp và tích hợp việc cung cấp các dịch vụ công đồng bộ, hiệu quả giữa các cấp, ngành, cơ quan Chính phủ, đáp ứng yêu cầu đa ngành trong quản lý. Giao dịch, phối hợp, chia sẻ tài nguyên và giải pháp quản lý giữa Chính phủ với chính quyền địa phương, các tổ chức khác có liên quan. Cung cấp cách thức tương tác và tham khảo trực tuyến, nhanh chóng, thống nhất giữa cơ quan chức năng trong Chính phủ và các cơ quan khác có liên quan.

Những điểm thiết yếu cần có trong hệ thống kỹ thuật của CPĐT gồm: (1) Thông tin cập nhật, đầy đủ, truy cập nhanh, dễ dàng; các nguồn cung cấp thông tin không mâu thuẫn và trùng lặp về nội dung. (2) Những thắc mắc hay phản hồi của đối tượng sử dụng được tương tác kịp thời, không bị đứt đoạn. (3) Tôn trọng, xử lý tốt những phản hồi về nội dung và sự quan tâm, ý kiến của các đối tượng sử dụng. (4) Những thông tin cần được phân loại, thống kê và biên tập lại sau mỗi kỳ hạn, thành “dữ liệu lớn” giúp phục vụ đa đạng cho các đối tượng khác nhau. (5) Các “đường dẫn” thông tin về các địa chỉ tin cậy, hiệu quả khi có các nhu cầu tiếp cận thông tin hệ thống, toàn diện chuyên sâu.

Kinh nghiệm của nhiều nước châu Âu cho thấy, một số điểm chính yếu về CPĐT mà Việt Nam nên học tập, gồm: (1) Phát triển một nền văn hóa về CNTT và truyền thông. (2) Phổ cập sử dụng công nghệ và phương tiện thông tin số vào xã hội. (3) Cải thiện, liên kết, tích hợp hạ tầng CNTT rộng khắp. (4) Tăng cường sự tham gia đầu tư và khai thác lợi ích của các nhóm có liên quan. (4) Cải thiện hình ảnh và thực tế “thân thiện, phục vụ, liêm chính” của Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 246/2005/QĐ-TTg ngày 06/10/2005 về phê duyệt “Chiến lược phát triển công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”. Trong đó đã đưa ra những định hướng cụ thể đến năm 2015: ứng dụng rộng rãi CNTT và truyền thông đến mọi lĩnh vực, khai thác có hiệu quả thông tin và tri thức trong tất cả các ngành. Xây dựng và phát triển Việt Nam điện tử với công dân điện tử, CPĐT, doanh nghiệp điện tử, giao dịch và thương mại điện tử. Từ đó đến nay, vấn đề xây dựng CPĐT càng trở nên cấp bách.

Ngày 16/5/2016, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, với chủ trương: “Bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, đồng bộ cải cách hành chính với xây dựng chính phủ điện tử và kiểm soát hành chính, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ”. Kết quả theo Báo cáo Chỉ số phát triển CPĐT của Liên hiệp quốc năm 2016, dựa vào 3 nhóm tiêu chí là: hạ tầng viễn thông, nguồn nhân lực và dịch vụ công trực tuyến, Việt Nam xếp hạng 89/193 quốc gia. Trong đó, chỉ số dịch vụ công trực tuyến đứng ở thứ hạng 74/193. Tính đến tháng 4/2017, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố đã cơ bản hoàn thành kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản tới Văn phòng Chính phủ2.

Hơn một thập kỷ qua, CNTT đã trở thành phương tiện trọng yếu để nâng cao tính hiệu quả trong hoạt động của Nhà nước, sức cạnh tranh của nền kinh tế và sự hấp dẫn của Việt Nam. Đến nay, số hóa đã trở thành xu thế tất yếu trong mọi mặt của quá trình hội nhập (từ tổ chức vi mô đến vĩ mô). Cùng với đó yêu cầu cải cách hành chính càng làm vấn đề phổ cập các nghiệp vụ CPĐT trở nên cấp thiết.

Thiết kế chương trình đào tạo cán bộ, công chức, viên chức trong kỷ nguyên chính phủ điện tử

Để hiện thực hóa mục tiêu Chính phủ kiến tạo và cải cách hành chính nhà nước, với vai trò, chức năng của Học viện Hành chính Quốc gia, cần xây dựng một chương trình “đóng gói” chuẩn về những nội dung, phương pháp… giảng dạy cho đối tượng chuyên viên (là ngạch CCVC xếp cho người có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ở bậc đại học với nhiệm vụ giúp lãnh đạo cơ quan, tổ chức nhà nước tổ chức quản lý một lĩnh vực hoặc một vấn đề nghiệp vụ). Học viện Hành chính Quốc gia cần thực hiện một số nội dung sau:

Một là, xác định mục tiêu đào tạo đội ngũ CCVC, đó là: thúc đẩy và hiện thực quá trình cải cách hành chính nhà nước ở từng cơ quan; có kỹ năng tác nghiệp tiêu chuẩn và thực tế về các nghiệp vụ hành chính trực tuyến.

Hai là, điều tra, khảo sát, đánh giá được cụ thể và tổng thể trình độ thực tế về CNTT của những đối tượng đã tốt nghiệp đại học, thi tuyển đầu vào CCVC ở các cơ quan nhà nước.

Ba là, lập dự án kỹ thuật: tích hợp các mô hình đã có (website của các cơ quan, các ứng dụng, các nhu cầu thông tin điển hình của các đối tượng sử dụng) thành một “cửa sổ kỹ thuật” nhằm phục vụ công tác đào tạo CCVC.

