Kinh nghiệm trong giải quyết vấn đề việc làm ở nông thôn của một số quốc gia

(Quanlynhanuoc.vn) – Nghiên cứu kinh nghiệm của các nước nhằm giải quyết vấn đề lao động, việc làm trong quá trình phát triển là hết sức cần thiết. Bài viết đã nghiên cứu và rút ra những kinh nghiệm trong lãnh đạo phát triển kinh tế phi nông nghiệp; hỗ trợ, ưu đãi tài chính; đa dạng hóa các mô hình đào tạo nghề; phát triển du lịch, ngành nghề truyền thống… của một số quốc gia, từ đó có những gợi ý đề xuất nhằm giải quyết vấn đề việc làm vùng nông thôn ở Việt Nam hiện nay.
Ảnh minh họa (internet).
Đặt vấn đề

Giải quyết vấn đề lao động, việc làm (LĐVL) vùng nông thôn là yêu cầu đặt ra cho mỗi quốc gia trong tiến trình chuyển từ xã hội nông nghiệp truyền thống sang xã hội công nghiệp và hiện đại. Đây cũng là một chiến lược quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế, thực hiện công bằng xã hội, góp phần vào sự phát triển cân bằng giữa nông thôn và thành thị. Giải quyết tốt vấn đề LĐVL vùng nông thôn, nhất là thông qua việc chuyển lao động dôi dư trong ngành nông nghiệp sang các ngành phi nông nghiệp là một khâu quan trọng để giải quyết vấn đề “tam nông”, đẩy mạnh công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH) của Việt Nam.

Từ thực tiễn các nước trên thế giới nói chung và châu Á nói riêng cho thấy, tuy mỗi nước có điểm xuất phát khác nhau, điều kiện kinh tế, văn hóa và xã hội khác nhau, song đều đứng trước áp lực giải quyết vấn đề LĐVL và cũng có những điểm chung thuộc về con đường, giải pháp nhằm giải quyết vấn đề LĐVL ở nông thôn.

Phát triển kinh tế phi nông nghiệp ở khu vực nông thôn

Kinh tế phi nông nghiệp (KTPNN) là tất cả hoạt động kinh tế bên ngoài các ngành nông, lâm, ngư nghiệp. KTPNN chủ yếu bao gồm: chế biến nông sản, hoạt động thương mại, khai khoáng, ngành sửa chữa, xây dựng, vận tải và các ngành dịch vụ khác lấy nông hộ và phi nông hộ làm cơ sở.

Phát triển KTPNN ở khu vực nông thôn (KVNT) có ý nghĩa tăng thu nhập cho nông dân, nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn, giải quyết việc làm (GQVL) ở KVNT, thu hút lao động dôi dư trong lĩnh vực nông nghiệp. KTPNN có ý nghĩa quan trọng trong giải quyết LĐVL và nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn nhưng thực tế lại luôn bị xem nhẹ. Chỉ đến cuối thập niên 70 thế kỷ XX, nhiều nước mới nhận thức được tầm quan trọng của KTPNN ở nông thôn trong giải quyết LĐVL và nâng cao thu nhập cho người dân. Việc coi trọng phát triển KTPNN ở nông thôn nhằm GQVL, nâng cao thu nhập cho nông dân ở các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và Trung Quốc được thể hiện qua một số phương diện chủ yếu sau:

Đầu tư phát triển đối với các ngành kinh tế phi nông nghiệp có quy mô nhỏ nhằm tăng cường năng lực gia nhập thị trường

Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan đều coi trọng đầu tư phát triển đối với các ngành này. Bên cạnh đó, cũng chú trọng tăng cường sự hỗ trợ, hợp tác và liên kết giữa các đơn vị KTPNN ở nông thôn với các doanh nghiệp (DN) lớn ở đô thị. Các đơn vị KTPNN ở KVNT đều có quy mô nhỏ, thường sử dụng dưới 5 lao động. Do đó, việc tăng cường sự hỗ trợ, liên kết giữa các đơn vị KTPNN ở KVNT và DN lớn ở thành thị có ý nghĩa quan trọng. Các DN lớn ở thành thị có thể hỗ trợ cải tiến kỹ thuật và công nghệ hoặc tham gia đầu tư phát triển sản xuất. Việc thực hiện chính sách này là một trong những nhân tố quan trọng giúp tăng cường năng lực sản xuất và gia nhập thị trường của các đơn vị KTPNN ở nông thôn Thái Lan.

