(Quanlynhanuoc.vn) – Đầu tư trực tiếp nước ngoài là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với tái cơ cấu ngành Công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Bài viết đánh giá vai trò của đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với quá trình cơ cấu lại ngành Công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016 – 2021, từ đó, đề xuất một số giải pháp thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đáp ứng mục tiêu cơ cấu lại ngành Công nghiệp của tỉnh trong thời gian tới.
Thực trạng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành Công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương
Từ khi tái lập tỉnh (năm 1997), thị trường đầu tư của Hải Dương bắt đầu được nhiều nhà đầu tư nước ngoài biết đến và ngày càng trở lên khởi sắc qua từng thời kỳ. Giai đoạn 2006 – 2010 đánh dấu thời kỳ khởi sắc của dòng vốn FDI thu hút tại địa bàn tỉnh. Trong 3 năm (2006 – 2008), FDI gia tăng mạnh mẽ về cả về số lượng dự án và quy mô vốn đầu tư, đặc biệt là năm 2006 số vốn thu hút đạt 663,6 triệu USD, gần bằng tổng lượng vốn FDI của 10 năm trước đó cộng lại và năm 2008 đã ghi dấu mốc,lần đầu tiên tỉnh Hải Dương vượt con số 1 tỷ USD vốn FDI. Kết quả giai đoạn 2006 – 2010, đạt 151 dự án FDI, tổng lượng vốn thu hút đạt 1.966,8 triệu USD, vượt 80% so với mục tiêu. Đáng chú ý giai đoạn này số dự án mở rộng sản xuất, tăng vốn tiếp tục gia tăng: 84 dự án với số vốn tăng thêm 541,5 triệu USD1.
Giai đoạn 2011 – 2015, mặc dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động thu hút FDI, số dự án đầu tư trong từng năm có giảm so với các năm trước, song thời kỳ này lại đánh dấu bằng việc thu hút được những dự án có quy mô lớn vào tỉnh. Đặc biệt, năm 2011 lượng vốn FDI thu hút đạt kỷ lục là 3.116 triệu USD, trong đó có dự án BOT Nhiệt điện Hải Dương với số vốn 2.260 triệu USD. Một số dự án có quy mô lớn khác, như: dự án may Tinh Lợi (123,8 triệu USD), dự án dệt may Pacific – Crystal (423,5 triệu USD)… đã góp phần tích cực vào hoạt động đầu tư nước ngoài tại địa bàn. Tính cả giai đoạn từ 2011 – 2016, tỉnh Hải Dương đã thu hút được 180 dự án FDI, với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm đạt 4.881,2 triệu USD. Cùng với việc thu hút các dự án FDI cấp mới, giai đoạn từ 2011 – 2015 cũng là thời kỳ tập trung nhiều dự án tăng vốn đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất – kinh doanh với 147 lượt dự án FDI tăng vốn, với số vốn tăng thêm 1,311 triệu USD2. Lượng vốn tăng thêm gia tăng mạnh mẽ đã chứng tỏ môi trường kinh doanh hấp dẫn, củng cố niềm tin và sự an tâm của các nhà đầu tư nước ngoài tại Hải Dương.
Từ năm 2016 – 2021, tổng số dự án đã cấp phép còn hiệu lực là 542 dự án, với tổng số vốn đăng ký đạt 7.883,2 triệu USD. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút FDI nhiều nhất với 7.171,4 triệu USD, chiếm 91% tổng số vốn đăng ký3. Các dự án đầu tư chủ yếu thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, như: sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm điện và linh kiện điện tử, ô tô, xi măng; sản xuất sắt, thép; sản xuất hàng dệt may; cơ khí chế tạo, thiết bị cơ khí chính xác. Tính chung cả giai đoạn 2016 – 2021, FDI thường chiếm từ 35% đến 40% tổng đầu tư toàn xã hội. Các doanh nghiệp FDI đóng góp trên 60% giá trị sản xuất công nghiệp, đi đầu trong xuất khẩu, hội nhập quốc tế, tạo nhiều sản phẩm mới cho hàng hóa sản xuất tại địa phương. Hằng năm, các doanh nghiệp FDI đóng góp khoảng 30% tổng thu ngân sách địa phương. Riêng năm 2022, mặc dù tình hình kinh tế – xã hội gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng dịch bệnh, các doanh nghiệp FDI đã đóng góp gần 5.000 tỷ đồng, vượt 157% dự toán và 108% so với cùng kỳ4
Vai trò của đầu tư trực tiếp nước ngoài trong quá trình cơ cấu lại ngành Công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương
Thứ nhất, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành Công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; giảm tỷ trọng ngành công nghiệp khai khoáng.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp giấy phép vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ lệ tuyệt đối cả về số dự án được cấp phép và số vốn đăng ký trong tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài. Năm 2020 là 32/35 dự án (chiếm 91,4%) với số vốn đăng ký đạt 157,3/184,6 triệu USD (chiếm 85,2%); năm 2021 là 14/17 dự án (chiếm 82,3%) với số vốn đăng ký 107,6/110,9 triệu USD (chiếm 97,02%)5. Chính vì vậy, công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh trở thành ngành công nghiệp chủ lực, chiếm tỷ trọng tuyệt đối trong cơ cấu ngành Công nghiệp trên địa bàn tỉnh. (Bảng 1)
Đầu tư trực tiếp nước ngoài còn tạo ra sự chuyển dịch mạnh mẽ trong cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Theo đó, các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên chiếm tỷ trọng lớn hơn và có xu hướng tăng theo đúng định hướng phát triển của tỉnh: ngành cơ khí, luyện kim chiếm 39%; dệt may, da giày chiếm 13%; chế biến nông sản chiếm 16%; ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp hóa chất giảm tỷ trọng6
Tuy nhiên, số lượng, tỷ trọng đầu tư trực tiếp nước ngoài ở một số phân ngành Công nghiệp chưa tương xứng với những ưu đãi và chủ trương thu hút của tỉnh. Một số dự án đầu tư nước ngoài hoạt động không đúng cam kết, chưa chú trọng công tác bảo vệ môi trường, cũng như bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
Thứ hai, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động công nghiệp, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng thu nhập cho người lao động.
Cơ cấu lao động trong ngành Công nghiệp có sự điều chỉnh tích cực theo hướng tăng tỷ trọng ngành chế biến, chế tạo (chiếm tỷ lệ tuyệt đối và tăng từ 93,8% năm 2016 lên 96,5% năm 2021); tỷ trọng lao động ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng từ 0,4% lên 1,6%. Trong khi đó, tỷ trọng lao động trong các ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng giảm từ 2,9% xuống còn 1,4%; tỷ trọng lao động ngành khai khoáng giảm mạnh từ 2,9% xuống chỉ còn 0,5% (xem Biểu đồ 1)7.
Hằng năm, khu vực FDI tạo việc làm cho hơn 200 nghìn lao động trực tiếp và hàng nghìn lao động gián tiếp. Tỷ lệ lao động qua đào tạo liên tục gia tăng và ngày càng cao, từ 19,1% trong năm 2016 lên 30,4% trong năm 2021, gần đạt được mục tiêu đặt ra là 33% vào năm 2025. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có trình độ chuyên môn kỹ thuật bậc cao chiếm 7,3%, bậc trung chiếm 2,1%, lao động lắp ráp và vận hành máy móc, thiết bị chiếm 32,6%. Thu nhập bình quân tháng của một lao động trong các doanh nghiệp FDI cũng tăng mạnh từ 5,7 triệu/người/tháng (năm 2016) lên 8,4 triệu đồng/người/ tháng (năm 2021)8.
Thứ ba, đầu tư trực tiếp nước ngoài là động lực chính cho sự hình thành các ngành Công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh.
Với vị trí nằm trong tam giác trọng điểm khu vực kinh tế phía Đông vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là: Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, nơi có nhiều tập đoàn kinh tế lớn trên toàn cầu đang hoạt động, như: SamSung, Microsoft…, Hải Dương có lợi thế trong thu hút đầu tư cho các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Chính vì vậy, ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh đã đạt được những bước tiến cả về chất và lượng, trở thành ngành chủ đạo, góp phần tích cực đối với quá trình cơ cấu lại để phát triển mạnh ngành Công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Công nghiệp hỗ trợ của tỉnh đã hình thành rõ nét trong 3 lĩnh vực cơ bản gồm: cơ khí chế tạo, điện – điện tử, dệt may – da giày. Tính đến năm 2021, toàn tỉnh có trên 130 dự án lớn sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, trong đó, các dự án sản thuộc lĩnh vực điện – điện tử chiếm hơn 30%; số lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo9. Không chỉ sản xuất và cung cấp linh kiện, phụ tùng cho các doanh nghiệp trong nước mà đã bước đầu tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, trở thành một mắt xích trong sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan thì tác động của đầu tư nước ngoài đến sự phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh chưa rõ nét. Công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp công nghệ cao chưa phát triển, quy mô các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn nhỏ, năng lực, trình độ tổ chức quản lý sản xuất còn nhiều hạn chế; thiếu vốn để đổi mới công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ tư, đầu tư trực tiếp nước ngoài là yếu tố trực tiếp thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh.
Doanh nghiệp FDI dần khẳng định vị trí là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, có sự gia tăng về số lượng, ổn định về tỷ trọng doanh nghiệp. Với lợi thế về vốn, công nghệ, kỹ thuật, doanh nghiệp FDI đi đầu trong xuất khẩu. Trong giai đoạn 2017 – 2021, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 35 triệu USD, chiếm trên 80% kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh; hằng năm đóng góp 30% tổng thu ngân sách của địa phương10.
Giải pháp thu hút, quản lý sử dụng nguồn vốn FDI phục vụ quá trình cơ cấu lại ngành Công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương thời gian tới
a. Quan điểm, mục tiêu
Nhất quán chủ trương thu hút FDI nhằm phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ nguồn lực bên ngoài và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển nhanh, có hiệu quả và bền vững, phù hợp với yêu cầu của công cuộc cải cách mở cửa, hội nhập quốc tế hiện nay. Ưu tiên thu hút đầu tư từ các quốc gia thuộc nền kinh tế lớn, có tiềm lực về vốn, công nghệ, trình độ quản lý; các công ty đa quốc gia, các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới. Chú trọng thu hút đầu tư vào các lĩnh vực, dự án có giá trị gia tăng cao, tạo nguồn thu tốt cho ngân sách. Ưu tiên thu hút đầu tư vào sản xuất các sản phẩm công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng; công nghệ thông tin, công nghiệp phụ trợ; các sản phẩm cơ khí, điện, điện tử, như: sản xuất lắp ráp ô tô, kết cấu thép; sản xuất các thiết bị điện tử, điện lạnh, các thiết bị thông tin viễn thông; sản xuất vật liệu xây dựng mới, thuốc chữa bệnh…
Tập trung thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã quy hoạch, nhằm bảo đảm cho sự phát triển bền vững, thuận lợi cho công tác quản lý. Từ chối tiếp nhận các dự án đầu tư có công nghệ lạc hậu, không bảo đảm yêu cầu, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng dân sinh… Hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp FDI triển khai đầu tư nhanh và sớm đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm tăng tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện, thúc đẩy đầu tư xã hội tại địa phương.
b. Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện
Một là, về công tác quy hoạch, phát triển hạ tầng
Nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch, nhất là quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch ngành, sản phẩm. Tổ chức lập các quy hoạch còn thiếu, điều chỉnh các quy hoạch không còn phù hợp, đồng thời, công khai quy hoạch để các nhà đầu tư nắm rõ định hướng của tỉnh. Tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, cộng đồng dân cư trong quá trình lập các quy hoạch.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước, các nhà đầu tư có thương hiệu, có tiềm lực về vốn, công nghệ tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư đối với việc đầu tư cơ sở hạ tầng cụn công nghiệp. Đẩy nhanh việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết một số khu công nghiệp có vị trí thuận lợi để thực hiện các thủ tục thành lập và triển khai đầu tư hạ tầng.
Hai là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính
Tiếp tục rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết; rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp. Thực hiện tốt mô hình “một cửa” tại các sở, ngành, đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn. Thực hiện đăng tải, cập nhật thường xuyên các thủ tục hành chính, cơ chế chính sách của trung ương và của tỉnh trên các trang thông tin điện tử. Tập trung thực hiện các kế hoạch hành động cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đồng bộ ở tất cả các cấp, các ngành.
Ba là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Rà soát, thực hiện cơ cấu lại hệ thống các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh theo nguyên tắc gắn quy mô, cơ cấu ngành nghề đào tạo với nhu cầu của các doanh nghiệp. Chú trọng đào tạo lao động cho một số ngành Công nghiệp, như: cơ khí, điện tử, sản xuất vật liệu xây dựng mới, du lịch, khách sạn, thương mại… Xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực có trình độ quản lý, kỹ thuật và tay nghề cao. Hỗ trợ kinh phí cho đào tạo lao động có trình độ tay nghề cao đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Bốn là, nâng cao hiệu quả công tác vận động, xúc tiến đầu tư
Đổi mới công tác xúc tiến đầu tư theo hướng trọng tâm, trọng điểm. Đa dạng hóa các kênh vận động, xúc tiến đầu tư thông qua các cơ quan, diễn đàn, các tổ chức kinh tế có uy tín lớn trong và ngoài nước, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài và các tổ chức xúc tiến đầu tư của nước ngoài tại Việt Nam. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với nhà đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong việc tiếp cận, vận động xúc tiến đầu tư. Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách hoặc các hình thức hiệu quả để thúc đẩy, hỗ trợ và thu hút các dự án đầu tư có chất lượng cao, bảo đảm phát triển các ngành và lĩnh vực ưu tiên. Kiến nghị với trung ương ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù, đủ hấp dẫn đối với các dự án lớn trong những ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh.
Năm là, tăng cường phối hợp quản lý, kiểm tra, giám sát, hỗ trợ doanh nghiệp
Tăng cường kết nối doanh nghiệp, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, như: cung cấp các thông tin về thị trường, tìm kiếm đối tác kinh doanh, thông tin về lao động và các dịch vụ hỗ trợ việc làm; hỗ trợ tư vấn các vấn đề pháp lý, các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực như thuê đất, giải phóng mặt bằng, xuất – nhập khẩu, hải quan, thuế… Tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành, chính quyền địa phương trong công tác quản lý, giám sát doanh nghiệp. Tập trung thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án. Thiết lập và công khai “đường dây nóng” của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ngành để tiếp nhận kịp thời các phản ánh của doanh nghiệp. Định kỳ tổ chức gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh, các cơ quan quản lý nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội nhằm nắm bắt, xử lý kịp thời những khó khăn vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp.