Kinh nghiệm của một số quốc gia trong thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa – giá trị tham khảo cho Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, hệ thống này vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình phát triển, như: quy mô nhỏ, thiếu vốn và khó tiếp cận nguồn vốn, trình độ công nghệ còn lạc hậu, khả năng quản trị doanh nghiệp yếu, thiếu nguồn nhân lực có trình độ cao, thiếu mặt bằng để phát triển sản xuất – kinh doanh, đại bộ phận chưa quan tâm đến xây dựng thương hiệu, khó liên kết để tạo thế mạnh chung… Bài viết nghiên cứu, tìm hiểu về kinh nghiệm của một số quốc gia ở châu Á trong việc thực hiện chính sách phát triển đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, từ đó có thể là những gợi ý giá trị tham khảo cho Việt Nam. 
Ảnh minh họa (internet).
Kinh nghiệm của Trung Quốc

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) ở Trung Quốc có vai trò chiến lược đối với sự phát triển của nền kinh tế.Với số lượng DNNVV chiếm trên 99% tổng số doanh nghiệp (DN), hiện tại Trung Quốc có khoảng 30 triệu DNNVV. Hệ thống DN này đóng góp trên 60% tổng sản phẩm quốc dân, trên 60% kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho hơn 80% lao động thành thị và trên 70% lao động khu vực nông thôn1. Các chính sách phát triển DNNVV ở Trung Quốc được dựa trên cơ sở tôn trọng các yêu cầu khách quan và các quy luật kinh tế, như: phải căn cứ vào quy mô kinh tế hợp lý để tổ chức sản xuất; các DNNVV cần được đầu tư với kỹ thuật và kỹ năng quản trị hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm và chất lượng quản lý; các DNNVV cần linh hoạt để phù hợp với thị trường, tránh sự trùng lặp và tình trạng dư thừa và các DN lớn vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, sự phát triển của các DN này sẽ kéo theo sự tăng trưởng của các DNNVV.

Về chính sách phát triển: lĩnh vực trọng điểm của phát triển các DNNVV ở Trung Quốc là mở rộng việc làm và tập trung vào khu vực dịch vụ. Dịch vụ gần với quần chúng và trực tiếp phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt, do vậy, DNNVV có ưu thế hơn trong lĩnh vực dịch vụ. Đặc điểm của kinh doanh dịch vụ ở các địa phương không giống nhau. Hai lĩnh vực chính phát triển dịch vụ là buôn bán nhỏ và ăn uống rất tương ứng với sức tăng tiêu dùng. Bên cạnh đó, quy mô và không gian phát triển dịch vụ của các DNNVV rất lớn, ngoài ra còn những ngành khác như dịch vụ gia đình, bảo vệ môi trường, du lịch, in ấn, giải trí văn phòng. Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng Trung Quốc, riêng lĩnh vực phục vụ gia đình và phục vụ công cộng nếu có chính sách điều tiết tốt sẽ có thể tạo được 11 triệu công ăn việc làm.

Hiện nay, Trung Quốc đang xúc tiến thành lập Ủy ban kinh tế mậu dịch quốc gia trực tiếp thuộc Ủy ban DNNVV. Đây chính là đầu mối để giải quyết tốt mối quan hệ giữa chính quyền và DN, có trách nhiệm tư vấn, giúp đỡ bồi dưỡng lao động cho các DNNVV, nhưng không được can thiệp vào các hoạt động kinh doanh như đầu tư, kinh doanh, sản xuất, tiêu thụ của các DNNVV.

Chính sách hỗ trợ nguồn vốn cho phát triển các DNNVV: đây là một trong những trọng tâm trong chính sách và chiến lược phát triển các DNNVV của Trung Quốc, được thực hiện thông qua việc thành lập các quỹ hỗ trợ DN. Trước tình hình khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn của các DNNVV, từ năm 2010, Chính phủ Trung Quốc đã thành lập một quỹ 10,98 tỷ Nhân dân tệ (NDT) từ ngân sách trung ương. Ngoài ra, Chính phủ còn thành lập một quỹ đặc biệt gọi là “quỹ xanh” trị giá 10,6 tỷ NDT dành riêng cho các DNNVV trong việc đổi mới công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng và cắt giảm khí thải các-bon.