Bốn là, thiết kế giáo trình, tài liệu giảng dạy, tập huấn giảng viên sử dụng công cụ “cửa sổ kỹ thuật” trên, cùng với việc thành lập hội đồng chuyên môn đánh giá các kỹ thuật giảng dạy, tập huấn cho CCVC.

Năm là, thông qua quá trình đào tạo CCVC về CPĐT, với chức năng nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, Học viện Hành chính Quốc gia góp phần hoàn thiện, tham vấn các cơ quan nhà nước về “mô hình hiệu quả” của CPĐT.

Từ kinh nghiệm thực tế của các nước và tại Việt Nam về CPĐT, tác giả đề xuất những nội dung chính của chương trình đào tạo cho CCVC như sau:

(1) Cải cách hành chính: cho thấy nhu cầu, tiến độ và cập nhật tinh thần của Chính phủ trong việc “một cửa”, giảm các thủ tục phiền hà, tăng tốc quá trình giải quyết các thủ tục hành chính cho các đối tượng QLNN.

(2) Kinh tế tri thức và internet: tiếp cận khai thác internet với danh mục địa chỉ các kênh đường dẫn thông tin và chuyên biệt về các lĩnh vực tri thức khác nhau, nhằm bổ trợ nguồn tham khảo, chia sẻ mở rộng với website của các cơ quan nhà nước.

(3) Chuyển đổi số: nắm bắt được quá trình, những nội dung Chính phủ đã, đang và sẽ tiến hành số hóa các giao dịch hành chính, sự liên thông giữa các lĩnh vực giao dịch hành chính thông qua môi trường số hóa.

(4) Đô thị thông minh và các ứng dụng điện tử: những hình thái và sinh thái kỹ thuật tích hợp trong các lĩnh vực đời sống kinh tế – xã hội được điện tử hóa, cùng với nhu cầu cần được QLNN như thế nào.

(5) Từ CNTT đến công tác hành chính: làm hài hòa các giao dịch điện tử, sử dụng các ứng dụng số trong việc tiếp cận các dịch vụ hành chính công được cung cấp bởi các cơ quan QLNN.

(6) Thiết kế thủ tục trực tuyến: phân tích các quy trình khác nhau theo thủ tục hành chính tất yếu và truyền thống cùng các thông tin liên quan để hoàn tất chúng, chuyển hóa thành các bước tiến hành trực tuyến.

(7) Kỹ năng giao dịch mạng: bao gồm cả cách thức thao tác, xử lý kỹ thuật qua mạng, kết hợp với cách thức giao tiếp của CCVC, tương tác như thế nào với các vấn đề được trao đổi với đối tượng sử dụng.

(8) Thu thập xử lý các nguồn thông tin:  cách bổ sung, cập nhật những nội dung được  đưa lên website của cơ quan QLNN và phản hồi bảo đảm tính chính thống, tuân thủ các quy phạm về bảo mật, tính chính xác, hữu ích, thời sự…

(9) Kiến thức và kỹ năng về “dữ liệu lớn” (Big Data): từ các thông tin riêng lẻ, rời rạc, nguồn phân tán trong và ngoài nước về từng chủ đề, đến cách chọn lọc, xử lý thống kê phát sinh và kỹ thuật hóa những điều đó trở thành nguồn tài nguyên quý cho các ngành, cơ quan, đối tượng.

(10) Thực tập tác nghiệp: các học viên được thâm nhập vào thực tế, xác định từ nhu cầu thông tin của xã hội, các đối tượng đến việc thiết kế nội dung, truyền tải lên website và các kênh truyền thông điện tử.

Như đã phân tích về tầm quan trọng, phổ cập của CPĐT, cùng với đề xuất những nội dung cần đào tạo tương đối toàn diện nêu trên, tổng dung lượng thời gian giảng dạy cho CCVC ít nhất là 1 tín chỉ (theo Hệ thống tích lũy và chuyển đổi tín chỉ châu Âu ECTS – The European Credit Transfer System).

CPĐT là hình thái kỹ thuật – xã hội như chúng ta từng biết và sẽ không ngừng tăng tốc triển khai trên thực tế với tính phổ cập sâu rộng, khuynh hướng đó trong thời gian tới sẽ thúc đẩy “Đám mây dữ liệu liên Chính phủ” và “Chính phủ số”. Bởi vậy các nội dung đào tạo cho CCVC cũng cần gợi mở, phát triển cách tiếp cận đó, hướng vào các đề án đào tạo tổng thể, dài hơi, liên kết với các chuyên đề đã có của Học viện Hành chính Quốc gia (cũng cần được số hóa, tích hợp các nội dung giảng dạy). Chương trình như vậy nên bắt đầu trở thành một đề án nghiên cứu nhằm đào tạo “trên một tín chỉ” cho mọi đối tượng, các cấp, ngành về CPĐT mở rộng.

Chú thích:
1. Chính phủ điện tử. https://tcnn.vn, ngày 10/01/2015.
2. Tình hình triển khai chính phủ điện tử tại Việt Nam đầu năm 2017. https://antoanthongtin.vn, ngày 07/9/2017.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Giao dịch điện tử năm 2005.
2. Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
3. Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số.
4. Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ về công tác văn thư.
5. Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước.
6. Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển “chính phủ điện tử” giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến năm 2025.
7. Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước.
TS. Nguyễn Tất Thịnh
Học viện Hành chính Quốc gia