Giải pháp đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long

(Quanlynhanuoc.vn) – Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong những năm qua có những phát triển về hệ thống mạng lưới cơ sở dạy nghề, đa dạng về hình thức, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý ngày càng được chuẩn hóa, chương trình đào tạo nghề từng bước được cải tiến theo hướng gắn lý thuyết với thực hành. Bài viết phân tích thực trạng và đề xuất một số giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần phát triển kinh tế – xã hội ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Ảnh minh hoạ: Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp.
Đặt vấn đề

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách phát triển nguồn lao động nông thôn với sự đầu tư cho các cơ sở đào tạo, cho các tổ chức khuyến nông, khuyến công, các tổ chức quần chúng làm nhiệm vụ đào tạo, chuyển giao tiến bộ khoa học – công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn lao động. Vì vậy, chất lượng nguồn lao động nông thôn, nhất là trình độ nghề từng bước được nâng lên, tạo bước phát triển mới trong kinh tế nông thôn nước ta.

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có mật độ dân số đông, có tốc độ đô thị hóa và có chất lượng nguồn lao động khá cao. Tuy vậy, tỷ lệ dân số nông thôn vẫn chiếm tới 70,4%, tỷ lệ lao động qua đào tạo cũng không quá 20%. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long do xuất phát điểm thấp về chất lượng, số lượng đông nên sự chuyển biến của nguồn lao động so với yêu cầu phát triển kinh tế nông thôn còn chưa đáp ứng. Hơn nữa, việc phát triển nguồn lao động nông nghiệp, nông thôn chủ yếu từ sự hỗ trợ của Nhà nước. Nguồn vốn nội lực trong nông nghiệp, nông thôn và từ nguồn hỗ trợ cho phát triển kinh tế – xã hội nông thôn nói chung, đào tạo nghề nói riêng còn nhiều hạn hẹp. Mặt khác, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn nhiều bất cập. Do vậy, việc phân tích thực trạng đào tạo nghề cho lao động nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long để đưa ra những giải pháp góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới là đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn.

Thực trạng đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long

– Về hệ thống các cơ sở đào tạo nghề.

Hệ thống các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn các tỉnh, thành của vùng Đồng bằng sông Cửu Long do Tổng cục Dạy nghề quản lý, tập trung ở các Thành phố Cần Thơ và Thành Phố Long Xuyên An Giang; các cơ sở đào tạo nghề và các trung tâm dạy nghề được phân bố khá đều ở 13 tỉnh, thành phố của vùng. Thực hiện nhiệm vụ trực tiếp đào tạo nghề cho lao động nông thôn là các Trung tâm dạy nghề cấp huyện do Ủy ban nhân dân các huyện quản lý trực tiếp.

Tuy là vùng có hệ thống dạy nghề tập trung về số lượng, nhưng vẫn còn nhiều huyện chưa có cơ sở dạy nghề, trong số 95 huyện của 13 tỉnh, thành phố chỉ có 35 huyện có trung tâm dạy nghề chiếm 40,17%. Kiên Giang là tỉnh có 5/5 huyện có trung tâm dạy nghề, trong khi đó Hậu Giang có 9 huyện chỉ có 2 trung tâm dạy nghề cấp huyện. Thành Phố Cần Thơ và Thành phố Long Xuyên tỉnh An Giang là 2 thành phố của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng tỷ lệ trung tâm dạy nghề/tổng số huyện chỉ đạt mức: 37,8% và 45%1.

Bảng 1: Hệ thống các cơ sở đào tạo nghề các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long

Địa phương Cao đẳng

nghề

Trung cấp

nghề

Trung tâm

dạy nghề

Trong đó: Trung

tâm/huyện

Cả nước 179 306 800 348
Đồng bằng sông Cửu Long 59 106 190 35/85
1. Cần Thơ 21 69 90 8/18
2. An Giang 10 12 19 5/8
3. Tiền Giang 5 3 8 1/10
4. Hậu Giang 3 4 4 2/9
5. Kiên Giang 2 2 10 5/5
6. Long An 2 8 11 6/9
7. Đồng Tháp 0 8 19 6/7
8. Vĩnh Long 3 6 19 3/6
9. Sóc Trăng 3 3 22 3/7
10 Bạc Liêu 2 13 18 6/6
11. Cà Mau 3 6 10 3/6
12. Trà Vinh 3 3 12 3/7
13. Bến Tre 2 13 8 6/6

Nguồn: Báo cáo của Tổng cục Dạy nghề năm 2022. 

– Về hệ thống cơ sở vật chất.

Nằm trong vùng có vị trí địa lý thuận lợi, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long có điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư cơ sở vật chất đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Từ 2008 đến nay, các cơ sở đào tạo nghề vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất từ nhiều nguồn: ngân sách nhà nước, chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA, nguồn vốn của cơ sở đào tạo nghề, của doanh nghiệp và các nguồn khác. Nhờ đó, cơ sở vật chất của các cơ sở đào tạo trong Vùng đã tăng về số lượng, nâng cao chất lượng và trình độ công nghệ. So với các cơ sở chung, các cơ sở đào tạo nghề của vùng Đồng bằng sông Cửu Long có cơ sở vật chất còn hạn chế hơn so với cả nước, nhất là các cơ sở trên địa bàn các tỉnh.

Khảo sát theo Chương trình mục tiêu Quốc gia về giáo dục và đào tạo cho thấy, phần kinh phí tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị của dự án “Tăng cường năng lực đào tạo nghề” ở các tỉnh, thành phố của vùng Đồng bằng sông Cửu Long được hình thành từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và một số nguồn khác. Trong phần kinh phí phân bổ, phần lớn được tập trung cho tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị (như tên gọi của dự án). Lượng kinh phí từ ngân sách trung ương rải đều cho các địa phương nên rất hạn hẹp so với yêu cầu tăng cường cơ sở vật chất của các cơ sở đào tạo ở từng địa phương. Vì vậy, kinh phí bổ sung ngân sách địa phương có vai trò hết sức quan trọng. Tuy nhiên, nguồn ngân sách địa phương lại phụ thuộc vào nguồn và chính sách quan tâm của từng tỉnh.

– Về phát triển chương trình khung và chương trình dạy nghề.

Các cơ sở dạy nghề cho lao động nói chung, lao động nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng đóng vai trò trung tâm của quá trình đổi mới chương trình, giáo trình và các công trình phụ trợ của hệ thống dạy nghề toàn quốc. Để các cơ sở đào tạo nghề có cơ sở xây dựng chương trình đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành chương trình khung; tổ chức các hội thảo khoa học về chường trình đào tạo nghề, triển khai các dự án tham khảo đào tạo nghề ở nước ngoài. Trong những năm qua, việc đổi mới về chương trình đào tạo đã được chú trọng ở các cấp từ cao đẳng nghề đến trung cấp nghề ở hầu hết các cơ sở dạy nghề chuyên ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. So với các vùng khác, sự đổi mới ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long là rất đáng khích lệ.

Trong hệ thống các cơ sở dạy nghề của vùng, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn Thành phố Cần Thơ, đã có sự đổi mới các chương trình khá bài bản và từng bước đáp ứng yêu cầu của người học. Đặc biệt, tỉnh An Giang là địa phương đã xây dựng chương trình đào tạo nghề cho nông dân với phần chi kinh phí địa phương lớn và chú trọng đến chất lượng qua xây dựng chương trình đào tạo riêng theo yêu cầu người học. Ban quản lý dự án đào tạo đã được thành lập với đội ngũ có kinh nghiệm trong đào tạo và đã xây dựng được chương trình đào tạo theo từng lớp đào tạo và đối tượng tham gia. Việc xây dựng chương trình đào tạo được thực hiện khá bài bản với việc khảo sát chất lượng nông dân, nhu cầu đào tạo, đặt hàng các chuyên gia đào tạo ở các trường kỹ thuật, kinh tế, pháp luật. Bên cạnh các bài giảng, An Giang còn biên soạn cẩm nang kinh tế, kỹ thuật qua bộ câu hỏi thu thập của nông dân từ các kiến thức kỹ thuật đến các kiến thức về tổ chức sản xuất, thậm chí có cả những câu hỏi về cách thức dự các lớp bồi dưỡng kiến thức ở nước ngoài.

– Về đội ngũ giáo viên của các cơ sở đào tạo nghề.

Với các điều kiện sống và làm việc còn nhiều hạn chế hơn các địa phương khác trên cả nước, nên các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chưa có sức thu hút đội ngũ cán bộ, giáo viên so với các địa phương khác. Số liệu qua các báo cáo của các sở Lao động – Thương binh và Xã hội của các tỉnh và thành phố trong vùng cho thấy: tổng số giáo viên năm 2020 trong vùng là 12.225 giáo viên, chiếm tỷ lệ khiêm tốn so với các vùng khác nhưng phân bố không đều theo các địa phương trong vùng. Những tỉnh có số lượng giáo viên nhiều nhất là Thành phố Cần Thơ có 4.092 giáo viên (chiếm 33,4% giáo viên cả Vùng); An Giang có 2.497 giáo viên (chiếm 20,4% giáo viên cả Vùng); tỉnh có số lượng giáo viên thấp nhất là Hậu Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp…

Trình độ của đội ngũ cán bộ ở các cơ sở đào tạo nghề vùng Đồng bằng sông Cửu Long đa số đạt trình độ đại học và trên đại học. Tuy nhiên, tỷ lệ cán bộ theo trình độ bằng cấp ở các địa phương trong vùng còn có sự chênh lệch khá lớn, thậm chí ở những tỉnh, thành phố lân cận. Thành phố Cần Thơ là địa phương có sức thu hút và hấp dẫn lớn đối với các cán bộ đào tạo có trình độ bậc cao so với các địa phương khác. Đồng thời, đây cũng là địa phương có nhiều cơ cở đào tạo bậc cao, tạo điều kiện cho các cán bộ của các cơ sở đào tạo nghề nâng cao trình độ. Vì vậy, ở Thành phố Cần Thơ, đội ngũ giáo viên các trường trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề phần lớn có trình độ đào tạo đạt chuẩn (tốt nghiệp đại học trở lên)2.

Bảng 2: Thực trạng đội ngũ giáo viên trường Cao đẳng nghề Cần Thơ

Đơn vị tính: Người

 

Trình độ

2018 2019 2020 2021 2022
SL % SL % SL % SL % SL %
Tổng số 67 100 78 100 85 100 88 100 91 100
Cao đẳng 6 9,1 9 11,7 6 7,2 6 6,9 3 3,1
Đại học 17 25,3 18 23,0 19 22,3 20 22,7 20 21,9
Sau đại học 44 65,6 51 65,3 60 70,5 62 70,4 68 75,0

Nguồn: Phòng Tổ chức – Trường Cao đẳng nghề Cần Thơ năm 2022

– Về triển khai chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo đề án Chính phủ.

Sau hơn 1 năm triển khai đề án các địa phương cả nước nói chung, các tỉnh, thành phố thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố đạt được các kết quả như: có 8/13 tỉnh, thành phố đã nhanh chóng triển khai thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện, xã. Đã có 5/13 tỉnh ban hành chỉ thị của Tỉnh ủy về tăng cường chỉ đạo của Đảng nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, Đảng viên trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện; 6/13 tỉnh đưa nội dung đào tạo nghề cho lao động nông thôn vào nghị quyết của Đảng bộ Tỉnh giai đoạn 2020 – 2025. Có 3/13 tỉnh đã phê duyệt đề án “đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2030” cấp tỉnh, thành phố.

Tuy nhiên, việc triển khai đề án còn có những hạn chế, như sau: số lượng các huyện, xã trên địa bàn các tỉnh, thành phố trong vùng đã thành lập Ban chỉ đạo chưa nhiều; một số tỉnh còn lúng túng, chưa chủ động trong tham mưu cho Tỉnh ủy, nên mới chỉ dừng lại ở mức độ dự thảo văn bản; chỉ cómột số tỉnh thực hiện, các tỉnh còn lại mới xây dựng dự thảo định mức chi phí đào tạo nghề và đang trình phê duyệt. Sự chậm trễ này sẽ gây khó khăn cho công tác triển khai các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, nhất là trong việc bảo đảm quyền lợi đối với các đối tượng học nghề tại địa phương theo quy định ưu đãi của đề án.

– Về kết quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Với hệ thống cơ sở vật chất thuận lợi của vùng, các cơ sở đào tạo trong vùng đã được giao chỉ tiêu đào tạo ngày một tăng. Theo báo cáo về kết quả đào tạo nghề chung cho lao động của các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong 3 năm, số lượng đào tạo nghề đã tăng từ 187.406 người người năm 2020 lên 259.092 người năm 2022, bình quân 226.725 người được đào tạo/năm; bình quân tăng 23.895 người/năm và 16,47%/năm3.

Bảng 3: Kết quả đào tạo nghề vùng Đồng bằng sông

Cửu Long theo các cấp đào tạo các năm 2020-2022

Đơn vị: Người, %.

 

Cấp đào tạo

2020 2021 2022
Số lượng Tỷ lệ Số lượng Tỷ lệ Số lượng Tỷ lệ
1. Cao đẳng nghề 6.573 3,49 9.659 4,12 11.770 4,53
2. Trung cấp nghề 31.893 16,93 36.978 15,75 39.430 15,16
3. Sơ cấp nghề 101.736 53,53 129,206 55,05 142.534 55,19
3. Dưới 3 tháng 47.204 26,05 58.833 25,08 65.358 25,12
Tổng số 187.406 100,00 234.676 100,00 259.092 100,00

Nguồn: Báo cáo tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội năm 2022.

Một số hạn chế, bất cập trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Một là, hệ thống đào tạo nghề trên địa bàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long với những kết quả trên là thế mạnh cho công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của vùng. Tuy nhiên, khai thác thế mạnh đó cho đào tạo nghề chung thì khá tốt nhưng cho đào tạo nghề đối với lao động nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu do đầu mối quản lý các cơ sở dạy nghề phân tán. Các cơ sở chuyên dạy nghề do Tổng Cục dạy nghề và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý, trong khi đó hệ thống các cơ sở có tham gia dạy nghề lại phân tán theo các tổ chức trực thuộc hệ thống quản lý nhà nước. Các tổ chức khuyến nông, lâm, ngư do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý. Các trường cao đẳng, đại học chuyên nghiệp do Bộ Giáo dục và đào tạo quản lý. Các hội nghề, các cơ sở sản xuất – kinh doanh, các làng nghề hầu như đào tạo theo yêu cầu thực tiễn.

Hai là, cơ sở vật chất của các cơ sở đào tạo nghề tuy đã được tăng cường nhưng so với yêu cầu thực tiễn còn chưa đáp ứng. Các công nghệ sản xuất thay đổi hết sức nhanh chóng đòi hỏi hệ thống thiết bị dạy học phải có sự thay đổi phù hợp. Tuy nhiên, kinh phí là khó khăn cho việc thay đổi kịp thời các thiết bị. Mặc dù huy động kinh phí đã theo hướng xã hội hóa nên mức kinh phí huy động cho tăng cường và đổi mới thiết bị dạy và học ngày càng tăng, nhưng mức tăng đó chưa đáp ứng yêu cầu thực tế đòi hỏi. Vì vậy, tập trung hóa và xã hội hóa các nguồn lực trong các cơ sở đào tạo nghề, nhất là các cơ sở dạy nghề cấp huyện, cơ sở đào tạo nhiều cho lao động nông thôn là vấn đề đặt ra một cách cấp thiết.

Ba là, trong bối cảnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều cơ sở đào tạo bậc cao hơn (các trường đào tạo đại học và trên đại học), sự cạnh tranh trong thu hút nguồn lao động có chất lượng cao giữa các cơ sở đào tạo trên địa bàn các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long càng trở nên gay gắt, thế yếu thường thuộc về các cơ sở đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Vì vậy, cần có kế hoạch và các chính sách khuyến khích đối với đội ngũ cán bộ trong các cơ sở đào tạo nghề cho các lao động nông thôn nâng cao trình độ đào tạo và gắn bó với các cơ sở đào tạo nghề.

Năm là, chất lượng đào tạo nghề tuy có được nâng lên nhưng so với yêu cầu của phát triển kinh tế – xã hội còn thấp. Ngành nghề đào tạo còn đơn điệu chưa bao quát hết những ngành nghề cần đào tạo. Thời gian đào tạo chưa phù hợp với nội dung và yêu cầu rèn kỹ năng nghề để người lao động có thể tìm kiếm việc làm. Sự phối hợp giữa các cơ sở đào tạo nghề nông thôn với các cơ sở sử dụng lao động chưa cao dẫn đến chất lượng chưa phù hợp, cơ sở sử dụng lao động tiếp tục đào tạo lại hoặc người lao động phải mất nhiều thời gian mới tiếp cận được yêu cầu của cơ sở sử dụng lao động.

Một số giải pháp phát triển đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Thứ nhất, hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn, bố trí sắp xếp sử dụng hết nguồn lao động đã được đào tạo và dạy nghề đúng ngành, đúng nghề, một mặt để khai thác các tiềm năng hiện có về mặt chất lượng của nguồn lao động, mặt khác tạo động lực khuyến khích người lao động tích cực tham gia vào chiến lược nâng cao chất lượng nguồn lao động và dạy nghề sau khi đã xây dựng quy hoạch và kế hoạch. Tiếp theo đó là sử dụng đồng bộ hệ thống các giải pháp để thực hiện các mục tiêu và yêu cầu đào tạo nghề theo quy hoạch của các tỉnh, thành trong vùng.

Thứ hai, phát triển mạng lưới đào tạo nghề và đa dạng hóa hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chú trọng đầu tư xây dựng các cơ sở đào tạo nghề chuyên nằm ở các huyện, đặc biệt các trung tâm dạy nghề và trung tâm giáo dục thường xuyên. Bởi vì, đây là những cơ sở có cự ly gần nông dân nhất, những cơ sở có thâm niên trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tạo điều kiện cho việc hình thành các cơ sở dạy nghề ở các làng nghề, nên có sự tổng kết các mô hình dạy nghề ở các làng nghề để mở rộng, bởi vì nông thôn các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long có số lượng làng nghề lớn. Dạy nghề và phát triển các làng nghề là một trong các giải pháp chuyển dổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nhanh nhất và có hiệu quả nhất, nếu làng nghề đó giải quyết được vấn đề thị trường.

Thứ ba, đầu tư phát triển đội ngũ cán bộ và giáo viên dạy nghề, tiến hành điều tra, khảo sát, đánh giá đội ngũ giáo viên và cán  bộ quản lý dạy nghề để có kế hoạch đào tạo và tuyển dụng đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng và cơ cấu nghề đào tạo. Huy động các nhà khoa học, nghệ nhân, cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, người lao ñộng có tay nghề cao tại các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh, các trung tâm khuyến nông – lâm – ngư, nông dân sản xuất giỏi tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn. Đào tạo nghiệp vụ sư phạm và bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề nhằm bổ sung giáo viên cho các trung tâm dạy nghề chưa đủ giáo viên cơ hữu.

Thứ tư, đổi mới và phát triển chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn, đổi mới và phát triển chương trình, giáo trình, học liệu dạy nghề cho lao động nông thôn theo yêu cầu của thị trường lao động, thường xuyên cập nhật kỹ thuật, công nghệ mới. Huy động các nhà khoa học, nghệ nhân, cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, người lao động có tay nghề cao tại các doanh nghiệp và cơ sở  sản xuất – kinh doanh, các trung tâm khuyến nông – lâm – ngư, nông dân sản xuất giỏi tham gia xây dựng chương trình, giáo trình, học liệu  dạy nghề cho lao động nông thôn.

Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn, đánh giá tình hình thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở các cấp hàng năm, giữa kỳ và cuối kỳ trên tất cả các địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chú ý đến các đơn vị nằm trong các chương trình ưu tiên, các cơ sở đào tạo nghề tư nhân. Báo cáo, tổng hợp, phân tích, đánh giá tình hình thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung đề án; tình hình quản lý và sử dụng ngân sách của đề án ở trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên địa bàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Kiểm tra, giám sát các đối tượng hưởng thụ lợi ích của đề án, trong đó chú ý đến lợi ích của cán bộ, giáo viên và lợi ích của người học.

Kết luận

Để phát triển đào tạo nghề cho lao động nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cần đẩy mạnh tuyên truyền về đào tạo nghề cho mọi đối tượng có liên quan; triển khai rà soát quy hoạch làm cơ sở cho xây dựng chiến lược đào tạo nghề ở từng địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Phát triển mạng lưới đào tạo nghề và đa dạng hóa các hoạt động dạy nghề; đầu tư phát triển đội ngũ cán bộ và giáo viên dạy nghề. Đổi mới chương trình đào tạo nghề cho phù hợp với đối tượng học và ngành nghề đào tạo ở từng cấp học và từng cơ sở đào tạo; tăng cường công tác kiểm tra đánh giá, giám sát hoạt động dạy nghề; đổi mới hoàn thiện các chính sách về đào tạo nghề cho lao động nông thôn và kết hợp giữa đạo tạo và sử dụng lao động sau đào tạo nghề… là những giải pháp cần thiết và cấp bách.

Chú thích:
1. Báo cáo về hệ thống các cơ sở đào tạo nghề các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long của Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội năm 2022.
2. Báo cáo thực trạng đội ngũ giáo viên của Trường Cao đẳng nghề Cần Thơ năm 2022.
3. Báo cáo kết quả đào tạo nghề vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo các cấp đào tạo các năm 2020-2022 của Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội năm 2022.
Tài liệu tham khảo:
1. Bồi dưỡng giáo viên dạy nghề cho lao động nông thôn, http://www.molisa.gov.vn/news/detail.
2. Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn đến năm 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2021.
3. Nguyễn Văn Đại. Thực trạng dạy nghề cho lao động nông thôn hiện nay. Tạp chí Lao động và Xã hội số 390/2010.
4. Báo cáo công tác quản lý dạy nghề TP. Cần Thơ của Sở Lao động Thương binh và xã hội Thành phố Cần Thơ năm 2022.
5. Báo cáo xây dựng kế hoạch dạy nghề năm 2021 và giai đoạn 2021-2025 của Sở Lao động Thương binh và xã hội tỉnh An Giang năm 2021.
6. Báo cáo công tác dạy nghề giai đoạn 2021-2025 của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp năm 2021.
TS. Nguyễn Giác Trí
Trường Đại học Đồng Tháp