Chính sách hỗ trợ tín dụng: được thực hiện trong bối cảnh DN khó tiếp cận nguồn vốn do lãi suất cao. Hỗ trợ tín dụng được thực hiện dưới các hình thức, như: cung cấp bảo lãnh tín dụng, cho vay trực tiếp và hỗ trợ lãi suất. Trong giai đoạn 2008 – 2009, Trung Quốc đã bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV khoản tín dụng 1 tỷ NDT. Từ năm 2010 đến nay, trong bối cảnh lạm phát tăng cao và tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành Nghị định về việc bảo lãnh tín dụng cho các DN xuất khẩu, trong đó quy định các DNNVV thuộc lĩnh vực này sẽ được tiếp cận các khoản vay ngắn hạn tại các ngân hàng thương mại với lãi suất do ngân hàng trung ương quy định. Năm 2011, Chính phủ Trung Quốc đã thông qua một chương trình hỗ trợ lãi suất cho DNNVV với mức hỗ trợ khoảng 2%, qua đó giảm áp lực về chi phí vay vốn cho các DNNVV trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, Chính phủ còn thực hiện chính sách cho vay trực tiếp từ Chính phủ đối với các DNNVV gặp khó khăn trong bối cảnh thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt2.

Chính sách thuế nhằm hỗ trợ DN trong lĩnh vực xuất khẩu: từ tháng 11/2010 đến nay, Chính phủ Trung Quốc thực hiện hoàn thuế VAT cho các DN xuất khẩu.

Phát triển thị trường trái phiếu DN: nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN, Trung Quốc đã tiến hành đẩy mạnh một loạt các cải cách liên quan đến hoàn thiện và phát triển thị trường trái phiếu DN, cho phép các DNNVV tiếp cận vốn trên thị trường trái phiếu, như cho phép DNNVV tiến hành liên kết với một ngân hàng hay một DN có hạng tín nhiệm cao đứng ra bảo lãnh phát hành trái phiếu hay còn gọi là trái phiếu liên kết (trái phiếu hợp nhất), chính sách này giúp các DNNVV thuận lợi trong tiếp cận được thị trường vốn.

Kinh nghiệm của Nhật Bản

Nhật Bản là nền kinh tế lớn với hàng ngàn tập đoàn kinh tế, công ty đa quốc gia hoạt động trong và ngoài lãnh thổ quốc gia này. Song, khu vực DNNVV vẫn có vai trò quan trọng được coi là lực lượng không thể thay thế ngay cả hiện tại và trong tương lai. Theo số liệu thống kê đến cuối năm 2010, DNNVV ở Nhật chiếm đến 99% trong tổng số DN, thu hút 39 triệu lao động chiếm 80% lực lượng lao động làm việc cho các DN. Thu nhập của khu vực kinh tế này chiếm 99,1% tổng thu nhập bán buôn và 99,8% tổng thu nhập bán lẻ. Các đặc trưng của các DNNVV của Nhật Bản đáng chú ý là các DN này hoạt động như là vệ tinh của các DN lớn, nhận thầu lại công việc của những DN lớn. Các DN được tổ chức theo các giai tầng DN mẹ (tập đoàn), DN con, trong đó các DN con có sự gắn bó mật thiết, lâu dài, có hợp đồng dài hạn, liên tục với DN mẹ.

Các DNNVV ở nước này phần lớn thuộc các ngành nghề truyền thống nhưng luôn luôn có sự kết hợp giữa những tính cách truyền thống dân tộc với kỹ thuật, công nghệ hiện đại. Số lượng DNNVV thường biến động, nhưng xu hướng số lượng DN loại này ngày càng tăng. Trong từng thời kỳ phát triển của nền kinh tế đất nước, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành nhiều chính sách phát triển khu vực DNNVV. Những thay đổi về chính sách nhằm đặt khu vực DNNVV vào vị trí phù hợp nhất và khẳng định tầm quan trọng của nó trong nền kinh tế. Xét một cách tổng quát, các chính sách phát triển DNNVV của Nhật Bản tập trung vào các mục tiêu chủ yếu sau đây: (1) Thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển của DNNVV; (2) Tăng cường lợi ích kinh tế và xã hội của các DN và người lao động tại các DNNVV; (3) Khắc phục những bất lợi mà các DNNVV gặp phải; (4) Hỗ trợ tính tự lực của các DNNVV.

Các chính sách hỗ trợ các DNNVV của Nhật được phân thành hai nhóm chính: một là, hỗ trợ tăng cường năng lực kinh doanh của các DNNVV; hai là, hỗ trợ cho việc thay đổi cơ cấu DN. Từ năm 1980, Liên đoàn DN nhỏ được thành lập, với chức năng chính là thực hiện toàn bộ các chính sách giúp đỡ DNNVV thông qua thúc đẩy việc hiện đại hóa và nâng cấp cơ cấu DNNVV, nâng cao khả năng của DNNVV nhờ phát triển công nghệ kỹ thuật; giúp đỡ DNNVV trong các nỗ lực hoạt động kinh doanh quốc tế, giúp DNNVV đào tạo nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, Liên đoàn các DN nhỏ còn thực hiện các chức năng sau: Hướng dẫn và tài trợ cho các dự án nâng cấp DN; đào tạo cán bộ công nhân tại Học viện quản lý và công nghệ DNNVV; cung cấp dịch vụ thông tin, nâng cấp kỹ thuật và hỗ trợ cho việc quốc tế hóa của DNNVV; điều hành hệ thống hỗ trợ lẫn nhau của các DN nhỏ; điều hành hệ thống hỗ trợ lẫn nhau nhằm ngăn chặn phá sản trong các DNNVV.

Nội dung của chính sách hỗ trợ DNNVV của Chính phủ Nhật Bản được thể hiện ở một số nội dung sau:

– Cải cách pháp lý: Luật cơ bản về DNNVV được ban hành năm 1999 hỗ trợ cho việc cải cách cơ cấu để tăng tính thích nghi của DNNVV với những thay đổi của môi trường kinh tế – xã hội; tạo tính thuận lợi cho việc tái cơ cấu DN. Các luật tạo thuận lợi cho thành lập DN mới và hỗ trợ DNNVV đổi mới trong kinh doanh, khuyến khích mạnh mẽ việc thành lập các DN mới, tăng nguồn cung ứng vốn rủi ro, trợ giúp về công nghệ và đổi mới. Luật Xúc tiến các hệ thống phân phối có hiệu quả ở DNNVV hỗ trợ trong lĩnh vực bán lẻ thông qua công nghệ thông tin và xúc tiến các lĩnh vực bán hàng. Hệ thống hỗ trợ cũng được thiết lập nhằm hạn chế sự phá sản của các DNNVV.

– Hỗ trợ về vốn vay: hỗ trợ có thể dưới dạng các khoản cho vay thông thường với lãi suất cơ bản hoặc các khoản vay đặc biệt với những ưu đãi theo các mục tiêu chính sách. Hệ thống hỗ trợ tăng cường cơ sở quản lý các DNNVV ở từng khu vực, các khoản vay được thực hiện tùy theo từng điều kiện của khu vực thông qua một quỹ được góp chung bởi chính quyền trung ương và các chính quyền địa phương và được ký quỹ ở một thể chế tài chính tư nhân. Kế hoạch cho vay nhằm cải tiến quản lý của các DN nhỏ được áp dụng với các DN không đòi hỏi phải có thế chấp hoặc bảo lãnh; hệ thống bảo lãnh tín dụng nhận bảo lãnh cho các DNNVV vay vốn tại các thể chế tài chính tư nhân. Còn Hiệp hội bảo lãnh tín dụng có chức năng mở rộng các khoản tín dụng bổ sung và bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV. Hệ thống bảo lãnh đặc biệt, đã hoạt động từ năm 1998, có chức năng như một mạng lưới an toàn, nhằm giảm nhẹ những rối loạn về tín dụng và góp phần làm giảm các vụ phá sản của DNNVV.

 – Củng cố và phát triển nguồn cung tài trợ cho DNNVV bằng các biện pháp, như: Chính phủ cho vay trực tiếp, chủ yếu là các khoản vay dài hạn không có lãi hoặc lãi suất rất thấp để nâng cao trình độ công nghệ, phương tiện hiện đại phục vụ sản xuất kinh doanh. Cho vay thông qua các cơ quan hỗ trợ của Chính phủ, các tổ chức tài chính công liên quan đến hỗ trợ phát triển DNNVV như Hội đồng tài chính DNNVV, Hội đồng tài chính nhân dân, Ngân hàng trung ương của các hợp tác xã thương mại và công nghiệp.

– Củng cố và phát triển các tổ chức tài chính chuyên doanh của khu vực kinh tế tư nhân để phục vụ cấp vốn cho DNNVV: kết hợp với các tổ chức tài chính công tổ chức tài chính chuyên doanh này tăng khả năng tiếp cận vốn cho DNNVV. Kết quả đã thành lập hơn 862 tổ chức tài chính phục vụ DNNVV và hơn 4.517 tổ chức tài chính chuyên trách phục vụ trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp3.

Kinh nghiệm của Hàn Quốc

Vào đầu năm 1980, Hàn Quốc đã thực hiện các chính sách khuyến khích DNNVV phát triển, qua đó, DNNVV trở thành những DN vệ tinh cung cấp bán thành phẩm cho các tập đoàn lớn. Chính phủ đã ban hành Luật Xúc tiến DN hỗ trợ chỉ định một số ngành công nghiệp cũng như một số sản phẩm trong các ngành công nghiệp này là sản phẩm phụ trợ. Luật yêu cầu các DN lớn phải mua các sản phẩm đã chỉ định này từ bên ngoài chứ không được tự sản xuất. Chính phủ đã tập trung đầu tư cải thiện những mặt yếu kém của các DNNVV nhằm tăng tính cạnh tranh thông qua việc khuyến khích các DN loại này đổi mới cơ cấu quản lý và vận hành. Đồng thời, đề ra chính sách nhằm thực hiện chiến lược tăng cường hỗ trợ phù hợp với đặc tính của từng giai đoạn tăng trưởng, như: linh hoạt hóa khởi nghiệp, bằng các chính sách như tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, cải thiện cơ chế quản lý, đơn giản hóa thủ tục rút ngắn thời gian thành lập, hỗ trợ vốn khởi nghiệp, mặt bằng và thuế (ưu tiên cho các DN mạo hiểm).

Chính phủ đã định hướng lĩnh vực ưu tiên phát triển là các ngành công nghiệp chế tạo, hình thành loại hình “thung lũng Silicon Hàn Quốc” cho DNNVV, hỗ trợ 50% chi phí trang thiết bị và giảm thuế doanh thu, sử dụng tài sản, đất; nuôi dưỡng và thúc đẩy tăng trưởng, chính sách giúp các DNNVV có kinh phí hỗ trợ từ Nhà nước để nghiên cứu đổi mới công nghệ phù hợp với ngành và phạm vi hoạt động, đồng thời có thể tiếp nhận và ứng dụng nhanh những thành tựu của nghiên cứu mới vào hoạt động hiện hữu4. Chính sách thương mại hóa sản phẩm gắn liền với chủ trương thực hiện các hợp đồng mua sản phẩm của Chính phủ và các tập đoàn công nghiệp lớn, trong đó có phần hỗ trợ bảo lãnh tín dụng và thiết kế mẫu mã thích nghi với thị trường; tăng trưởng – toàn cầu hóa, là nhóm giải pháp nhằm ổn định nguồn nhân lực, củng cố điều kiện làm việc và xây dựng năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Để ổn định nguồn nhân lực cho DNNVV, gắn tương lai DNNVV với tương lai của các trường đại học và nền kinh tế, Chính phủ đã có chủ trương thay đổi nhận thức của giới lao động về hoạt động và hướng phát triển của DNNVV, bằng các giải pháp hữu hiệu như ưu tiên cho sinh viên các trường đại học thực tập tại DNNVV (có cộng thêm điểm), bổ sung vào chương trình đào tạo các môn học về DNNVV; khuyến khích DNNVV tăng cường thu nhận chuyên gia nước ngoài. Tại Hàn Quốc, hệ thống hỗ trợ tài chính cho DNNVV bao gồm hệ thống bảo lãnh tín dụng trực thuộc Ngân hàng Trung ương, các cơ cấu tài chính khác thuộc chính phủ và chính sách thuế. Đây là những công cụ đắc lực mà Chính phủ sử dụng để hỗ trợ DNNVV, bao gồm:

– Bảo lãnh tín dụng. Hệ thống bảo lãnh tín dụng của Hàn Quốc được luật hóa từ năm 1961 với mục tiêu là giảm nhẹ khó khăn tài chính cho các DNNVV. Cho đến nay, hệ thống hỗ trợ tài chính cho DNNVV được phân theo ba kênh chính gồm: Quỹ bảo lãnh tín dụng Hàn Quốc, Quỹ bảo lãnh tín dụng công nghệ Hàn Quốc và Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương. Quỹ bảo lãnh tín dụng Hàn Quốc được Chính phủ thành lập từ năm 1976 với 50% vốn của Chính phủ, 30% vốn của ngân hàng thương mại và 20% của các định chế tài chính, đến nay, phần vốn của Chính phủ chỉ chiếm 20%. Ngoài bảo lãnh tín dụng, quỹ này còn cung cấp các dịch vụ tư vấn, đào tạo về quản lý đối với nhân lực của các DNNVV được quỹ bảo lãnh. Năm 1989, Hàn Quốc thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng công nghệ để triển khai thực hiện Luật Hỗ trợ tài chính cho DN công nghệ mới, chuyên cung cấp các dịch vụ bảo lãnh tín dụng đối với DN, đặc biệt ưu tiên cho các DNNVV có triển vọng tốt, ứng dụng công nghệ sạch nhưng không đủ tài sản bảo đảm.

– Thực hiện chính sách hoàn thuế đối với các DNNVV. Chính sách này được thực hiện từ năm 1980, trong đó tập trung vào những DN đầu tư và nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, bao gồm: hoàn lại 15% chi phí đầu tư cho nghiên cứu phát triển và đào tạo nguồn nhân lực; miễn thuế VAT, thuế trước bạ đối với nhà cửa và đất đai phục vụ các mục tiêu nghiên cứu phát triển5.

Kinh nghiệm của Xinh-ga-po

Từ cuối thập niên 80, Xinh-ga-po đã trở thành điểm đến của nhiều công ty đa quốc gia với trên 600 cơ sở sản xuất lớn, 2.800 chi nhánh thương mại dịch vụ. Trong đó, phần lớn các nguồn cung cấp nguyên liệu, phụ tùng, dịch vụ hỗ trợ cho các công ty đa quốc gia có nguồn gốc từ DNNVV. Đây cũng là nguyên nhân làm cho khu vực DNNVV năng động hơn với kết quả 92% tổ chức kinh doanh tại Xinh-ga-po là DNNVV sử dụng 495.584 lao động chiếm 48% lực lượng lao động cả nước, đóng góp 21 tỷ USD trong tổng giá trị gia tăng của nền kinh tế chiếm 29%. Triết lý quan trọng của Xinh-ga-po trong hỗ trợ phát triển DNNVV là thông qua các chính sách giúp DN phát triển và nâng cao khả năng cạnh trong phạm vi kinh tế thị trường tự do. Một số chương trình hỗ trợ được thực hiện như sau:

– Viện trợ không hoàn lại để huấn luyện DNNVV: Quỹ phát triển kỹ năng Xinh-ga-po được thành lập để thực hiện nhiều chương trình nhằm khuyến khích huấn luyện người lao động trong các DNNVV. Mục tiêu của quỹ nhằm hỗ trợ việc phân tích nhu cầu về kỹ năng, huấn luyện tại nơi làm việc. Khoảng 32.000 hãng và 200 nhân viên được hưởng từ quỹ này qua các chương trình huấn luyện nâng cao6.

– Hình thành nhóm kinh tế trong DNNVV: năm 1992, Chính phủ Xinh-ga-po bắt đầu xúc tiến hình thành các nhóm kinh tế trong DNNVV địa phương nhằm giúp họ tăng sức cạnh tranh và hoạt động hiệu quả hơn. Một trung tâm đã được thành lập để huấn luyện và tư vấn cho việc phát triển chi nhánh, hỗ trợ tài chính cho việc hình thành nhóm.

Hàm ý chính sách cho Việt Nam

Qua nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước trong chính sách hỗ trợ phát triển DNNVV cho thấy, đối với các nền kinh tế phát triển hay đang phát triển thì vai trò của DNNVV vẫn hết sức quan trọng. Chính phủ cần có những chính sách và bước đi phù hợp nhằm trợ giúp những khó khăn, bất lợi của hệ thống DN này. Trong đó, hỗ trợ và tạo điều kiện để các DNNVV tiếp cận với nguồn vốn được coi là then chốt. Đối với Việt Nam có thể học hỏi một số kinh nghiệm phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước và đặc điểm của DNNVV tại Việt Nam.

Thứ nhất, cần đánh giá đúng mức vai trò quan trọng và vị trí của DNNVV trong phát triển kinh tế. Thực tế chỉ ra rằng, trong quá trình phát triển kinh tế, không chỉ có DN lớn mà phải quan tâm phát triển DNNVV bởi hệ thống DN này có vai trò hết sức quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết công ăn việc làm.

Thứ hai, thành lập nhiều tổ chức chuyên trách hỗ trợ các DNNVV trên nhiều lĩnh vực. Các tổ chức chuyên trách này hỗ trợ các DNNVV vượt qua các khó khăn về tài chính, công nghệ, nguồn nhân lực, thị trường, chất lượng sản phẩm… theo hướng khuyến khích DNNVV phát triển. Các chính sách khuyến khích, hỗ trợ được thực hiện nhất quán, linh hoạt, có hiệu quả và được thực hiện xuyên suốt quá trình phát triển của hệ thống DN này, từ khởi nghiệp, vượt qua khó khăn, tăng trưởng và toàn cầu hóa.

Thứ ba, trong những chính sách, trợ giúp về tài chính được các quốc gia đặc biệt quan tâm. Các hỗ trợ tài chính giúp DNNVV thuận lợi hơn khi tiếp cận nguồn tài chính, như: tín dụng ngân hàng, các nguồn vốn ưu đãi… Trong hỗ trợ tài chính, kinh nghiệm của các nước là Nhà nước cần thành lập ngân hàng, các tổ chức tài chính, các định chế cho vay mà đối tượng phục vụ là các DNNVV để hỗ trợ nguồn vốn với hình thức hỗ trợ linh hoạt, thống nhất nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho loại hình DN này phát triển.

Thứ tư, các DNNVV dễ bị tổn thương trước các biến động kinh tế, do vậy, để nâng cao khả năng thích ứng, các DNNVV cần liên kết với nhau và kết nối với hệ thống các DN khác trong nền kinh tế. Về hoạt động này, kinh nghiệm từ các nước cho thấy, Nhà nước cần quan tâm, tạo điều kiện nhằm phát triển các mối quan hệ thông qua các hình thức hiệp hội, nghiệp đoàn, các hình thức như thầu phụ, nhà cung cấp… Hoạt động này, một mặt, tạo điều kiện cho các DNNVV tích lũy kinh nghiệm, nâng cao năng lực quản lý, quy trình công nghệ cũng như bảo lãnh giúp DNNVV tiếp cận với các nguồn lực phát triển.

Thứ năm, để nâng cao hiệu quả thực thi các chính sách hỗ trợ, Nhà nước cần chỉ đạo và điều phối các cơ quan chức năng xây dựng các chính sách hỗ trợ cũng như luật hóa các chính sách này phù hợp với từng thời kỳ và đặc điểm của nền kinh tế.

Kết luận

Phát triển hệ thống các DNNVV là một mục tiêu trọng tâm của các nền kinh tế nhằm phát huy mọi nguồn lực cho phát triển. Với quan điểm đó, hệ thống DNNVV cần được phát triển ngày càng lớn mạnh. Tuy nhiên, đứng trước những biến động kinh tế, đương đầu với sự cạnh tranh khốc liệt. Chỉ bằng sự nỗ lực đơn lẻ của chính DN thì khó có thể thành công mà cần có sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước trong chính sách phát triển, qua đó, khắc phục những hạn chế, tạo điều kiện thuận lợi, rõ ràng và minh bạch nhằm khuyến khích các DNNVV phát triển.

Chú thích:
1, 2. Trung Quốc “tung” nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó. https://www.vietnamplus.vn, ngày 02/5/2022.
3, 5. Kinh nghiệm quốc tế về nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.https://trungtamwto.vn, ngày 27/9/2021.
4. Phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Hàn Quốc, Nhật Bản và kinh nghiệm cho Việt Nam.https://doan.edu.vn, truy cập ngày 21/9/2022.
5. Nguyễn Thế Bính. Kinh nghiệm quốc tế về chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và bài học cho Việt Nam. Tạp chí Phát triển & Hội nhập, số 12 (22) – tháng 09-10/2013, tr. 26.
Tài liệu tham khảo:
1. Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Báo cáo tình hình trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa 2012. Hà Nội, 2012.
2. Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Báo cáo tình hình sản xuất – kinh doanh của Hiệp hội doanh nghiệp 2012. Hà Nội, 2012.
3. Để hỗ trợ doanh nghiệp qua đại dịch Covid-19. https://baochinhphu.vn, ngày 04/9/2021.
TS. Đặng Thị Hà
Học viện Hành chính Quốc gia