Mạng lưới các trường chính phủ của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD)

(Quanlynhanuoc.vn) – Mạng lưới các trường chính phủ của OECD là một mạng lưới rộng khắp thế giới, bao gồm các trường chính phủ, viện nghiên cứu và các cơ sở đào tạo đóng vai trò là cơ quan tư vấn và truyền bá kiến thức cho công việc của Ủy ban Quản lý công và Phát triển lãnh thổ của OECD.
Ảnh minh họa (internet)
Giới thiệu

Cộng đồng hành chính và quản trị trên thế giới ngày càng tin rằng, khu vực công hoạt động hiệu lực, hiệu quả là yếu tố cần thiết để kích thích tăng trưởng kinh tế và phúc lợi xã hội. Theo xu thế đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) kêu gọi hỗ trợ mạnh mẽ việc xây dựng năng lực của khu vực công để bảo đảm đáp ứng các chính sách được chính phủ các nước ưu tiên phát triển.

Để đạt được mục tiêu này, OECD đã tập hợp các trường chính phủ của các quốc gia thành Mạng lưới các trường chính phủ toàn cầu nhằm cung cấp khả năng tiếp cận trực tiếp với các chuyên gia về quản trị và hành chính của OECD, cho phép trao đổi kinh nghiệm thực tiễn giữa các trường để bảo đảm các nhân viên khu vực công có đủ kỹ năng và năng lực để giải quyết các vấn đề được chính phủ nước mình ưu tiên phát triển trong hiện tại và tương lai.

Đặc biệt, Mạng lưới các trường chính phủ của OECD là một mạng lưới rộng khắp thế giới, bao gồm các trường chính phủ, viện nghiên cứu và các cơ sở đào tạo đóng vai trò là cơ quan tư vấn và truyền bá kiến thức cho công việc của Ủy ban Quản lý công và Phát triển lãnh thổ của OECD.

Mạng lưới sẽ hướng tới mục tiêu hỗ trợ các quốc gia trong việc bảo đảm tính bền vững của cải cách khu vực công thông qua: (1) Tăng cường mối liên kết giữa đối thoại chính sách quốc tế và nỗ lực nâng cao năng lực dịch vụ công quốc gia. (2) Cung cấp thông tin cho đối thoại chính sách của OECD với các kinh nghiệm thực tiễn tốt được triển khai. (3) Hỗ trợ trao đổi giữa các trường chính phủ quốc gia về các ưu tiên chính sách hiện tại cũng như xây dựng năng lực, thực hiện chính sách và nhu cầu nghiên cứu.

Hoạt động của Mạng lưới được điều hành và giám sát của Ban Chỉ đạo, bao gồm: đại diện của các trường hành chính, chính phủ của các quốc gia, hiệp hội các trường hành chính công và các hiệp hội quốc tế, khu vực. Chủ tịch của Mạng lưới các trường và các thành viên của Ban Chỉ đạo được chỉ định định kỳ sáu tháng một lần.

Hoạt động chính của Mạng lưới các trường chính phủ của OECD

Một là, tạo ra một cộng đồng hành nghề chuyên nghiệp: thông qua việc thiết lập một nền tảng OECD trực tuyến để tạo điều kiện cho việc chia sẻ thông tin về các tiêu chuẩn quốc tế, chính sách, điểm chuẩn cung cấp dịch vụ và dữ liệu so sánh trên toàn bộ các nước thành viên OECD; các nỗ lực và nhu cầu xây dựng năng lực hiện tại trong các lĩnh vực ưu tiên. Theo đó, nền tảng này sẽ cung cấp quyền truy cập miễn phí vào các tài liệu chính sách và tiêu chuẩn của OECD. Đối tác sẽ được nhận miễn phí bản sao của tất cả ấn phẩm nghiên cứu mới và tài liệu chính sách trong lĩnh vực quản trị và quản lý.

Các quốc gia được mời tích hợp tài liệu nghiên cứu chính sách của OECD vào chương trình giảng dạy hay các mô-đun đào tạo và nghiên cứu của họ. Nền tảng này cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các quốc gia tham gia vào các hoạt động thu thập dữ liệu của OECD, đánh giá quản trị công và các công việc khác của OECD.

Hai là, điều phối các đối thoại chính sách: kết nối OECD và các chuyên gia từ các trường chính phủ của các quốc gia để chia sẻ kinh nghiệm và bí quyết của họ, thảo luận về các vấn đề mới nổi và cùng xác định các giải pháp khả thi trong thực hiện cải cách chính sách cũng như tăng cường năng lực của khu vực công.

Ba là, đối thoại giữa các trường chính phủ và OECD: các đối tác sẽ được mời tham dự cuộc họp thường niên của Mạng lưới các trường do các tổ chức đối tác hoặc OECD đăng cai.

Bốn là, đối thoại giữa các nhà hoạch định chính sách quốc tế và các trường chính phủ: mạng lưới có thể thúc đẩy các liên kết của OECD với cộng đồng các nhà hoạch định chính sách để điều phối các đối thoại chính sách giữa các trường chính phủ và các nhà hoạch định chính sách quốc gia về các vấn đề quan trọng, bao gồm cả việc OECD tham gia vào các sự kiện quốc gia hoặc các mô-đun đào tạo.

Năm là, hợp tác giữa các trường: mạng lưới sẽ tạo cơ hội để hợp tác phát triển các hội nghị, hội thảo và hội thảo chuyên đề về lợi ích chung – có thể do các tổ chức đối tác hoặc OECD đăng cai. Mạng lưới này cũng sẽ bổ sung cho các mạng lưới khác bằng cách tập trung vào các lĩnh vực chính sách được ưu tiên chính do chính phủ và các trường xác định, OECD sẽ đóng vai trò quan trọng bằng cách đóng góp bằng chứng so sánh quốc tế (chẳng hạn loạt bài tổng quan về các chính phủ thuộc OECD) và các tiêu điểm cho các cuộc thảo luận.

Theo dõi và đánh giá liên tục việc xây dựng năng lực hiện tại và phát triển kỹ năng

Mạng lưới đề xuất các lĩnh vực ưu tiên, gồm: (1) Tiến hành những đổi mới tiên tiến trong khu vực công; (2) Tăng cường sự tham gia của nhân viên (động lực) và lãnh đạo; (3) Chính phủ cởi mở, trong sạch và có trách nhiệm trong việc khôi phục lòng tin; (4) Tác động của công nghệ đến quản trị, quá trình ra quyết định của khu vực công và năng lực chủ chốt của công chức; (5) Các chiến lược nâng cao năng suất và hiệu quả của dịch vụ công; (6) Đánh giá và đo lường hiệu suất; (7) Các yếu tố hỗ trợ chiến lược để thúc đẩy hoạt động của chính phủ và trách nhiệm giải trình.

Hiện nay, Mạng lưới có hơn 80 thành viên, chi tiết thành viên có thể tham khảo tại địa chỉ: https://www.oecd.org/gov

Hợp tác trong nghiên cứu và các hoạt động cụ thể của quốc gia

Các tổ chức tham gia vào các hoạt động và nghiên cứu nâng cao năng lực khu vực công đều có thể trở thành thành viên của Mạng lưới, bao gồm các trường, học viện chính phủ của các quốc gia, viện, học viện, trường hành chính công, hiệp hội các trường hành chính công và các hiệp hội quốc tế, khu vực. Mọi thành viên của Mạng lưới đều có thể tham gia vào nền tảng trực tuyến dành cho thành viên. Nền tảng này cung cấp quyền truy cập miễn phí vào các tài liệu chính sách và tiêu chuẩn của OECD. Các thành viên được khuyến khích chia sẻ thông tin về các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ và chính sách, dữ liệu so sánh cũng như các nỗ lực xây dựng năng lực hiện tại. Đồng thời, nền tảng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các quốc gia tham gia vào các hoạt động thu thập dữ liệu của OECD, đánh giá quản trị công và các công việc khác của OECD.

Mạng lưới các trường chính phủ của OECD cũng đã xuất bản một số ấn phẩm, đó là: “Xây dựng năng lực và tạo động lực cho nhân viên vì mục tiêu phát triển bền vững”- chủ đề cuộc họp thường niên lần thứ 6 của Mạng lưới tại Hàn Quốc từ ngày 13/9 – 14/9/2018; “Làm việc qua các mạng lưới trong thời đại siêu kết nối” – chủ đề cuộc họp thường niên lần thứ 7 của Mạng lưới tại Hàn Quốc từ ngày 31/10 – 01/11/2019; “Lãnh đạo để xây dựng một nền công vụ hiệu quả cao – Hướng tới hệ thống công vụ cấp cao ở các nước OECD”- tài liệu làm việc của OECD về quản trị công, số 40, ngày 23/9/2020.

Tài liệu tham khảo:
1. OECD. https://www.oecd.org

ThS. Đỗ Hoàng Mai
Học viện Hành chính Quốc gia