Tuy nhiên, sự tồn tại và phát triển của DN lớn khu vực thành thị cũng có thể đe dọa sự tồn tại của các đơn vị sản xuất KTPNN ở KVNT. Để thúc đẩy sự hợp tác cũng như hạn chế những tiêu cực xuất phát từ tình trạng “cá lớn nuốt cá bé”, các nước đều thông qua chính sách để giải quyết vấn đề này, trong đó có việc khuyến khích việc ký kết hợp đồng giữa đơn vị KTPNN ở nông thôn với các DN lớn ở đô thị. Điều này vừa có tác dụng tiết kiệm chi phí sản xuất cho DN lớn, vừa có thể điều tiết quan hệ cạnh tranh giữa DN lớn và DN nhỏ ở KVNT.

Tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, hỗ trợ tài chính nhằm phát triển KTPNN ở nông thôn. Điểm chung của nhiều nước đó là sự lạc hậu về kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, điều này cản trở sự phát triển kinh tế và cản trở việc giải quyết LĐVL ở nông thôn. Vì vậy, các nước đều coi trọng việc tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội cho nông nghiệp và nông thôn.

Bên cạnh Nhà nước trực tiếp đầu tư, nhiều nước còn thành lập các thiết chế tài chính để cung cấp vốn vay ưu đãi cho các dự án phát triển nông thôn. Chẳng hạn, Nhật Bản thành lập Ngân hàng Đầu tư chính sách Nhật Bản, Ngân hàng DN vừa và nhỏ, Ngân hàng Nông, lâm, ngư nghiệp. Trong đó, Ngân hàng Nông, lâm, ngư nghiệp chủ yếu thực hiện việc cung cấp vốn để xây dựng kết cấu hạ tầng ở nông thôn và trong lĩnh vực nông nghiệp; cho vay ưu đãi đối với nông hộ khó khăn, phát triển các ngành phi nông nghiệp. Nhìn chung mức cho vay của Ngân hàng Nông, lâm, ngư nghiệp ưu đãi hơn nhiều so với các đơn vị kinh doanh tài chính tiền tệ khác, hơn nữa thời hạn cho vay của đơn vị này tương đối dài, từ 10 – 45 năm.

Ở Ấn Độ, năm 1963, nước này đã thành lập Công ty Phát triển và cho vay tín dụng trung gian nông nghiệp (trực thuộc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ). Nguồn tài chính của công ty này chủ yếu đến từ đầu tư nước ngoài, chẳng hạn như các khoản cho vay của Ngân hàng Thế giới (WB), Hiệp hội Phát triển quốc tế và của chính phủ một số nước. Hoạt động chủ yếu của Công ty này là tiếp nhận và quản lý các khoản cho vay của các tổ chức và các nước, đồng thời cung cấp vốn cho các ngân hàng, như: Ngân hàng Phát triển đất, Ngân hàng Thương nghiệp, Ngân hàng Hợp tác bang để cho vay thực hiện các dự án lớn trong phát triển nông thôn. Năm 1982, Ấn Độ thành lập Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Ngân hàng này thực hiện chức năng của Công ty Phát triển và cho vay tín dụng trung gian nông nghiệp được thành lập trước đó. Bên cạnh đó, các ngân hàng, như: Ngân hàng Phát triển đất đai, Ngân hàng Thương nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp vốn để phát triển nông thôn.

Ở Hàn Quốc, năm 1961, nước này thành lập Tổ chức Tài chính nông thôn thuộc Hiệp hội nông dân Hàn Quốc. Đây là tổ chức thực hiện tất cả các nội dung liên quan đến chính sách tài chính phục vụ phát triển nông thôn, bảo đảm tín dụng cho những nông dân có quy mô kinh doanh nhỏ để phát triển sản xuất. Các thiết chế tài chính rất coi trọng việc cho vay ưu đãi đối với các nông hộ khó khăn cũng như các nông hộ phát triển KTPNN.

Để thúc đẩy phát triển KTPNN và chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp, ngoài việc trực tiếp đầu tư ngân sách cho lĩnh vực này, Chính phủ Nhật Bản còn ban hành và thực hiện các chính sách ưu đãi về thuế và tín dụng. Sự ưu đãi về thuế và tín dụng chủ yếu được thực hiện thông qua sự hỗ trợ của Nhà nước đối với Tổ hợp Hiệp đồng Nông nghiệp. Chẳng hạn, tỷ lệ đóng các loại thuế của Tổ hợp Hiệp đồng Nông nghiệp thấp hơn 10% so với các pháp nhân khác. Để bảo đảm nguồn cung về vốn cho người nông dân, Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện chính sách cho vay ưu đãi đối với Tổ hợp Hiệp đồng Nông nghiệp. Sau đó, hệ thống tín dụng của Tổ hợp Hiệp đồng Nông nghiệp thực hiện chính sách huy động vốn với lãi suất cao hơn so với các ngân hàng khác để thu hút nguồn vốn nhàn rỗi trong nông dân; đồng thời cho vay ưu với lãi suất thấp cho những nông dân có nhu cầu.

Hiện nay, một biện pháp được nhiều nước thực hiện nhằm phát triển KTPNN ở nông thôn để qua đó góp phần giải quyết lao động dôi dư ở nông thôn, đó là thành lập các khu công nghiệp. Việc thành lập các khu công nghiệp để thúc đẩy phát triển theo hướng tập trung của các ngành phi nông nghiệp ở nông thôn vừa thuận lợi để nhà nước tiến hành quản lý và hỗ trợ, vừa có thể làm cho DN có quy mô tương đối nhỏ tranh thủ hiệu ứng tập trung về quy mô, từ đó hạ thấp chi phí giao dịch. Vào những năm 70, 80 thế kỷ XX, Ấn Độ đã tiến hành thành lập các khu công nghiệp, qua đó thúc đẩy KTPNN ở nông thôn phát triển theo hướng tập trung. Từ thập niên 80 của thế kỷ XX, Thái Lan đặc biệt coi trọng việc phát triển DN vừa và nhỏ cũng như công nghiệp ở nông thôn; đồng thời, đã thành lập nên 5 khu công nghiệp ở bốn khu vực phía Bắc, Đông Bắc, phía Nam và phía Đông. Chính phủ Thái Lan quy định các DN hoạt động trong các khu công nghiệp này cần sử dụng nguyên liệu tại địa phương, đồng thời sử dụng từ 50% trở lên lao động địa phương. Trên thực tế, 5 khu công nghiệp này đã có tác dụng quan trọng phát triển KTPNN, góp phần giải quyết lao động dôi dư ở nông thôn Thái Lan1.

Đa dạng hóa các hình thức đào tạo nghề nghiệp

Tăng cường đào tạo nghề nhằm phục vụ chuyển đổi nghề nghiệp cho lao động nông thôn (LĐNT). Một khó khăn, thách thức trong giải quyết vấn đề LĐVL vùng nông thôn ở nhiều nước đó là trình độ văn hóa và trình độ nghề của cư dân còn thấp. Chính vì vậy, để GQVL và phục vụ yêu cầu chuyển đổi nghề nghiệp, cần phải coi trọng việc đào tạo nghề cho cư dân nông thôn, nhất là nông dân. Kinh nghiệm về đào tạo nghề cho LĐNT ở các nước khá đa dạng, song tựu trung lại thể hiện ở một số điểm chủ yếu sau đây:

(1) Thiết lập và hoàn thiện hệ thống pháp luật về đào tạo nghề cho LĐNT. Theo đó, các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan… đều thông qua thể chế pháp luật để đưa ra những quy định về vai trò của đào tạo nghề cho LĐNT cũng như nội dung và trách nhiệm của các bên. Chẳng hạn, ở Nhật Bản, ngay từ thời kỳ Minh Trị, nước này đã rất coi trọng việc đào tạo nghề cho LĐNT. Theo đó, năm 1949, Nhật Bản ban hành Luật Giáo dục xã hội, quy định việc sử dụng các địa điểm khác nhau, như: nhà văn hóa, thư viện… để tiến hành đào tạo, bồi dưỡng nghề nghiệp cho cư dân nông thôn. Luật Chấn hưng thanh niên được Nhật Bản ban hành năm 1953 nhấn mạnh việc Nhà nước có nghĩa vụ hỗ trợ đối với việc đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp cho thanh niên nông thôn, nhất là thanh niên là nông dân. Luật Nông nghiệp cơ bản được Nhật Bản ban hành năm 1961 quy định để làm cho người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và cư dân nông thôn có nghề nghiệp phù hợp, bảo đảm cuộc sống và hoạt động kinh doanh ổn định của bản thân và gia đình, cần phải thực hiện các giải pháp nhằm giáo dục, bồi dưỡng nghề và giới thiệu nghề nghiệp, cũng như chấn hưng công nghiệp ở nông thôn, mở rộng bảo đảm xã hội… Những quy định này của Nhật Bản đã có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đào tạo, bồi dưỡng nghề phục vụ việc GQVL cho lao động KVNT.

(2) Phát huy vai trò chủ đạo của Nhà nước trong đào tạo nghề cho LĐNT. Các nước đều hình thành cơ quan chuyên trách để quản lý công tác đào tạo nghề cho nông dân và hình thành mạng lưới đào tạo nghề cho nông dân. Ở Nhật Bản, Bộ Nông nghiệp là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc ban hành các kế hoạch về đào tạo, bồi dưỡng nghề cho nông dân. Bộ này phối hợp với các cơ quan khác trong công tác quản lý về đào tạo nghề cho nông dân. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản cũng đảm bảo kinh phí đủ mức cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nghề cho LĐNT.

(3) Hình thành mạng lưới các tổ chức phụ trách đào tạo nghề cho nông dân. Ở Nhật Bản, công tác đào tạo nghề cho nông dân được thực hiện bởi nhiều đơn vị, tổ chức như trung tâm đào tạo khoa học – kỹ thuật nông nghiệp các cấp; các trường cao đẳng, trung cấp về nông nghiệp; các cơ sở đào tạo của DN và tổ chức xã hội; hiệp hội nông dân và hợp tác xã các cấp; các cơ quan thực hiện chức năng chuyển giao và thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp. Hệ thống các thiết chế thực hiện chức năng đào tạo nghề cho nông dân nói trên có sự hỗ trợ lẫn nhau, bổ sung cho nhau, qua đó thực hiện công tác đào tạo nghề một cách có kế hoạch và cho nhiều đối tượng nông dân khác nhau.

Phát triển du lịch nông thôn

Thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn là biện pháp quan trọng để phát triển KTPNN ở nông thôn qua đó góp phần GQVL và nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn. Nhiều nước đều coi trọng việc phát triển du lịch nông thôn. Trong phát triển du lịch nông thôn, tuy các nước đều nhấn mạnh sự tham gia của các thành phần kinh tế và người dân, song Nhà nước luôn giữ vai trò quan trọng. Ở các nước như Trung Quốc, Thái Lan, vai trò của Nhà nước trong phát triển du lịch nông thôn thể hiện trên nhiều phương diện, từ quy hoạch, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng như đường giao thông, sân bay cho đến hỗ trợ DN trong phát triển mạng lưới khách sạn, nhà hàng cũng như đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Nhà nước, đặc biệt là chính quyền địa phương cũng coi trọng việc phát triển và đa dạng hóa các loại hình du lịch nông thôn, như du lịch tại nhà, du lịch sinh thái, du lịch cảnh quan văn hóa, du lịch cảnh quan tự nhiên để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch.

Phát triển thị trường cho các sản phẩm truyền thống phi nông nghiệp  

Ở vùng nông thôn Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, người dân tuy sản xuất ra một số sản phẩm truyền thống phi nông nghiệp, nhưng nhìn chung năng lực sản xuất có hạn, hơn nữa sau khi sản xuất, việc tiêu thụ và tiếp cận thị trường gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục tình trạng này qua đó góp phần giải quyết LĐVL KVNT, chính quyền địa phương một mặt có biện pháp hỗ trợ trực tiếp để nâng cao năng lực sản xuất cho người dân, mặt khác, tích cực tìm kiếm thị trường, thành lập công ty để giúp người dân tiêu thụ hoặc xuất khẩu các sản phẩm. Các sản phẩm truyền thống phi nông nghiệp thường sử dụng nguyên liệu tại chỗ nên việc phát triển không những góp phần GQVL cho người sản xuất trực tiếp, mà còn GQVL cho những người trực tiếp sản xuất và cung ứng nguyên liệu.

Để góp phần GQVL cho LĐNT, các nước còn có sự hỗ trợ sự phát triển đối với ngành thủ công nghiệp truyền thống ở nông thôn. Điển hình là Ấn Độ, thống kê cho thấy, hiện nay 65% tiểu thủ công nghiệp ở Ấn Độ phân bố ở KVNT. Tiểu thủ nông nghiệp ở nông thôn được phân thành tiểu thủ công nghiệp hiện đại và tiểu thủ công nghiệp truyền thống. Tiểu thủ công nghiệp hiện đại chủ yếu sử dụng công nghệ và thiết bị hiện đại trong quá trình sản xuất, còn thiểu thủ công nghiệp truyền thống chủ yếu là sử dụng phương thức thủ công để tiến hành sản xuất.

Bắt đầu từ thập niên 60 thế kỷ XX, Ngân hàng Thương mại Ấn Độ bắt đầu thực hiện chính sách cho vay ưu đãi đối với ngành tiểu thủ công nghiệp. Đến tháng 12/1985, khoản vay dành cho ngành tiểu thủ công nghiệp chiếm 15,3% tổng số vốn vay của ngân hàng này (so với 13,2% năm 1981). Để Ngân hàng Thương mại Ấn Độ có thể thực hiện tốt chính sách cho vay ưu đãi, từ thập niên 60 thế kỷ XX, Ngân hàng Nhà nước Ấn Độ đã thực hiện “Kế hoạch bảo lãnh tín dụng tiểu thủ công nghiệp” (đến năm 1981 được đổi thành “Kế hoạch bảo lãnh khoản vay nhỏ”). Do có sự bảo lãnh của Ngân hàng Nhà nước nên mức cho vay của Ngân hàng Thương mại Ấn Độ đối với tiểu thủ công nghiệp ngày càng tăng. Lãi suất cho vay cũng có sự khác nhau giữa các vùng và đối tượng khác nhau, cao nhất là 10,2%, thấp nhất là 4%; kỳ hạn cho vay thường là 5 năm. Ngoài Ngân hàng này, các công ty tài chính ở các bang cũng thực hiện chính sách cho vay ưu đãi đối với ngành tiểu thủ công nghiệp. Những biện pháp về cho vay ưu đãi nói trên đã có tác dụng tích cực trong việc phát triển tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn Ấn Độ. Chính phủ hỗ trợ việc tiêu thụ sản phẩm và tìm kiếm thị trường. Theo đó, Chính phủ Ấn Độ thực hiện chính sách thu mua đối với một số chủng loại hàng hóa tiểu thủ công nghiệp (đến nay là 409 chủng loại hàng hóa tiểu thủ công nghiệp). Việc Chính phủ thu mua thông qua hai phương thức là: bao tiêu đối với 75% sản phẩm của 12 chủng loại hàng hóa và bao tiêu 50% sản phẩm của 24 chủng loại hàng hóa. Tổng giá trị mua sắm các chủng loại hàng hóa của chính phủ không ngừng tăng lên theo thời gian. Theo đó, nếu năm 1952 – 1953 là 6,6 triệu Rupee, thì đến năm 1981 – 1982 tăng lên 20,7 triệu Rupee. Chính phủ Ấn Độ còn yêu cầu các trung tâm thương mại, siêu thị giới thiệu và tiêu thụ đối với các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn2.

