Các yếu tố ảnh hưởng tới năng lực của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long

(Quanlynhanuoc.vn) – Để phát huy tiềm năng, thế mạnh của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, việc phát triển năng lực cho đội ngũ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã – những người trực tiếp chỉ đạo, tổ chức thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm phát triển kinh tế – xã hội ở cơ sở, là vấn đề cần thiết và có tính thời sự trong giai đoạn hiện nay. Trước khi nghiên cứu các giải pháp để giải quyết căn cơ vấn đề này, việc đánh giá các yếu tố ảnh hưởng tới năng lực của Chủ tịch Ủy ban nhân nhân cấp xã ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là nhiệm vụ quan trọng.
Đồng bằng sông Cửu Long nhìn từ trên cao. Ảnh: daidoanket.vn.
Vài nét về đội ngũ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã khu vực đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong bảy vùng kinh tế của Việt Nam, gồm có 13 đơn vị hành chính trực thuộc trung ương. Đây là một trong những đồng bằng lớn, phì nhiêu nhất Đông Nam Á và thế giới. ĐBSCL còn là vùng đất quan trọng đối với Nam Bộ và cả nước trong phát triển kinh tế, hợp tác đầu tư và giao thương với các nước trong khu vực và thế giới.

Trong Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ĐBSCL bao gồm: 1 thành phố trực thuộc trung ương là thành phố Cần Thơ và 12 tỉnh, gồm: An Giang, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau.

Theo thống kê, ĐBSCL là vùng có tổng diện tích các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lớn nhất Việt Nam (40.547,2 km2) và có tổng dân số toàn vùng là 17.367.169 người1. ĐBSCL là một trong những đồng bằng màu mỡ trên thế giới với các điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế cả nước. Do đó, số lượng chủ tịch UBND cấp xã ở khu vực ĐBSCL đến năm 2019 là 1.290 người, trong đó: tỉnh có số lượng chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) xã nhiều nhất là Long An với 166 người; Bến Tre có 147 người; Cần Thơ có số lượng chủ tịch UBND cấp xã thấp nhất với 36 người. Số lượng chủ tịch UBND xã là nam chiếm phần lớn với số lượng vượt trội là 1.050 người, trong khi đó số lượng là nữ chỉ chiếm một con số khiêm tốn với 240 người. Số liệu này cho thấy sự vượt trội của nam giới trong vị trí này2.

Những yếu tố ảnh hưởng đến năng lực của chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã khu vực đồng bằng sông Cửu Long

Cũng như đội ngũ lãnh đạo, quản lý chủ chốt ở cấp cơ sở trong cả nước nói chung, đội ngũ chủ tịch UBND cấp xã ở khu vực ĐBSCL cũng có những yếu tố ảnh hưởng đến năng lực nói chung và yếu tố tác động mang tính đặc thù ở địa phương, khu vực tới năng lực nói riêng. Các yếu tố đó gồm:

Một là, xu hướng cải cách hành chính và hội nhập quốc tế mang tính tất yếu của các nước khu vực và trên thế giới. Những giá trị chung của hội nhập đòi hỏi mỗi quốc gia phải tự đổi mới để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững, trong đó hiện đại hóa khu vực công và nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước được xem là giải pháp căn bản. Thực tiễn này yêu cầu các nhà chính trị, quản lý quốc gia và đội ngũ chủ tịch UBND cấp xã cần thay đổi tư duy, cách thức quản lý và điều hành để bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước ở các cấp, các ngành phù hợp với đặc thù quốc gia và có sự tham khảo những giá trị thích hợp từ quốc tế.

Trong bối cảnh xây dựng nhà nước phục vụ, năng lực của chủ tịch UBND xã nói chung và ở khu vực ĐBSCL nói riêng cũng cần phải được hình thành để phù hợp với một nền hành chính đổi mới. Tính phục vụ của bộ máy hành chính cấp cơ sở ở các tỉnh của khu vực ĐBSCL càng được đặt ra một cách nghiêm túc và thiết thực hơn bởi dân cư ở đây có mức sống thấp, thu nhập và trình độ dân trí chưa cao.

Hai là, đặc thù phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Yếu tố này có ảnh hưởng trực tiếp đến việc định hình và xây dựng nên tiêu chuẩn năng lực của từng vị trí, nhất là vị trí chủ tịch UBND cấp xã, bao gồm những đặc thù về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, tôn giáo và vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên. Địa phương càng có nhiều đặc thù thì càng phải có sự khác biệt về yêu cầu quản lý, do đó, vị trí chủ tịch UBND xã cũng cần phải có những năng lực khác biệt để phù hợp với bối cảnh của địa phương đó. Ở khu vực ĐBSCL, các địa phương có nhiều dân tộc thiểu số, trong đó có 4 nhóm dân tộc chính là: dân tộc Kinh, Khơme, Hoa và Chăm, vì vậy, ngoài những năng lực về quản lý nhà nước, vị trí chủ tịch UBND cấp xã ở ĐBSCL còn cần một số năng lực khác mang tính đặc thù như: năng lực giao tiếp bằng ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số, năng lực quản lý về văn hóa phù hợp với cộng đồng dân tộc. Không những vậy, năng lực quản lý về kinh tế cũng cần phải vận dụng một cách hết sức đặc thù với vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, về điều kiện tự nhiên, ĐBSCL cũng đang phải đối diện với nhiều thách thức lớn, như: tác động của biến đổi khí hậu kèm theo nước biển dâng; tác động của thủy điện Mê Kông và những vấn đề nội tại của vùng. Mặc dù lợi thế là nằm ở một trong những nơi có lượng nước ngọt dồi dào nhất trái đất, nhưng chỉ trong vài thập niên phát triển nông nghiệp thâm canh, hệ thống sông ngòi ở ĐBSCL bị hủy hoại rất nhanh, đất đai bị bào mòn vì phân bón và nông dược. Dòng chảy bị nhiều công trình cản trở dẫn đến tích tụ ô nhiễm. Ngoài ra, tình trạng người dân chuyển sang sử dụng nước ngầm cũng gây nên tốc độ sụt lún càng nhanh… Chính những đặc thù này đòi hỏi đội ngũ những người đứng đầu chính quyền cấp cơ sở cần có những am hiểu về biến đổi khí hậu, điều kiện thổ nhưỡng, văn hóa và phương thức canh tác của người dân địa phương mới có thể quản lý hiệu quả.

Ba là, tốc độ và xu hướng phát triển của công nghệ thông tin. Trong cải cách hành chính, công nghệ thông tin góp phần tự động hóa, đơn giản hóa các quy trình, thủ tục hành chính, tạo ra phong cách lãnh đạo, phong cách làm việc mới, cải tiến hình thức cung cấp dịch vụ công theo hướng trực tuyến. Xu hướng này tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi để cho các cơ quan nhà nước ứng dụng một cách mạnh mẽ công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công. Đây là quá trình hiện đại hóa nền hành chính mang tính tất yếu. Nó làm thay đổi hoàn toàn cách thức quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công của bộ máy nhà nước nói chung và của chủ tịch UBND cấp xã nói riêng. Do đó, với chủ tịch UBND cấp xã ở khu vực ĐBSCL cũng cần bổ sung kiến thức, năng lực về công nghệ thông tin để bắt kịp xu thế và cải thiện năng suất làm việc trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Bốn là, quy định pháp lý về quản lý, sử dụng, đào tạo và đánh giá đối với chủ tịch UBND cấp xã. Để phát huy tối đa năng lực của đội ngũ chủ tịch UBND cấp xã, các cơ quan có thẩm quyền cần ban hành hệ thống các quy định liên quan đến quản lý đội ngũ cán bộ, công chức nói chung và đội ngũ chủ tịch UBND cấp xã nói riêng. Quy định về chế độ quản lý, sử dụng hợp lý sẽ mở đường và là động lực thúc đẩy tính tích cực, tài năng, sáng tạo, nhiệt tình, trách nhiệm của mỗi cá nhân chủ tịch UBND xã, song cũng có thể kìm hãm hoạt động, làm thui chột tài năng, sự sáng tạo, nhiệt tình trách nhiệm của họ. Đây là một trong những yếu tố thúc đẩy sự tận tâm, tận lực phục vụ Nhân dân cũng là động lực, điều kiện bảo đảm để đội ngũ chủ tịch UBND cấp xã phấn đấu nâng cao trình độ, năng lực trong việc hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

Tác động tới năng lực của đội ngũ chủ tịch UBND cấp xã nói chung và chủ tịch UBND cấp xã ở khu vực ĐBSCL có nhiều yếu tố, tuy nhiên, trên đây là các yếu tố cơ bản. Do đó, khi đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ chủ tịch UBND cấp xã ở ĐBSCL, cần quan tâm tới các yếu tố này để bảo đảm tính hợp lý và khả thi.

Một số giải pháp nâng cao năng lực cho đội ngũ chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã  khu vực đồng bằng sông Cửu Long

Thứ nhất, đội ngũ chủ tịch UBND cấp xã ở khu vực ĐBSCL cần tự ý thức nâng cao bản lĩnh chính trị và trau dồi kiến thức, trình độ, kỹ năng lãnh đạo, quản lý và xử lý công việc một cách khoa học, hiệu quả. Đặc biệt, trong thời kỳ hội nhập và tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, do đó, đây là cơ hội nhưng cũng là thử thách, đòi hỏi các chủ tịch UBND cấp xã ở khu vực ĐBSCL phải không ngừng rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng.

Với vai trò là người đứng đầu ở chính quyền cơ sở, chủ tịch UBND cấp xã ở khu vực ĐBSCL cần phải có trình độ, có tri thức ở diện rộng, đa ngành, lĩnh vực, có thể giải quyết được các thủ tục hành chính và cách giải quyết nhiều vấn đề rất khác nhau, trực tiếp nảy sinh ở chính quyền địa phương để có cách xử lý vấn đề một cách hiệu quả, hợp tình, hợp lý.

Thứ hai, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần xây dựng khung tiêu chuẩn đối với chủ tịch UBND cấp xã, bởi đội ngũ chủ tịch UBND cấp xã có vai trò quan trọng trong việc lãnh đạo, phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương và góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển chung của đất nước.

Việc nghiên cứu, xây dựng và áp dụng quản lý theo Khung năng lực đối với đội ngũ chủ tịch UBND cấp xã nhằm nâng cao chất lượng công tác cán bộ nói chung và chất lượng thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo cấp cơ sở nói riêng, đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Theo đó, các nhóm năng lực cụ thể có thể gồm: (1) Nhóm năng lực quản lý và phát triển bản thân theo xu thế hội nhập quốc tế; (2) Nhóm năng lực quản lý, điều hành theo thông lệ quốc tế; (3) Nhóm năng lực theo các quy định pháp luật hiện hành; (4) Nhóm năng lực chuyên môn, nghiệp vụ theo vị trí chức danh và nhóm năng lực gắn với đặc thù địa phương.

Thứ ba, đổi mới việc đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực quản trị hiện đại và ứng phó với biến đổi khí hậu cho đội ngũ chủ tịch UBND cấp xã ở khu vực ĐBSCL. Đội ngũ chủ tịch UBND cấp xã cần tự chủ động trau dồi kiến thức, trình độ, cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao kiến thức, trang bị kỹ năng, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu quản trị hiện đại và ứng phó với biến đổi khí hậu ở khu vực ĐBSCL. Đây cũng được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hiện nay đối với các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt trong bối cảnh thực hiện chuyển đổi số của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Công tác đào tạo, bồi dưỡng phải được đổi mới để giúp phát triển năng lực lãnh đạo, quản lý, năng lực thực thi công vụ của đội ngũ chủ tịch UBND cấp xã theo khung năng lực như đã được đề cập trên.

Cùng với đó, cần đào tạo, bồi dưỡng các kỹ năng theo nhu cầu với các kỹ năng xử lý tình huống trong lãnh đạo, quản lý ở địa phương, cơ sở, kỹ năng về quản trị điện tử, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ chủ tịch UBND cấp xã ở ĐBSCL.

Thứ tư, làm tốt công tác luân chuyển cán bộ để tăng khả năng thích ứng và thử thách năng lực bản thân đối với đội ngũ chủ tịch UBND cấp xã ở khu vực ĐBSCL. Với đội ngũ chủ tịch UBND cấp xã và những người được quy hoạch vào vị trí chức danh này ở khu vực ĐBSCL, cần chú trọng làm tốt công tác luân chuyển, tạo điều kiện để họ có cơ hội trưởng thành trong thực tiễn. Với những môi trường, điều kiện làm việc khác nhau ở cơ sở sẽ là điều kiện giúp cho họ phát huy được năng lực, sức sáng tạo của bản thân; đồng thời, cũng tránh được tình trạng xa rời thực tiễn.

Để tạo môi trường thử thách, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho đội ngũ chủ tịch UBND cấp xã và cán bộ nguồn được quy hoạch vào chức danh này cần thực hiện luân chuyển để đào tạo, bổ sung kiến thức lý luận và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn. Với những trường hợp có triển vọng phát triển được dự kiến bố trí vào chức vụ cao hơn thì có thể luân chuyển vào các chức danh cấp trưởng ở những địa bàn, lĩnh vực trọng yếu, có nhiều khó khăn, phức tạp. Đồng thời, cần thống nhất việc bố trí một số chức danh cán bộ chủ chốt cấp cơ sở không phải là người địa phương để tạo điều kiện khách quan trong rèn luyện, thử thách cán bộ.

Những kinh nghiệm từ hoạt động thực tiễn chính trị, quản lý, điều hành kinh tế – xã hội sẽ giúp cung cấp cho đội ngũ chủ tịch UBND cấp xã ở khu vực ĐBSCL những tri thức cần thiết về kinh tế, chính trị, xã hội, giúp họ bổ sung kiến thức lý luận và kinh nghiệm thực tiễn. Thông qua đó, còn giúp họ nêu cao được bản lĩnh chính trị, sẵn sàng đương đầu với các khó khăn, thử thách, phấn đấu cho lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Chú thích:
1. Đồng bằng sông Cửu Long. Tổng Cục Thống kê năm 2019.
2. Tổng cục Thống kê khảo sát Sở Nội vụ tỉnh Long An, Bến Tre, Cần Thơ năm 2019.
Tài liệu tham khảo:
1. Phạm Đi. Phát triển kỹ năng lãnh đạo – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn: Nghiên cứu trường hợp cán bộ chủ chốt cấp cơ sở là người dân tộc thiểu số ở tỉnh Đắk Lắk. H. NXB Lý luận chính trị, 2019.
2. Đoàn Phú Hưng. Xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở ở đồng bằng sông Cửu Long theo tư tưởng Hồ Chí Minh. H. NXB Thế giới, 2020.
3. Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 31/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 – 2020, tầm nhìn đến năm 2050.
Phan Thị Tuyết Minh
NCS tại Học viện Hành chính Quốc gia