Tăng cường kiểm soát quyền lực cán bộ, công chức để nâng cao hiệu quả, hiệu lực phòng, chống tham nhũng

(Quanlynhanuoc.vn) – Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong kiểm soát quyền lực, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực phòng, chống tham nhũng là quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của Mặt trận Tổ quốc, nhằm tạo sự đột phá, bảo đảm cho công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng cầm quyền, tạo động lực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Ảnh minh họa (nguồn: quochoi.vn).
Quyền lực và kiểm soát quyền lực

Quyền lực là năng lực, khả năng của một tổ chức hay cá nhân, tác động đến hành động, hành vi của những người khác, buộc họ phải thực hiện ý chí của mình thông qua các phương tiện, phương thức nào đó, như: uy tín, quyền hành, cơ chế, chính sách, quy định, thậm chí cưỡng bức thực hiện. Nếu quyền lực được trao đúng cho người có tài năng, đạo đức, người có “khát vọng”, thì quyền lực ấy sẽ phát huy tác dụng, mang lại cuộc sống tốt đẹp cho con người, sự hưng thịnh cho đất nước. Ở đó, quyền lợi của Nhân dân, của Tổ quốc được đặt lên trên lợi ích cá nhân, các giá trị đạo đức, nhân văn của chế độ được trân trọng, đề cao. Ngược lại, quyền lực bị trao nhầm, hoặc bị chiếm đoạt bởi những người đầy “tham vọng” thì quyền lực ấy sẽ bị tha hóa, bị sử dụng để phục vụ cho lợi ích cá nhân, “lợi ích nhóm”, mà bỏ qua lợi ích quốc gia, dân tộc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: phải “nhốt quyền lực vào lồng cơ chế”. Nhưng có cơ chế rồi, người vận hành cơ chế đó còn quan trọng hơn nữa. Quyền lực luôn luôn có nguy cơ bị “tha hóa”, tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh của quyền lực”. Vì vậy, một trong những giải pháp được Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đưa ra để ngăn chặn tham ô, tham nhũng là tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng để kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm soát quyền lực của cán bộ, đảng viên. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Khẩn trương xây dựng và kịp thời khắc phục những bất cập trong các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý kinh tế – xã hội và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nhất là các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm giải trình bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch. Quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí và bảo vệ người tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”1.

Thực trạng phòng, chống tham nhũng hiện nay

Đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí hiện nay ở một số dịa phương, bộ, ngành chưa có chuyển biến rõ rệt; công tác phòng ngừa tham nhũng ở một số nơi còn hình thức. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí vẫn còn hạn chế, nhất là việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng, lãng phí trong nội bộ cơ quan, đơn vị còn yếu; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong một số cơ quan, đơn vị, khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được đẩy lùi”2. Bởi vậy, các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc các cấp “cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, vụ việc tham nhũng, lãng phí; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Kịp thời xử lý, thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý khi có biểu hiện tham nhũng, lãng phí”3.

Những năm qua, công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc về tham nhũng đồng bộ, hiệu quả, tạo bước đột phá trong phát hiện, xử lý nghiêm sai phạm theo quy định của Đảng, Nhà nước; có sức cảnh báo, răn đe mạnh mẽ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước, khẳng định quyết tâm chính trị cao chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã mở rộng phạm vi, đối tượng kiểm tra đến cả cấp ủy cấp huyện và cơ sở. Các cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; xử lý nghiêm cả cán bộ đương chức và nghỉ hưu, cả cán bộ cấp cao, kỷ luật từ trên xuống dưới, kỷ luật Đảng đi trước, tạo tiền đề, mở đường cho thanh tra, điều tra, xử lý nghiêm sai phạm.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, công tác PCTN ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có sự chuyển biến rõ rệt. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp; việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ, cơ quan, đơn vị còn là khâu yếu. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Tham nhũng trên nhiều lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta. Bởi vậy, yêu cầu công tác kiểm tra, kiểm soát quyền lực cán bộ ở các lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, ngân hàng, tài chính, thuế, hải quan, hành chính công, dịch vụ công cần phải làm thường xuyên, chặt chẽ hơn nữa.

Tại phiên họp lần thứ 20, ngày 05/8/2021 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhấn mạnh: vừa qua, công tác PCTN đã có kinh nghiệm là làm liên tục, bền bỉ, bài bản, trở thành yêu cầu cấp bách, một nhiệm vụ thường xuyên, một xu thế, một phong trào không làm không được, không ngừng, không nghỉ, không có ngoại lệ… Các cơ quan chức năng cần phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng. Các thành viên Ban Chỉ đạo phải trao đổi thẳng thắn, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao. Cùng với những kết quả bước đầu đã đạt được, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ ra những hạn chế cụ thể như: việc triển khai một số nhiệm vụ công tác và tiến độ xử lý một số vụ án, vụ việc còn chậm. Công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong một số trường hợp còn chưa tốt…

Quyết tâm chính trị cao trong kiểm soát quyền lực, góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, lãng phí

PCTN được Đảng ta xác định là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đó là nhân tố quan trọng nâng cao hiệu quả PCTN hiện nay. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng yêu cầu: “Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Công tác cán bộ phải thực sự là “then chốt” của “then chốt”, tập trung xây dựng đội ngũ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”4. Trên cơ sở đó, Đảng ta chủ trương hoàn thiện hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách nhằm phòng ngừa, răn đe, trừng trị tham nhũng. Đồng thời, đổi mới công tác tuyên truyền, vận động theo hướng nâng cao tính giáo dục, thuyết phục, tính chiến đấu, tạo sự thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong Nhân dân để thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội trong tuyên truyền, vận động phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Kiên quyết, kiên trì xây dựng cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng; cơ chế răn đe, trừng trị để không dám tham nhũng. Hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách được bổ sung, hoàn thiện, chặt chẽ sẽ không tạo ra kẽ hở để cho những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thoái hóa, biến chất lợi dụng thực hiện hành vi tham nhũng.

Đảng ta nêu rõ những biểu hiện của cán bộ, đảng viên trong sử dụng quyền lực, đó là: “Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao, cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để tham ô, tham nhũng; dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực. Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi”5.

Nghị quyết đề ra giải pháp kiểm soát quyền lực trong công tác xây dựng Đảng với 3 nội dung chính: (1) Rà soát hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn; (2) Kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức cán bộ yếu kém về trình độ, năng lực, phẩm chất, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu; (3) Trước mắt rà soát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong thực thi quyền lực.

Đồng chí Tổng Bí thư đã nhiều lần nhấn mạnh, để phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, phải có cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực trong tổ chức đảng và cơ quan nhà nước, phải “nhốt quyền lực vào trong lồng pháp luật”. Để tạo sự chuyển biến trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Đảng ta yêu cầu: “Tích cực đấu tranh phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy thật tốt trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”6.

Giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng

Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng với quyết tâm chính trị cao, trong đó tập trung vào một số nội dung giải pháp cơ bản để nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng:

Trước hết, phát huy mạnh mẽ, chủ động, tích cực huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn dân vào việc kiểm tra, giám sát quyền lực. Đây vừa là giải pháp cơ bản, vừa là định hướng xây dựng và thực thi cơ chế, chế tài đủ mạnh để các tổ chức bộ máy, các nhóm người, các cá nhân được giao quyền lực phải thực hiện đúng,  đủ, có trách nhiệm chức trách, nhiệm vụ được giao, không dám – không thể – không muốn lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực vì mục đích, lợi ích cá nhân.

Cuộc đấu tranh phòng, chống tha hóa quyền lực, kiểm soát quyền lực đòi hỏi quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, theo phương châm “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” tạo ra sức mạnh tổng hợp để thực hiện có hiệu quả cao nhất.

Hai là, kiểm soát quyền lực phải trên cơ sở kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, lấy xây là chính, chống phải kiên quyết, nghiêm minh và lấy chống để xây. Kiểm soát quyền lực không có “vùng cấm”, không loại trừ bất cứ đối tượng nào, ở bất kỳ cấp nào, giữ bất kỳ cương vị nào: nếu lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực vì lợi ích cá nhân, tham nhũng, “lợi ích nhóm” đều phải được kiểm tra, thanh tra, điều tra, xem xét, kết luận và xử lý nghiêm minh theo kỷ luật của Đảng và xử lý nghiêm hoặc truy tố theo pháp luật của Nhà nước. Bổ sung, hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước để có cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ và có chế tài xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực vì lợi ích cá nhân, vì “lợi ích nhóm”.

Ba là, đổi mới mạnh mẽ, toàn diện về công tác cán bộ, cải cách hành chính phải thật sự công khai, minh bạch. Đây là giải pháp quan trọng, là vấn đề “then chốt” để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền. Bởi, hệ thống quy chế, quy định đồng bộ, nhất quán là cơ sở bảo đảm cho công tác cán bộ thực hiện đúng nguyên tắc, quyền hạn; khắc phục biểu hiện tùy tiện của người đứng đầu trong quyết định các vấn đề liên quan đến cán bộ. Làm tốt hơn nữa công tác xây dựng và tổ chức cán bộ; thực hiện nghiêm Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật khác có liên quan nhằm xây dựng tổ chức, bộ máy và cán bộ thật sự trong sạch, vững mạnh, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và trình độ chuyên môn vững vàng. Tránh tình trạng chỉ lo công tác chuyên môn đơn thuần. Đồng thời, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo và lề lối làm việc của các cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Thời gian tới, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần tích cực triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính, tăng cường công khai, minh bạch, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Công tác tiếp nhận, xử lý, giải đáp, phản hồi những phản ánh, kiến nghị của người dân và đối thoại với các tầng lớp nhân dân được quan tâm. Tăng cường kiểm soát tài sản, thu nhập, chuyển đổi vị trí công tác, xử lý trách nhiệm người đứng đầu, thanh toán không dùng tiền mặt; sửa đổi, ban hành chế độ, định mức, tiêu chuẩn; cải cách chính sách tiền lương, thu nhập, nâng cao đời sống cán bộ, công chức, viên chức,… góp phần tích cực trong công tác đấu tranh PCTN.

Bốn là, tăng cường kiểm tra, giám sát để phòng ngừa, ngăn chặn sai phạm và xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham ô, tham nhũng. Đây vừa là giải pháp, vừa là yêu cầu công tác kiểm tra, kiểm soát quyền lực, giám sát, thanh tra, kiểm toán phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện và công khai, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực, về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đấu tranh chống tham nhũng phải gắn liền với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, các cấp ủy, tổ chức đảng cần xây dựng, thực hiện nghiêm kế hoạch kiểm tra, giám sát về công tác cán bộ. Về nội dung, phải hướng vào kiểm tra việc thực hiện quy trình, chấp hành các nguyên tắc, quy định trong thực hiện các khâu, các bước của công tác cán bộ; chú trọng kiểm tra, giám sát người đứng đầu, cơ quan chuyên trách trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Cuộc đấu tranh PCTN, chống tha hóa quyền lực, kiểm soát quyền lực đòi hỏi quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của Mặt trận Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, theo phương châm “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”, tạo ra sức mạnh tổng hợp để thực hiện có hiệu quả cao nhất. Bởi vậy, cần có cơ chế kiểm soát việc lạm dụng quyền lực. Cơ chế kiểm soát đó chính là do Hiến pháp và pháp luật quy định. Nhân dân mong muốn mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhà nước phải luôn tu dưỡng đạo đức cách mạng, hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân. Mặt khác, tổ chức đảng các cấp cũng cần chú trọng việc giáo dục cán bộ, đảng viên, thường xuyên giám sát để “trị bệnh lạm dụng quyền lực”, bảo đảm cho quyền lực luôn được sử dụng đúng mục đích, không bị lợi dụng, lạm dụng.

Chú thích:
1, 3. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII.  Tập II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 251 – 252, 252.
2, 4, 6. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII.  Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021,  tr. 92 – 93, 96, 241.
5. Vũ Lân. Lồng nhốt quyền lực, lồng nhốt tham vọng. Tạp chí Cộng sản, số 9/2015.
Tài liệu tham khảo:
1. Hiến pháp năm 2013.
2. Luật Cán bộ, công chức năm 2008.
3. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.
4. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019.
5. Lưu Văn Sùng. Các loại hình thể chế chính trị đương đại và những giá trị tham khảo cho Việt Nam. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2016.
6. Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.
Đại tá, PGS.TS. Trần Nam Chuân
Nguyên cán bộ Viện Chiến lược Quốc phòng – Bộ Quốc phòng