Điều chỉnh chính sách đất đai, bố trí lại dân cư nhằm góp phần thúc đẩy dịch chuyển lao động  

Để thúc đẩy nông nghiệp phát triển, Trung Quốc đã thực hiện nhiều chính sách khác nhau, trong đó quan trọng là điều chỉnh chính sách đất nông nghiệp. Theo đó, ở Trung Quốc, việc bảo đảm quyền chuyển nhượng sử dụng đất nông nghiệp đã được thực hiện từ đầu thập niên 80 thế kỷ XX. Tại Thông báo số 1 được ban hành vào năm 1984, Đảng Cộng sản Trung Quốc chủ trương cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp. Vào năm 1993, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa XIV, Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ rõ: “Trên cơ sở kiên trì chế độ sở hữu tập thể, kéo dài thời gian giao quyền sử dụng đất canh tác cho nông dân, cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật”3. Trong các năm 1993, 1995, 1997 và 2001, Trung Quốc đã ban hành một loạt chính sách nhằm quy định một số vấn đề về cho thuê đất nông nghiệp, chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, trao đổi đất nông nghiệp, đóng góp cổ phần dưới dạng đất nông nghiệp. Sau Đại hội lần thứ XVI, chính sách đất đai của Trung Quốc được điều chỉnh theo hướng bảo đảm sự phát triển cả nông thôn và thành thị, coi trọng hơn quyền và lợi ích của nông dân liên quan đến đất đai. Trong thời kỳ này, Trung Quốc đã ban hành một số luật nhằm bảo đảm tốt hơn quyền sử dụng đất nông nghiệp của người nông dân, chẳng hạn như “Luật ký kết hợp đồng đất nông thôn”, “Luật về quyền tài sản là vật”. Trong các luật này, thời gian sử dụng đất, quyền sử dụng đất, quyền kinh doanh sử dụng đất, quyền chuyển nhượng đất nông nghiệp của nông dân đã được quy định rõ.

Việc thừa nhận và bảo đảm việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp đã có tác dụng về nhiều mặt, nhất là thúc đẩy việc tích tụ, tập trung đất nông nghiệp nhằm phục vụ sản xuất quy mô lớn. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, tính đến cuối năm 2007, tổng diện tích canh tác đã được chuyển nhượng đạt 63,72 triệu mẫu, tăng 14,8% so với năm 2006, chiếm 5,2% tổng diện tích đất canh tác của hộ gia đình. Đặc biệt từ những năm 2008, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp đã tăng lên mạnh mẽ. Tính đến cuối tháng 8/2008, diện tích đất canh tác được chuyển nhượng đạt 106 triệu mẫu, tăng 66% so với năm 2007, chiếm 8,7% tổng diện tích đất canh tác4.

Từ sau Hội nghị Trung ương 3 khóa XVIII (tháng 11/2013), để thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp, nông thôn và bảo đảm tốt hơn lợi ích của nông dân, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đặc biệt coi trọng việc hoàn thiện thể chế đất đai nông nghiệp để phát triển sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn. Theo đó, trong văn bản hướng dẫn “Về chuyển nhượng quyền kinh doanh sử dụng đất nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp với quy mô thích hợp” được ban hành ngày 20/11/2014, Văn phòng Trung ương Đảng và Văn phòng Quốc vụ viện chủ trương thực hiện sự phân tách “ba quyền” trong lĩnh vực đất nông nghiệp. Văn bản chỉ rõ: kiên trì đất ở nông thôn thuộc sở hữu tập thể, thực hiện sự phân tách giữa ba quyền “quyền sở hữu (thuộc tập thể), quyền ký kết hợp đồng (quyền sử dụng thuộc nông hộ) và quyền kinh doanh đất (thuộc chủ thể kinh doanh). Như vậy, theo quy định này thì quyền kinh doanh đất độc lập với “quyền sử dụng đất của chủ thể được giao đất”. Nhiều người cho rằng, việc thực hiện sự phân tách “ba quyền” trong lĩnh vực đất nông nghiệp chắc chắn sẽ tạo xung lực mạnh mẽ cho việc thực hiện tích tụ, tập trung đất nông nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn và hiện đại.

Kinh nghiệm cho Việt Nam từ thực tiễn giải quyết vấn đề việc làm ở nông thôn của một số quốc gia

Thứ nhất, xây dựng thực hiện mô hình phức hợp để GQVL từ kinh nghiệm của các nước nêu trên cho thấy, để nông dân có việc làm và có cuộc sống trung bình khá, cần phải thông qua phát triển công nghiệp ở đô thị, từ quá trình đô thị hóa để thực hiện việc di chuyển lao động ở KVNT ra thành thị. Thực tiễn các nước phát triển cho thấy (ngoại trừ Nhật Bản) nếu chỉ thông qua con đường này thì rất khó mang lại thành công, mà cần phải thực hiện mô hình phức hợp, tức đồng thời với đẩy mạnh công nghiệp hóa ở đô thị (nhằm thu hút một bộ phận lao động ở nông thôn), trong đó, coi trọng tạo việc làm tại chỗ ở KVNT thông qua nhiều phương thức và biện pháp khác nhau. Tạo việc làm tại chỗ cho lao động KVNT cần được xem là phương thức cơ bản để giải quyết vấn đề LĐVL. Ở các nước đang phát triển, nếu nước nào coi trọng việc phát triển nông thôn để GQVL tại chỗ cho LĐNT, bảo đảm thu nhập cho cư dân nông thôn thì tiến trình công nghiệp hóa của nước đó và sự phát triển kinh tế – xã hội càng trở nên thuận lợi hơn.

Thứ hai, phát huy vai trò của nhiều chủ thể trong GQVL. Nhà nước có vai trò quan trọng trong phát triển cũng như trong GQVL cho LĐNT. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ở nhiều nước đang phát triển, hiệu quả việc thực hiện chức năng và vai trò của Nhà nước trong phát triển kinh tế – xã hội nói chung và trong GQVL vùng nông thôn nói riêng thường không cao, do nhiều nguyên nhân, trong đó nổi bật là năng lực còn bất cập và tình trạng tham nhũng. Mặt khác, nếu chỉ dựa vào nguồn lực và sức mạnh của nhà nước thì rất khó có thể giải quyết có hiệu quả vấn đề LĐVL vùng nông thôn. Chính vì vậy, cần phát huy vai trò của nhiều chủ thể, mà chủ yếu là Nhà nước – thị trường (DN) và xã hội (các tổ chức xã hội và người dân) do Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong giải quyết vấn đề LĐVL vùng nông thôn.

Việc định vị hợp lý chức năng và vai trò của ba chủ thể: Nhà nước – thị trường và xã hội trong giải quyết vấn đề LĐVL ở KVNT là nhân tố quan trọng để giải quyết có hiệu quả vấn đề này. Do đó, để có thể giải quyết hiệu quả vấn đề LĐVL ở KVNT Việt Nam hiện nay thì bên cạnh tăng cường vai trò của Nhà nước, nhất là vai trò hoạch định chính sách và thể chế, vai trò cung ứng dịch vụ công cơ bản (kết cấu hạ tầng…), cần thông qua cơ chế,chính sách (tài chính, thuế) để thu hút DN hoạt động ở khu vực nông nghiệp, nông thôn cũng như tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và các tổ chức xã hội trong đào tạo nghề, hỗ trợ vay vốn, liên kết sản xuất, đặc biệt trong phát huy vai trò của các tổ chức này đối với việc bảo vệ quyền và lợi ích của việc làm phi chính thức ở thành thị.

Thứ ba, tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, có chính sách tài chính nhằm phát triển KTPNN ở nông thôn. Sự lạc hậu và không đồng bộ về kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội vùng nông thôn là nhân tố quan trọng kìm hãm sự phát triển KTPNN cũng như ảnh hưởng không tốt đến vấn đề GQVL. Do đó, Nhà nước cần tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội vùng nông thôn. Đồng thời, để thúc đẩy KTPNN ở KVNT phát triển, cần có chính sách tài chính phù hợp để bảo đảm tiếp cận vốn vay thuận lợi, ưu đãi cho các đơn vị, cá nhân phát triển ngành nghề phi nông nghiệp cũng như các hộ gia đình thiếu đất, không có đất sản xuất.

Thứ , coi trọng việc phát triển các khu công nghiệp ở vùng nông thôn để thúc đẩy sự phát triển tập trung của các ngành phi nông nghiệp. Phát triển các khu công nghiệp nhằm thúc đẩy tính tập trung trong sản xuất công nghiệp ở KVNT là phương thức quan trọng để sử dụng nguyên liệu nông nghiệp ở nông thôn, cũng là phương thức quan trọng để GQVL tại chỗ ở vùng nông thôn. Trong thời gian qua, ở nước ta đã coi trọng việc phát triển các khu công nghiệp. Tuy nhiên, về mặt phân bố chúng ta vẫn ưu tiên đặt khu công nghiệp ở thành thị. Chính vì vậy, các địa phương cần có quy hoạch và định hướng cụ thể để hình thành khu công nghiệp ở KVNT hoặc giáp ranh với nông thôn. Cần tham khảo kinh nghiệm của Thái Lan trong việc đưa ra quy định để DN hoạt động trong các khu công nghiệp ưu tiên sử dụng nguyên liệu và lao động tại chỗ. Theo đó, Thái Lan quy định các DN hoạt động trong các khu công nghiệp ở vùng nông thôn cần sử dụng nguyên liệu tại địa phương, đồng thời sử dụng từ 50% trở lên lao động địa phương.

Thứ năm, coi trọng đúng mức phát triển du lịch và ngành nghề thủ công ở nông thôn. Thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn là biện pháp quan trọng để phát triển KTPNN ở nông thôn, qua đó, góp phần GQVL và nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn. Để phát triển du lịch nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và GQVL vùng nông thôn, các cấp, các ngành, địa phương cần quan tâm đến một số vấn đề, như: quy hoạch phát triển du lịch nông thôn; tăng cường sự liên kết giữa các địa phương; đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ du lịch ở nông thôn; tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là đường giao thông, thông tin liên lạc, có cơ chế để DN đầu tư phát triển hệ thống khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại…

Từ thực tế này và tham khảo kinh  nghiệm của các nước, các cấp, các ngành, địa phương cần quan tâm một số vấn đề sau để thúc đẩy sự phát triển của các ngành thủ công truyền thống ở vùng nông thôn, như: cho vay ưu đãi để các hộ gia đình, các đơn vị sản xuất phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống; hỗ trợ sản xuất và kinh doanh của ngành tiểu thủ công nghiệp thông qua việc có chính sách bảo hộ đối với một số ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống; hỗ trợ việc tiêu thụ sản phẩm và tìm kiếm thị trường thông qua chính sách bao tiêu sản phẩm của Nhà nước…

Chú thích:
1. Ngô Chí Sinh. Nghiên cứu chiến lược phát triển kinh tế của các nước Đông Nam Á. H. NXB Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc, 1987, tr. 97 (bản tiếng Trung).
2. Luda Er Dart. Kinh tế Ấn Độ. NXB Đại học Tứ Xuyên, Trung Quốc, 1994, tr. 351.
3, 4. Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc vụ viện Trung Quốc. Chiến lược chấn hưng hương thôn, https://baijiahao.baidu.com, truy cập 20/9/2022.
TS. Trần Mai Hùng
ThS. Trần Minh Nhật
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh