Giải pháp ngăn chặn tình trạng “chảy máu chất xám” trong các doanh nghiệp nhà nước

(Quanlynhanuoc.vn) – “Chảy máu chất xám” trong doanh nghiệp nhà nước là một vấn đề đã diễn ra từ lâu, trong những năm gần đây, hiện tượng này không giảm mà ngược lại đang có xu hướng gia tăng ở một số tập đoàn kinh tế lớn thuộc khu vực nhà nước. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ những bất cập chưa được giải quyết triệt để, như: chế độ lương, thưởng chưa phù hợp; môi trường làm việc chưa hiện đại, thiếu chuyên nghiệp… Do vậy, đổi mới chính sách về tiền lương, thu nhập tạo lập môi trường làm việc hấp dẫn, tăng tính ràng buộc giữa doanh nghiệp với người lao động được xem là những giải pháp cần thiết để có thể đẩy lùi và ngăn chặn tình trạng “chảy máu chất xám” trong các doanh nghiệp nhà nước hiện nay.
Ảnh minh họa (internet).
Đặt vấn đề

Trong nền kinh tế nhiều thành phần ở Việt Nam hiện nay, kinh tế nhà nước (KTNN) được xác định là công cụ, lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng, điều tiết, dẫn dắt thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, khắc phục các khuyết tật của cơ chế thị trường. Do đó, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) với vai trò là bộ phận cấu thành quan trọng của thành phần KTNN cần được quan tâm phát triển. Với trọng trách tập trung vào những lĩnh vực then chốt, địa bàn quan trọng, quốc phòng –  an ninh nên các DNNN rất cần một đội ngũ lao động có trình độ chuyên môn cao, phẩm chất đạo đức tốt, xứng đáng là bộ phận then chốt trong giai cấp công nhân Việt Nam, bảo đảm vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân đối với xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, đội ngũ công nhân trong DNNN có xu hướng giảm mạnh và xuất hiện tình trạng một lượng lớn công nhân có trình độ cao di chuyển sang các khu vực kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Hiện tượng “chảy máu chất xám” này làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động của các DNNN nói riêng và vai trò “định hướng, điều tiết” nền kinh tế của thành phần KTNN nói chung.

Thực trạng và nguyên nhân của tình trạng “chảy máu chất xám” trong các doanh nghiệp nhà nước

Thời gian qua, hiện tượng này đã diễn ra ở một số tập đoàn lớn thuộc thành phần KTNN. Trong cuộc gặp gỡ, đối thoại của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với 90 công nhân lao động kỹ thuật cao diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh ngày 05/5/2019, Tổng Giám đốc hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, doanh nghiệp (DN) này đang phải đối diện gay gắt với nguy cơ “chảy máu chất xám” khi có tới 30% phi công của hãng chuyển sang làm việc cho các DN tư nhân. Điều đáng lưu ý ở đây là, hiện tượng “chảy máu chất xám” xảy ra ở bộ phận công nhân có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản và có quá trình tích lũy kinh nghiệm dày dặn1. Tình trạng này không chỉ diễn ra ở Vietnam Airline mà còn diễn ra ở các DNNN khác, như: Tập đoàn Than, khoáng sản Việt Nam; Tập đoàn Điện lực Việt Nam…

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, tình trạng này xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, so với thị trường lao động, mức lương bình quân của công nhân trong các DNNN không thấp hơn (ở một số DN còn cao hơn) mặt bằng chung của xã hội; nhưng vấn đề là ở chỗ, chính sách tiền lương của khu vực KTNN vẫn mang nặng tính bình quân, cào bằng. Lực lượng lao động chính, nhân sự giỏi không được trả lương xứng đáng với công sức họ đã bỏ ra. Tuy đã có cơ chế cho phép DNNN thí điểm chủ động trả lương theo cơ chế thị trường nhưng để giải được bài toán này không đơn giản vì chủ DN phải đảm nhiệm cả “hai vai”: vừa làm kinh tế, vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị. Trong khi đó, ở các DN thuộc khu vực kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, chủ DN được toàn quyền quyết định mức lương, thưởng của người lao động nên có lợi thế cạnh tranh cao hơn hẳn so với các DNNN về thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Thực tế này đã đẩy các DNNN rơi vào thế yếu trong “cuộc chiến” giữ chân công nhân có trình độ cao.

Thứ hai, lương chưa phải là yếu tố duy nhất dẫn đến tình trạng “chảy máu chất xám” trong DNNN mà môi trường làm việc cũng là một yếu tố không nhỏ khiến cho bộ phận công nhân có trình độ chuyên môn cao quyết tâm “chia tay” với DNNN chuyển sang làm việc ở các loại hình DN thuộc các khu vực kinh tế khác. Nhận thức rất rõ nguồn nhân lực chất lượng cao chính là chìa khóa để thành công nên các DN thuộc khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là ở khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đưa ra các chế độ đãi ngộ rất thỏa đáng, cộng với môi trường làm việc năng động, hiện đại, coi trọng năng lực người lao động nên tạo được sức hấp dẫn rất lớn đối với đội ngũ công nhân chất lượng cao. Điều này, không phải DNNN không ý thức được, nhưng do cơ chế, chính sách, các DNNN không thể chủ động như các DN thuộc khu vực kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Thứ ba, vấn đề sử dụng lao động, bố trí việc làm cho đội ngũ công nhân có trình độ chuyên môn cao chưa hợp lý. Họ chưa được tạo mọi điều kiện, cơ hội để phát triển và thăng tiến trong nghề nghiệp.

Trong tương lai, nếu các DNNN không có giải pháp “giữ chân người tài” thì xu hướng di chuyển này sẽ tiếp tục gia tăng và tất nhiên sẽ có những ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển của các DNNN và sẽ làm “lung lay” vai trò chủ đạo của KTNN.

Vấn đề đặt ra từ tình trạng “chảy máu chất xám” trong doanh nghiệp nhà nước

Trong Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) ngày 03/6/2017 về “hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, Đảng ta xác định: KTNN giữ vai trò chủ đạo… DNNN giữ vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của KTNN. Về nguyên lý, vai trò chủ đạo của KTNN không hoàn toàn phụ thuộc vào DNNN, bởi DNNN chỉ là một bộ phận của KTNN. Hiện nay, KTNN được cấu thành từ hai bộ phận cơ bản: (1) Bộ phận DN; (2) Bộ phận phi DN, bao gồm: đất đai, tài nguyên thiên nhiên, vùng trời, vùng biển, tư liệu sản xuất, ngân sách nhà nước, dự trữ quốc gia… Do đó, vai trò chủ đạo của KTNN không phải chỉ được quyết định bởi bộ phận công nhân trong các DNNN và cũng không có nghĩa là số lượng công nhân trong DNNN đông thì KTNN sẽ giữ được vai trò chủ đạo, còn số lượng công nhân ít thì KTNN sẽ mất vai trò chủ đạo.

Như vậy, có thể xem sự giảm về lượng của bộ phận công nhân trong DNNN là cần thiết và bình thường trong bối cảnh đổi mới, sắp xếp lại DNNN nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất – kinh doanh. Điều này cũng là bình thường khi chúng ta chủ trương tạo cơ hội cho tất cả các thành phần kinh tế cùng phát triển nhằm phát huy mọi nguồn lực để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tuy nhiên, để thực hiện tốt vai trò dẫn dắt phát triển các DN thuộc thành phần kinh tế khác thì các DNNN rất cần một đội ngũ công nhân có thể không nhiều, nhưng nhất thiết phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, năng động, thích ứng nhanh với sự biến đổi của khoa học, công nghệ và có khả năng đổi mới, sáng tạo, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Họ phải là những người đi đầu trong trong ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ; là tấm gương về năng suất, chất lượng và hiệu quả công việc. Chất lượng của bộ phận công nhân trong các DNNN là yếu tố quyết định không nhỏ đến sự thành bại trong quá trình thực hiện vai trò của các DNNN; bởi công nhân chính là nguồn lực “nội sinh” chi phối hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp này. Nhưng, hiện nay trên thực tế, các DNNN lại đang bị “chảy máu chất xám”, nguồn nhân lực chất lượng cao của khu vực kinh tế này đang tìm cách “chạy” sang các khu vực kinh tế khác có ưu đãi và môi trường làm việc tốt hơn.

Điểm khác biệt căn bản giữa bộ phận công nhân trong khu vực KTNN so với công nhân khu vực kinh tế tư nhân và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là họ được tổ chức chặt chẽ hơn, được giáo dục, rèn luyện, trưởng thành trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có ý thức giai cấp, có tinh thần dân tộc và ý thức tổ chức kỷ luật cao hơn. Họ chính là lực lượng nòng cốt, “hạt nhân” tiêu biểu cho đặc trưng của giai cấp công nhân Việt Nam. Do vậy, việc “chảy máu” nguồn nhân lực chất lượng cao ở khu vực KTNN sẽ dẫn đến suy giảm sức mạnh của loại hình DN này, và đương nhiên, vai trò chủ đạo của KTNN cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Nhìn chung, sự sụt giảm của bộ phận công nhân trong khu vực KTNN thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế là xu hướng tất yếu, không thể tránh khỏi. Hiện tượng này có thể xem là hoàn toàn bình thường trong xu thế cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế về lao động; cũng là hiện tượng bình thường trong quá trình đổi mới, sắp xếp lại hoạt động của các DNNN. Tuy nhiên, nếu việc di chuyển nơi làm việc của bộ phận công nhân có trình độ cao từ khu vực KTNN sang các khu vực kinh tế khác trở nên mất kiểm soát sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến vai trò “dẫn dắt phát triển các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác” của DNNN vì chất nào cũng phải được tạo nên bởi một lượng nhất định, lượng đổi, chất chắc chắn sẽ đổi.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc với doanh nghiệp nhà nước. Ảnh: baochinhphu.vn.
Một số giải pháp nhằm khắc phục tình trạng “chảy máu chất xám” trong khu vực kinh tế nhà nước

Trong cơ chế thị trường, vấn đề cạnh tranh nguồn nhân lực, đặc biệt đối với nhân lực chất lượng cao là điều tất yếu; việc người lao động di chuyển nơi làm việc từ DN này sang DN khác cũng là vấn đề khó tránh khỏi và xảy ra ở hầu hết các loại hình DN. Tuy nhiên, vấn đề này xảy ra ở các DNNN là điều mà chúng ta cần hết sức lưu tâm giải quyết, xuất phát từ chính vai trò, vị trí của bộ phận công nhân trong khu vực kinh tế này.

Trước hết, cần xác định “giữ chân” công nhân giỏi không phải là sách lược nhất thời mà là một vấn đề mang tính chiến lược. Vì vậy, các DNNN cần một hệ thống giải pháp mang tính đồng bộ, xuyên suốt quá trình phát triển của DN.

Một là, cải cách chính sách tiền lương trong các DNNN; thường xuyên quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của công nhân. Bởi, trong bối cảnh kinh tế thị trường khó tránh khỏi hiện tượng, người lao động nếu có cơ hội sẽ thay đổi nơi làm việc để nhận được mức lương cũng như những đãi ngộ xã hội tốt hơn. Vì thế, các DNNN cần đưa ra mức thu nhập mang tính cạnh tranh cao, xứng đáng với năng lực và công sức của người công nhân, mới có khả năng “giữ chân” được những công nhân giỏi.

Trên thực tế, cơ chế trả lương cho công nhân trong các DNNN còn rất nhiều bất cập. Mặc dù hiện nay, Nhà nước đã không còn can thiệp trực tiếp vào cách chi trả tiền lương của DN mà chỉ giám sát trên mức tổng tiền lương, đồng thời khuyến khích trả lương cao cho người tài. Tuy nhiên, tổng quỹ lương vẫn bị khống chế, cho nên DN dù hoạt động có lãi cao, năng lực tài chính tốt cũng khó chủ động, linh hoạt trong cơ chế trả lương cho công nhân, đây là nút thắt rất cần tháo gỡ. Do vậy, cải cách chính sách tiền lương trong DNNN là vấn đề cấp thiết, khách quan trong bối cảnh hiện nay.

Các cơ quan nhà nước cần khẩn trương xây dựng cơ chế, chính sách và có hướng dẫn cụ thể cho phép lãnh đạo DNNN được hoàn toàn chủ động về cơ chế, chính sách, mức lương, thưởng, chế độ đãi ngộ cho công nhân. Trước mắt, cần triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong DN. Bên cạnh đó, các DNNN cần công khai, minh bạch chế độ lương, thưởng, phúc lợi xã hội; bảo đảm phân chia thu nhập công bằng, bình đẳng theo nguyên tắc làm theo năng lực, hưởng theo lao động. Xóa bỏ hoàn toàn cơ chế lương, thưởng theo kiểu bình quân, cào bằng vì chính nó là yếu tố làm thui chột động lực phấn đấu của người lao động, gây tâm lý bất bình, bức xúc trong công nhân. Ngoài ra, DN cũng cần quan tâm đến các vấn đề thiết yếu khác của người công nhân, như: nhà ở, chỗ học tập, vui chơi cho con em công nhân, các hoạt động thể thao, sinh hoạt văn hóa văn nghệ…

Hai là, các DNNN cần xây dựng môi trường làm việc ổn định, có tính chuyên nghiệp cao. Lương là yếu tố quan trọng song mới là điều kiện cần, không phải là yếu tố duy nhất để “giữ chân” công nhân. Môi trường làm việc tốt mới là điều kiện đủ để công nhân gắn bó lâu dài với DN. Do vậy, các DNNN cần xây dựng một môi trường làm việc ổn định và có tính chuyên nghiệp cao để công nhân tin tưởng, yên tâm làm việc. Một trường làm việc tốt được đánh giá trên rất nhiều yếu tố nhưng phải bảo đảm được những yếu tố cơ bản sau: phải tạo được điều kiện tốt nhất để người công nhân phát huy tối đa năng lực của mình; coi trọng yếu tố con người; có văn hóa DN vững mạnh; có môi trường làm việc cởi mở, thân thiện trên tinh thần tập thể… Đây chính là những điều kiện hết sức căn bản, quan trọng để các DNNN “giữ chân” và thu hút được nhân tài.

Ba là, Chính phủ cần ban hành quy định về trách nhiệm đào tạo nguồn nhân lực của các DN và trách nhiệm của người công nhân tại các DNNN đặc thù. Hiện nay, vấn đề cạnh tranh nguồn nhân lực giữa các DN đang xảy ra tình trạng bất cập: bộ phận công nhân có trình độ cao được các DNNN tuyển về, sau đó cử đi đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn (quá trình này tốn kém rất nhiều thời gian và kinh phí của Nhà nước); thế nhưng sau học xong, bộ phận công nhân này lại chuyển sang làm việc trong khu vực kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, gây nên sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực KTNN.

Để tránh tình trạng này, Chính phủ cần ban hành quy định yêu cầu các DN, đặc biệt là DN thuộc khu vực kinh tế tư nhân và kinh tế vốn đầu tư nước ngoài cần phải có kế hoạch tự đào tạo, phát triển đội ngũ công nhân kỹ thuật cao của mình nếu muốn mở rộng hoạt động sản xuất – kinh doanh. Bên cạnh đó, Chính phủ cần sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến trách nhiệm của công nhân tại các DNNN đặc thù như: trước khi chấm dứt hợp đồng lao động cần báo trước với DN một khoảng thời gian đủ để DN có thể tuyển dụng nhân sự mới; phải có nghĩa vụ bồi hoàn kinh phí đào tạo khi muốn chuyển sang làm việc cho các DN khác.

Bốn là, bản thân mỗi người công nhân trong các DNNN cần nâng cao ý thức trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội nói chung và nhiệm vụ phát triển giai cấp công nhân Việt Nam nói riêng. So với bộ phận công nhân khu vực kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, công nhân trong khu vực KTNN không chỉ là lực lượng nòng cốt trong việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế – xã hội mà còn là lực lượng nòng cốt trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, bảo đảm giữ vững định hướng xã hội của nền kinh tế và bảo đảm giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng. Do đó, mỗi người công nhân trong DNNN cần ý thức rõ ràng nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, yên tâm công tác, phấn đấu xây dựng DNNN vững mạnh, thực sự trở thành bộ phận then chốt của KTNN.

Nguồn nhân lực chất lượng cao luôn là yếu tố then chốt, bảo đảm sự thành công của các DN. Do vậy, để hoàn thành trọng trách của mình, DNNN không thể xem nhẹ hiện tượng “chảy máu xất chám”. Sớm tìm ra nguyên nhân và các giải pháp nhằm giải quyết triệt để tình trạng này là việc làm quan trọng, cần thiết và thường xuyên mà các DNNN chú ý, nhất là trong bối cảnh có sự cạnh tranh rất “khốc liệt” về nguồn nhân lực chất lượng cao như hiện nay.

Chú thích:
1. Tổng Giám đốc Vietnam Airlines nói về đội ngũ phi công “nhảy việc”. Vietnam plus.vn, ngày 06/5/2019.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (lưu hành nội bộ). Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2017.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
3. Vũ Văn Phúc. Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nước ta: Lý luận và thực tiễn. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2017.
4. Nguyễn Quang Thuấn. Cải cách doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam sau 30 năm đổi mới: thực trạng và giải pháp. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2017.
TS. Nguyễn Thị Thu Hà
Trường Đại học Thương mại