(Quanlynhanuoc.vn) – ASEAN đã và đang đối mặt với nhiều thách thức mới, như: tranh chấp biển đảo, tôn giáo, khủng bố,… Đặc biệt, sự tham vọng địa chính trị của các nước lớn đòi hỏi cần có sự phối hợp giữa ASEAN với các nước bên ngoài, trong đó Mỹ là lựa chọn hàng đầu. Bài viết lý giải nền móng để thiết lập quan hệ hợp tác giữa ASEAN và Mỹ, đồng thời phân tích, đánh giá mối quan hệ giữa ASEAN và Mỹ trong giai đoạn hiện nay.
Nền móng để thiết lập quan hệ hợp tác giữa ASEAN và Mỹ
ASEAN có vị trí chiến lược quan trọng, là vùng đệm, cầu nối giữa hai cường quốc hàng đầu khu vực (nằm ở phía Nam của Trung Quốc và phía Đông của Ấn Độ). Ở phạm vi rộng hơn, ASEAN giữ vai trò quan trọng trong Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPS) của Mỹ.
ASEAN đóng vai trò trung tâm trong các cơ chế, cấu trúc an ninh, hợp tác khu vực ở châu Á – Thái Bình Dương, tham gia giải quyết các vấn đề, thách thức ở cấp độ khu vực và một phần thách thức an ninh phi truyền thống trên toàn cầu. Đến nay, ASEAN đã thiết lập 12 cơ chế đối tác đối thoại chính thức, trong đó có các cơ chế với hai tổ chức quan trọng trên phạm vi toàn cầu là Liên hiệp quốc và Liên minh châu Âu (EU). Ở cấp độ song phương, ASEAN có cơ chế đối thoại với các nước: Australia; New Zealand; Canada; Nhật Bản; Mỹ; Hàn Quốc; Ấn Độ, Trung Quốc, Nga và Anh. Mối quan hệ giữa ASEAN với các nước lớn và đối tác có ý nghĩa quan trọng đối với hòa bình, ổn định, phát triển, thịnh vượng của khu vực.
Sự ra đời của Cộng đồng ASEAN (AC) ngày 31/12/2015 gồm ba trụ cột: Cộng đồng An ninh – Chính trị ASEAN (APSC); Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC); Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN (ASCC) ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề an ninh cũng như kinh tế toàn cầu.
Có thể thấy, vị trí, vai trò quan trọng của ASEAN chính là nền móng quan trọng để Mỹ thiết lập mối quan hệ hợp tác với ASEAN. Đồng thời, từ mối quan hệ hợp tác này, Mỹ sẽ tạo ra sự ảnh hưởng của mình và kiếm chế sự ảnh hưởng và trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực ASEAN.
Mối quan hệ giữa ASEAN và Mỹ hiện nay
Mối quan hệ giữa ASEAN với Mỹ chính thức được thiết lập từ năm 1977. Đến nay, trải qua 46 năm, mối quan hệ này đã có nhiều dấu mốc đáng ghi nhớ: năm 2005, ASEAN và Mỹ thiết lập quan hệ Đối tác tăng cường; năm 2010, Mỹ thành lập phái đoàn đại diện thường trực tại ASEAN; năm 2015, ASEAN và Mỹ xây dựng quan hệ đối tác chiến lược; tháng 11/2022, ASEAN và Mỹnâng cấp lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Tháng 5/2022, Hội nghị Cấp cao đặc biệt Mỹ – ASEAN (tổ chức tại Washington) với mục đích củng cố mối quan hệ đối tác của Chính phủ Mỹ đối với các nước trong khu vực ASEAN. Hội nghị đã ra tuyên bố “Tầm nhìn chung” gồm 6 điểm quan trọng, đó là:
(1) Nhấn mạnh việc tuân thủ các nguyên tắc quan trọng, giá trị chuẩn mực chung nêu trong Hiến chương Liên hiệp quốc, Hiến chương ASEAN, tuyên bố Khu vực hòa bình, tự do và trung lập (ZOPFAN), Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), Hiệp ước khu vực Đông Nam Á phi vũ khí hạt nhân (SEANWFZ) và tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (AOIP)1.
(2) Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo dựng môi trường hòa bình, nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác và các mối quan hệ hiện có giữa Mỹ với ASEAN một cách phù hợp, bình đẳng, đối tác, tham vấn và tôn trọng lẫn nhau, trên cơ sở Tuyên bố Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) về các nguyên tắc Quan hệ cùng có lợi, (Nguyên tắc Bali)2.
(3) Công nhận rằng hợp tác hai bên từ lâu đã đóng vai trò thiết yếu đối với ASEAN, Mỹ và rộng hơn là cộng đồng quốc tế, khởi nguồn từ phiên đối thoại đầu tiên giữa Mỹ và ASEAN tại Manila, Philippines năm 1977 và ngày càng phát triển khi Mỹ ký Hiệp ước Thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á, khi thành lập Phái đoàn Thường trực của Mỹ tại ASEAN ở Jakarta; và khi thiết lập cơ chế Hội nghị Cấp cao ASEAN – Mỹ3.
(4) Ghi nhận cả tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ đều có các nguyên tắc cơ bản phù hợp về thúc đẩy một cấu trúc mở, bao trùm và dựa trên luật lệ, trong đó ASEAN giữ vai trò trung tâm, cùng với các đối tác cùng chia sẻ các mục tiêu này4.
(5) Tái khẳng định cam kết chung của Mỹ và ASEAN về tăng cường đối thoại ASEAN – Mỹ toàn diện hơn nữa; bảo đảm quan hệ ASEAN – Mỹ có khả năng ứng phó với các thách thức mới; hợp tác tại các diễn đàn quốc tế và khu vực mà ASEAN và Mỹ cùng là thành viên5.
(6) Cam kết cùng duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế6.
Đặc biệt, Hội nghị cấp cao ASEAN – Mỹ lần thứ X (tháng 11/ 2022 tại Cam-pu-chia) đã tuyên bố thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai bên, khẳng định coi trọng quan hệ với ASEAN, cam kết ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; tiếp tục ưu tiên thúc đẩy phục hồi toàn diện, hướng tới phát triển xanh và bền vững; nỗ lực duy trì và thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư, ổn định chuỗi cung ứng7.
Qua việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai bên, có thể thấy mỗi bên đều có mục đích, lợi ích riêng cần đạt được, như:
(1) Mục tiêu của Chính phủ Mỹ: muốn gia tăng sự phụ thuộc lẫn nhau giữa Mỹ và ASEAN cả về kinh tế lẫn an ninh khu vực nhằm bảo đảm duy trì hòa bình, ổn định và phát triển kinh tế – xã hội ở khu vực có vị trí địa – chính trị chiến lược này; kiềm chế Trung Quốc trong việc giải quyết tranh chấp các vấn đề chủ quyền, lợi ích, an ninh với các nước ở Biển Đông; tạo dựng và đưa ASEAN trở thành một trung tâm kinh tế ngày càng gắn kết với Mỹ.
(2) Mục đích của ASEAN là có được những lợi ích cơ bản, như: Mỹ giúp duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, hỗ trợ các nước ASEAN nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển, bảo vệ nguồn tài nguyên và môi trường biển, tránh để khu vực này bùng phát xung đột hay “quân sự hóa”; duy trì được vị trí trung tâm và vai trò tiên phong trong cơ cấu an ninh khu vực; giúp ASEAN thể hiện vai trò giải quyết các thách thức khu vực và toàn cầu, từ đối phó với biến đổi khí hậu cho tới an ninh năng lượng, an ninh biển. Mặt khác, Mỹ là một siêu cường quốc về kinh tế, chính trị, quân sự hàng đầu thế giới. Vì vậy, hợp tác với Mỹ sẽ là cơ hội để ASEAN có được sự trợ giúp từ Mỹ về bảo đảm an ninh, đồng thời có thể được tiếp cận với các loại khí tài quân sự hiện đại của Mỹ và xử lý hiệu quả những vấn đề an ninh phức tạp trong khu vực.
Như vậy, ASEAN ngày càng có ý nghĩa quan trọng về địa chiến lược, địa kinh tế với Mỹ, đồng thời, Mỹ cũng là một trong 10 đối tác quan trọng hàng đầu của ASEAN hiện nay. Mỹ và ASEAN đã có mối quan hệ toàn diện, bao trùm, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác trên nhiều khía cạnh: kinh tế, tăng cường kết nối, thúc đẩy hợp tác biển, gìn giữ hòa bình, ổn định, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông. Sự đồng hành của Mỹ đối với ASEAN là đóng góp quan trọng cho sự phát triển vừa năng động, vừa mạnh mẽ trong quan hệ ASEAN – Mỹ trong 46 năm qua.
Chiến lược hợp tác cụ thể giữa Mỹ và các nước ASEAN hiện nay
Trong giai đoạn hiện nay, Mỹ chủ trương ưu tiên hợp tác kinh tế và an ninh với các nước ASEAN, đồng thời duy trì quan hệ song phương với các quốc gia thành viên:
(1) Đối với Philippines: Mỹ và Philippines đã có mối quan hệ gắn bó từ lâu. Bước sang thế kỷ XXI, sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc đã đe dọa đến ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Vì thế, Mỹ (dưới thời cựu Tổng thống Obama) đã thực thi Chiến lược xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương, Mỹ xây dựng những căn cứ quân sự ở Antonio Batista; Palawan; BasaPampanga; Macsasay ở NuevaExigia; Benito Ebuen ở Sebu và Lumbia ở Mindanao. Ngày 30/07//2021, Chính quyền thủ tướng Duterte tiếp tục cho phép Mỹ triển khai trang bị vũ khí và binh sỹ tại Philippines. Đồng thời, Philippines cho phép Mỹ đồn trú quân tại bốn căn cứ mới, gồm căn cứ hải quân CamiloOsias; Sân bay Lanlo; doanh trại Meoco và căn cứ không quân trên đảo Balabac8.
(2) Đối với Singapore: hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, quan hệ hai bên được duy trì ổn định trải qua thời gian dài. Quan hệ đối tác chiến lược Mỹ – Singapore dựa trên cơ sở tôn trọng trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, tuân thủ luật pháp quốc tế và các nguyên tắc của Hiến chương Liên hiệp quốc; cam kết lâu dài của Mỹ đối với các đồng minh và đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương như được thể hiện trong Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và lấy ASEAN làm trung tâm9.
(3) Đối với Thái Lan: Mỹ có quan hệ gắn bó từ lâu, khẳng định, quan hệ đồng minh – đối tác giữa Mỹ và Thái Lan đóng vai trò quan trọng trong chính sách của Washington tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Việc ký văn kiện nói trên nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ đồng minh và đối tác chiến lược giữa hai nước, là minh chứng cho quan hệ đồng minh thân cận giữa hai nước và tình hữu nghị lâu đời của Thái Lan và Mỹ vì các giá trị và lợi ích chung10.
(4) Đối với Indonesia: trong lĩnh vực quốc phòng – an ninh, Mỹ và Indonesia thường xuyên duy trì tập trận chung nhằm cường năng lực quân đội hai nước. Mỹ là đối tác chiến lược, quan trọng của Indonesia trong lĩnh vực hợp tác an ninh, hợp tác an ninh hàng hải, tài nguyên biển, bảo tồn và quản lý nghề cá, an toàn và giao thông hàng hả; thúc đẩy hợp tác giáo dục, giao lưu nhân dân và ký kết một MOU về giáo dục và một MOU về Chương trình Peace Corps; cam kết tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư11.
(5) Đối với Myanmar: đất nước này đã và đang có những biến động lớn về chính trị. Sau 2 năm kể từ khi quân đội Myanmar tiến hành cuộc chính biến lật đổ chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi, Mỹ và đồng minh áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt, giáng đòn mạnh vào lĩnh vực năng lượng và chính quyền quân sự12. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang đứng trước một bài toán địa chính trị hóc búa chưa có lời giải về việc tránh để Myanmar quan hệ với Trung Quốc. Tuy nhiên, Mỹ cũng tuyên bố, hành động của quân đội Myanmar có đủ yếu tố của một cuộc đảo chính quân sự và vẫn để ngỏ khả năng trừng phạt Myanmar.
(6) Đối với các nước Campuchia, Lào và Brunei đều thống nhất quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của ASEAN với Mỹ. Tuy nhiên, quan hệ song phương ở mỗi nước đều có những điều kiện cụ thể ở những tầm mức khác nhau, đan xen với quan hệ song phương, đa phương.
(7) Đối với Việt Nam: năm 2023 là dấu mốc kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam và Mỹ. Mối quan hệ đối tác toàn diện này đã phát triển sâu rộng, hiệu quả và thực chất trên cả ba bình diện gồm: song phương, khu vực và quốc tế. Hai nước duy trì các hoạt động tiếp xúc, đối thoại, trao đổi đoàn ở các ngành, các cấp, nhất là các chuyến thăm cấp cao. Việt Nam và Mỹ cùng nhất quán khẳng định việc tôn trọng Hiến chương Liên hiệp quốc; luật pháp quốc tế; tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau. Mỹ đồng thời nhiều lần khẳng định ủng hộ Việt Nam mạnh, độc lập và thịnh vượng. Hai bên cũng phối hợp ngày càng hiệu quả tại các diễn đàn đa phương như ASEAN, Liên hiệp quốc, APEC, tiểu vùng Mekong, trong việc giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, liên quan đến phát triển bền vững và biến đổi khí hậu13.
Như vậy, do thể chế chính trị của các nước thành viên ASEAN khác nhau nên ngoài quan hệ hợp tác theo khuôn khổ chung của cả cộng đồng, mỗi nước có quan hệ song phương và đa phương ở những mức độ khác nhau với Mỹ.
Kết luận
Hiện nay, ASEAN và Mỹ có mối quan hệ ngày càng thực chất, hiệu quả hơn, đặc biệt là tăng cường quan hệ đối tác chiến lược vì lợi ích hai bên. Trong mối quan hệ hợp tác này, Mỹ có thêm điều kiện thuận lợi để triển khai chính sách Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, còn ASEAN thì tăng thêm vị thế trong vai trò trung tâm, cân bằng các mối quan hệ đối ngoại với các nước, trong tham gia, xử lý những vấn đề, thách thức toàn cầu nhằm tạo ra một cộng đồng đoàn kết, ổn định, phát triển thịnh vượng. Đồng thời, vai trò địa – chính trị và vị thế của ASEAN trên trường quốc tế cũng được củng cố vững chắc khi khu vực luôn nằm ở vị trí quan trọng trong các chiến lược và tầm nhìn của các đối tác lớn, như: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ hay Liên minh châu Âu (EU).