Đổi mới phương pháp công tác của đội ngũ cán bộ ở đơn vị cơ sở theo tư tưởng Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Cán bộ Quân đội là một bộ phận cán bộ của Đảng, trong đó đội ngũ cán bộ ở đơn vị cơ sở có vai trò quyết định tới mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Vì vậy, xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung và đổi mới phương pháp công tác của đội ngũ cán bộ ở đơn vị cơ sở nói riêng theo tư tưởng Hồ Chí Minh là việc làm quan trọng, then chốt, thường xuyên của các cấp ủy đảng hiện nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và nói chuyện thân mật với đồng chí Kaysone Phomvihane, Trưởng Đoàn đại biểu Đảng và Mặt trận Lào yêu nước sang thăm hữu nghị Việt Nam (1966). Ảnh: Tư liệu.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên lần đầu tiên trong dịp thăm tỉnh Thanh Hóa, ngày 20/02/1947: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của Đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”1, với cách đánh giá như vậy, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (10/1947), Người đúc rút: “Có cán bộ tốt, việc gì cũng xong. Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là chân lý nhất định”2 và dành toàn bộ phần IV để viết về vấn đề cán bộ. Trong công tác cán bộ, yêu cầu đầu tiên của Hồ Chủ tịch là phải vận dụng quan điểm chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào việc xem xét, đánh giá cán bộ. Đó là quan điểm khách quan, bởi nếu không thì “cũng như mắt đã mang kính có màu, không bao giờ thấu rõ cái mặt thật của những cái mình trông”3; quan điểm phát triển “Trong thế giới, cái gì cũng biến hóa. Tư tưởng của người cũng biến hóa. Vì vậy, cách xem xét cán bộ, quyết không nên chấp nhất, vì nó cũng phải biến hóa”4; quan điểm lịch sử, cụ thể “Quá khứ, hiện tại và tương lai của mọi người không phải luôn giống nhau”5.

Người yêu cầu phải biết phân tích bản chất và hiện tượng, bên trong và bên ngoài của một con người khi thực hiện các công việc khác nhau trong cả một giai đoạn dài: “Xem xét cán bộ, không chỉ xem ngoài mặt mà còn phải xem tính chất của họ. Không chỉ xem một việc, một lúc mà phải xem toàn cả lịch sử, toàn cả công việc của họ”6. Cùng với đó, Người dẫn chứng rất cụ thể một số biểu hiện của người tốt, người không tốt, thậm chí là tay sai của địch; trong đó, tiêu chuẩn quan trọng nhất để phân biệt cán bộ tốt là “cần phải xét rõ người đó có gần gũi quần chúng, có được quần chúng tin cậy và mến phục không”7. Với quan điểm và phương pháp đánh giá cán bộ như vậy không những đánh giá, sử dụng đúng cán bộ mà còn khắc phục được những căn bệnh, khuyết điểm chủ quan thường mắc trong công tác cán bộ.

Theo Người, cán bộ là một vấn đề trọng yếu, cán bộ quyết định mọi công việc, cán bộ là gốc của mọi công việc. Nếu đời sống kinh tế, chính trị, xã hội được coi như một “cỗ máy” thì cán bộ là “dây chuyền”, là “cầu nối” đặc biệt trong cỗ máy đó. Cán bộ là người hoạch định, xây dựng chính sách cũng là người giải thích cho dân chúng hiểu rõ chính sách của Đảng và Chính phủ, giáo dục động viên, tập hợp quần chúng tham gia tích cực vào phong trào cách mạng và cũng chính là người đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ để đặt chính sách cho đúng. Chính vì thế, nếu “dây chuyền” không tốt, không chạy thì động cơ có tốt, bộ máy cũng tê liệt, “dây chuyền” đó dở thì chính sách của Đảng, của Chính phủ có hay mấy cũng không thực hiện được, thậm chí việc hoạch định chính sách sẽ gặp khó khăn, có thể sai lầm. Theo Người, “Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy”8. Người cũng cho rằng “Công việc thành hay bại một phần lớn là nơi do tư tưởng, đạo đức, thái độ và lề lối làm việc của các đồng chí”9.

Biện pháp đổi mới phương pháp công tác của đội ngũ cán bộ ở đơn vị cơ sở theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Để Quân đội luôn vững mạnh xứng đáng là đội quân cách mạng, tinh nhuệ, Người thường xuyên chăm lo xây dựng, phát triển quân đội về mọi mặt, đặc biệt là chăm lo xây dựng rèn luyên đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ ở đơn vị cơ sở. Bởi vì, theo Hồ Chí Minh cán bộ là cái gốc của mọi công việc, do đó theo Người, đội ngũ cán bộ ở đơn vị cơ sở phải có đủ phẩm chất đạo đức, trí tuệ, bản lĩnh, phương pháp và phong cách. Trước những biến đổi to lớn của tình hình trong nước và trên thế giới tác động đến cách mạng nước ta hiện nay, nhiệm vụ Đảng giao cho quân đội có sự phát triển mới, rất nặng nề nhưng cũng vô cùng vẻ vang. Để lãnh đạo và chỉ huy bộ đội hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, đòi hỏi cán bộ Quân đội, nhất là đội ngũ cán bộ ở đơn vị cơ sở phải không ngừng rèn luyện, bồi dưỡng và nâng cao phương pháp công tác để phù hợp với điều kiện mới. Do vậy, cần thực hiện tốt những biện pháp cơ bản sau:

Một là, tăng cường bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ ở đơn vị cơ sở phương pháp tư duy độc lập, tự chủ và sáng tạo trong quá trình công tác

Đây là một trong những biện pháp rất quan trọng, giúp cho đội ngũ cán bộ noi theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc điểm nổi bật của đội ngũ cán bộ ở đơn vị cơ sở hiện nay là đại đa số đều được đào tạo cơ bản, có trình độ chuyên môn giỏi, trình độ lý luận chính trị cao, có hiểu biết xã hội cao, khả năng tiếp cận nhanh với khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới, năng động, sáng tạo, chủ động, cầu thị, có chí phấn đấu và không ngừng tu dưỡng, rèn luyện; nhiều người giữ cương vị lãnh đạo, người đứng đầu ở các cấp, các ngành trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, đoàn thể chính trị – xã hội từ Trung ương đến cơ sở. Họ có những đóng góp tích cực vào xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh và đơn vị vững mạnh toàn diện; luôn ý thức được trách nhiệm và sẵn sàng tham gia vào mọi lĩnh vực góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Vì thế, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ về phương pháp tư duy độc lập, tự chủ và sáng tạo theo tư tưởng Hồ Chí Minh là nội dung quan trọng trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nói chung, đội ngũ cán bộ ở đơn vị cơ sở nói riêng, góp phần hình thành lớp cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên” kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần to lớn vào đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, xuất phát từ điều kiện, hoàn cảnh cụ thể để bồi dưỡng phương pháp tư duy độc lập, tự chủ và sáng tạo theo tư tưởng Hồ Chí Minh, hướng cho suy nghĩ, hành động của đội ngũ cán bộ đều phải xuất phát từ thực tiễn, bám sát yêu cầu của thực tiễn; thông qua thực tiễn để rèn luyện đội ngũ cán bộ phương pháp tư duy độc lập, tự chủ và sáng tạo. Đồng thời, hướng cán bộ trẻ biết kế thừa tri thức, kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý của các thế hệ cán bộ đi trước một cách có chọn lọc; có sự phân tích sâu sắc để tìm ra những yếu tố tích cực, làm giàu thêm vốn tri thức, kinh nghiệm công tác của mình. Giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ ở đơn vị cơ sở có tư duy nhạy bén, linh hoạt trong mọi điều kiện, hoàn cảnh của môi trường xã hội, của cơ quan, đơn vị; tự mình tìm tòi, suy nghĩ, tìm ra bản chất của vấn đề phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tiễn, để từ đó phát huy trách nhiệm trong tham mưu, đề xuất chủ trương, biện pháp cho cấp ủy lãnh đạo, quản lý đơn vị thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao.

Hai là, tích cực bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ ở đơn vị cơ sở phương pháp công tác, làm việc khoa học

Phương pháp làm việc khoa học theo tư tưởng Hồ Chí Minh được thể hiện khi làm công việc gì cũng phải có sự điều tra, nghiên cứu, thu thập thông tin, số liệu, để nắm chắc thực chất tình hình, từ đó mới đề ra chủ trương và biện pháp lãnh đạo tổ chức thực hiện. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Phải hiểu rằng: Đảng có hiểu rõ tình hình thì đặt chính sách mới đúng. Mà muốn Đảng hiểu rõ thì đảng viên và cán bộ phải điều tra và báo cáo rõ ràng tình hình từng xã, từng huyện, từng tỉnh, từng khu. Nếu không biết rõ tình hình mà đặt chính sách thì kết quả là “nồi vuông úp vung tròn” không ăn khớp gì hết”10. Trong làm việc phải có kế hoạch, vì thế, Người luôn nhắc nhở cán bộ trong công việc không nên tham lam, mà phải thiết thực, vừa sức, từ thấp đến cao. Phương pháp làm việc khoa học của Người còn bao hàm tác phong và ý thức chấp hành thời gian, đó là làm việc phải đúng giờ, thực hiện giờ nào việc ấy; phải đổi mới, sáng tạo, không chấp nhận lối cũ, đường mòn. Người chỉ rõ: “Xét kỹ hoàn cảnh mà xếp đặt công việc cho đúng. Việc chính, việc gấp thì làm trước. Không nên luộm thuộm, không có kế hoạch, gặp việc nào làm việc ấy, thành thử việc nào cũng là việc chính, lộn xộn, không có ngăn nắp”11.

Vì thế, khi bồi dưỡng phương pháp công tác, làm việc khoa học cho đội ngũ cán bộ, đòi hỏi cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần chú trọng rèn luyện họ có một phương pháp khi xem xét và quyết định mọi công việc đều phải nắm bắt tình hình, nghiên cứu, phân tích toàn diện, phải tôn trọng quy luật khách quan. Theo đúng chỉ dẫn của Người: “Sau mỗi việc cần phải rút kinh nghiệm. Kinh nghiệm riêng của từng cán bộ, từng địa phương. Kinh nghiệm chung tất cả các cán bộ và các địa phương. Kinh nghiệm thất bại và kinh nghiệm thành công”12. Khi ra các quyết định thì cấp ủy, quản lý phải có thông tin đầy đủ và có kế hoạch chặt chẽ, khả thi, không chủ quan duy ý chí. Phải bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ thói quen làm việc sâu sát, cụ thể, tỉ mỉ; biết quý trọng thời gian, biết giờ nào làm việc ấy và có năng lực giải quyết tốt công việc; có tầm nhìn xa trông rộng trên cơ sở dự báo khoa học về tình hình có liên quan đến hoạt động của cơ quan, đơn vị mình, để tránh bị động bất ngờ. Kiên quyết không để đội ngũ cán bộ rơi vào “bệnh cận thị – không trông xa thấy rộng”, những vấn đề to tát thì không nghĩ đến mà chỉ chăm chú những việc tỉ mỉ. Phải rèn luyện cho đội ngũ cán bộ hình thành thói quen mỗi khi làm xong một công việc, dù thành công hay thất bại đều phải có sự tổng kết và đúc rút kinh nghiệm. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ để đưa ra nhận xét, đánh giá khách quan.

Ba là, chú trọng bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ phương pháp diễn đạt ngắn gọn, cô đọng, dễ hiểu và phong cách ứng xử, giao tiếp nhã nhặn, khiêm tốn và lịch thiệp

Phương pháp diễn đạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện trong cuộc sống hằng ngày khi Người tiếp xúc với cán bộ, đảng viên và nhân dân với một cách thức diễn đạt nói và viết rất ngắn gọn, cô đọng và dễ hiểu. Người thường nhắc nhở đội ngũ cán bộ khi tuyên truyền nói và viết phải ngắn gọn, dễ hiểu. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Mình viết ra cốt là để giáo dục, cổ động; nếu người xem mà không nhớ được, không hiểu được, là viết không đúng, nhằm không đúng mục đích. Mà muốn cho người xem hiểu được, nhớ được, làm được, thì phải viết cho đúng trình độ của người xem, viết rõ ràng, gọn gàng, chớ dùng chữ nhiều”13. Vì thế, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần phải chú trọng bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ phương pháp diễn đạt ngắn gọn, cô đọng, dễ hiểu.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện phong cách ứng xử giản dị, gần gũi, cởi mở, tế nhị, luôn tôn trọng tập thể, dân chủ, sâu sát và chu đáo với tất cả mọi người. Vì theo Người: “Đối với tất cả mọi người trong các tầng lớp dân chúng, ta phải có một thái độ mềm dẻo khôn khéo, biết nhân nhượng, biết trọng nhân cách người ta”14. Và thực tiễn trong phong cách ứng xử đối với mọi người, dù là cán bộ, đảng viên hay quần chúng nhân dân, dù với tướng lĩnh hay những đội viên nhỏ tuổi đều luôn cảm nhận được ở Người phong thái vừa ân cần, niềm nở, vừa thân ái, yêu thương gần gũi, chứa đựng nét văn hóa, tôn trọng, cởi mở và chu đáo với mọi người. Chính phong cách ứng xử đó đã làm cho mọi người, dù khác nhau về địa vị, thành phần xuất thân khi tiếp xúc với Người, họ đều có chung cảm nhận về sự nể trọng, tôn kính, bởi sức cảm hóa to lớn của Người. Vì thế, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, cần bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ phong cách ứng xử giản dị, gần gũi, cởi mở, tế nhị, luôn tôn trọng tập thể, dân chủ, sâu sát và chu đáo với mọi người.

Dù trên cương vị nào, đội ngũ cán bộ cũng phải có phương pháp làm việc sâu sát, cụ thể, tỉ mỉ, luôn đặt lợi ích tập thể lên trên hết, tôn trọng cấp dưới, xây dựng mối quan hệ đoàn kết, hòa nhã và môi trường thực sự dân chủ trong cơ quan, đơn vị của mình. Ngoài ra, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần phải thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện và rèn luyện của họ. Cần đề ra tiêu chí đánh giá, nhận xét, phân loại cán bộ, lấy đó là một căn cứ quan trọng để xem xét, đánh giá, xếp loại thi đua khen thưởng, phân tích, nhận xét, đánh giá chất lượng, trong điều động, bổ nhiệm cán bộ hằng năm; trọng dụng nhân tài, sử dụng cán bộ đúng với khả năng và trình độ của họ. Cần có chính sách phù hợp kịp thời động viên đội ngũ cán bộ thỏa đáng, cả về vật chất, tinh thần, tạo đòn bẩy kích thích mạnh mẽ tính tích cực, tự giác học tập, rèn luyện của họ theo tư tưởng Hồ Chí Minh đáp ứng chức trách, nhiệm vụ được giao.

Bốn là, thường xuyên bồi dưỡng phương pháp công tác, sinh hoạt giản dị, thanh cao của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ ở đơn vị cơ sở

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận xét: “Cán bộ và đảng viên ta nói chung là tốt. Nhiều đồng chí đã luôn luôn nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân, ý thức tổ chức và kỷ luật, giữ vững đạo đức cách mạng, sinh hoạt giản dị, tác phong dân chủ, rất xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng và của nhân dân”15. Để thực sự đáp ứng với niềm tin của Người, đội ngũ cán bộ ở đơn vị cơ sở hiện nay phải luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, luôn rèn luyện “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” theo phong cách Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” như Đại hội Đảng lần thứ XIII của Đảng đã chỉ ra. Chính vì vậy, phải thường xuyên bồi dưỡng phương pháp công tác, sinh hoạt giản dị, thanh cao cho đội ngũ cán bộ theo phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để họ không chạy theo vật chất mà đánh mất bản thân mình.

Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần đẩy mạnh tuyên truyền về phương pháp công tác, sinh hoạt giản dị, thanh cao của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ để họ hiểu rõ những giá trị đích thực của phong cách sinh hoạt Hồ Chí Minh, qua đó họ học tập, làm theo. Thường xuyên hướng cho đội ngũ cán bộ rèn luyện theo phương pháp công tác, sinh hoạt giản dị, thanh cao để trong cuộc sống, làm việc, học tập và công tác, trong suy nghĩ và hành động, trong quan hệ với đồng chí, đồng nghiệp và nhân dân họ kiên quyết đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, đó là giá trị đích thực theo phong cách sinh hoạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, được Đảng ta xác định là một nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa sâu sắc, nhất là đối với đội ngũ cán bộ. Việc làm đó đã có sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống sinh hoạt, học tập và công tác của đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành nói riêng và đời sống chính trị ở nước ta nói chung. Việc làm đó đã trở thành công việc thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, của cán bộ chủ trì các cấp. Đòi hỏi, cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì các cấp cần vận dụng linh hoạt tư tưởng Hồ Chí Minh để bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ ở đơn vị cơ sở phương pháp công tác và làm việc một cách khoa học, góp phần cùng tập thể cơ quan, đơn vị thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Đó là cơ sở nền tảng quyết định xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Chú thích:
1,2,3,4,5,6,7,10,11,12. Hồ Chí Minh. Toàn tập, Tập 5. H. NXB. Chính trị quốc gia, 2011, tr. 68, 214, 317, 317, 318, 318, 314, 266-267, 292, 703.
8,14. Hồ Chí Minh. Toàn tập, Tập 4. H. NXB. Chính trị quốc gia, 2011, tr.43, 52.
9. Hồ Chí Minh. Toàn tập, Tập 7. H. NXB. Chính trị quốc gia, 2011, tr.415.
13. Hồ Chí Minh. Toàn tập, Tập 8. H. NXB. Chính trị quốc gia, 2011, tr.209.
15. Hồ Chí Minh. Toàn tập, Tập 14. H. NXB. Chính trị quốc gia, 2011, tr.28.
Tài liệu tham khảo:
1. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. H. NXB Chính trị quốc gia, 2008.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị Quốc gia, 2021.
Thiếu tá Lê Đình Tiến
Học viện Chính trị, Bộ Quôc phòng