Xây dựng đô thị thông minh trong bối cảnh chuyển đổi số

ThS. Nguyễn Hồng Hoàng
Học viện Hành chính Quốc gia
(Quanlynhanuoc.vn) – Phát triển đô thị thông minh là giải pháp tốt để giải quyết các vấn đề quá tải ở đô thị ở nước ta hiện nay. Xây dựng, phát triển đô thị thông minh sẽ góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp từ xây dựng chiến lược, quy hoạch, hình thành nguồn dữ liệu quốc gia; xây dựng khung pháp lý; bảo đảm an toàn thông tin đến tuyên truyền rộng rãi sẽ thúc đẩy việc xây dựng và phát triển đô thị thông minh nhanh chóng bắt nhịp được với trào lưu phát triển của thế giới.
Ảnh minh họa (internet).
Đặt vấn đề

Khái niệm đô thị thông minh (smart city) xuất phát từ ý tưởng xây dựng “hành tinh thông minh hơn” (smarter planet) của Tập đoàn IBM1. Những năm gần đây, trước yêu cầu của quá trình đô thị hóa cùng với những đòi hỏi khách quan trong công tác quản lý đô thị, khái niệm đô thị thông minh ngày càng trở nên phổ biến và được nhiều quốc gia quan tâm.

Đô thị thông minh là một đô thị ứng dụng công nghệ để kết nối, thu thập và phân tích thông tin của người dân và các cấp quản lý nhằm nâng cao chất lượng sống của cư dân và bảo đảm phát triển bền vững. Là sự hội tụ của ba yếu tố: hạ tầng hiệu quả, phát triển bền vữngmôi trường sống thân thiện. Đô thị thông minh còn được chia thành sáu lĩnh vực chính, gồm: cuộc sống thông minh, quản trị thông minh, nền kinh tế thông minh, môi trường thông minh, con người thông minh giao thông thông minh. Bên cạnh đó, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, đô thị thông minh là một “phiên bản nâng cấp” của đô thị kỹ thuật số; là sự tích hợp của đô thị kỹ thuật số và các công nghệ. Các công nghệ này thúc đẩy sự giao tiếp giữa các thiết bị, giữa con người và thiết bị, giữa con người và toàn xã hội, đồng thời, giúp việc quản lý đô thị ngày càng thông minh hơn.

Xây dựng mô hình đô thị thông minh góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố, giảm tiêu thụ năng lượng, tăng cường quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời, xây dựng và phát triển đô thị thông minh cũng nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, tại các đô thị đã xuất hiện những hạn chế, bất cập. Để giải quyết vấn đề này, các đô thị cần có những nghiên cứu, lựa chọn và chuyển hướng phát triển nhằm bảo đảm đô thị có tính kết nối, có bản sắc; giải quyết các vấn nạn đô thị như ô nhiễm môi trường, ngập úng, tắc nghẽn giao thông… Xây dựng, phát triển đô thị thông minh là phương thức quan trọng để tận dụng hiệu quả những cơ hội, thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phù hợp với xu hướng quốc tế và hướng tới phát triển bền vững.

Thực tiễn triển khai xây dựng đô thị thông minh

Xây dựng và phát triển đô thị thông minh là xu hướng mới trên thế giới, đã và đang được nhiều quốc gia tổ chức triển khai thực hiện. Ở Việt Nam, chủ trương, chính sách xây dựng và phát triển đô thị thông minh được ban hành tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị đã xác định xây dựng đô thị thông minh là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam khi tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030, trong đó xác định rõ các quan điểm, nguyên tắc và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam.

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khẳng định quyết tâm phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam, trong đó nhấn mạnh đến việc tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin, hình thành một số nền tảng số dùng chung cho các đô thị, vùng đô thị; đẩy nhanh chuyển đổi số trong hoạt động quản lý đô thị, xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số ở đô thị gắn kết chặt chẽ với phát triển đô thị thông minh.

Ngày 11/11/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 148/NQ-CP về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW, trong đó đề ra 33 nhiệm vụ tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp mà trước hết là nhóm nhiệm vụ nâng cao, thống nhất nhận thức về đặc thù của đô thị, vai trò, vị thế của đô thị trong sự phát triển chung, xác định phát triển đô thị gồm ba trụ cột chính là quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị.

Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu đã nêu trong Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị bằng những nhiệm vụ, giải pháp thiết thực của Chính phủ gắn với kế hoạch tổ chức thực hiện theo lộ trình cụ thể: tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%. Số lượng đô thị toàn quốc đến năm 2025, khoảng 950 – 1.000 đô thị, đến năm 2030 khoảng 1.000 – 1.200 đô thị. Đến năm 2025, 100% các đô thị hiện có và đô thị mới có quy hoạch tổng thể, quy hoạch phân khu, chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị; bảo đảm tối thiểu 100% đô thị loại III trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo và công trình văn hoá cấp đô thị. Đến năm 2030, hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng đạt các chỉ tiêu về y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa cấp đô thị tương đương mức bình quân của các đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN2.

Phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam sẽ được triển khai trên cơ sở giải quyết các vấn đề của quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị thông minh, thực hiện các dịch vụ, tiện ích đô thị một cách thông minh dựa trên nền tảng công nghệ thông tin – cơ sở dữ liệu lớn và xây dựng một xã hội đô thị phát triển hài hòa, phát huy bảo tồn và giữ gìn được truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Đến nay, trên cả nước có 54/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã và đang triển khai xây dựng đề án đô thị thông minh; 30 tỉnh, thành phố đã phê duyệt đề án, chương trình, kế hoạch phát triển đô thị thông minh; 15 tỉnh, thành phố đã phê duyệt Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh; 38 tỉnh, thành phố đã triển khai Trung tâm IOC cấp tỉnh; 21 tỉnh, thành phố đã triển khai Trung tâm IOC cấp đô thị, thành phố thuộc tỉnh, 17/63 tỉnh, thành phố đã triển khai ứng dụng dịch vụ du lịch thông minh, khoảng trên 10 tỉnh triển khai các ứng dụng về giao thông thông minh, kiểm soát trật tự an toàn đô thị, ngoài ra, còn một số ứng dụng trong các lĩnh vực khác, như: giáo dục thông minh, y tế thông minh3.

Các địa phương đã tiến hành triển khai xây dựng và phát triển đô thị thông minh bằng cách đầu tư mở rộng, nâng cấp trung tâm tích hợp dữ liệu; xây dựng hạ tầng dữ liệu đô thị thông minh; xây dựng trung tâm điều hành an toàn, an ninh mạng; xây dựng hệ trung tâm điều hành đô thị thông minh – hệ thống giám sát bằng camera đô thị thông minh, trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh – hệ thống y tế, giáo dục, du lịch, tài nguyên môi trường, giao thông, dịch vụ, xây dựng… thông minh và tiến hành đào tạo chuyển giao công nghệ cũng như vận hành khai thác các hệ thống.Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng đô thị thông minh vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại như:

Một số địa phương còn nóng vội trong triển khai thực hiện, chưa hiểu thấu đáo về nội hàm, ý nghĩa của việc triển khai đô thị thông minh mà chỉ học hỏi một cách máy móc mô hình của địa phương khác hoặc mô hình quốc tế để triển khai trong khi chưa xem xét mức độ phù hợp với đặc thù của địa phương mình.

– Các địa phương hiện nay vẫn đang chủ yếu tập trung vào việc phát triển và cung cấp các dịch vụ, tiện ích đô thị thông minh, chủ yếu gắn với các dịch vụ của chính quyền điện tử, chính quyền số, chứ chưa chú trọng đến công tác quy hoạch và quản lý đô thị thông minh để giải quyết các vấn đề căn cơ của đô thị như giao thông, năng lượng, môi trường… dẫn tới có những địa phương thực hiện hiệu quả mang lại chưa được như mong muốn, chưa thực sự đi vào chiều sâu, chưa đạt được kết quả cuối cùng là nâng cao chất lượng cuộc sống và mức độ hài lòng của người dân trong đô thị.

– Một số địa phương còn thiếu chủ động và làm chủ trong việc xác định hướng cụ thể để giải quyết các vấn đề đặc thù của địa phương mà phụ thuộc vào tư vấn và các sản phẩm sẵn có của doanh nghiệp, dẫn đến việc nhiều địa phương triển khai các nội dung đơn lẻ, thiếu tính tổng thể và thiếu một kiến trúc nhất quán.

– Các địa phương chưa chú ý đúng mức đến việc hình thành hạ tầng dữ liệu, chưa có chiến lược dữ liệu, chưa quan tâm xây dựng hệ thống định danh, định vị thống nhất.

– Phát triển đô thị thông minh, dịch vụ đô thị thông minh cần phải thực hiện song song với công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về lợi ích mang lại của đô thị thông minh. Nhiều địa phương chưa quan tâm đến công tác tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp tham gia cùng với chính quyền trong phát triển đô thị thông minh.

– Phần lớn các địa phương khi triển khai mới chỉ tập trung vào giải quyết các vấn đề trong nội bộ của đô thị, thành phố hay địa phương đó, chưa tính toán đến các yếu tố để có thể tận dụng được những lợi thế mang lại từ công tác quy hoạch liên kết vùng, khu vực.

Giải pháp xây dựng đô thị thông minh

Một là, chính quyền, cơ quan chuyên môn các cấp cần xây dựng, ban hành, triển khai hệ thống cơ chế, chính sách đáp ứng được những yêu cầu thực tiễn của quá trình xây dựng, phát triển và chuyển đổi theo hướng xây dựng đô thị thông minh. Các cơ chế, chính sách cần theo hướng hỗ trợ, khuyến khích nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và chính quyền trong việc tiếp cận, ứng dụng và thực hiện hiệu quả.

Hai là, quy hoạch đô thị thông minh. Quy hoạch, phát triển đô thị thông minh sẽ được triển khai ở các địa phương thông qua nhiệm vụ tích hợp mô hình đô thị thông minh với các mô hình khác để định hướng phát triển đô thị một cách tối ưu nhất trong công tác quy hoạch. Cần áp dụng khoa học – công nghệ thông minh trong công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị để từng bước chuẩn hóa các quy trình thực hiện, rút ngắn thời gian thực hiện các quy trình, thủ tục trong công tác lập và phê duyệt quy hoạch đô thị, dự án đầu tư phát triển đô thị và nhà ở, xây dựng công trình và tối ưu hóa hiệu quả công tác quản lý vận hành. Quy hoạch, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong đô thị thông minh cần đáp ứng được các yêu cầu bảo vệ môi trường, bảo đảm kết nối dễ dàng với các khu vực, các lĩnh vực khác bằng nhiều hình thức đa dạng; hệ thống các công trình hạ tầng xã hội cấp đô thị để nâng cao chất lượng tiện ích sử dụng.

Ba là, phát triển các tiện ích thông minh cho dân cư đô thị. Xác định và từng bước đầu tư xây dựng, hoàn thiện các tiện ích dịch vụ công cộng thông minh nhanh gọn, thuận tiện, tiện lợi trong đô thị; triển khai và cung cấp các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản trị, thương mại, hành chính… nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng đô thị thông minh với hạ tầng hiệu quả, phát triển bền vững và môi trường sống thân thiện, đồng thời, nâng cao chất lượng cuộc sống, hiệu quả hoạt động của dịch vụ đô thị.

Bốn là, khuyến khích sự tham gia của các thành phần xã hội. Chính quyền địa phương cần khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, các nhà khoa học đầu tư nghiên cứu khoa học, phát triển và đẩy nhanh tốc độ đô thị mới công nghệ, tham gia đầu tư vào các dự án phát triển đô thị thông minh của địa phương; khuyến khích sự tham gia của người dân trong việc đầu tư cá nhân phù hợp với yêu cầu của đô thị thông minh. Vai trò trung tâm của người dân trong quá trình xây dựng đô thị thông minh cần được hiểu theo cả hai phía: vừa là đối tượng phục vụ, vừa là chủ thể tham gia thông qua các hình thức đầu tư xã hội hóa phù hợp. Bởi vì, một hạ tầng thông tin đô thị thông minh hiện đại nhưng người dân không biết, không muốn hay không đủ khả năng khai thác sử dụng thì cũng không mang lại lợi ích.

Năm là, tập trung đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Ứng dụng công nghệ thông tin là điều kiện tiên quyết bảo đảm hoạt động của đô thị thông minh, là phương thức giao tiếp chủ yếu giữa chủ thể quản lý (là các cơ quan nhà nước) với đối tượng quản lý (là các tổ chức, người dân trong đô thị), đồng thời cũng là công cụ để vận hành đô thị thông minh. Đi đôi với việc đầu tư cho công nghệ, cần thiết phải phát triển nguồn nhân lực để làm chủ công nghệ, khai thác và sử dụng hiệu quả công nghệ phục vụ lợi ích chung. Xây dựng lực lượng cán bộ đáp ứng yêu cầu phát triển và trong các giai đoạn kế tiếp là yêu cầu cần đặc biệt quan tâm. Để làm được điều này, các địa phương cần có những giải pháp để đầu tư về cơ sở vật chất và con người theo hướng trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải. Đẩy mạnh hơn nữa việc bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ tiên tiến, lồng ghép nội dung phát triển đô thị thông minh bền vững trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý xây dựng và phát triển đô thị.

Sáu là, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo. Nghiên cứu cơ chế thúc đẩy, hỗ trợ các giải pháp mang tính đột phá cả về công nghệ và phi công nghệ như: mô hình tổ chức không gian đô thị; phát triển các loại hình công trình xanh, thông minh, ứng phó biến đổi khí hậu, các công trình có chức năng hỗn hợp; gắn xây dựng phát triển đô thị thông minh với các tiến bộ khoa học và công nghệ, ứng dụng và phát triển công nghệ mới, ưu tiên công nghệ số, kết nối 5G và sau 5G, trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain), in 3D, Internet vạn vật, an ninh mạng, năng lượng sạch, công nghệ môi trường…; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin – truyền thông (thiết lập nền tảng công nghệ dùng chung, triển khai chính quyền số, chính quyền điện tử…); huy động nguồn lực sáng tạo của cộng đồng, doanh nghiệp, chính quyền nhằm triển khai các giải pháp xây dựng đô thị thông minh hiệu quả.

Bảy là, cần thống nhất nhận thức xuyên suốt, phát triển đô thị thông minh là để giải quyết các vấn đề lớn của đô thị tại địa phương, lấy người dân làm trung tâm nhưng phải gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số, không tách rời, không trùng lặp. Cần hiểu việc xây dựng đô thị thông minh cũng chính là quá trình chuyển đổi số trong đô thị đó.

Tám là, tuyên truyền, vận động, xây dựng ý thức của người dân đối với sự phát triển đô thị thông minh, từ đó, huy động toàn xã hội chung tay xây dựng đô thị theo định hướng đô thị thông minh.

Chín là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, học tập kinh nghiệm của các nước phát triển để đi trước, đón đầu, lường trước và tránh mắc phải các vấn đề trong phát triển đô thị. Tận dụng tối đa sự hỗ trợ từ các nước để có nguồn lực cho phát triển đô thị.

Chú thích:
1. Nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Tập đoàn IBM quyết định chuyển hình thức từ kinh doanh phần cứng sang kinh doanh phần mềm dịch vụ và tư vấn để đạt được lợi nhuận cao hơn.
2. Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
3. Quy hoạch đô thị thông minh. https://www.qdnd.vn, ngày 13/12/2023.
Tài liệu tham khảo:
1. Phát triển đô thị thông minh phải được bắt đầu từ khâu quy hoạch. https://vietnamnet.vn, ngày 25/11/2021.
2. Một số giải pháp cho xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam. https://moc.gov.vn, ngày 06/6/2022.
3. Xây dựng, phát triển đô thị thông minh trong bối cảnh đô thị hóa và chuyển đổi số ở Việt Nam. https://moc.gov.vn, ngày 30/01/2023.
4. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị xác định xây dựng đô thị thông minh là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam khi tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
5. Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030.