Một số tiêu chí đánh giá mức độ đổi mới bộ máy hành chính cấp tỉnh hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, đổi mới bộ máy hành chính nhà nước cấp tỉnh cần được xem là việc làm thường xuyên nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Bên cạnh đó, cần coi trọng vấn đề phân cấp, phân quyền và ủy quyền, bởi đây là bước tiến mới trong tổ chức hệ thống hành chính nhà nước, bảo đảm các nguyên tắc và sự thống nhất, hiệu quả quản lý kinh tế-xã hội ở địa phương (các tỉnh, thành phố), giữa các cấp hành chính và bảo đảm tính thống nhất, hiệu lực, hiệu quả của nền hành chính quốc gia.
Khai mạc Kỳ họp thứ ba, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI_Ảnh: TTXVN.
Đặt vấn đề

Hệ thống hành chính nhà nước ở cấp tỉnh được tổ chức theo những nguyên tắc nhất định, được giao chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền; thực hiện quản lý nhà nước về đời sống kinh tế-xã hội theo đơn vị hành chính lãnh thổ ở cấp tỉnh.Trong quá trình tổ chức hệ thống hành chính nhà nước ở địa phương cần xác định các yếu tố ảnh hưởng quan trọng như: vị trí, vai trò, đặc điểm kinh tế – xã hội; quy mô, mật độ dân số; trình độ kinh tế – xã hội; trình độ phát triển hạ tầng…để tổ chức, sắp xếp các cơ quan trong hệ thống; bảo đảm phù hợp với đặc thù của địa phương, bảo đảm tính hiệu quả của hệ thống và mục tiêu phát triển của địa phương trong mục tiêu phát triển chung của quốc gia.

Đơn vị hành chính lãnh thổ là căn cứ để tổ chức hệ thống hành chính nhà nước ở cấp tỉnh, đối với các đơn vị hành chính đặc biệt cần có những cơ sở khoa học để tổ chức hệ thống hành chính phù hợp ở địa bàn đô thị và địa bàn nông thôn và các yếu tố đặc thù, đặc biệt của địa phương.

Thực tiễn tổ chức bộ máy hành chính cấp tỉnh ở Việt Nam hiện nay

BMHCNN cấp tỉnh được thành lập và tổ chức hoạt động dựa trên những nguyên tắc nhất định, nhằm thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước cao nhất ở địa phương. Hoạt động của bộ máy này được trực tiếp thông qua từng cơ quan hành chính nhà nước ở cấp tỉnh. Hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước nói chung và triển khai tổ chức thực hiện pháp luật đưa pháp luật vào đời sống phụ thuộc rất lớn vào chính năng lực của các cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh cũng như cả BMHCNN ở địa phương.

BMHCNN cấp tỉnh có ý nghĩa quan trọng trong nền hành chính quốc gia; một mặt, bảo đảm trong tổng thể chung của quản lý nhà nước trên phạm vi quốc gia phải được thực thi thống nhất; nhưng mặt khác, nhiều vấn đề quản lý, lợi ích của địa phương mà nhà nước chưa thể quan tâm hoặc không thể quản lý hết được như: vấn đề nước sạch, chiếu sáng đô thị, rác thải, trật tự, an ninh xã hội trên địa bàn… là vấn đề của địa phương, do địa phương giải quyết nhằm bảo đảm đời sống xã hội của địa phương và phát triển của xã hội nói chung trong quốc gia đó.

Việt Nam đã và đang tiến hành cải cách hành chính nhà nước và các lĩnh vực tiếp tục được tập trung triển khai thực hiện đó là: cải cách về thể chế; tổ chức bộ máy hành chính; cán bộ, công chức và tài chính công. Trong đó, về tổ chức BMHCNN, tiến hành tổng rà soát về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế hiện có của UBND các cấp, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, các cơ quan, tổ chức khác thuộc BMHCNN ở trung ương và địa phương (bao gồm cả các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước. Điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức, sắp xếp lại các cơ quan, đơn vị nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ trống hoặc trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; chuyển giao những công việc mà cơ quan hành chính nhà nước không nên làm hoặc làm hiệu quả thấp cho xã hội, các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ đảm nhận.

Qua quá trình cải cách và rà soát cho thấy, tổ chức và hoạt động của BMHCNN cấp tỉnh vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của hoạt động quản lý nhà nước và phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương như:

Thứ nhất, tổ chức bộ máy vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, việc phân công nhiệm vụ vẫn còn giao thoa, đan xen, tỷ lệ số lượng người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trên số công chức thực thi thừa hành còn bất hợp lý (số lượng cấp phó tại một số tổ chức hành chính còn vượt so với quy định).

Thứ hai, việc phân cấp, phân định thẩm quyền giữa cấp tỉnh với các cấp dưới chưa được hoàn thiện, hợp lý, các quy định về phân cấp thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, cần được hoàn thiện hơn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực, tạo điều kiện cho chính quyền địa phương chủ động nhiều hơn trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.

Thứ ba, chưa cụ thể hóa các chủ trương, định hướng lớn mới được ban hành của Đảng, Quốc hội; chưa giải quyết được dứt điểm các vấn đề giao thoa, đan xen; thiếu quy định khung về việc thành lập cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước và tiêu chí xác định cấp phó của các cơ quan, tổ chức hành chính.

Thứ tư, việc sắp xếp tổ chức chưa gắn kết với việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ nên hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa cao. (5) Công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan, địa phương trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước còn hạn chế; phương thức hoạt động, cách thức giải quyết công việc trong nội bộ cơ quan hành chính chưa có sự đổi mới.

Từ những tồn tại, hạn chế đó đòi hỏi cần phải đổi mới tổ chức BMHCNN cấp tỉnh đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của hành chính công, cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.

Một số tiêu chí đánh giá mức độ đổi mới bộ máy hành chính cấp tỉnh hiện nay

Đối với Việt Nam, các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thiện của BMHCNN cấp tỉnh có thể được dựa trên nhiều góc độ khác nhau.

(1) Xét trên góc độ mục tiêu, mục đích của BMHCNN cấp tỉnh, cần dựa trên một số tiêu chí đánh giá chủ yếu như: tính tinh gọn của hệ thống, tổ chức phù hợp với địa bàn đô thị và địa bàn nông thôn; bảo đảm tính khoa học và tính thực tiễn; tổ chức đơn vị hành chính trực thuộc phù hợp; có sự phân công, phân cấp và ủy quyền hợp lý; bảo đảm tính công khai, minh bạch; phát huy tính dân chủ…

(2) Về tính tinh gọn của hệ thống, tiêu chí này đồng thời cũng là mục tiêu cần đạt được trong BMHCNN cấp tỉnh. Tinh gọn, trước hết cần được đánh giá theo chiều dọc, số lượng các cấp hành chính ở địa phương cần giảm về số cấp, hạn chế cấp trung gian, đây là xu hướng chung của các các nước tiên tiến trên thế giới. Tinh gọn theo chiều ngang, thể hiện trong việc tổ chức các cơ quan hành chính cấp tỉnh, hạn chế về số lượng và luôn phải bảo đảm các tiêu chí của đơn vị hành chính cấp tỉnh; tiếp đến là tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh với số lượng phù hợp, không dàn trải, khắc phục tình trạng ở trung ương có bộ, ngành nào thì ở địa phương có các sở, ngành tương ứng ở cấp tỉnh.

(3) Về tiêu chí tổ chức phù hợp với địa bàn đô thị và địa bàn nông thôn; đây là tiêu chí quan trọng trong đánh giá mức độ hoàn thiện BMHCNN cấp tỉnh. Do xuất phát từ yêu cầu quản lý kinh tế – xã hội, hạ tầng ở đô thị khác với địa bàn nông thôn; hạ tầng đô thị đòi hỏi được quản lý một cách liên thông, quy mô dân số lớn, mật độ cao; nên không thể chia nhỏ địa bàn để quản lý, bộ máy hành chính cấp tỉnh cần được hạn chế số cấp, không thể tổ chức theo tầng, nấc như ở địa bàn nông thôn; chức năng cơ quan chuyên môn và tên gọi cũng phải phù hợp.

(4) Về cơ sở khoa học và thực tiễn cần dựa trên các yếu tố về điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội của địa phương; cơ sở hạ tầng kỹ thuật; quy mô dân số và mật độ dân cư; tính đặc thù, đặc biệt của địa phương. Điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội của địa phương; yếu tố vùng, miền; cơ cấu, tính chất ngành, nghề của địa phương; cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của địa phương; quy mô dân số và mật độ dân cư; tính đặc thù, đặc biệt của địa phương là những yếu tố quan trọng trong phân loại đơn vị hành chính, là căn cứ để thúc đẩy địa phương, là trung tâm và động lực phát triển kinh tế của vùng, của quốc gia.

(5) Tiêu chí về tổ chức đơn vị hành chính trực thuộc phù hợp, đơn vị hành chính là căn cứ để tổ chức chính quyền địa phương nói chung và cơ quan hành chính nói riêng; đơn vị hành chính không quá lớn hoặc quá nhỏ. Với mô hình BMHCNN cấp tỉnh của Việt Nam theo mô hình cấp trên, cấp dưới như hiện nay thì việc tổ chức đơn vị hành chính cấp tỉnh là quan trọng trong thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước theo ngành và theo lãnh thổ, đồng thời hướng dẫn, kiểm tra, chỉ đạo, điều hành hệ thống hành chính cấp dưới thực hiện chức năng quản lý hành chính lãnh thổ phù hợp với chức năng nhiệm vụ được phân công, phân cấp.

(6) Về tiêu chí phân công, phân cấp, ủy quyền phù hợp, cùng với các tiêu chí trên, tiêu chí này góp phần quan trọng để BMHCNN cấp tỉnh vận hành, hoạt động được hiệu quả. Nếu chỉ có tinh gọn hệ thống, mà sự phân công, quy định chức năng, thẩm quyền của cơ quan hành chính, bộ máy hành chính ở địa phương không phù hợp, cứng nhắc trong phân cấp quản lý của hệ thống…sẽ không thúc đẩy hiệu quả quản lý kinh tế – xã hội của địa phương, hoặc cả hệ thống không hoàn thành chức năng, nhiệm vụ. Do vậy, để BMHCNN cấp tỉnh được hoàn thiện thì tiêu chí phân công, phân cấp, ủy quyền phù hợp là tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thiện trên phương diện chức năng, nhiệm vụ của hệ thống.

(7) Về tính công khai, minh bạch, đây là tiêu chí đánh giá, đồng thời cũng là mục tiêu hoạt động của BMHCNN. Chức năng của nhà nước nói chung và chức năng của BMHCNN cấp tỉnh nói riêng là phục vụ nhân dân, bảo đảm phục vụ xã hội; đồng thời huy động cả xã hội tham gia xây dựng các quá trình kinh tế, xã hội; do vậy việc nhà nước công khai, minh bạch các hoạt động, các quy định cho nhân dân biết và tham gia là điều tất yếu. Mặt khác, có công khai minh bạch mới bảo đảm tối đa quyền để nhân dân, các cơ quan, tổ chức chính trị – xã hội tham gia vào quá trình kiểm soát quyền lực nhà nước nhằm thúc đẩy các tiến trình phát triển kinh tế – xã hội phát triển đúng định hướng kết quả trông đợi từ Nhà nước.

(8) Về tiêu chí phát huy tính dân chủ, trong xu hướng hiện đại, xây dựng nhà nước pháp quyền, hoàn thiện bộ máy hành chính cần bảo đảm mục tiêu nhà nước phục vụ nhân dân, huy động sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội. Tính đại diện của Nhân dân, các hoạt động của nhà nước, bộ máy hành chính cần có sự giám sát của nhân dân; có như vậy mới bảo đảm nhà nước phục vụ của nhân dân thực sự, và nhân dân mới thực sự được làm chủ. Do vậy, tiêu chí phát huy tính dân chủ trong hoạt động quản lý nhà nước của BMHCNN cấp tỉnh là tiêu chí cần thiết trong xu hướng hiện nay.

Tài liệu tham khảo:
1. Tô Tử Hạ, Nguyễn Hữu Tri, Nguyễn Hữu Đức. Cải cách hành chính địa phương – lý luận và thực tiễn. H.NXB Chính trị quốc gia, 1998.
2. Bùi Văn Minh (2020). Đề tài khoa học cấp Bộ: “Cơ sở khoa học sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015”, Bộ Nội Vụ.
3. Dương Văn Quảng. Sin-ga-po-re đặc thù và giải pháp. H. NXB Chính trị quốc gia, 2015.
4. Nguyễn Kim Thoa. Tìm hiểu về chính quyền địa phương các cấp. NXB Tư pháp, 2005.
5. Đoàn Trọng Truyến (2000 – 2001), “Tăng cường năng lực quản lý và quy hoạch đô thị tại TP. Hồ Chí Minh”, Đề tài VIE/95/051.
ThS. Bùi Văn Hà
Học viện Hành chính Quốc gia