Ninh Bình thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo”

(Quanlynhanuoc. vn) – Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về công tác dân vận, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Ninh Bình đã triển khai nhiều phong trào, hoạt động về công tác dân vận và đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng phát triển kinh tế – xã hội, tạo sự đồng thuận, củng cố vững chắc lòng tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý của Nhà nước.
Đồng chí Đỗ Việt Anh, TVTU, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì Hội thảo “Đổi mới công tác nắm tình hình nhân dân, tham gia giải quyết các vấn đề phát sinh ở cơ sở” (Nguồn: danvan.vn).
Triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về công tác dân vận

Trong tác phẩm “Dân vận” năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định tầm quan trọng mang tính quyết định của công tác dân vận (CTDV) đối với thành bại của sự nghiệp cách mạng: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”1. Những chỉ dẫn quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Dân vận” là cơ sở, kim chỉ nam cho CTDV của Đảng và của các tổ chức trong hệ thống chính trị.

Những năm qua, các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã nhận thức đúng đắn về CTDV, vận động quần chúng trong chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện nhiệm vụ, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp từ tỉnh đến cơ sở và mọi tầng lớp nhân dân về CTDV, đặc biệt là công tác vận động quần chúng ở cơ sở. Qua đó, phát huy dân chủ, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, củng cố vững chắc lòng tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý của Nhà nước.

Để thực hiện tốt CTDV, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đã lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm túc các văn bản của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về CTDV, như: Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; Quyết định số 290-QĐ/TW ngày 25/02/2010 của Bộ Chính trị về ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị… Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 226-QĐ/TU ngày 09/6/2011 về Quy chế CTDV của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh Ninh Bình…

Thực hiện Kết luận số 114-KL/TW ngày 14/7/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp; Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới, ngày 22/11/2017 Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Kết luận số 32-KL/TU về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 05/12/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động quần chúng ở cơ sở trong tình hình hiện nay…

Qua CTDV các tầng lớp nhân dân đồng thuận, phấn khởi, tích cực thi đua lao động, sản xuất, thực hiện nếp sống văn minh đô thị, văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội, giữ gìn an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Đặc biệt, hằng năm, CTDV và phong trào thi đua “Dân vận khéo” được các cơ quan, đơn vị các cấp trên địa bàn tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức phát động và triển khai sâu rộng trong hệ thống chính trị; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động dân vận, hướng về cơ sở với nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.

Những kết quả đạt được

Chỉ tính riêng năm 2022, các cơ quan, địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã xây dựng mới được 591 mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, trong đó: 136 mô hình thuộc lĩnh vực kinh tế; 300 mô hình thuộc lĩnh vực văn hóa – xã hội; 76 mô hình thuộc lĩnh vực an ninh quốc phòng; 79 mô hình thuộc lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị), nâng tổng số mô hình “Dân vận khéo” toàn tỉnh lên 1.214 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực2. Kết quả cụ thể:

Một là, lĩnh vực phát triển kinh tế.  Xuất hiện nhiều mô hình “Dân vận khéo” trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, xây dựng trang trại, gia trại, phát triển ngành, nghề, làng nghề, tổ hợp tác, hợp tác xã,… thu hút lao động, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Một số mô hình tiêu biểu, như: “Ứng dụng công nghệ mạ khay, cấy máy trong canh tác lúa tại Ninh Bình”; “Tuyên truyền, vận động tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm OCCOP”; “Phát triển kinh tế nuôi trồng thủy sản vùng trũng xã Sơn Thành, Văn Phú” (Nho Quan); “nuôi cá rô Tổng Trường kết hợp trồng sen Nhật” của Hợp tác xã nuôi Cá rô Tổng Trường…

Hai là, xây dựng nông thôn mới. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới được các cấp, các ngành, địa phương và Nhân dân tích cực hưởng ứng; nhiều mô hình “Dân vận khéo” đã phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân trong xây dựng nông thôn mới. Năm 2022, Nhân dân đã đóng góp xây mới 27 nhà văn hóa thôn; sửa chữa nâng cấp 28 nhà văn hóa thôn; nhiều hộ dân tự nguyện tháo dỡ tường rào, công trình, hiến đất… góp phần làm 328 tuyến đường giao thông thôn, xóm3.

Ba là, lĩnh vực văn hóa – xã hội. Các cấp, các ngành tiếp tục xây dựng mới và duy trì, nhân rộng những mô hình “Dân vận khéo” hiệu quả trên lĩnh vực văn hóa – xã hội, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia xây dựng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng gia đình, cơ quan, đơn vị, khu dân cư văn hóa, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; văn minh đô thị, văn minh du lịch.

Bốn là, lĩnh vực an ninh, quốc phòng. Các mô hình “Dân vận khéo” tiếp tục được cấp ủy đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai các mô hình mới với nhiều hình thức phong phú, đa dạng; kết hợp vận động tập trung với vận động cá biệt; tranh thủ sự ủng hộ của chức sắc, chức việc các tôn giáo, người có uy tín trong dòng họ, khu dân cư; triển khai nhân rộng các hình thức tự quản trong Nhân dân, góp phần nâng cao ý thức cảnh giác, năng lực tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải, được Nhân dân đồng tình ủng hộ và tích cực tham gia.

Năm là, lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị. Các mô hình “Dân vận khéo” đã gắn với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; vận động Nhân dân tham gia ý kiến đối với các chính sách, pháp luật liên quan mật thiết đến cuộc sống người dân; mở rộng hình thức tiếp xúc cử tri (tại nơi cư trú, nơi làm việc, theo chuyên đề, lĩnh vực, theo đối tượng và cá nhân hoặc nhóm cử tri…), tăng đồng thuận, mở rộng dân chủ, phát huy tốt hơn trách nhiệm của cử tri trong việc tham gia góp ý xây dựng chính sách, pháp luật, phản ánh kiến nghị của cử tri. Cơ quan hành chính nhà nước xây dựng mô hình “Dân vận khéo” gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; xây dựng đạo đức công vụ, tăng cường tiếp dân, đối thoại, giải quyết những vấn đề bức xúc, phức tạp trong Nhân dân; tuyên truyền vận động xây dựng các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Một số hạn chế, khó khăn

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cũng còn một số hạn chế, khó khăn:

Thứ nhất, việc quán triệt, triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về CTDV ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chưa được quan tâm đúng mức.

Thứ hai, một số cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, ban chỉ đạo cấp cơ sở chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai phong trào thi đua; một số sở, ngành của tỉnh chưa quan tâm đúng mức đến việc đầu tư xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo”.

Thứ ba, nguồn lực đầu tư thực hiện các mô hình “Dân vận khéo” còn khó khăn; một số cơ quan, đơn vị chưa chủ động trong xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” một cách hiệu quả.

Thứ tư, việc lựa chọn xây dựng và thực hiện mô hình, điển hình ở một số nơi còn hình thức, một số mô hình đã đăng ký xây dựng nhưng hoạt động chưa rõ nét, hiệu quả chưa cao. Việc theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc phong trào thi đua “Dân vận khéo” của một số thành viên Ban Chỉ đạo các cấp chưa thường xuyên. Chế độ thông tin, báo cáo ở một số cơ quan, đơn vị còn chậm.

Một số giải pháp để công tác dân vận đạt hiệu quả cao nhất

Để thực hiện tốt phong trào “Dân vận khéo”, tỉnh Ninh Bình cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục thực hiện nghiêm túc Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2021 – 2025; Hướng dẫn của Ban Chỉ đạo tỉnh về xây dựng và công nhận mô hình, điển hình “Dân vận khéo” gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về CTDV; Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…

Tập trung cao nhất cho việc tổ chức triển khai thực hiện chủ đề công tác năm 2023 của Tỉnh ủy về “Giữ vững kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo, hiệu quả, thực chất”… xây dựng phong trào thi đua toàn diện, rộng khắp, thực chất và hiệu quả; tổ chức tốt “Ngày dân vận” (15/10); học tập bài báo “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới mọi cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan, đơn vị. Từ đó, tạo những chuyển biến mới về nhận thức và hành động về CTDV.

Hai là, CTDV phải hướng về cơ sở, sát thực tiễn, gần dân, chú ý lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của Nhân dân để giải quyết đúng, kịp thời những vấn đề bức xúc trong xã hội, đem lại lợi ích vật chất và tinh thần cho Nhân dân, góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân.

Ba là, phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị – xã hội trong CTDV; xác định rõ nội dung, biện pháp CTDV ở mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương. Đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, tạo chuyển biến tích cực về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, xây dựng, quản lý và thực hiện tốt quy hoạch đô thị, khai thác có hiệu quả nguồn lực, giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc; chuyển dịch mạnh cơ cấu lao động nông nghiệp sang dịch vụ và công nghiệp; tăng cường an ninh, quốc phòng, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội để tạo nền tảng, cơ sở thuận lợi cho CTDV.

Như vậy, “Dân vận khéo” cần chú trọng sự thiết thực, cụ thể trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, củng cố, giữ vững an ninh, quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương, đơn vị; làm tốt CTDV trong thời gian tới để góp phần xây dựng quê hương Ninh Bình ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Chú thích:
1. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 6. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 234.
2, 3. Báo cáo số 15/BC-BCĐ ngày 10/01/2023 của Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” tỉnh Ninh Bình về kết quả thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” năm 2022, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.
Tài liệu tham khảo
1. Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới.
2. Kết luận số 114-KL/TW ngày 14/7/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp.
3. Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới.
4. Quyết định số 290-QĐ/TW ngày 25/02/2010 của Bộ Chính trị về ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị.
ThS. Đinh Thị Hoa
Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình