Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên

(Quanlynhanuoc.vn) – Đội ngũ cán bộ, đảng viên là lực lượng nòng cốt, là cầu nối giữa Đảng với Nhân dân, là nhân tố kết nối, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, góp sức cùng Nhân dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng của Đảng. Theo đó, chất lượng của đội ngũ cán bộ, đảng viên quyết định chất lượng hoạt động của Đảng. Để xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay, vấn đề then chốt là phải tích cực đổi mới công tác giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.
Ảnh minh họa (hdll.vn)
Giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc giáo dục, rèn luyện (GDRL) đội ngũ cán bộ, đảng viên (CBĐV). Trong bản Di chúc, Người căn dặn: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”1. Tiếp thu tinh thần đó, Đảng ta cũng luôn chú trọng đến việc xây dựng và phát triển đội ngũ CBĐV. Đa số CBĐV chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước, kỷ luật Đảng, các quy định của ngành, có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống trong sáng, lành mạnh, luôn nêu cao vai trò tiền phong gương mẫu, khắc phục khó khăn, đoàn kết, thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, đảng viên vững mạnh toàn diện. Những thành tựu đạt được trong công tác xây dựng đội ngũ đảng viên ở nước ta đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh, củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa mà Nhân dân ta đang xây dựng.

Tính đến nay, toàn Đảng có tổng số hơn 5.325.532 đảng viên. Công tác phát triển Đảng được chú trọng, số lượng đảng viên tăng qua các nhiệm kỳ. Trung bình 10 năm qua, mỗi năm tăng 143.357 đảng viên. Đến nay tỷ lệ đảng viên trên dân số cả nước là 5,4% (bình quân 100 người dân có khoảng 6 đảng viên)”. Ngoài ra, cơ cấu đảng viên cũng tương đối phù hợp về độ tuổi, tỷ lệ đảng viên nữ, trẻ, đồng bào dân tộc thiểu số, người có tôn giáo, chủ doanh nghiệp tư nhân tăng, tạo nguồn cán bộ cho Đảng. Chất lượng đội ngũ đảng viên có chuyển biến tích cực; trình độ học vấn, chuyên môn, lý luận chính trị ngày càng cao hơn (đảng viên có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 55%; có trình độ lý luận chính trị từ sơ cấp trở lên hơn 60%2.

Thực hiện mục tiêu xây dựng Đảng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về “Tăng cường củng cố xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới” đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp. Trong đó, chỉ rõ tiếp tục đổi mới GDRL đội ngũ CBĐV là một giải pháp rất quan trọng. Nghị quyết đã đánh giá những hạn chế, yếu kém về công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên trong thời gian vừa qua, nêu lên thực trạng đáng báo động trong CBĐV hiện nay. Đặc biệt, nhấn mạnh một bộ phận đảng viên: “phai nhạt lý tưởng cách mạng, thiếu bản lĩnh chính trị, đấu tranh tự phê bình và phê bình yếu; tinh thần trách nhiệm, ý chí phấn đấu giảm sút; chưa gương mẫu, sống thực dụng; suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm nguyên tắc, kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật. Nhận thức về Đảng, động cơ phấn đấu vào Đảng của không ít đảng viên chưa đúng, không trong sáng”3. Những hạn chế đó có thể dẫn đến nguy cơ rất lớn, như Đảng ta nhiều lần cảnh báo: “sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc”4. Do đó, vấn đề tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của CBĐV đã trở thành vấn đề trọng tâm của công tác xây dựng Đảng hiện nay.

Thời gian tới, tình hình chính trị, kinh tế thế giới và khu vực diễn biến hết sức phức tạp. Đất nước ta tiến hành công cuộc đổi mới, cùng với những thuận lợi to lớn, chúng ta cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do những tác động mặt trái của kinh tế thị trường và quá trình hội nhập quốc tế. Đó là những thách thức an ninh phi truyền thống, như: biến đổi khí hậu, dịch bệnh, động đất, tranh chấp chủ quyền, biên giới, lãnh thổ, chủ nghĩa khủng bố; các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước đẩy mạnh hoạt động “diễn biến hoà bình” nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng… Thực tế đó đặt ra yêu cầu cấp bách phải đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GDRL đối với đội ngũ CBĐV của Đảng.

Giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng trong đổi mới công tác GDRL đội ngũ CBĐV.

Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa quyết định nhằm phát huy vai trò, đề cao trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng giữ vai trò là chủ thể để đổi mới, nâng cao chất lượng GDRL CBĐV. Nhận thức đúng là cơ sở để có thái độ, động cơ, hành động đúng, xây dựng ý chí, quyết tâm và trách nhiệm cao trong thực hiện các nhiệm vụ được giao. Nội dung, yêu cầu giáo dục, bồi dưỡng nâng cao nhận thức của các tổ chức, lực lượng phải toàn diện; bao gồm cả việc nâng cao trình độ nhận thức, kiến thức, năng lực, kinh nghiệm tổ chức hoạt động cũng như phương pháp, tác phong công tác. Phải làm cho các chủ thể và đối tượng GDRL hiểu được đổi mới công tác GDRL CBĐV là một nội dung quan trọng, biện pháp cơ bản của công tác xây dựng Đảng có ý nghĩa quyết định nâng cao chất lượng đội ngũ CBĐV. Đồng thời, thường xuyên giáo dục, quán triệt cho các tổ chức, các lực lượng và mọi CBĐV hiểu rõ lý luận và thực tiễn về sự cần thiết phải đổi mới, nâng cao chất lượng công tác GDRL CBĐV trong giai đoạn mới.

Hai là, đổi mới nội dung, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức, biện pháp GDRL CBĐV.

Cần đổi mới nội dung giáo dục, bồi dưỡng về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giáo dục những chuẩn mực đạo đức cách mạng, những giá trị văn hóa, đạo đức, lối sống của dân tộc, của các thế hệ đảng viên của Đảng trong các thời kỳ đấu tranh cách mạng; tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đổi mới nội dung giáo dục, bồi dưỡng rèn luyện bản lĩnh chính trị, lập trường quan điểm, tính Đảng, tính nguyên tắc, phương pháp tác phong công tác, vai trò tiên phong gương mẫu của người CBĐV.

Tổ chức tốt việc học tập lý luận chính trị cơ bản theo quy định và các đợt sinh hoạt chính trị, nghiên cứu chuyên đề, sinh hoạt chính trị tư tưởng, thông qua các hoạt động ngày Đảng, ngày chính trị – văn hóa tinh thần, ngày pháp luật… Thường xuyên tổ chức tốt các hoạt động thực tiễn, thông qua việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ học tập, rèn luyện để GDRL CBĐV. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện GDRL CBĐV bằng phương pháp thuyết phục, nêu gương. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”5. Do vậy, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần coi trọng phương pháp vận động, thuyết phục, nêu gương người tốt, việc tốt ngay trong cơ quan, đơn vị mình, những tấm gương gần gũi, thiết thực, phù hợp với nhu cầu học tập, tu dưỡng, phấn đấu để CBĐV noi theo.

Ba là, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo tự GDRL của CBĐV trong các tổ chức cơ sở đảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Phải tự nguyện, tự giác, xem công tác học tập cũng là một nhiệm vụ mà người cán bộ cách mạng phải hoàn thành cho được, do đó mà tích cực, tự động hoàn thành kế hoạch học tập, nêu cao tinh thần chịu khó, cố gắng, không lùi bước trước bất kỳ khó khăn nào trong việc học tập”6 và “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”7.

Đối với từng CBĐV phải quán triệt đầy đủ, sâu sắc các quan điểm, chủ trương và các quy định của Đảng về việc tự quản lý, tự học tập, tự giáo dục, tự rèn luyện; xác định nội dung, hình thức, biện pháp tự giáo dục, tự rèn luyện đúng đắn, khoa học; phát huy tính tích cực, chủ động, đức tính kiên trì trong tự giáo dục, tự rèn luyện của mỗi CBĐV. Đối với cấp ủy, tổ chức đảng phải thường xuyên giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tính tự giác trong tự giáo dục, tự rèn luyện cho mỗi CBĐV; lãnh đạo, chỉ đạo tốt việc xây dựng kế hoạch phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện của CBĐV; tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ CBĐV tự giáo dục, tự rèn luyện.

Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm kỷ luật của các cấp ủy, chi bộ.

Đây là giải pháp cơ bản trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đổi mới công tác GDRL CBĐV bởi kiểm tra, giám sát là một khâu quan trọng trong quy trình lãnh đạo của Đảng. Để việc đổi mới công tác GDRL CBĐV đạt hiệu quả cao, cần tăng cường kiểm tra, giám sát CBĐV về thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; việc giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống; thực hiện nghiêm Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; chấp hành quy chế làm việc, chế độ công tác; việc kê khai tài sản, thu nhập theo quy định; trách nhiệm nêu gương của CBĐV… Tích cực quán triệt và thực hiện nghiêm những nội dung trong Quy định số 109-QĐ/TW ngày 03/01/2018 của Ban Bí thư về công tác kiểm tra của tổ chức đảng đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của CBĐV. Theo đó, cần tập trung kiểm tra việc nghiên cứu, quán triệt những nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của CBĐV…

Năm là, phát huy sức mạnh tổng hợp trong đổi mới công tác GDRL CBĐV của các cấp ủy, chi bộ.

Phát huy sức mạnh tổng hợp trong đổi mới công tác GDRL CBĐV là vấn đề có tính quy luật, là bài học kinh nghiệm quý báu của Đảng ta trong xây dựng đội ngũ đảng viên nói chung và đổi mới công tác GDRL CBĐV nói riêng. Ngoài cấp ủy, chi bộ và đội ngũ đảng viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý với tư cách là chủ thể có vai trò quyết định, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm, phát huy tích cực sự tham gia của các tổ chức, các lực lượng và cá nhân liên quan nhằm tăng cường sức mạnh tổng hợp, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GDRL CBĐV.

Chú thích:
1, 5. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 15. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 622, 672
2. Vụ Cơ sở Đảng, đảng viên (Ban Tổ chức Trung ương). Báo cáo tình hình phát triển đảng viên năm 2021.
3. Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới.
4. Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
6, 7. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 11. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 98, 612.
Thiếu tá Hà Văn Nguyện
Trung tá Thiều Vĩnh Thành
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng