Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở một số địa phương – kinh nghiệm cho Thừa Thiên Huế

PGS.TS. Nguyễn Hoàng Hiển
Học viện Hành chính Quốc gia
(Quanlynhanuoc.vn) – TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Vĩnh Phúc, thành phố Đà Nẵng cũng như một số tỉnh, thành phố đặc biệt coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Kinh nghiệm của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ giúp tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều bài học trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức nhằm trang bị cho đội ngũ này năng lực làm việc trong hội nhập quốc tế góp phần đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2025.
Ảnh minh họa (chinhphu.vn).
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở một số địa phương

Tại TP. Hồ Chí Minh

Thành phố đã thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng trên các mặt: xây dựng kế hoạch, tổ chức, chất lượng và đánh giá hiệu quả; đào tạo, bồi dưỡng theo hướng chiến lược, đón đầu hướng tới mục tiêu đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế. Có chính sách thu hút và phát huy nguồn nhân lực có trình độ cao, chuyên môn sâu đối với quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Xác định nhu cầu và phạm vi, lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng để làm căn cứ xây dựng chương trình.

Theo Quyết định số 1419/QĐ-UBND ngày 27/4/2021 của Ủy ban nhân dân (UBND) TP. Hồ Chí Minh về phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2026, với việc trước khi bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, chức vụ lãnh đạo, quản lý, bổ nhiệm ngạch, TP. Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, công chức cấp huyện trở lên là 100% cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn quy định. Bảo đảm hằng năm ít nhất 80% cán bộ, công chức được cập nhật kiến thức pháp luật, được bồi dưỡng về đạo đức công vụ. 70% được bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực thi công vụ. Đối với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, 100% cán bộ cấp xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên. 100% công chức cấp xã có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên. 90% công chức cấp xã có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí đảm nhiệm1… TP. Hồ Chí Minh phấn đấu đến năm 2025, 100% viên chức được bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trước khi bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp. 100% viên chức giữ chức vụ quản lý được bồi dưỡng năng lực, kỹ năng quản lý trước khi bổ nhiệm… Đối với đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp, 100% đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 được bồi dưỡng kiến thức pháp luật; kiến thức, kỹ năng và phương pháp hoạt động…

Tiếp đó, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 3976/QĐ-UBND ngày 23/11/2021 về phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của TP. Hồ Chí Minh năm 2022, trong đó yêu cầu đẩy mạnh bồi dưỡng theo vị trí việc làm, kiến thức, kỹ năng chuyên môn cho cán bộ, công chức, viên chức; tiếp tục thực hiện Quyết định số 163/QĐ-TTg ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 – 2025. Theo đó, chỉ tiêu bồi dưỡng kiến thức theo tiêu chuẩn ngạch là 40.443 người; ngoại ngữ là 2.384 người; các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ là 25.588 người…

Với kế hoạch năm 2023 đề ra, TP. Hồ Chí Minh sẽ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức cho 20.138 học viên. Trong đó đào tạo, bồi dưỡng trong nước là 19.963 học viên; bồi dưỡng nước ngoài là 175 học viên2. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của Thành phố năm 2023 tập trung thực hiện những nhiệm vụ như sau: về đào tạo, bồi dưỡng trong nước, đẩy mạnh bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm, kiến thức, kỹ năng chuyên ngành cho cán bộ, công chức, viên chức; trang bị kiến thức lý luận chính trị, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ; kiến thức về văn hóa công sở; nâng cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp. Song song đó, tổ chức bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về một số lĩnh vực trọng điểm như cải cách hành chính, dân tộc, tôn giáo, văn thư – lưu trữ, hoạch định chính sách, kinh tế – tài chính, giao thông vận tải, du lịch, nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường, thanh tra, văn hóa và thể thao, xây dựng, y tế…, cho cán bộ, công chức, viên chức ở các sở – ngành, thành phố Thủ Đức, quận – huyện, phường – xã, thị trấn; đơn vị sự nghiệp công lập.

Về bồi dưỡng ở nước ngoài, tổ chức các đoàn đi học tập, trao đổi kinh nghiệm thực tế về công tác quản lý chuyên ngành trong các lĩnh vực cải cách hành chính; du lịch; chính quyền đô thị; xây dựng nông thôn mới; tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức…

Nội dung đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ, TP. Hồ Chí Minh đào tạo trình độ sau đại học phù hợp với vị trí việc làm cho cán bộ, công chức bảo đảm theo quy hoạch và yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của cơ quan, đơn vị. Khuyến khích tự học và đào tạo trình độ sau đại học, văn bằng hai đối với cán bộ, công chức và viên chức phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm, gắn với quy hoạch và định hướng phát triển của cơ quan, đơn vị.

Về lý luận chính trị, chủ động đào tạo trung cấp lý luận chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức trong cả hệ thống chính trị của TP. Hồ Chí Minh. Tăng cường cử nhân sự tham gia đào tạo cao cấp cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt.

Tại thành phố Đà Nẵng

Thành phố Đà Nẵng đã và đang có những bước phát triển vượt bậc, với tầm nhìn về chiến lược, lãnh đạo thành phố đã có những quyết định táo bạo, trong đó có việc đẩy mạnh xây dựng hạ tầng, mở rộng không gian đô thị để phát triển. Nhiều năm liền, Đà Nẵng được xếp hạng nhất về chỉ số PCI và luôn đạt thứ hạng cao đối với từng chỉ số thành phần là nhờ môi trường kinh doanh liên tục được cải thiện; chính sách phát triển đối với khu vực kinh tế ngoài nhà nước, đặc biệt là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài thông thoáng; thủ tục hành chính được cải cách và đơn giản hóa; kết cấu hạ tầng được đầu tư hiện đại và đồng bộ; chính sách đào tạo nhân lực được triển khai diện rộng…, đây là những yếu tố cơ bản tạo nên sức cạnh tranh cao cho nền kinh tế thành phố.

Để đạt được kết quả nêu trên phải kể đến vai trò đóng góp quan trọng của đội ngũ cán bộ, công chức nói chung và của đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt của thành phố nói riêng. Điều này cho thấy, Thành ủy Đà Nẵng luôn quan tâm đến công tác cán bộ và quản lý cán bộ. Do triển khai thực hiện tốt công tác quản lý cán bộ nên các tổ chức đảng của Thành phố luôn trong sạch, vững mạnh, nhiều cán bộ, đảng viên nêu gương phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ đã cổ vũ tạo sự phấn khởi, đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân, góp phần tăng cường lòng tin của Nhân dân đối với Đảng. Đặc biệt, từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015 – 2020, Đảng và Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tăng cường công tác quản lý cán bộ nên tình hình về công tác cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt ngày càng được chú trọng hơn.

Thành ủy đã ban hành nhiều văn bản, như: Quyết định số 8738-QĐ/TU ngày 02/12/2008 của Ban Thường vụ Thành ủy về việc ban hành Đề án đào tạo, tuyển chọn, chuẩn hóa cán bộ chủ chốt xã, phường của thành phố Đà Nẵng; quy định về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý của thành phố; Đề án nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị của thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2015 – 2020 và định hướng đến năm 2025; Kế hoạch số 172/KH-UBND ngày 29/9/2022 của UBND thành phố Đà Nẵng về triển khai thực hiện Đề án đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ và thu hút, trọng dụng người có tài để phát triển nhân lực khu vực công đến năm 2030…

Trong năm 2022, các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố đã nỗ lực tổ chức các lớp bồi dưỡng được cấp có thẩm quyền giao, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức lớp học bằng hình thức trực tuyến. Kết quả, các đơn vị đã tổ chức 192/192 lớp bồi dưỡng, đạt 100% kế hoạch. Về đào tạo sau đại học ở nước ngoài: thành phố quyết định cử 8 cán bộ, công chức, viên chúc đi đào tạo sau đại học ở nước ngoài, trong đó, có 5 trường hợp đi học thạc sỹ và 3 trường hợp đi học tiến sỹ. Cử 44 công chức, viên chức đi tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn ở nước ngoài. Bên cạnh đó, Ban Tổ chức Thành ủy đã ban hành quyết định cử tham gia đào tạo trung cấp lý luận chính trị đối với 485 trường hợp; cử tham gia đào tạo cao cấp lý luận chính trị đối với 100 trường hợp3.

Năm 2023, thành phố dự kiến tổ chức 187 lớp bồi dưỡngbao gồm: 18 lớp do Sở Nội vụ tổ chức, 134 lớp do các cơ quan thuộc khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức, 35 lớp của các sở, ban, ngành4. Tiếp tục cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo sau đại học tại nước ngoài và tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn hạn chất lượng cao theo Quyết định số 28/2019/QĐ-UBND ngày 04/6/2019 của UBND thành phố về ban hành quy định về việc thực hiện chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực công thành phố.

Nét nổi bật là công tác bồi dưỡng phát triển cán bộ, trong đó có cán bộ trẻ diễn ra từ cấp thành phố đến phường, xã. Trong đó, điển hình là Đề án tạo nguồn cán bộ cho chức danh bí thư đảng ủy và chủ tịch UBND các phường, xã (gọi là Đề án 89) đã tạo ra đội ngũ cán bộ cấp cơ sở đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển ở địa phương. Ngoài việc đào tạo, bồi dưỡng, Đà Nẵng còn thu hút cán bộ trẻ, tạo nguồn cán bộ kế cận thông qua hình thức tiến cử. Chủ trương này được cụ thể hóa từ Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ thành phố, trong đó nhấn mạnh: “Trong nhiệm kỳ này, mỗi cấp ủy viên phải tiến cử ít nhất một cán bộ trẻ để đào tạo thành một cán bộ lãnh đạo, quản lý tốt”. Kết quả, sau hai nhiệm kỳ triển khai tiến cử, đến nay đã bổ sung hàng chục lượt cán bộ trẻ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, đặc biệt đã có cán bộ trẻ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố.

Tại tỉnh Vĩnh Phúc

Tỉnh Vĩnh Phúc có 9 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc, bao gồm 02 thành phố và 7 huyện với 136 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 16 phường, 18 thị trấn và 102 xã5.

Tỉnh luôn chú trọng việc triển khai các văn bản của trung ương về chiến lược cán bộ. Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc cũng ban hành nhiều văn bản, chính sách về công tác cán bộ, như: Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 25/02/2008 của Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 20/11/2019 của Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc về xây dựng đội ngũ trí thức và trọng dụng nhân tài tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2020 – 2025; Quyết định số 1047/QĐ-UBND ngày 22/6/2022 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc phê duyệt đề án “Đột phá về công tác cán bộ tại các cơ quan, đơn vị khối nhà nước tỉnh vĩnh phúc giai đoạn 2022 – 2025”, ngay sau khi triển khai, toàn bộ 21 sở, ngành và 9 UBND các huyện, thành phố đã tổ chức kiểm tra kiến thức cho cán bộ, công chức. Tổng cộng có 56% cán bộ, công chức toàn tỉnh tham gia kiểm tra kiến thức, trong đó 62% đạt xuất sắc; 25% đạt loại tốt; 11% đạt loại khá và 2% đạt trung bình6; tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 120-KH/TU ngày 19/12/2022 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức năm 2023…

Với nhiều chủ trương, giải pháp và đặc biệt chú trọng vào chính sách đào tạo, bồi dưỡng, đến nay, Vĩnh Phúc có đội ngũ cán bộ các cấp cơ bản đạt và vượt chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm. Đến hết tháng 10/2022, tỉnh đã cử 105 cán bộ đi đào tạo cao cấp lý luận chính trị và 6 cán bộ tham gia các lớp hoàn chỉnh chương trình cao cấp lý luận chính trị; cử nhiều cán bộ lãnh đạo tham dự các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức tại các nhà trường, học viện. Nhiều lớp cập nhật kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ được tổ chức. Cấp tỉnh và cấp huyện tổ chức 22 lớp bồi dưỡng cho 2.780 cán bộ được quy hoạch. Trong 2 năm 2021 và 2022, Trường Chính trị tỉnh Vĩnh Phúc đã mời các chuyên gia, giảng viên cao cấp của trung ương, các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham gia giảng dạy. Trường đã mở 109 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho gần 15 nghìn học viên, tăng số lớp tập trung để bảo đảm chất lượng học tập7.

Nhiều cán bộ đã phát huy tinh thần tự học, chủ động tham gia các khóa đào tạo đại học tại chức, vừa học vừa làm, đào tạo từ xa (chủ yếu các chương trình liên kết với các cơ sở đào tạo của tỉnh) hoặc các chương trình đào tạo sau đại học để có văn bằng 2, bằng thạc sỹ nhằm bổ sung kiến thức, kỹ năng phục vụ công tác. Nhiều cán bộ đã phát huy tốt sự năng động, sáng tạo, đổi mới, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc. Tỉnh Vĩnh Phúc đã cử hàng chục lượt cán bộ lãnh đạo đi bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nước ngoài, nhiều cán bộ lãnh đạo của tỉnh được cử tham gia các khóa đào tạo ở các nước châu Âu do trung ương tổ chức.

Vĩnh Phúc là tỉnh đầu tiên trong cả nước tổ chức được các chương trình bồi dưỡng với nước ngoài cho giáo viên tiếng Anh các cấp học, nhằm chuẩn hóa giáo viên ngoại ngữ theo đề án của Chính phủ.

Kinh nghiệm đối với tỉnh Thừa Thiên Huế

Qua nghiên cứu kinh nghiệm của 3 địa phương kể trên, có thể rút ra một số bài học cho Thừa Thiên Huế trên con đường trở thành thành phố trực thuộc trung ương:

Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức nói chung, đội ngũ cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý nói riêng về vai trò của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Thứ hai, về đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ: nên tổ chức các đoàn đi học tập, trao đổi kinh nghiệm thực tế để vừa có thể rèn luyện khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh, vừa có thể học tập kinh nghiệm thực tế, trao đổi về chuyên môn nghiệp vụ với cán bộ, công chức các nước bạn.

Thứ ba, về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiêp vụ: nên chú trọng đào tạo, bồi dưỡng theo vị trí việc làm cho cán bộ, công chức bảo đảm theo quy hoạch và yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của cơ quan, đơn vị. Khuyến khích tự học và đào tạo trình độ sau đại học, văn bằng hai đối với cán bộ, công chức và viên chức phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm, gắn với quy hoạch và định hướng phát triển của cơ quan, đơn vị.

Thứ tư, về đào tạo lý luận chính trị, nên chủ động đào tạo trung cấp lý luận chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức trong cả hệ thống chính trị của cả tỉnh. Tăng cường cử nhân sự tham gia đào tạo cao cấp lý luận chính trị theo cả 2 hệ tập trung và không tập trung.

Thứ năm, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trẻ từ cấp tỉnh đến huyện, xã và đặc biệt cần có kế hoạch dài hạn để bố trí đội ngũ được đào tạo, bồi dưỡng này vào các vị trí công tác phù hợp.

Thứ sáu, xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí phù hợp từ nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn hỗ trợ khác để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng. Cần chủ động cân đối nguồn ngân sách hỗ trợ kinh phí cho cán bộ, công chức, viên chức được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho địa phương.

Chú thích:
1. TPHCM đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2021 – 2025. https://thanhuytphcm.vn, ngày 30/4/2021.
2. TPHCM đào tạo, bồi dưỡng cho hơn 20.000 cán bộ, công chức, viên chức trong năm 2023. https://hcmcpv.org.vn, ngày 15/11/2022.
3, 4. Hoàn thành 100% kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thành phố năm 2022. https://dangbodanang.vn, ngày 22/02/2023.
5. Vĩnh Phúc. https://wikipedia.org, truy cập ngày 31/10/2023.
6, 7. Đột phá trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức tại Vĩnh Phúc. https://nhandan.vn, ngày 30/11/2022.
Tài liệu tham khảo:
1. Kế hoạch số 172/KH-UBND ngày 29/9/2022 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng về triển khai thực hiện Đề án đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ và thu hút, trọng dụng người có tài để phát triển nhân lực khu vực công đến năm 2030.
2. Quyết định số 1419/QĐ-UBND ngày 27/4/2021 của Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh về phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2026.
3. Quyết định số 3976/QĐ-UBND ngày 23/11/2021 của Ủy ban nhân dân TP.Hồ Chí Minh về phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của TP. Hồ Chí Minh năm 2022.
4. Quyết định số 8738-QĐ/TU ngày 02/12/2008 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về việc ban hành Đề án đào tạo, tuyển chọn, chuẩn hóa cán bộ chủ chốt xã, phường của thành phố Đà Nẵng.
5. Một số giải pháp nhằm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo năng lực.https://quanlynhanuoc.vn, ngày 31/12/2019.
6. Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan hành chính nhà nước ở Trung ương và địa phương. https://tcnn.vn, ngày 14/9/2020.
7. Vĩnh Phúc với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. https://www.xaydungdang.org.vn, ngày 25/11/2022.