Kinh nghiệm của một số địa phương về thực thi chính sách bảo trợ xã hội đối với lao động tự do trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và những giá trị tham khảo

(Quanlynhanuoc.vn) – Chính sách an sinh xã hội nói chung và trợ giúp xã hội nói riêng đối với người yếu thế là hoạt động mang đậm tính nhân đạo, có ý nghĩa kinh tế, chính trị, xã hộigóp phần bảo đảm an sinh xã hội. Phát huy tinh thần và thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: Không để ai bị bỏ lại phía sau”, bài viết nêu lên kinh nghiệm của một số địa phương trong triển khai và thực thi chính sách bảo trợ xã hội đối với lao động tự do trong bối cảnh đại dịch và sau đại dịch Covid-19.
Người dân nhận tiền hỗ trợ Covid-19. Ảnh: thanhnien.vn.

Nhằm thực hiện mục tiêu cuối cùng là bảo đảm an sinh xã hội (ASXH) suốt đời cho mọi công dân, Đảng và Nhà nước đã ban hành rất nhiều văn bản, như: Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) về cải cách bảo hiểm xã hội, Quyết định số 488/QĐ-TTg ngày 14/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”; Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội…

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, việc tạm dừng hoạt động bình thường của nền kinh tế và toàn xã hội khiến hàng triệu người lao động (NLĐ) phải ngừng việc, tạm hoàn, chấm dứt hợp đồng lao động, ảnh hưởng lớn đến bảo đảm ASXH của người dân. Chính vì vậy, để bảo đảm ASXH, các tỉnh, thành phố trong cả nước đã thực thi và ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch và tổ chức triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo đảm quyền lợi cho các đối tượng chính sách, đặc biệt là lao động tự do trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Kinh nghiệm một số tỉnh, thành phố về thực thi chính sách bảo trợ xã hội đối với lao động tự do

Thành phố Hà Nội

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội, từ tháng 7/2021 đến ngày 10/12/2021, Hà Nội có gần 5,2 triệu lượt người dân, NLĐ, hộ gia đình được tiếp cận, thụ hưởng nguồn hỗ trợ ASXH theo các chính sách của trung ương và đặc thù của thành phố. Tổng kinh phí hỗ trợ là gần 6.239 tỷ đồng, (trong đó nguồn kinh phí từ ngân sách là 5.833 tỷ đồng; nguồn vận động xã hội hóa là gần 406 tỷ đồng)1. Và có gần 1.537 tỷ đồng được chi trả hỗ trợ cho 450.000 lao động tự do theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.2

Thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp, cụ thể là 3.991 tỷ đồng đã được hỗ trợ cho 1,641 triệu NLĐ đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ đặc thù của thành phố Hà Nội đã áp dụng và triển khai đến với gần 1,56 triệu lượt người dân, NLĐ3.

Theo Quyết định số 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó hỗ trợ là 1,5 triệu đồng/người/lần đối với lao động tự do đủ điều kiện hỗ trợ khi cư trú hợp pháp trên địa bàn thành phố; bị mất việc làm do phải dừng hoạt động trong thời gian từ ngày 01/5/2021 – 31/12/2021. Ngoài ra, trong giai đoạn nền kinh tế thành phố chịu ảnh hưởng, tác động lớn bởi đại dịch việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ ASXH được các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội triển khai linh hoạt, bảo đảm đúng người, đối tượng thụ hưởng.

Tỉnh Hậu Giang

Năm 2020, khi bùng phát dịch Covid -19, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có khoảng 125.000 người bị ảnh hưởng, trong đó người có công với cách mạng, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh bị mất sức lao động, đang hưởng trợ cấp thường xuyên hàng tháng có 6.229 người; đối tượng bảo trợ xã hội có trên 27.000 người; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo 71.168 người; lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương khoảng 3.000 người4. Cùng với công tác phòng, chống dịch bệnh, lãnh đạo tỉnh cũng luôn quan tâm đến công tác ASXH, bảo đảm đời sống người dân nhất là cho lao động tự do trên địa bàn.

Thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, tỉnh đã hỗ trợ NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 8 người, kinh phí 8 triệu đồng. NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (lao động tự do): 22.485 người, kinh phí: 22.435,1 triệu đồng5.

Trong năm 2021, thực hiện Nghị định số 20/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ, UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành nhiều văn bản nhằm tiếp tục trợ cấp đầy đủ và kịp thời cho các đối tượng bảo trợ xã hội, người có công, trung bình hàng tháng: chi 10 tỷ đồng cho 6.229 người có công, 18 tỷ đồng cho 35.500 đối tượng bảo trợ xã hội xã hội. Ngoài ra, tỉnh hỗ trợ cho 10 nhóm chính sách theo Nghị quyết số 68/NQ-CP gồm 150.075 người với số tiền 226,48 tỷ đồng, hỗ trợ cho 6.318 hỗ nghèo với số tiền 6,318 tỷ đồng. Tiếp tục trong năm 2022, tỉnh đã hỗ trợ 4,38 tỷ đồng tiền thuê nhà cho 7.288 NLĐ của 31 doanh nghiệp; hỗ trợ 3,898 tỷ đồng cho 6.824 NLĐ; chi 484 triệu đồng hỗ trợ 464 NLĐ trở lại làm việc6.

Tỉnh Đồng Nai

Nhằm kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ tốt nhất cho an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân, tỉnh Đồng Nai đã kiện toàn, thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban trực tiếp chỉ đạo điều hành tại Quyết định số 308-QĐ/TU ngày 17/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai; đồng thời, thành lập Trung tâm Chỉ huy, điều hành phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh do Phó Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Theo đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã thiết lập nhiều vùng cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian dài, đã dẫn đến người dân trong tỉnh gặp nhiều khó khăn do giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động sản xuất – kinh doanh ảnh hưởng đến việc làm của nhiều NLĐ.

Các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân được tỉnh Đồng Nai ban hành, triển khai đã đem đến những kết quả tích cực, cụ thể: đã tổ chức cho khoảng 4.200 doanh nghiệp bị ảnh hưởng cùng với gần 500.000 lao động phải ngừng việc, tạm hoãn, chấm dứt hợp đồng7, đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp ổn định sản xuất và lưu thông, cung cấp hàng hóa, đảm bảo nguồn hàng hóa thiết yếu cho đời sống người dân và chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc các chế độ, chính sách của Chính phủ về hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh, như: phê duyệt hỗ trợ cho 24.783 NLĐ không có giao kết hợp đồng, bị mất việc với số tiền 24,783 tỷ đồng, hỗ trợ 112 triệu đồng cho 112 NLĐ chấm dứt hợp đồng và không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp; hỗ trợ 714,6 triệu đồng cho 230 NLĐ tạm hoãn hoặc nghỉ việc không lương8. Cùng với đó, tỉnh Đồng Nai cũng thực hiện việc hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh: giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho 10.534 đơn vị với 719.109 lao động với số tiền 251 tỷ đồng; hỗ trợ 820,98 tỷ đồng cho 266.071 NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương; hỗ trợ 388,33 tỷ đồng cho 316.717 NLĐ ngừng việc; chi 66,78 tỷ đồng hỗ trợ 22.259 hộ kinh doanh; hỗ trợ 299,440 tỷ đồng tiền thuê trọ cho 2.213 doanh nghiệp với 218.372 NLĐ …9.

Một số kinh nghiệm về thực thi chính sách bảo trợ xã hội đối với lao động tự do

Qua thực tế thực hiện chính sách hỗ trợ bảo đảm ASXH của thành phố Hà Nội, tỉnh Hậu Giang, tỉnh Đồng Nai có thể rút ra một số bài học:

Thứ nhất, công tác xác định đối tượng thuộc trợ giúp xã hội, đặc biệt là lao động tự do cần chính xác. Lao động tự do là đối tượng khó xác định nhất trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ, do đó, mỗi địa phương có cách phù hợp để xác định đối tượng này trên địa bàn. UBND thành phố Hà Nộiquy định lao động tự do được hỗ trợ là NLĐ theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Việc làm (NLĐ là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc), làm việc trong các ngành nghề bị mất việc làm do phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu tại các văn bản chỉ đạo của UBND thành phố, với nhóm lao động tự do khác được hỗ trợ là NLĐ bị cách ly, cư trú trong khu vực bị phong tỏa theo quyết định của cấp có thẩm quyền, trừ trường hợp NLĐ đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng. Các đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của thành phố Hà Nội có số lượng người thụ hưởng thuộc tốp đầu cả nước, được dư luận phấn khởi, đánh giá cao. Ngoài ra, Nghị quyết số 15/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định một số chính sách đặc thù của thành phố Hà Nội hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đã xác định thêm 10 nhóm đối tượng cần được hỗ trợ cùng với các đối tượng đã được quy định trong Nghị quyết số 68/NQ-CP.

Thứ hai, quá trình thực thi chính sách phải linh hoạt và có tổ chức. Ngoài triển khai tốt các chính sách hỗ trợ xã hội đối với người dân, lao động tự do trong đại dịch Covid-19, tỉnh Hậu Giang đã triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ, như giảm, dãn nộp các loại thuế, bảo hiểm, cho vay vốn trả lương… cho người sử dụng lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhanh chóng, kịp thời giúp hoạt động sản xuất – kinh doanh sớm trở lại bình thường. HĐND tình Hậu Giangcũng đã ban hành Nghị quyết số 23/NQ-HĐND ngày 26/10/2021 quy định chính sách hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế áp dụng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang nhằm tạo điều kiện cho người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình có điều kiện tham gia bảo hiểm y tế để tiếp cận cách dịch vụ khám, chữa bệnh, nhất là trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 bùng phát.

Thứ ba, xây dựng sự đồng thuận của người dân với các quyết định của các cấp lãnh đạo từ trung ương đến địa phương. Các quyết sách của Đảng, Nhà nước, tình hình diễn biến dịch Covid-19 được công khai không chỉ trên các trang thông tin của Đảng, Nhà nước mà còn được thông tin công khai, rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cùng với đó, những chính sách cũng cụ thể, thiết thực và phù hợp với từng thời điểm dịch, như tổ Covid-19 cộng đồng; quản lý điều trị tại nhà cho người nhiễm Covid-19; hỗ trợ tư vấn từ xa; mô hình sản xuất “3 tại chỗ” trong phòng, chống dịch; có biện pháp hỗ trợ cho từng đối tượng cụ thể bị ảnh hưởng bởi Covid-19…

Thứ tư, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đối tượng nhiễm, nghi nhiễm Covid-19. Trong tình hình dịch Covid-19, ứng dụng truy vết người nhiễm, nghi nhiễm bệnh được các địa phương trên cả nước khuyến khích người dân thực hiện khai báo thường xuyên, đây là một trong những biện pháp quan trọng giúp theo dõi được tình hình diễn biến dịch Covid-19 và có biện pháp cách ly, theo dõi, bảo đảm hoạt động ổn định của toàn xã hội. Thông qua ứng dụng công nghệ thông tin đã đơn giản hóa công tác truy vết, tăng hiệu quả của hoạt động quản lý đối tượng nhiễm, nghi nhiễm Covid-19.

Những kinh nghiệm nêu trên cho thấy rằng, việc thực hiện chính sách bảo trợ xã hội đối với lao động tự do tại các địa phương cần phải được phối hợp với các chính sách y tế và việc làm và các chương trình bảo hiểm xã hội luôn là công cụ chính để đạt được mục tiêu về hiệu quả của các chính sách ASXH nhằm bảo đảm đúng với tinh thần chỉ đạo của Đảng ta tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam về ngăn chặn, đẩy lùi Covid-19 và đúng với sự chỉ đạo của Thủ trướng Chính phủ tại Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Chú thích:
1, 2, 3. Gần 450.000 lao động tự do ở Hà Nội đã được hỗ trợ an sinh. https://hanoimoi.com.vn, ngày 10/12/2021.
4, 5, 6. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hậu Giang. Tham luận tại Hội thảo khoa học: Chính sách an sinh cho nhóm yếu thế giai đoạn hậu Covid-19, ngày 27/10/2022.
7, 8, 9. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai. Tham luận tại Hội thảo khoa học: Chính sách an sinh cho nhóm yếu thế giai đoạn hậu Covid-19, ngày 27/10/2022.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
2. Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách bảo hiểm xã hội.
3. Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
4. Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ về chính sách hồ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
TS. Nguyễn Thị Trang
Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính, Học viện Hành chính Quốc gia
TS. Nguyễn Võ Uy Phong
Đại học Đồng Nai
CN. Đường Văn Hậu
Học viên lớp HC25.N9 Học viện Hành chính Quốc gia