Đổi mới phương pháp dạy học trong các học viện, trường đại học Công an nhân dân hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia. Vì vậy, công tác giáo dục, đào tạo tại các học viện, trường đại học Công an nhân dân cần có những đổi mới về nội dung và phương pháp dạy học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu trong xu thế mới. Việc đổi mới phương pháp dạy học cung cấp đủ nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, vững vàng về chính trị, tinh thông về nghiệp vụ, nắm vững pháp luật, có kiến thức về khoa học – kỹ thuật, ngoại ngữ và kỹ năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới là yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Ảnh minh họa (http://hvcsnd.edu.vn)

Đổi mới phương pháp dạy học (PPDH) ở các học viện, trường đại học Công an nhân dân (CAND) hiện nay là một tất yếu khách quan, xuất phát từ thành tựu của khoa học giáo dục hiện đại về PPDH tiên tiến hiện nay. Đặc biệt, môi trường giảng dạy ở các học viện, trường đại học CAND là môi trường đặc thù, có những nét khác biệt với các học viện trường đại học nói chung. Vì vậy, việc xác định đổi mới PPDH sử dụng PPDH tiên tiến, hiện đại là vấn đề then chốt để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo (GDĐT) ở học viện, trường đại học CAND hiện nay.

Thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/ĐUCA ngày 28/10/2014 của Đảng ủy Công an Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT trong CAND; Nghị quyết số 109-NQ/QUTW ngày 11/02/2019 của Quân ủy Trung ương về xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội, nhất là cấp chiến dịch, chiến lược đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Ngày 25/5/2022, Đảng ủy Công an Trung ương đã ban hành Kế hoạch số 118-KH/ĐUCA để cụ thể hóa Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị và quán triệt triển khai thực hiện trong toàn lực lượng. Đến nay, hoạt động giảng dạy của các học viện, trường đại học CAND đã có nhiều đổi mới về nội dung, chương trình, phương pháp, phương tiện dạy học theo hướng tích cực, chủ động, sáng tạo, phát huy tinh thần tự học, tự rèn luyện và áp dụng những kỹ năng vào hoạt động thực tiễn; bám sát sự phát triển của thực tiễn xây dựng Quân đội và phù hợp với từng đối tượng người học. Với những PPDH đó đã làm thay đổi thay đổi cách dạy và cách học truyền thống ở các học viện, trường đại học, từ đó, nâng cao chất lượng GDĐT, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ. Bên cạnh đó, các học viện, trường đại học CAND đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, tập trung hướng vào các hoạt động nghiên cứu cơ bản, triển khai với nhiều đề tài, công trình nghiên cứu đạt chất lượng, hiệu quả cao, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đổi mới.

Đến nay, có 9 học viện, trường đại học CAND, bao gồm (Học viện An ninh nhân dân, Học viện Cảnh sát nhân dân, Học viện Chính trị CAND, Học viện Quốc tế; Đại học An ninh nhân dân, Đại học Cảnh sát, Đại học Phòng cháy – chữa cháy, Đại học Kỹ thuật – Hậu cần CAND), với tổng số 5.000 giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, trong đó có 24 giáo sư, 119 phó giáo sư, 5 nhà giáo nhân dân, 37 nhà giáo ưu tú, 561 tiến sỹ, 2.583 thạc sỹ1. Đây là những cán bộ có năng lực, trình độ tham gia giảng dạy và cũng là lực lượng nòng cốt quyết định việc nâng cao chất lượng GDĐT tại các học viện, trường đại học CAND.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng về trình độ lý luận chính trị, kiến thức pháp luật, chuyên môn, nghiệp vụ ngày càng được chú trọng. Mỗi học viên được quan tâm, trang bị những tri thức liên ngành liên quan nhiều đến công tác công an, bổ sung những kỹ năng mềm trong các vấn đề xã hội. Đồng thời, chú trọng hoàn thiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng bảo đảm tính liên thông, thống nhất; tổ chức dạy học trực tuyến đối với một số nội dung không thuộc danh mục bí mật Nhà nước. Kết hợp chặt chẽ giữa đổi mới nội dung, chương trình và PPDH; chú trọng chất lượng, hiệu quả GDĐT, thực hiện đào tạo theo nhu cầu công tác, theo địa chỉ sử dụng và theo yêu cầu vị trí việc làm nhằm cung cấp, bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao trong lực lượng CAND.

Cùng với đó, các cơ sở đào tạo của các bộ, ngành, hợp tác quốc tế về đào tạo ngày càng đa dạng, phong phú và đi vào thực chất. Chủ động đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ trong GDĐT, đổi mới PPDH, phương pháp kiểm tra, đánh giá và nghiên cứu khoa học theo hướng tinh thông, hiện đại. Tuy nhiên, việc đổi mới PPDH ở các học viện, trường đại học CAND vẫn còn một số hạn chế, bất cập, như: việc cập nhật, ứng dụng khoa học hiện đại vào đổi mới PPDH chưa cao; nội dung, chương trình GDĐT còn nặng về lý thuyết, một số môn học chưa thống nhất về hình thức, nội dung chương trình môn học… Vì vậy, để khắc phục những hạn chế, bất cập trên, cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, phát huy vai trò của đội ngũ giảng viên và các tổ chức, các lực lượng cùng tham gia đổi mới PPDH.

Trước tiên là vai trò của đảng ủy, ban giám đốc và cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, khoa giáo viên trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện. Trên cơ sở nghị quyết lãnh đạo của đảng ủy học viện, trường đại học CAND, các cấp ủy, tổ chức đảng cơ sở, cần quán triệt nghiêm túc, cụ thể hóa vào nghị quyết cấp mình cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị và khoa giáo viên.

Đối với đội ngũ giảng viên, cần tăng cường tìm hiểu, nắm bắt và áp dụng có hiệu quả những PPDH mới phù hợp với từng bài giảng, từng nội dung, từng đối tượng học viên, không máy móc, sao chép; đồng thời, tích cực dự giờ từ những giảng viên khác để có PPDH tốt hơn. Đặc biệt là gắn với từng chức trách, nhiệm vụ cụ thể để tổ chức, thực hiện gắn PPGD với nghiên cứu khoa học. Đội ngũ giảng viên phải là người truyền cảm hứng cho sinh viên, học viên trong học tập, nghiên cứu và phát huy tính sáng tạo. Đặc biệt, phải lấy người học làm trung tâm của quá trình GDĐT và nghiên cứu khoa học.

Các phòng, ban, đội ngũ cán bộ, nhân viên cần hợp tác, ủng hộ việc đổi mới PPDH bằng những việc làm thực tế, cụ thể, Phòng Đào tạo cần phải đầu tư trang thiết bị kỹ thuật bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất cho giáo viên tác nghiệp. Phòng Thông tin tư liệu bảo đảm đầy đủ tài liệu, sách giáo khoa, giáo trình để giảng viên và học viên nghiên cứu…

Tiếp tục xây dựng định mức tiêu chuẩn trang thiết bị cho các khu huấn luyện, thực hành, thao trường, bãi tập liên hoàn và các loại phòng học, phòng thí nghiệm theo từng khoa, chuyên ngành, cấp trình độ đào tạo trong các học viện, trường CAND.

Hai là, đổi mới đồng bộ phương pháp, mục tiêu, nội dung và các thành tố khác trong quá trình dạy học.

Mục tiêu, nội dung và các thành tố khác trong quá trình dạy học có ảnh hưởng lớn đến quá trình đổi mới PPDH. Mục tiêu đào tạo có mối quan hệ chặt chẽ với PPDH và luôn quy định phương pháp, mục tiêu đào tạo như thế nào thì phải có PPDH tương ứng. Vì vậy, cần xác định rõ từng đối tượng học viên, môn học, chương trình học để xác định mục tiêu đào tạo phù hợp. Mục tiêu đào tạo yêu cầu cao, đòi hỏi phải có nội dung, phương pháp tiên tiến tương ứng; ngược lại, tiến hành đổi mới PPDH mà mục tiêu, nội dung vẫn không thay đổi và cơ sở vật chất không bảo đảm thì không thể đổi mới được PPDH.

Ba là, tăng cường sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại và công nghệ vào dạy học.

Ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, đây là xu hướng phổ biến của các học viện, trường đại học CAND nhằm tiết kiệm thời gian, giảm nhẹ cường độ lao động dạy học, tạo sự hứng khởi cho học viên, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, góp phần đổi mới PPDH. Việc ứng dụng thành tựu khoa học – công nghệ vào quá trình dạy học là vấn đề cần thiết, do vậy, sự chọn lựa các phương tiện kỹ thuật dạy học hiện đại và công nghệ thông tin để đổi mới PPDH phải xem xét kỹ lưỡng cho phù hợp, hiệu quả. Để đổi mới PPDH, cần xuất phát từ mục tiêu, yêu cầu đào tạo của nhà trường, của môn học, ngành học và từng đối tượng cụ thể; mặt khác, cần nâng cao năng lực khai thác, sử dụng có hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, trên cơ sở phát huy tác dụng những phương tiện hiện có, vừa bảo đảm tính kinh tế, vừa bảo đảm tính hiện đại, tránh việc trang bị phương tiện kỹ thuật dạy học hiện đại nhưng sử dụng không hiệu quả hoặc chỉ để “trang trí”, phục vụ cho “tham quan”.

Bốn là, nghiên cứu các PPDH mới, tiên tiến, hiện đại vận dụng vào thực tiễn trong các các học viện, trường đại học CAND.

Tăng cường tìm hiểu các PPDH mới không chỉ ở các học viện, trường đại học CAND mà có thể là các trường tiên tiến trên thế giới; đồng thời, vận dụng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của học viện, trường đại học; phù hợp với từng bài giảng, từng môn học, từng đối tượng cụ thể, tránh dập khuôn, sao chép máy móc; đồng thời, phát huy hiệu quả những tinh hoa của PPDH quân sự Việt Nam. Vì vậy, cần tập trung nghiên cứu kỹ từng PPDH mới, tìm ra những ưu điểm và hạn chế của phương pháp đó để phát huy hiệu quả hoặc kết hợp một vài phương pháp với nhau.

Năm là, tăng cường kết hợp giữa dạy học với nghiên cứu khoa học.

Gắn kết công tác giảng dạy với nghiên cứu khoa học, trong đó chú trọng xây dựng phong trào nghiên cứu khoa học cho học viên; đồng thời, vận dụng kết quả nghiên cứu khoa vào thực tiễn cuộc sống. Các nhà trường và khoa giáo viên cần tổ chức cho giáo viên và học viên tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học cấp học viện, trường đại học nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học trong các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Công an. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, gắn kết chặt chẽ hơn nữa công tác nghiên cứu khoa học với giảng dạy và thực tiễn công tác, chiến đấu của lực lượng CAND.

Chú thích:
1. Phát huy vai trò của đội ngũ nhà giáo Công an nhân dân trong xây dựng đội ngũ cán bộ Công an các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. https://bocongan.gov.vn, ngày 20/11/2018.
Tài liệu tham khảo:
1. Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 25/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 – 2030.
2. Đảng bộ Học viện An ninh nhân dân. Văn kiện Đại hội Đảng bộ Học viện An ninh nhân dân lần thứ XXVIII, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2016.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021. 
ThS. Cao Thị Tường Khanh
Học viện An ninh nhân dân