Một số giải pháp khơi thông các điểm nghẽn trong phát triển kinh tế vùng Duyên hải Nam Trung Bộ

(Quanlynhanuoc.vn)Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ là một trong những vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam, giữ vai trò là cầu nối kinh tế, quốc phòng cho hai vùng Bắc Trung Bộ với Tây Nguyên. Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại nhiều điểm nghẽn trong cơ chế, chính sách cũng như liên kết vùng, làm cho việc phát triển kinh tế – xã hội chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng. Bài viết đưa ra một số giải pháp cơ bản để đưa Duyên hải Nam Trung Bộ trở thành vùng phát triển năng động, nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại.
Ảnh minh họa. Nguồn: taichinhdoanhnghiep.net.vn.
Nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ

Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ là một trong ba hợp phần của miền Trung Việt Nam (phía Bắc giáp Bắc Trung Bộ, phía Tây giáp Tây Nguyên và Lào, phía Nam giáp Đông Nam Bộ, phía Đông giáp Biển Đông). Vùng bao gồm thành phố Đà Nẵng và 7 tỉnh (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận). Diện tích của vùng khoảng 45.000 km² (chiếm 13,44% diện tích cả nước), trong đó Quảng Nam là địa phương có diện tích tự nhiên lớn nhất, sau đó đến Bình Thuận, Bình Định, nhỏ nhất là thành phố Đà Nẵng.

Vùng có địa hình chủ yếu là đồi núi, địa chất phức tạp, ven biển là các đồng bằng nhỏ, hẹp, lớn nhất là đồng bằng Tuy Hòa; khí hậu nhiệt đới gió mùa và đường bờ biển dài khoảng 1.560 km, hệ thống sông ngòi dày đặc, gồm các hệ thống sông lớn như sông Thu Bồn, sông Vu Gia, sông Ba, sông Cái,… tạo điều kiện và lợi thế để phát triển các ngành, như: đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản, công nghiệp cảng biển và dịch vụ du lịch.

Tài nguyên khoáng sản chủ yếu là vật liệu xây dựng, như: cát thủy tinh ở Khánh Hòa, vàng ở Bồng Miêu (Quảng Nam), dầu khí “vàng đen” có trữ lượng lớn, đang tiếp tục được mở rộng tìm kiếm và khai thác trên thềm lục địa ở cực Nam Trung Bộ. Nhiều nhà máy thủy điện công suất trung bình và nhỏ đi vào hoạt động; tài nguyên rừng nối liền với rừng Tây Nguyên.

Dân số vùng Duyên hải Nam Trung Bộ tính đến năm 2021 khoảng gần 9.5 triệu người, mật độ dân số mức bình quân chung của cả vùng là 289,25 người/km2 và 295 người/km2 của cả nước1. Lực lượng lao động của vùng năm 2021 khoảng hơn 5 triệu người, chiếm 53,1% tổng dân số của vùng. Tỷ lệ này cũng cao hơn mức bình quân chung là 53,% của cả nước2.

Tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo của vùng giai đoạn 2011 – 2021 tăng qua các năm, trong đó Đà Nẵng là địa phương có tỷ lệ lao động đã qua đào tạo cao nhất (44,04%), thấp nhất là Bình Thuận (15,66%), Bình Định xếp thứ 4 (21,8%), tỷ lệ này thấp hơn so với trung bình chung của cả nước (26,13%), nhưng cao hơn các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, miền núi phía Bắc và Tây Nguyên3. Đây là một trong những động lực tạo nên tăng trưởng kinh tế của vùng trong thời gian qua. Tỷ lệ lao động qua đào tạo càng cao, chứng tỏ chất lượng nguồn nhân lực càng tăng lên, góp phần thúc đẩy tăng năng suất lao động. Đà Nẵng là địa phương có tỷ lệ lao động đã qua đào tạo cao nhất trong vùng, cao hơn cả mức trung bình chung của cả nước, tăng trưởng kinh tế cũng cao nhất trong khu vực.

Thành tựu trong tăng trưởng và phát triển kinh tế của vùng

Với lợi thế đường bờ biển dài, cơ cấu kinh tế đang từng bước dịch chuyển sang công nghiệp, dịch vụ gắn với phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững, hầu hết các tỉnh, thành phố trong vùng Duyên hải Nam Trung Bộ đều có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao từ 7,5 – 8% trong cả giai đoạn từ 2011 – 2021; GRDP bình quân đầu người xấp xỉ 57 triệu/người/năm. Thu ngân sách tăng khá (năm 2021 chiếm 13,5% tổng thu ngân sách nhà nước), một số địa phương đã cân đối được ngân sách và có điều tiết về Trung ương. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt.

Tuy nhiên, những năm gần đây, mức tăng trưởng kinh tế của nhiều tỉnh trong vùng có xu hướng giảm khiến vị thế kinh tế của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ cũng giảm theo, mặc dù tổng GDP toàn vùng vẫn tăng. Đến năm 2020, trước tác động lớn của đại dịch Covid-19, tăng trưởng GRDP của hầu hết các địa phương đều giảm, đặc biệt, có địa phương tăng trưởng âm như Quảng Nam (-6,98%), Đà Nẵng (-9,77%), Khánh Hòa (-10,52%), Quảng Ngãi (-1,02%)4, trong khi đó, Ninh Thuận lại vươn lên xếp thứ 4 cả nước về tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 9,58% (sau Bắc Giang:13,02%, Hải Phòng: 11,22% và Quảng Ninh: 10,05%5.

Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ là vùng chú trọng phát huy kinh tế biển, gồm du lịch biển và khai thác thủy hải sản, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Sản lượng thủy hải sản khai thác ước đạt 1.157,877nghìn tấn/năm (chiếm 29,4% cả nước); số lượng tàu khai thác thủy hải sản biển có công suất từ 90 CV trở lên là 14.750 chiếc (chiếm 40,65% cả nước). Đặc biệt, vùng biển Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định là nơi cho khai thác nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao, như cá ngừ, tôm hùm, hải sâm (xem Bảng 1)6.

Chỉ số sản xuất công nghiệp ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong vùng đều tăng trong cả giai đoạn 2012 – 2020, trong đó tỉnh Bình Thuận là địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp cao (năm 2018: 120,5%, năm 2019:133,02%, năm 2020: 112,6%); Ninh Thuận (năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng vượt bậc: 139,43%) (Xem Bảng 2)7.

Nhờ vị trí địa lý thuận lợi và lợi thế về tài nguyên, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ có hai ngành dịch vụ phát triển nhất, đó là du lịchdịch vụ vận tải.

Những “điểm nghẽn” về cơ chế, chính sách và hoạt động liên kết vùng

Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu trong tăng trưởng và phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành cũng như xóa đói, giảm nghèo và an sinh xã hội, song quá trình phát triển kinh tế – xã hội của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ bộc lộ nhiều hạn chế:

Một là, quy mô tăng trưởng kinh tế của vùng còn hạn chế, động lực tăng trưởng kinh tế yếu dần, chưa thực sự phát huy được thế mạnh của vùng về kinh tế biển, du lịch. Trong 8 tỉnh, thành phố, chỉ có 2 tỉnh là Quảng Ngãi và Quảng Nam có dự án động lực quy mô lớn, các tỉnh còn lại tốc độ tăng trưởng còn thấp, chưa khai thác được thế mạnh về hệ thống cảng biển, sân bay sẵn có. Một số hành lang kinh tế chưa phát huy sức hút lớn về công nghiệp, dịch vụ; xuất khẩu tăng cao nhưng tỷ trọng còn thấp trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Phát triển chưa đồng đều giữa các địa phương trong vùng.

Hai là, những tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định chưa thể hiện được vai trò là hạt nhân tăng trưởng, đầu tàu dẫn dắt kinh tế vùng. Xuất phát điểm của kinh tế vùng còn khá thấp, đóng góp kinh tế của vùng trong nền kinh tế quốc gia chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng kinh tế động lực.

Ba là, tăng trưởng kinh tế phụ thuộc lớn vào ngành nông nghiệp và khu công nghiệp, trong khi lợi thế phát triển của vùng là du lịch gắn với kinh tế biển. Nông nghiệp vẫn chủ yếu là nông nghiệp truyền thống và bị ảnh hưởng khắc nghiệt của biến đổi khí hậu.

Bốn là, tăng trưởng kinh tế vẫn dựa nhiều vào vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Vì thế, tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững, còn hạn chế về nguồn lực vốn cho đầu tư phát triển kinh tế vùng. Thời gian qua, mặc dù các địa phương trong vùng đã có nhiều chính sách thu hút đầu tư trong và ngoài nước cho phát triển kinh tế và hoàn thiện kết cấu hạ tầng song quy mô vốn đầu tư phát triển vẫn còn thấp, chủ yếu phụ thuộc vào vốn đầu tư của Nhà nước. Vốn FDI chủ yếu tập trung vào phát triển công nghiệp khai khoáng, lắp ráp, mà chưa được sử dụng để phát triển nông nghiệp, kinh tế biển và năng lượng. Thu hút đầu tư nước ngoài vào vùng còn thấp, chủ yếu là các dự án vừa và nhỏ. Các nhà đầu tư nước ngoài, tập đoàn, doanh nghiệp lớn có tâm lý e ngại khi đầu tư vào vùng thường gặp thiên tai, bão lũ và giao thông chưa thật sự thuận tiện. Vốn đầu tư tư nhân vào phát triển kinh tế vùng còn hạn chế.

Năm là, thu ngân sách chưa bền vững; hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, nội vùng còn yếu và thiếu; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, tỷ lệ lao động qua đào tạo có cấp chứng chỉ mới đạt trung bình cả vùng khoảng 26%, thuộc vùng có tỷ lệ thấp của cả nước (Xem Bảng 3)8.

Một số giải pháp cụ thể

Thứ nhất, cần có đánh giá toàn diện về lợi thế so sánh, khả năng khai thác các lợi thế, khoảng cách giữa tiềm năng và thực tế phát triển, chỉ ra cơ hội, khó khăn, thách thức của vùng trong phát triển kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số.

Thứ hai, xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư tư nhân vào phát triển nông nghiệp sinh thái, năng lượng bền vững, đồng thời, có cơ chế khuyến khích, nâng cao năng lực công nghệ cho hệ thống các doanh nghiệp trong vùng.

Phát triển nông nghiệp sinh thái, công nghiệp chế biến, năng lượng sạch và du lịch gắn với lợi thế về đường bờ biển kéo dài từ Đà Nẵng vào Bình Thuận cần huy động được các nguồn lực vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, như: vốn FDI, vốn đầu tư từ các doanh nghiệp tư nhân trong nước nhằm tạo ra việc làm, thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế lao động từ nông nghiệp sang các ngành có giá trị gia tăng cao hơn. Để có thể thu hút vốn đầu tư từ FDI và vốn đầu tư từ doanh nghiệp tư nhân, cần có các chính sách ưu đãi đầu tư, ưu đãi thuế, đất đai, đồng thời, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa tất cả các loại hình doanh nghiệp, thúc đẩy cơ hội tiếp cận các nguồn lực tài chính, hoàn thiện kết cấu hạ tầng.

Ngoài ra, cần có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Đổi mới công nghệ của hệ thống doanh nghiệp theo hướng tiên tiến, hiện đại là trụ cột quan trọng để chuyển đổi mô hình tăng trưởng vùng hướng vào chiều sâu, theo hướng tăng trưởng xanh.

Thứ ba, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư hấp dẫn, thông thoáng, minh bạch. Trước hết, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý liên quan đến môi trường kinh doanh theo hướng tạo ra sự hấp dẫn, minh bạch, nhất quán và ổn định. Phân tích đặc điểm cụ thể của từng địa phương nội vùng để tạo ra những cơ sở pháp lý cho việc xây dựng các chính sách ưu đãi mang tính đặc thù nhằm ưu tiên phát triển các ngành khai thác lợi thế so sánh của từng địa phương trong vùng. Đẩy mạnh thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn FDI có công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường.

Kết hợp phát triển giữa nông nghiệp với du lịch, tạo ra những sản phẩm đặc thù mang lại giá trị cao hơn về kinh tế. Do vậy, cần đẩy mạnh quy hoạch các vùng cây chuyên canh, xác định rõ sản phẩm chủ lực của vùng, ứng dụng khoa học – công nghệ vào trong nông nghiệp để nâng cao năng suất lao động. Gắn các tour, tuyến du lịch sinh thái với các vùng sản xuất nông nghiệp, gắn với biển.

Đặc biệt, cần có các chính sách khuyến khích đầu tư cho giáo dục – đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của vùng, đáp ứng thị trường lao động; có chính sách ưu đãi đối với đội ngũ các nhà khoa học, nhất là ưu đãi đặc biệt đối với đội ngũ các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ quốc tế đến công tác dài hạn tại các địa phương nội vùng.

Thứ tư, hoàn thiện thể chế liên kết trong phát triển vùng. Để có thể thúc đẩy việc liên kết vùng, cần thay đổi nhận thức về liên kết, tìm ra các chuỗi liên kết sản phẩm, chuỗi ngành hàng để tăng hiệu quả, hạn chế cạnh tranh trong cùng ngành hàng, đồng thời khai thác được lợi thế của từng địa phương.

Chú thích:
1, 2, 3, 5, 7, 8. Số liệu của Tổng cục thống kê năm 2021. https://www.gso.gov.vn
4, 6. Số liệu Tổng cục thống kê các tỉnh, thành phố trong vùng năm 2021. http://cucthongke.vn
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
2. Hội đồng vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung. Báo cáo tổng kết tình hình phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung giai đoạn 2016 – 2020. Đà Nẵng, 2020.
3. Nghị quyết số 26/NQ-TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
4. Tổng cục Thống kê. Tăng trưởng các vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2011 – 2017. NXB Thống kê, 2019.
TS. Trương Thị Mỹ Nhân
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh