Thành phố Cần Thơ đẩy mạnh chuyển đổi số

(Quanlynhanuoc) – Năm 2021, thành phố Cần Thơ được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá xếp thứ 7 trên cả nước về chuyển đổi số. Để chuyển đổi số thành công, thành phố đã có nhiều đổi mới, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, đổi mới hoạt động quản lý của bộ máy chính quyền, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Xây dựng kế hoạch chuyển đổi số của thành phố Cần Thơ

Thành phố Cần Thơ đã có nhiều chủ trương, giải pháp thực hiện quá trình chuyển đổi số (CĐS), cụ thể như: Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 04/8/2021 của Thành ủy Cần Thơ về CĐS thành phố Cần Thơ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 241/KH-UBND ngày 30/11/2021 của UBND thành phố ban hành về CĐS thành phố Cần Thơ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 3978/QÐ-UBND ngày 20/12/2021 về ban hành Danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung thành phố Cần Thơ; Kế hoạch số 49/KH-UBND ngày 07/3/2022 về CĐS năm 2022 trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Theo đó, thành phố đã có những chiến lược cụ thể nhằm thúc đẩy tiến độ CĐS liên quan đến lĩnh vực, ngành quản lý hiệu quả và thiết thực; hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT); xây dựng, nâng cấp các hệ thống dùng chung… nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ công (DVC), phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN).

Kiot lấy số thứ tự tại Bộ phận Một cửa huyện Phong Điền.

Về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hệ thống nền tảng và phát triển dữ liệu. Mạng truyền số liệu chuyên dùng thành phố được hoàn thiện và đã triển khai đến 100% xã, phường, thị trấn, các cơ quan Đảng, các tổ chức chính trị – xã hội thuộc thành phố với băng thông 100 Mbps bảo đảm an toàn, bảo mật. Tỷ lệ cơ quan, đơn vị có mạng nội bộ trên toàn thành phố đạt 100%. Trong năm 2021, thành phố đã phối hợp với Bộ Công an triển khai cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư; triển khai xây dựng nền tảng tích hợp dữ liệu; xây dựng kho dữ liệu dùng chung tích hợp sẵn sàng cho việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu. Ngoài ra, tại một số sở, ban, ngành, thành phố đã triển khai các phần mềm CSDL chuyên ngành phục vụ công tác chuyên môn, như: quản lý hộ tịch; quản lý công chứng trên địa bàn thành phố; quản lý giáo viên, học sinh; quản lý thuế; phần mềm quản lý hạ tầng bưu chính viễn thông trên địa bàn thành phố bằng GIS…

Công tác bảo đảm an toàn thông tin. Công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng ngày càng được quan tâm và chú trọng. UBND thành phố đã phê duyệt 53 hồ sơ đề xuất an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ theo Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ; triển khai xây dựng Trung tâm điều hành, giám sát an toàn, an ninh mạng thông qua việc thí điểm hệ thống cùng tập đoàn Viettel; nâng cấp các thiết bị an toàn thông tin tại Trung tâm dữ liệu; triển khai phần mềm phòng chống mã độc tập trung cho máy chủ, máy trạm của tất cả các cơ quan nhà nước. Các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện xây dựng quy chế theo các quy định về an toàn thông tin mạng, hạ tầng kỹ thuật CNTT của thành phố đã ban hành.

Một số kết quả đạt được

Phát triển chính quyền số phục vụ người dân và DN. Cổng DVC và hệ thống thông tin một cửa điện tử được nâng cấp đồng bộ cho tất cả các cơ quan hành chính nhà nước từ thành phố đến cấp huyện, cấp xã, bổ sung các tính năng và đã kết nối với cổng DVC quốc gia. Hiện tại, thành phố đã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 là 1.445 thủ tục. Từ tháng 01/2022 đến ngày 15/5/2022, tổng số hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 trên hồ sơ thực tế là 16.745/58.829, đạt 28,46%.

Phục vụ hoạt động nội bộ cơ quan nhà nước. Theo số liệu thống kê, từ thời điểm triển khai trục liên thông văn bản quốc gia, đến tháng 5/2022, số văn bản điện tử gửi, nhận thông qua trục liên thông văn bản thành phố đạt là 96%. Hiện tại có 1.849  chữ ký số (trong đó: 200 tổ chức, 1.649 cá nhân), 332 cá nhân đã được cấp SIM PKI để sử dụng trên các thiết bị di động.

Việc sử dụng chữ ký số được các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc trong phát hành các văn bản và tích hợp vào hệ thống quản lý văn bản, gửi nhận văn bản điện tử liên thông và phục vụ việc thanh toán điện tử qua hệ thống kho bạc nhà nước. Tỷ lệ văn bản điện tử được ký số đạt 96%.

Đoàn kiểm tra cải cách hành chính huyện Phong Điền

Phát triển kinh tế số (KTS) trong các DN, sản phẩm công nghệ số. Theo khảo sát, năm 2021 có khoảng 34 DN hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ số được thành lập mới, nâng tổng số DN công nghệ số trên địa bàn lên khoảng 628 DN. Tổng doanh thu nội địa chung của ngành tăng cao và đạt khoảng 4.785 tỷ đồng, doanh thu xuất khẩu vẫn duy trì tốc độ tăng, đạt khoảng 418,2 tỷ đồng. Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 895/QĐ-TTg ngày 09/6/2021 về việc thành lập khu CNTT tập trung thành phố Cần Thơ, thành phố đã tập trung mọi nguồn lực, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; đặc biệt quan tâm xây dựng các cơ chế chính sách phù hợp hỗ trợ, kêu gọi đầu tư, bảo đảm tính cạnh tranh để thu hút các DN lớn trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào khu CNTT tập trung. Hiện tại, đã có 5 DN Startup CNTT được thành lập trong khu FPT với hơn 160 lao động và doanh thu là 130,500 triệu đồng và doanh thu xuất khẩu 5 triệu USD.

Hỗ trợ phát triển thương mại điện tử (TMĐT). Năm 2021, thành phố Cần Thơ được xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố về TMĐT. Theo đó, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin đến các DN thực hiện đăng ký cung cấp dịch vụ TMĐT với Bộ Công Thương. Đẩy mạnh ứng dụng TMĐT tại các địa phương, hợp tác xã tham gia các sàn giao dịch trực tuyến, như: Tiki, Lazada, Voso, Sendo, Shopee, Postmart.vn,… Hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ hàng hóa nội địa.Thúc đẩy phát triển KTS nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn; tổ chức tập huấn cho các DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất – kinh doanh và hộ dân nhằm đưa các sản phẩm lên sàn TMĐT. Ngoài ra, thành phố đã phối hợp mời các DN tham dự hội nghị quốc tế về đẩy mạnh ứng dụng CNTT và CĐS trong xúc tiến xuất khẩu, kết hợp tổ chức giao lưu trực tuyến trên nền tảng số nhằm giúp DN có thêm các đầu mối khách hàng quốc tế.

Bên cạnh đó, UBND thành phố Cần Thơ đã ban hành Quyết định số 1299/QĐ-UBND ngày 15/4/2022 phê duyệt Chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa tham gia CĐS thành phố Cần Thơ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu hỗ trợ các DN nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố tham gia CĐS nhằm tối ưu hóa hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất, năng lực quản trị DN, gia tăng lợi thế cạnh tranh. Từ đó góp phần phát triển KTS và CĐS theo chủ chương của thành phố. Đặc biệt, thành phố đã phối hợp với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam xây dựng sàn TMĐT với trang wed: chonongsancantho.vn để đưa vào triển khai thực hiện và xây dựng Cổng Thông tin TMĐT Sở Công Thương Cần Thơ.

Phát triển xã hội số hỗ trợ người dân tham gia CĐS. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, học sinh, sinh viên và du khách tại các điểm khu vui chơi, thư viện, điểm du lịch, bệnh viện… được tiếp cận nhanh các thông tin chính thống của thành phố, các DVC và các dịch vụ khác của chính quyền số, mạng wifi công cộng trên địa bàn thành phố đã triển khai với tổng cộng là 32 điểm với 254 đầu phát và mạng cáp quang đã phủ kín 83/83 xã, phường, thị trấn. Chất lượng dịch vụ điện thoại và tốc độ internet luôn được bảo đảm phù hợp các chỉ tiêu đã công bố của DN theo quy định và duy trì ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu thông tin liên lạc, truy cập internet và các dịch vụ có liên quan của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố. Tổng số thuê bao internet trên 1 triệu, mật độ thuê bao internet đạt tỷ lệ 95 thuê bao/100 dân. Đồng thời, phủ sóng truyền hình số mặt đất tới 100% dân cư, bảo đảm hầu hết các hộ dân có thể xem được các chương trình truyền hình quảng bá.

Phát triển nguồn nhân lực CĐS. Thành phố hiện có 6 trường đại học, trong đó có 5 trường đào tạo về CNTT, viễn thông. Đây là điều kiện thuận lợi để thành phố đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao kiến thức, trình độ CNTT cho đội ngũ cán bộ, công chức với nhiều hình thức, như: tổ chức lớp, hướng dẫn trực tiếp và từ xa qua mạng về kỹ năng quản lý CNTT. Hơn 90% cơ quan nhà nước cấp thành phố có công chức phụ trách CNTT với trình độ chuyên môn tin học; trong đó cán bộ có bằng đại học, sau đại học về CNTT chiếm hơn 80%, là nền tảng quan trọng để quản lý và phát triển chính quyền số tại thành phố trong thời gian tới.

Công chức xã Trường Long hỗ trợ người dân điền thông tin vào máy tính. 

Ngoài ra, UBND thành phố Cần Thơ và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam ký Thỏa thuận hợp tác xây dựng thành phố phát triển thành đô thị thông minh giai đoạn 2016 -2025; ký Biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội về phát triển đô thị thông minh. Trong thời gian qua, 2 tập đoàn trên đã hỗ trợ thành phố triển khai thí điểm Trung tâm điều hành đô thị thông minh và các dịch vụ đô thị thông minh, hỗ trợ trong triển khai chính quyền điện tử và ứng dụng CNTT trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, thành phố đã và đang thực hiện ứng dụng công nghệ Blockchain vào truy xuất nguồn gốc nông sản giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, thực hiện mua sắm online, nắm bắt thông tin thị trường.

Một số nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số của thành phố Cần Thơ thời gian tới

Một là, thực hiện kế hoạch CĐS theo Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 04/8/2021 và Kế hoạch số 241/KH-UBND ngày 30/11/2021 của UBND thành phố ban hành về CĐS thành phố Cần Thơ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và DN ngày càng tốt hơn, bảo đảm người dân có thể tiếp cận, sử dụng dịch vụ mọi lúc, mọi nơi trên nhiều phương tiện khác nhau; sử dụng dữ liệu số và các công cụ phân tích thông minh để đưa ra chính sách chính xác, kịp thời; cung cấp dữ liệu mở có thể truy cập, sử dụng dễ dàng và bảo đảm an toàn thông tin mạng. Ðổi mới hoạt động sản xuất – kinh doanh của DN, phương thức sống, làm việc của người dân trong môi trường số an toàn.

Hai là, tăng cường công tác kiểm tra, thông tin, tuyên truyền về công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng toàn diện triển khai cải cách hành chính tại cơ quan hành chính nhà nước các cấp đáp ứng yêu cầu của giai đoạn hiện nay. Trong đó, chú trọng xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số theo phương châm hành động và phục vụ theo Quyết định số 4168/QĐ-UBND ngày 27/12/2021 của UBND thành phố Cần Thơ về ban hành kế hoạch cải cách hành chính thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021 – 2025.

Ba, xây dựng tài liệu hướng dẫn về CĐS giúp DN nắm được lộ trình, phương pháp thực hiện và các giải pháp phục vụ cho CĐS; tập huấn cho các cán bộ hỗ trợ DN, các DN về kiến thức, kỹ năng tham gia CĐS; hình thành mạng lưới tư vấn CĐS cho các DN nhằm giải đáp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình CĐS.

Bốn là, Sở Thông tin và Truyền thông cần hoàn chỉnh kế hoạch CĐS của thành phố năm 2022; theo dõi, đôn đốc, phối hợp và hỗ trợ các ngành, địa phương trong triển khai thực hiện kế hoạch CĐS. Ngoài ra, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật CNTT, triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng; các nền tảng CNTT quan trọng dùng chung cho các cơ quan nhà nước để thực hiện CĐS, thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông cho phát triển xã hội số.

Năm, Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành tham mưu xây dựng và triển khai Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Với mục tiêu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của lãnh đạo và cán bộ của các cơ quan, tổ chức, DN để thúc đẩy thực hiện CĐS. Phổ cập kỹ năng số cho các đối tượng tham gia vào quá trình CĐS quốc gia. Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và phát triển nguồn nhân lực CĐS trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.

Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo chuyển đổi số thành phố Cần Thơ năm 2021.
2. Báo cáo công tác cải cách hành chính thành phố Cần Thơ 6 tháng đầu năm 2022.
3. Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 04/8/2021 của Thành ủy Cần Thơ về chuyển đổi số thành phố Cần Thơ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
4. Kế hoạch số 241/KH-UBND ngày 30/11/2021 của UBND thành phố ban hành về chuyển đổi số thành phố Cần Thơ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
5. Quyết định 3978/QÐ-UBND ngày 20/12/2021, của UBND thành phố Cần Thơ về ban hành danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung thành phố Cần Thơ.
6. Quyết định số 248/QĐ-UBND ngày 29/01/2021 phê duyệt nâng cấp Kiến trúc chính quyền điện tử thành phố Cần Thơ lên phiên bản 2.0.
7. Quyết định số 1299/QĐ-UBND ngày 15/4/2022 của UBND thành phố Cần Thơ phê duyệt Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuyển đổi số thành phố Cần Thơ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
ThS. Phan Anh Hồng
Học viện Hành chính Quốc gia