Những nhân tố tác động tới ý thức học tập và nghiên cứu khoa học của sinh viên hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Nghiên cứu phân tích các nhân tố tác động tới ý thức học tập và nghiên cứu khoa học của sinh viên, trên cơ sở khảo sát 600 sinh viên Trường Đại học Điện lực. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 8 nhân tố tác động tới ý thức học tập của sinh viên có 5 nhân tố tác động tới ý thức nghiên cứu khoa học của sinh viên.
Ảnh minh họa (fet.epu.edu.vn).
Đặt vấn đề

Những năm qua, cùng với sự phát triển của lực lượng sinh viên cả nước, sinh viên Trường Đại học Điện lực (EPU) ngày càng khẳng định được tài năng, bản lĩnh, sức sáng tạo, nhiệt huyết và đóng góp tích cực cho xã hội. Ngoài các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng xã hội, trong công tác học tập và nghiên cứu khoa học, sinh viên EPU đã đạt được nhiều thành tích trong các cuộc thi trí tuệ. Là sinh viên của trường kỹ thuật, trong nhiều năm sinh viên EPU luôn tích cực tham gia các sân chơi khoa học kĩ thuật dành cho sinh viên ở trong và ngoài nước như Cuộc thi Robocon, Olympic Toán – Lý – Tin học, Cuộc thi Công nghệ trí tuệ Canon Chie – Tech, Cuộc thi Mô phỏng Quyết định kinh doanh Thị trường điện tại Đại học Điện lực Thượng Hải (SUEP)… Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một bộ phận không nhỏ sinh viên chưa có ý thức học tập tốt, kết quả học tập rèn luyện yếu kém, thiếu động lực tham gia nghiên cứu khoa học. Đây thực sự là điều đáng tiếc cho bản thân sinh viên và nhà trường. Từ những vấn đề lý luận và thực tiễn, bài viết tập trung làm rõ các nhân tố tác động tới ý thức học tập và nghiên cứu khoa học của sinh viên EPU, trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nâng cao ý thức học tập và nghiên cứu khoa học cho sinh viên.

Những nội dung nghiên cứu

Về một số khái niệm cơ bản

(1) Ý thức học tập: là khả năng bản thân tự nhận thức, tự tư duy về vai trò, lợi ích của việc học đối với mình, định hướng mục tiêu học tập rõ ràng và nỗ lực phấn đấu để đạt mục tiêu đề ra. Ý thức học tập là sự nhận thức được tầm quan trọng của việc học, từ đó có những phương pháp học tập hữu ích, cố gắng học hỏi, thực hành, trau dồi kiến thức để hoàn thiện bản thân. Theo đó, được phân thành hai loại: ý thức học tập tích cựcý thức học tập tiêu cực.

Sinh viên có ý thức học tập tích cực là biết bản thân muốn gì, biết điểm mạnh và điểm yếu của mình, luôn phấn đấu để hoàn thành mục tiêu đã đề ra; họ có bản lĩnh, có định hướng, mục tiêu rõ ràng và chủ động trong quá trình học tập. Còn ý thức học tập tiêu cực là sinh viên mơ hồ không biết bản thân muốn gì, thích gì, lười học, chểnh mảng trong học tập; coi việc học là sự ép buộc, không có hứng thú tiếp thu kiến thức, học tập với tinh thần chống đối…

(2) Nghiên cứu khoa học: là “hoạt động khám phá, phát hiện, tìm hiểu bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy; sáng tạo giải pháp nhằm ứng dụng vào thực tiễn”1. Hoạt động nghiên cứu khoa học có ý nghĩa quan trọng, giúp cho sinh viên tiếp cận với cách học mới và tập làm quen với hoạt động nghiên cứu khoa học. Đây là một trong những hoạt động trọng tâm bên cạnh nhiệm vụ học tập của sinh viên. Nghiên cứu khoa học mang lại cho sinh viên khả năng tư duy, sáng tạo, phê bình, bác bỏ, hay chứng minh một cách khoa học những quan điểm; rèn luyện kỹ năng phân tích, tổng hợp kiến thức, tư duy logic, xây dựng tinh thần hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Trên cơ sở đó, nghiên cứu khoa học tạo ra những bước đi ban đầu để sinh viên tiếp cận với những vấn đề khoa học và cuộc sống đang đặt ra, gắn lý luận với thực tiễn.

Muốn làm nghiên cứu khoa học sinh viên phải có những kiến thức nhất định về lĩnh vực nghiên cứu nhưng chủ yếu là phải rèn luyện cách làm việc tự lực và có phương pháp. Do đó, với những kiến thức còn hạn chế, khi sinh viên thực hiện nghiên cứu khoa học cần phải phát huy khả năng tự học để trau dồi những kiến thức cần thiết, đồng thời việc lựa chọn đề tài nghiên cứu nên phù hợp với khả năng của mình.

Mô hình nghiên cứu

Từ cơ sở lý thuyết và các nghiên cứu trước, tác giả xây dựng mô hình nghiên cứu gồm 8 nhân tố tác động tới ý thức học tập của sinh viên và 5 nhân tố tác động tới ý thức nghiên cứu khoa học của sinh viên.

Các nhân tố tác động tới ý thức học tập của sinh viên bao gồm: điều kiện học tập, chương trình đào tạo, chất lượng giảng viên, ảnh hưởng gia đình, triển vọng nghề nghiệp, môi trường xã hội, internet và nhận thức của sinh viên (xem Hình 1).

Các nhân tố tác động tới ý thức nghiên cứu khoa học của sinh viên bao gồm: sự quan tâm của nhà trường, môi trường nghiên cứu, giảng viên hướng dẫn, mục đích nghiên cứu, năng lực của sinh viên (xem Hình 2).

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu kết hợp cả phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng. Phương pháp định tính được thực hiện nhằm kiểm tra mô hình nghiên cứu, thang đo. Phương pháp định lượng được thực hiện thông qua việc sử dụng bảng khảo sát để thu thập thông tin và sử dụng phương pháp chọn mẫu: gửi phiếu khảo sát trực tuyến trên Google Forms cho sinh viên các khoa được chọn lấy mẫu của Trường Đại học Điện lực trong tháng 5/2023. Dữ liệu sau khi khảo sát được xử lý bằng phần mềm SPSS 22.0. Nghiên cứu được tiến hành 2 bước chính:

(1) Nghiên cứu sơ bộ: trên cơ sở thăm dò ý kiến từ phía chuyên gia, cán bộ quản lý và giảng viên, tác giả tiến hành xây dựng phiếu khảo sát ý kiến có liên quan đến ý thức học tập và nghiên cứu khoa học của sinh viên. Thu thập các số liệu của phòng Đào tạo, phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng và phòng Quản lý khoa học và hợp tác quốc tế Trường  Đại học Điện lực.

(2) Nghiên cứu chính thức: chọn mẫu để khảo sát chính thức, tác giả chọn ra 6 ngành đại diện có số lượng sinh viên đào tạo đông nhất, đó là: Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hoá; Công nghệ kỹ thuật điện tử – viễn thông; Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng; Quản trị kinh doanh. Mẫu được chọn theo phương pháp ngẫu nhiên, phân tầng và theo cụm. Mỗi ngành này chọn ra 100 sinh viên rải đều từ năm thứ nhất đến năm thứ tư. Tổng cộng có tất cả 600 sinh viên của 6 ngành tham gia điều tra khảo sát.

Các biến số bao gồm: biến độc lập (nhân tố nhà trường, giảng viên, gia đình, nghề nghiệp, internet, nhận thức và năng lực của sinh viên); biến phụ thuộc (ý thức học tập và nghiên cứu khoa học của sinh viên); biến quan sát (khóa học, ngành học, thành tích học tập và nghiên cứu khoa học, giới tính).

Kết quả nghiên cứu

(1) Những nhân tố tác động tới ý thức học tập của sinh viên: sau khi tiến hành đánh giá độ tin cậy của thang đo bằng hệ số Cronbach’s Alpha, cho thấy cả 8 biến của thang đo đều đạt độ tin cậy cao và cho kết quả như sau:

Dựa vào bảng 1 cho thấy, nhân tố chất lượng giảng viên có tác động lớn nhất đến ý thức học tập của sinh viên và thấp nhất là chương trình đào tạo. Giảng viên có vai trò to lớn trong việc dẫn dắt, định hướng, gợi mở tri thức cho sinh viên và hướng dẫn, hỗ trợ sinh viên tự học. Trình độ và tâm huyết của giảng viên là nhân tố quan trọng thúc đẩy động lực học tập của sinh viên, thầy giỏi mới đào tạo được trò giỏi.

Nhân tố tác động lớn thứ 2 là internet: kết quả khảo sát cho thấy, sinh viên có tần suất truy cập internet rất cao, 100% truy cập internet hàng ngày. Thời gian sinh viên nam truy cập internet nhiều hơn sinh viên nữ và có sự khác biệt trong mục đích sử dụng internet. Sinh viên nam chủ yếu là chơi game, còn sinh viên nữ chủ yếu là xem phim và vào mạng xã hội. Sinh viên năm 1, năm 2 truy cập internet hằng ngày cao hơn so với sinh viên năm 3, năm 4 vì có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn. Internet có tác động 2 mặt đối với sinh viên. Internet đem lại nhiều lợi ích cho sinh viên, giúp các em dễ dàng tiếp cận với nhiều nguồn thông tin, tìm kiếm tri thức, hỗ trợ học tập, làm thêm, giải trí… Tuy nhiên, nếu truy cập internet quá nhiều và quá lâu sẽ ảnh hưởng lớn đến việc học tập. Việc lạm dụng internet cũng làm cho sinh viên lười học đi, đánh mất khả năng tư duy, thích dựa dẫm vào những kết quả có sẵn trên mạng. Đồng thời truy cập internet trong thời gian quá lâu còn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tinh thần của sinh viên.

Nhân tố tác động lớn thứ 3 là nhận thức của sinh viên: kết quả khảo sát cho thấy, nhận thức chủ quan của sinh viên quyết định thái độ và ý thức học tập của họ. Tự bản thân sinh viên phải nhận thức được tầm quan trọng, lợi ích của việc học mang lại, từ đó họ tìm thấy được niềm hứng thú trong học tập và bản thân sẽ không cảm thấy chán học, ghét học.

Khảo sát kết quả học tập của sinh viên EPU trong hai năm gần đây cho thấy, năng lực học tập của sinh viên còn hạn chế, tỷ lệ sinh viên đạt kết quả học tập khá, giỏi được nhà trường cấp học bổng khuyến khích theo từng kỳ rất khiêm tốn, trong khoảng 8 – 13%. Nguyên nhân chủ quan xuất phát từ năng lực học tập và nhận thức của sinh viên chưa cao. Nguyên nhân khách quan là do chất lượng giảng viên và phương pháp giảng dạy chưa lôi cuốn được sinh viên, lạm dụng internet, ảnh hưởng của gia đình, cám dỗ từ môi trường xã hội,…

(2) Những nhân tố tác động tới ý thức nghiên cứu khoa học của sinh viên: nghiên cứu khoa học của sinh viên là một hoạt động có ý nghĩa to lớn, giúp sinh viên tiếp cận với những vấn đề khoa học và cuộc sống đang đặt ra, gắn lý luận với thực tiễn. Kết quả đánh giá độ tin cậy của thang đo bằng hệ số Cronbach’s Alpha, cho thấy cả 5 biến của thang đo đều đạt độ tin cậy cao và cho kết quả như sau:

Nhìn vào bảng 2 cho thấy, năng lực của sinh viên và mục đích nghiên cứu là 2 nhân tố tác động lớn nhất tới ý thức nghiên cứu khoa học của sinh viên. Ngoài ra, vai trò hướng dẫn của giảng viên, môi trường nghiên cứu và sự quan tâm khuyến khích của nhà trường cũng là những nhân tố tác động lớn tới ý thức nghiên cứu khoa học của sinh viên, giúp họ có hứng thú với khoa học, có động lực làm khoa học và theo đuổi nghiên cứu khoa học.

Những năm gần đây, EPU rất quan tâm đến hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên và triển khai mạnh mẽ chuỗi hoạt động khuyến khích khả năng tự học, tự nghiên cứu khoa học trong sinh viên. Nhà trường đã đưa hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên vào kế hoạch giảng dạy và học tập hằng năm. Các phòng, ban chức năng, các khoa/bộ môn đã có nhiều hoạt động nhằm thu hút sinh viên đến với nghiên cứu khoa học, khơi dậy trong lực lượng trí thức trẻ tuổi hùng hậu này sự đam mê tìm tòi, khám phá, sáng tạo ra những công trình khoa học mới, có giá trị. Kết quả là sinh viên EPU đã đạt được thành tích tại nhiều cuộc thi trí tuệ ở trong và ngoài nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó, tỷ lệ sinh viên tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học còn thấp và có sự chênh lệch giữa số lượng sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học của các khoa/bộ môn.

Cụ thể, năm học 2020 -2021 chỉ có 4 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên được thực hiện, năm học 2021 – 2022 có 16 đề tài, năm học 2022 – 2023 có 10 đề tài2. Số lượng đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên có tăng lên nhưng thiếu ổn định. Nguyên nhân chủ quan là do năng lực nghiên cứu của sinh viên còn hạn chế, sinh viên nhận thức còn mơ hồ và chưa thấy được lợi ích, tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học nên chưa tìm thấy được mục đích và động lực nghiên cứu. Nguyên nhân khách quan là môi trường nghiên cứu chưa bảo đảm về cơ sở vật chất, thủ tục hồ sơ nghiên cứu khoa học còn rườm rà, còn khó khăn trong tìm người hướng dẫn, thiếu đội ngũ hỗ trợ… Đây chính là những rào cản làm sinh viên có phần nhụt chí và không mặn mà tham gia nghiên cứu khoa học.

Một số giải pháp nâng cao ý thức học tập và nghiên cứu khoa học của sinh viên

Thứ nhất, đối với sinh viên: trong học tập, sinh viên cần xác định hướng đi, mục tiêu ngay từ đầu. Cần hiểu rõ, mình học để làm gì, học như thế nào, mục tiêu cho việc học đó… Sinh viên cần tích cực, chủ động trong học tập, mạnh dạn trao đổi thắc mắc với bạn bè và thầy cô, nêu lên quan điểm của mình. Hình thành và duy trì thói quen tự học tại nhà, việc tự học đều đặn sẽ giúp sinh viên tiếp thu kiến thức nhanh và học tập hiệu quả hơn.

Trong nghiên cứu khoa học, sinh viên phải bỏ qua suy nghĩ khoa học là cái gì đó cao siêu, không dành cho mình mà phải thấy được tầm quan trọng và lợi ích của nghiên cứu khoa học mang lại. Có rất nhiều lợi ích cho sinh viên khi tham gia nghiên cứu khoa học, trong đó có 3 lợi ích chính, đó là kiến thức, kỹ năng và cơ hội sau tốt nghiệp. Khi thực hiện công trình nghiên cứu khoa học sẽ giúp sinh viên mở rộng kiến thức, hiểu biết về một lĩnh vực, chủ đề chuyên sâu cụ thể. Sinh viên cần dành thời gian để làm quen với nghiên cứu từ những việc nhỏ như làm đồ án môn học, tham gia các cuộc thi sáng tạo để dần hình thành đam mê và thói quen nghiên cứu khoa học sau này.

Thứ hai, đối với nhà trường: cần nâng cao chất lượng môi trường học tập, như đầu tư, xây dựng không gian học tập năng động, sáng tạo, tiện ích với nhiều không gian học tập chung, không gian học tập học nhóm, không gian nghiên cứu trao đổi, không gian nghỉ ngơi, vui chơi… Nhà trường cũng cần đầu tư các phòng nghiên cứu khoa học (phòng Lab) hiện đại cho giảng viên và sinh viên tham gia học tập, nghiên cứu. Đoàn Thanh niên tích cực phối hợp với các khoa chuyên môn phát động nhiều phong trào thi đua trong học tập và nghiên cứu khoa học của sinh viên. Đồng thời, có những chính sách khuyến khích và hỗ trợ chi phí học tập, nghiên cứu để khơi dậy tinh thần học tập và nghiên cứu khoa học trong sinh viên.

Đội ngũ giảng viên tích cực, chủ động nâng cao trình độ kiến thức chuyên môn cao, kinh nghiệm giảng dạy để có thể truyền đạt kiến thức cho sinh viên được một cách tốt nhất và hiệu quả nhất, đồng thời tạo điều kiện cho sinh viên rèn luyện các kỹ năng cần thiết như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình. Giảng viên phải khuyến khích, truyền lửa, khơi dậy đam mê nghiên cứu khoa học cho sinh viên, gợi mở những hướng nghiên cứu mới để sinh viên tìm tòi, khám phá, phát huy sức sáng tạo của bản thân.

Thứ ba, đối với gia đình: cần quan tâm sát sao với con cái, tôn trọng năng lực, sở thích của con cái, để các con tự tìm hiểu và lựa chọn các ngành nghề mà bản thân thích và muốn học. Bên cạnh đó, gia đình cũng cầnđộng viên, khuyến khích, ủng hộ và tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể về vật chất lẫn tinh thần, từ đó, giúp sinh viên không bị áp lực thành tích học tập hay phải lo lắng những vấn đề khác ngoài việc học.

Kết luận

Ý thức học tập và nghiên cứu khoa học có vai trò quan trọng trong đánh giá trình độ và trí tuệ của sinh viên. Kết quả nghiên cứu cho thấy, ý thức học tập và nghiên cứu khoa học của sinh viên EPU chịu tác động bởi nhiều nhân tố cả khách quan và chủ quan. Phân tích thực trạng cũng cho thấy, kết quả học tập và nghiên cứu khoa học của sinh viên EPU còn rất hạn chế, do đó, cần triển khai quyết liệt hơn nữa từ phía nhà trường, giảng viên, gia đình và bản thân sinh viên để phát huy tính tích cực, chủ động trong tự học, tự nghiên cứu của sinh viên.

* Bài báo này là kết quả sản phẩm của đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, tác giả là chủ nhiệm đề tài, mã số ĐTKHCN.09/2022.

Chú thích:
1. Điều 3 Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013.
2. Phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Điện lực. Báo cáo hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, sản xuất thử và tư vấn năm học 2020, 2021, 2022. Hà Nội, tháng 8/2022.
Tài liệu tham khảo:
1. Lê Lan Chi. Những yếu tố khách quan ảnh hưởng đến ý thức tự học của sinh viên đại học hiện nay. Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam, số 35, 2020.
2. Hoàng Thị Mỹ Nga, Nguyễn Tuấn Kiệt. Phân tích các nhân tố tác động đến động lực học tập của sinh viên kinh tế Trường Đại học Cần Thơ. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, số 46, 2016.
3. Dương Thị Kim Oanh. Một số hướng tiếp cận trong nghiên cứu động cơ học tập. Tạp chí Khoa học Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, số 48, 2013.
4. Phạm Quang Văn, Lê Văn Trọng, Huỳnh Văn Kiệt, Hoàng Thị Xuân. Một số yếu tố tác động đến động lực nghiên cứu khoa học của sinh viên. Tạp chí Khoa học công nghệ giao thông vận tải, số 30, 2018.
TS. Phạm Thị Thùy
Trường Đại học Điện lực