(Quanlynhanuoc.vn) – Bằng sự sáng tạo của bản thân dựa trên nền tảng cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin về tôn giáo, Hồ Chí Minh đã xây dựng nên lý luận về tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong hệ tư tưởng của mình. Lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng của Người về đoàn kết lương – giáo nói riêng đã trở thành kim chỉ nam cho Đảng và Nhà nước về vấn đề tôn giáo trong công cuộc đổi mới, xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Đặt vấn đề
Việt Nam là quốc gia đa tín ngưỡng, đa tôn giáo1. Sự tồn tại và hoạt động của các tôn giáo có ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội, quốc phòng – an ninh của đất nước. Nhận thức rõ điều đó, kế thừa những giá trị tinh hoa của truyền thống văn hóa dân tộc và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào thực tiễn Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm hình thành nên tư tưởng tự do tín ngưỡng, tôn giáo (TNTG). Trong tư tưởng của Người, vấn đề đoàn kết lương – giáo là một nội dung quan trọng của chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc trong suốt quá trình cách mạng Việt Nam. Điều này được thể hiện rõ trong nhiều bài viết, bài nói về đoàn kết toàn dân, về tôn trọng quyền tự do TNTG và không TNTG.
Nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết lương – giáo
Trong hoạt động lý luận của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kế thừa và phát triển sáng tạo những quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về TNTG vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Theo Người, vấn đề TNTG ở Việt Nam có những đặc điểm khác với phương Tây. Cần phải nghiên cứu tôn giáo ở Việt Nam để tập hợp lực lượng tiến hành cách mạng vô sản, đồng thời, trang bị cho những người cộng sản quan điểm, thái độ đúng đối với vấn đề tôn giáo. Một trong những di sản to lớn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho Đảng ta đó là hệ thống những tư tưởng cách mạng và khoa học về tôn giáo và công tác tôn giáo. Những tư tưởng này được xây dựng từ sự kế thừa tinh hoa truyền thống văn hóa tôn giáo của dân tộc và nhân loại, từ sự vận dụng sáng tạo quan điểm về vấn đề tôn giáo của chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể Việt Nam và chính từ đạo đức, nhân cách, tài năng của Người.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nguyên tắc bất di bất dịch khi thực hiện đại đoàn kết toàn dân là bảo đảm lợi ích tối cao của dân tộc và quyền lợi cơ bản của Nhân dân Việt Nam. Lợi ích tối cao của dân tộc là độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Đó vừa là truyền thống dân tộc, là chân lý, là ngọn cờ và là nguyên tắc của đại đoàn kết. Với phương châm: Dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết; tất cả do con người, vì con người là mẫu số chung, là điểm quy tụ khối đoàn kết, Người nhắc nhở: “Đoàn kết của ta không những rộng rãi, mà còn đoàn kết lâu dài. Đoàn kết là một chính sách dân tộc, không phải là một thủ đoạn chính trị”2. Người nhấn mạnh việc đoàn kết là “để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc, ta còn phải đoàn kết để xây dựng nước nhà. Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ Nhân dân thì ta phải đoàn kết với họ”3.
Đoàn kết tôn giáo, trong đó đoàn kết lương – giáo là một nội dung quan trọng trong chiến lược đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm thực hiện thành công mục tiêu cơ bản của cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Người đã chỉ ra cơ sở của sự đoàn kết đó chính là những nét tương đồng giữa các tôn giáo và sự tương đồng giữa đức tin của các tôn giáo với đạo đức, niềm tin của những người cộng sản. Theo Người, ở Việt Nam, đồng bào có TNTG, hay không theo TNTG nào, đều “đồng lòng” phấn đấu vì mục tiêu độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân; và trong thực tế, đồng bào có đạo luôn kề vai, sát cánh cùng Nhân dân cả nước xây dựng nên truyền thống dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc. Chỉ khi đất nước có độc lập thì tôn giáo mới có tự do, cũng như khi TNTG gắn liền với độc lập, tự do của Tổ quốc và dân tộc, việc đạo gắn với việc đời, việc nước thì đức tin của tôn giáo và lòng yêu nước của mỗi người dân mới được gắn kết chặt chẽ với nhau tạo nên sức mạnh tổng hợp xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.
Tính đoàn kết lương – giáo trong tư tưởng Hồ Chí Minh là phải đặt lợi ích của dân tộc, lợi ích toàn dân lên trên hết. Phải tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của Nhân dân; khắc phục những mặc cảm, định kiến và chống âm mưu chia rẽ của bọn phản động. Phải phân biệt được nhu cầu tín ngưỡng chân chính của đồng bào có đạo để đáp ứng kịp thời; với việc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo của các phần tử phản động để phê phán, đấu tranh. Phải chú ý kế thừa giá trị nhân bản của tôn giáo, trân trọng những người thành lập các tôn giáo lớn, tranh thủ giáo sĩ, quan tâm đến giáo dân; độ lượng, vị tha với những người lầm lỗi; đấu tranh kiên quyết với bọn phản động lợi dụng tôn giáo. Trong Hội nghị cán bộ Liên hiệp Phụ nữ toàn quốc về vấn đề phát động quần chúng nông dân (tháng 3/1953) Người nhắc nhở cán bộ, đảng viên: “Khi phát động quần chúng, cán bộ phải hết sức chú ý những điều đó. Sai một ly đi một dặm, nơi nào dân cũng tốt, lương cũng như giáo; nhưng vì có những cán bộ không biết tổ chức, không biết giải thích, tuyên truyền, lại tự tư tự lợi, không cảnh giác để bọn phản động chui vào các đoàn thể rồi phá hoại”4.
Tuy nhiên, để trên phát huy những vấn đề trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ và luôn thể hiện sự tôn trọng và bảo đảm quyền tự do TNTG; đồng thời, chống âm mưu lợi dụng TNTG. Tự do TNTG và không TNTG là một trong những quan điểm quan trọng trong tư tưởng của Hồ Chí Minh về tôn giáo. Tư tưởng đó được thể hiện nhất quán và trong lý luận và thực tiễn của Người và đã trở thành nguyên tắc nền tảng, xuyên suốt trong chính sách đối với tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta. Tư tưởng đó đã thâm nhập sâu rộng vào quần chúng, cán bộ, đảng viên nói riêng.
Ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (ngày 03/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào giáo và đồng bào lương để dễ bề thống trị. Tôi đề nghị, Chính phủ ta tuyên bố: tín ngưỡng tự do và lương – giáo đoàn kết”5 và đây đã trở thành một trong 6 nhiệm vụ của Nhà nước non trẻ. Điều này xuất phát từ một lẽ hiển nhiên là, người Việt Nam, dù theo tôn giáo, tín ngưỡng hay không theo tôn giáo, tín ngưỡng nào cũng có chung một dân tộc, đều là con cháu của dòng dõi Lạc Hồng. Do vậy, đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết dân tộc là vấn đề tất yếu, là nhân tố quyết định thành công của cách mạng. Trong mối quan hệ giữa dân tộc và Nhân dân, Hồ Chí Minh khẳng định: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, Người viết: “Hơn ai hết, đồng bào công giáo càng mong cho Tổ quốc độc lập, cho tôn giáo được hoàn toàn tự do”6 do vậy, “toàn thể đồng bào ta, không chia lương – giáo, đoàn kết chặt chẽ, quyết lòng kháng chiến, để giữ gìn non sông Tổ quốc mà cũng để giữ gìn quyền tôn giáo tự do”7.
Trong Hiến pháp năm 1946, tại Điều 7 Chương II ghi rõ: “Tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tùy theo tài năng và đức hạnh của mình”. Chính phủ bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và tự do thờ cúng của Nhân dân. Không ai được xâm phạm quyền tự do ấy. Mọi công dân có hay không có TNTG đều được hưởng mọi quyền lợi của công dân (kể cả trong bầu cử người vào cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước) và phải làm mọi nghĩa vụ của công dân. Trong khi đó, các nhà tu hành được tự do giảng đạo tại các cơ sở thờ tự. Khi truyền bá tôn giáo, các nhà tu hành có nhiệm vụ giáo dục cho các tín đồ lòng yêu nước, nghĩa vụ của người công dân, ý thức tôn trọng chính quyền và pháp luật của Nhà nước. Song song với việc giảng đạo thì việc các tôn giáo xuất bản và phát hành sách có tính chất tôn giáo nhưng cần phải tuân theo Luật Xuất bản; được mở trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo của mình. Bên cạnh đó, pháp luật Việt Nam có nhiệm vụ bảo hộ những nơi thờ tự, các trường giáo lý của tôn giáo, các di sản văn hóa có trong tôn giáo. Tuy nhiên, phải trừng trị những kẻ lợi dụng tôn giáo để phá hoại sự nghiệp cách mạng của Nhân dân, tuyên truyền chiến tranh, phá hoại sự đoàn kết, ngăn cản tín đồ làm nghĩa vụ công dân, xâm phạm đến tín ngưỡng và tự do tư tưởng của người khác hoặc làm những việc trái với pháp luật. Người nhấn mạnh: bảo vệ tự do tín ngưỡng, nhưng kiên quyết trừng trị những kẻ đội lốt tôn giáo để phản Chúa, phản nước8. Vì vậy, Người luôn giáo dục các bộ, đảng viên tôn trọng các phong tục tập quán, tín ngưỡng của người dân.
Từ năm 1945, Đảng và Nhà nước chủ trương tôn trọng tôn giáo và không tín ngưỡng tôn giáo, trong khẩu hiệu: Sống tốt đời đẹp đạo, sống phúc âm giữa lòng dân tộc, Dân tộc – Đạo pháp – Xã hội chủ nghĩa. Một tinh thần đoàn kết giữa các tôn giáo được đề cao. Hồ Chí Minh khẳng định: “Có anh em hỏi một người Công giáo có thể vào Đảng Lao động không? Có, Người tôn giáo nào vào cũng được, miễn là trung thành, hăng hái làm nhiệm vụ, giữ đúng kỷ luật của Đảng. Nước ta kinh tế lạc hậu, kỹ thuật kém, tôn giáo là duy tâm, cộng sản là duy vật, nhưng trong điều kiện hiện tại, người theo đạo vẫn vào Đảng được”9.
Ngày 05/01/1946, phát biểu trong lễ mừng Liên hiệp quốc gia do các phật tử trong Hội Phật giáo cứu quốc tổ chức tại Hà Nội, Người đã nói: “Nước Phật ngày xưa có 4 đảng phái làm ly tán lòng dân và hại Tổ quốc. Nhưng nước Việt Nam ngày nay chỉ có một đảng phái là toàn dân quyết tâm giành độc lập. Tín đồ Phật giáo tin ở Phật; tín đồ Gia tô tin ở Chúa trời; cũng như chúng ta tin ở đạo Khổng. Đó là những vị chí tôn nên chúng ta tin tưởng. Nhưng đối với dân, ta đừng làm gì trái ý dân. Dân muốn gì ta phải làm nấy”10.
Hồ Chí Minh không đấu tranh loại trừ tôn giáo mà chỉ đấu tranh loại trừ những kẻ lợi dụng tôn giáo chống lại lợi ích của dân tộc. Người đã phê phán gay gắt giáo hội và các tổ chức tôn giáo theo vết chân xâm lược vào đất nước ta không chỉ truyền đạo mà còn biến tôn giáo thành công cụ của thực dân để tham gia bóc lột ngay cả tín đồ của mình. Để vạch trần tội ác kẻ địch đội lốt tôn giáo, Người lên án: “Bởi vậy mọi đoàn đi khai hóa đều móc nối theo một đoàn truyền giáo. Các vị này họ làm những gì, họ lợi dụng lòng hiếu khách của người dân An Nam để đánh cắp những bí mật quân sự, vẽ bản đồ nộp cho đội quân viễn chinh”11. Theo Người: “Hoạt động tôn giáo…, không được trái với chính sách và pháp luật của Nhà nước12. Người vận động đồng bào các tôn giáo tham gia kháng chiến, kiến quốc, nhưng cũng tạo điều kiện cho các tôn giáo được sinh hoạt tự do theo pháp luật – thể hiện qua việc Người ký nhiều Sắc lệnh liên quan đến tôn giáo.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết lương – giáo của Đảng ta trong văn kiện Đại hội XIII
Hiện nay, Nhà nước đã công nhận và cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo cho 43 tổ chức, thuộc 16 tôn giáo với hơn 27 triệu tín đồ, chiếm khoảng 28% dân số cả nước, trên 55.000 chức sắc, gần 150.000 chức việc, gần 30.000 cơ sở thờ tự13. 16 tôn giáo gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Hồi giáo, Tôn giáo Baha’I, Tịnh độ Cư sỹ Phật hội, Cơ đốc Phục lâm, Phật giáo Tứ Ân Hiếu nghĩa, Minh Sư đạo, Minh lý đạo – Tam Tông Miếu, Bà-la-môn giáo, Mặc môn, Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn, Bửu Sơn Kỳ Hương14.
Trong Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, trong hệ thống các nhiệm vụ trung tâm và giải pháp chủ yếu thứ năm, Đảng nhấn mạnh: “Tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo; có những chính sách đặc thù giải quyết khó khăn cho đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc. Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cản trở sự phát triển của đất nước”15. Trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong phần xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh của con người Việt Nam nêu rõ: “Phát huy các nhân tố tích cực, nhân văn trong các tôn giáo, tín ngưỡng. Phê phán và ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, mê tín, dị đoan”16.
Đối với nhiệm vụ, giải pháp thực hiện về công tác tôn giáo, Đảng khẳng định: “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo” đã đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự phát triển đất nước. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc”17.
Trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm (2021 – 2030), Đảng ta xác định: “Thực hiện tốt mục tiêu đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc. Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người theo quy định của pháp luật. Phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo vào giữ gìn và nâng cao đạo đức truyền thống xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở các khu dân cư, góp phần ngăn chặn các tệ nạn xã hội”18.
Trong Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2016 – 2020) và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2021 – 2025), Đảng ta đã đánh giá những thành tựu và hạn chế liên quan đến tôn giáo. Về thành tựu: “Tình hình tôn giáo ổn định; đa số chức sắc, chức việc và đồng bào có đạo yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, góp phần đấu tranh, phản bác luận điệu xuyên tạc, vu cáo chính quyền vi phạm nhân quyền, tự do tôn giáo”19. Về hạn chế: “Quản lý nhà nước về văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng có mặt còn hạn chế. Có hiện tượng thương mại hóa các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở một số nơi”20. Về dự báo bối cảnh quốc tế và khu vực, Đảng ta chỉ rõ: “Chủ nghĩa dân tộc, cực đoan, xung đột cục bộ, sắc tộc, tôn giáo… là những thách thức lớn đe dọa sự ổn định và phát triển ở một số khu vực, quốc gia”21. Về nhiệm vụ, giải pháp, cần: “Tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt đúng quy định của pháp luật; chủ động giúp đỡ, giải quyết các nhu cầu hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh của quần chúng, đồng thời chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác tôn giáo”22.
Kết luận
Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo của Đảng, vấn đề đoàn kết toàn dân tộc nói chung, đoàn kết lương – giáo nói riêng có những phát triển vượt bậc. Điều này thể hiện rõ nét qua xu hướng chủ đạo trong hoạt động của các tôn giáo là gắn bó, đồng hành cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Với phương châm “Tốt đời, đẹp đạo”, các tôn giáo ở Việt Nam đã có những định hướng hành đạo tiến bộ, như: “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” của Phật giáo; “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc” của Thiên chúa giáo; “Sống phúc âm phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và dân tộc” của Hội thánh Tin lành Việt Nam; “Nước vinh, đạo sáng” của Cao Đài… Các khuynh hướng này vừa phù hợp với đạo lý, truyền thống, văn hóa của dân tộc, vừa phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và xu hướng phát triển của thời đại.