TS. Nguyễn Trí Tùng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
(Quanlynhanuoc.vn) – Bài viết nghiên cứu tình hình phát triển loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ tại một số nền kinh tế điển hình, tổng hợp một số kinh nghiệm về chính sách phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ theo định hướng gia tăng giá trị và đổi mới sáng tạo tại khu vực châu Á. Qua đó, rút ra bài học kinh nghiệm đối với nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và cạnh tranh quốc tế hiện nay.
Đặt vấn đề
Doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số các doanh nghiệp, có nhiều đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế đất nước trong thời kỳ hội nhập. Số liệu thống kê cho thấy, trong hàng trăm nghìn doanh nghiệp với quy mô khác nhau thì khu vực này chiếm đến 98 – 99%. Cụ thể, theo Sách Trắng của Việt Nam, trong giai đoạn 2016 – 2020, bình quân doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ và nhỏ chiếm 93,7% trong tổng số doanh nghiệp của cả nước, doanh nghiệp quy mô vừa và lớn chiếm lần lượt là 3,5% và 2,8%1. Các doanh nghiệp này hoạt động trên nhiều lĩnh vực, từ những ngành nghề truyền thống, cho đến những ngành công nghệ cao, từ nông nghiệp đến các ngành dịch vụ, thậm chí trong khu vực công cũng duy trì nhiều doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ.
Vai trò to lớn của các doanh nghiệp này là giải quyết việc làm cho xã hội, cải thiện sinh kế của nhiều địa phương, duy trì nét văn hóa truyền thống của các vùng, miền trong cả nước, đóng góp vào ngân sách nhà nước, thậm chí trong bối cảnh ngày nay, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã và đang tham gia mạnh mẽ hơn vào chuỗi sản xuất khu vực và toàn cầu, qua đó, cung cấp hàng hóa phụ trợ cho các doanh nghiệp lớn, hay tham gia sâu hơn vào ngành logistics nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa và sản phẩm hiệu quả. Bài viết tổng hợp kinh nghiệm về chính sách phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ của một số nền kinh tế tiêu biểu ở châu Á, như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Xinh-ga-po. Những bài học có nét giống nhau, song cũng có những biện pháp khác nhau thể hiện tính đa dạng trong chính sách và gắn với đặc thù riêng của từng nền kinh tế, gắn với xu thế phát triển công nghệ ngày nay.
Kinh nghiệm của Trung Quốc
Khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Trung Quốc đã và đang trở thành một trong những động lực dẫn dắt sự phát triển trong chiến lược cải cách nền kinh tế của quốc gia này. Hằng năm, quy mô các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Trung Quốc gia tăng với tốc độ trung bình 10%, xấp xỉ 5 triệu doanh nghiệp. Năm 2019, ước tính có khoảng 38 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động trong nền kinh tế, đạt ngưỡng trên 43 triệu doanh nghiệp vào năm 20202.
Hiện nay, khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đến hơn 90% tổng số doanh nghiệp trong nền kinh tế và xu hướng gia tăng vẫn tiếp tục có những bước tiến triển trước khi gặp đại dịch Covid-19. Khu vực này ngày càng mở rộng sự ảnh hưởng của mình đối với các thị trường và tăng trưởng của quốc gia, cụ thể, doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng góp hơn 60% GDP, tạo công ăn việc làm cho hơn 80% lực lượng lao động, đặc biệt là một thành phần quan trọng đối với năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia khi số bằng phát minh sáng chế của khu vực này chiếm hơn 70% tổng số bằng phát minh sáng chế. Hơn nữa, các doanh nghiệp vừa và nhỏ ngày càng khẳng định vị thế cạnh tranh quốc tế, các doanh nghiệp này đã xây dựng và phát triển nền tảng thương mại điện tử ở cấp độ cạnh tranh B2B, đóng góp với doanh thu khoảng 6,4 tỷ USD năm 20203.
Nhằm xây dựng và thúc đẩy sự phát triển của khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nền kinh tế, Nhà nước thực hiện nhiều chính sách thích hợp và có lộ trình nhất định.
Về chính sách phát triển. Lĩnh vực trọng điểm của phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Trung Quốc là mở rộng việc làm và tập trung vào khu vực dịch vụ. Dịch vụ gần với quần chúng và trực tiếp phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt, do vậy, doanh nghiệp vừa và nhỏ có ưu thế hơn trong lĩnh vực dịch vụ. Hai lĩnh vực chính phát triển dịch vụ là buôn bán nhỏ và ăn uống rất tương ứng với sức tăng tiêu dùng. Bên cạnh đó, quy mô và không gian phát triển dịch vụ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất lớn, ngoài ra còn những ngành khác, như: dịch vụ gia đình, bảo vệ môi trường, du lịch, in ấn, giải trí văn phòng. Riêng lĩnh vực phục vụ gia đình và phục vụ công cộng nếu có chính sách điều tiết tốt sẽ có thể tạo được 11 triệu công ăn việc làm4.
Đối với hỗ trợ tài chính và thuế. Chính phủ Trung Quốc thực hiện phân bổ ngân sách nhà nước dành cho mục tiêu phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trên cơ sở ngân sách nhà nước được phân bổ, Chính phủ đã thành lập các quỹ tài chính có quy mô cho mục tiêu phát triển khu vực doanh nghiệp này, chẳng hạn như quỹ hỗ trợ tài chính cho việc giải quyết khó khăn của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong bối cảnh chịu sự ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008; quỹ tài chính cho mục tiêu nền sản xuất xanh…
Chính sách hỗ trợ tín dụng. Chính sách này được thực hiện trong bối cảnh doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn do lãi suất cao. Hỗ trợ tín dụng được thực hiện dưới các hình thức, như: cung cấp bảo lãnh tín dụng, cho vay trực tiếp và hỗ trợ lãi suất. Ngoài ra, Chính phủ còn thực hiện chính sách cho vay trực tiếp từ Chính phủ đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn trong bối cảnh thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt5. Từ năm 2010 đến nay, trong bối cảnh lạm phát tăng cao và tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ, Chính phủ đã ban hành nghị định về việc bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó quy định các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc lĩnh vực này sẽ được tiếp cận các khoản vay ngắn hạn tại các ngân hàng thương mại với lãi suất do ngân hàng trung ương quy định. Từ năm 2011, Chính phủ đã thông qua chương trình hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp vừa và nhỏ với mức hỗ trợ khoảng 2%, qua đó, giảm áp lực về chi phí vay vốn trong hoạt động sản xuất – kinh doanh6.
Trong tiếp cận thị trường. Để thúc đẩy mạng lưới sản xuất – kinh doanh, cung cấp đầu vào hay hàng hóa công nghệ hỗ trợ, Chính phủ đã hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia các chương trình, dự án, chiến lược phát triển ngành của quốc gia, liên kết với các doanh nghiệp đầu ngành, quy mô lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Những động lực đó giúp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ có khả năng tiếp cận những nguồn lực, dịch vụ quan trọng, chẳng hạn như: tạo sân chơi giữa các doanh nghiệp độc quyền với doanh nghiệp vừa và nhỏ; tiếp cận các tiện ích xã hội, hạ tầng kinh tế – xã hội; hệ thống tài chính tín dụng; khoa học quốc phòng hay các ngành công nghệ cao. Trước đây, Nhà nước giao phó cho doanh nghiệp nhà nước hay các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực cung cấp điện, viễn thông, đường sắt, hàng không, dầu khí, tuy nhiên, hiện nay, Chính phủ đã thông qua những quy định, chính sách có độ mở lớn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia các lĩnh vực này, cung cấp đầu vào hay thực hiện các dịch vụ cho các hoạt động sản xuất chính của các ngành có tính độc quyền. Đồng thời, Chính phủ cũng khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ mở rộng thị trường thông qua các chính sách tài chính, như: hỗ trợ tín dụng xuất và nhập khẩu, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, qua đó, giúp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao được chất lượng hoạt động để có thể có năng lực tham gia các thị trường quốc tế7.
Kinh nghiệm của Hàn Quốc
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đại diện cho một phần thiết yếu của nền kinh tế Hàn Quốc. Năm 2020, Hàn Quốc có khoảng 7,3 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ so với khoảng 9,3 nghìn doanh nghiệp lớn. Hơn 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ là doanh nghiệp siêu nhỏ với doanh thu tương đối thấp và ít lao động. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã tham gia vào thương mại bán buôn và bán lẻ, tiếp theo là bất động sản và dịch vụ lưu trú và ăn uống8.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị chi phối bởi mối quan hệ với công ty có quy mô lớn hay nhờ vào sự bảo vệ thị trường từ phía Nhà nước. Hiện nay, những thay đổi trong môi trường kinh doanh toàn cầu đã đặt ra thách thức đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Hàn Quốc và yêu cầu những yếu tố này phải được bổ sung, thay thế bằng một mô hình mới về chính sách của Nhà nước. Chính phủ đã đặt mục tiêu chính sách doanh nghiệp vừa và nhỏ vào việc thiết lập các doanh nghiệp vừa và nhỏ sáng tạo là động lực cho tăng trưởng kinh tế và việc làm sáng tạo, tức là Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp môi trường thích hợp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để đáp ứng những thách thức và tận dụng những cơ hội mới. Một số chính sách Chính phủ Hản Quốc thực hiện, như:
Chương trình đổi mới công nghệ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Chính phủ đã thực hiện chương trình đổi mới công nghệ để thúc đẩy đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã kế thừa Nghiên cứu và Phát triển (R&D), qua đó, nâng cao khả năng tích lũy năng lực R&D và nâng cao khả năng cạnh tranh công nghệ bằng cách hỗ trợ phát triển các sản phẩm và quy trình mới. Chính phủ hỗ trợ các chương trình trong dự án một năm cho nhiệm vụ chung hoặc trong dự án ba năm cho chiến lược nhiệm vụ. Chính quyền trung ương hỗ trợ 50% và chính quyền địa phương hỗ trợ 25% các chi phí. Khi chương trình đổi mới công nghệ doanh nghiệp vừa và nhỏ kết thúc với thành công, Chính phủ nhận lại 30% đóng góp dưới dạng công nghệ trả góp trong 5 năm.
Chương trình Consortium theo mô hình liên kết công nghiệp – đại học – viện nghiên cứu nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ địa phương thiếu khả năng đổi mới tăng cường đổi mới công nghệ và giải quyết các vấn đề kỹ thuật bằng cách khuyến khích họ sử dụng thiết bị và nhân lực tài năng củatrường đại học hoặc viện nghiên cứu. Đối với chương trình của Hiệp hội Viện Nghiên cứu Đại học và Công nghiệp, chính quyền trung ương cung cấp 50% và địa phương 25% chi phí phát triển công nghệ trong tối đa một năm. Chương trình liên kết công nghiệp – đại học – nghiên cứu bắt đầu vào năm 1993, trong giai đoạn đầu đã tạo ra khoảng 5.026 đơn xin cấp bằng sáng chế, 13.600 trường hợp tạo mẫu, 10.446 trường hợp cải tiến quy trình trong giai đoạn 1993 – 20049.
Chương trình bảo đảm mua hàng công nghệ mới.
Để thương mại hóa các công nghệ mới được phát triển bởi các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ quan, tổ chức, như: Tổng Công ty Điện lực Hàn Quốc, Tổng Công ty Khí đốt Hàn Quốc, Tổng Công ty Đường sắt Hàn Quốc đã ủy quyền cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển các công nghệ mới với bảo đảm rằng họ sẽ mua các sản phẩm công nghệ mới. Chính phủ hỗ trợ tài chính cho sự phát triển công nghệ, trong khi các tổ chức mua sản phẩm trong một khoảng thời gian nhất định. Các chương trình này bắt đầu vào năm 2003 bằng cách hỗ trợ 49 dự án cho một cơ quan chính phủ. Chương trình Nghiên cứu đổi mới doanh nghiệp nhỏ của Hàn Quốc (KOSBIR) do Chính phủ hỗ trợ phần lớn kinh phí cho đổi mới công nghệ của doanh nghiệp vừa và nhỏ từ năm 1998. Trong KOSBIR, 16 cơ quanbao gồm 10 cơ quan chính phủ với ngân sách R&D có quy mô lớn và 6 các tổ chức đầu tư của Chính phủ được khuyến nghị cung cấp nhiều hơn 5% ngân sách R&D cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Kể từ năm 2000, 13,2% của ngân sách R&D quốc gia được hỗ trợ cho phát triển công nghệ DNNVV, tỷ trọng liên tục tăng lên đến 20,6% vào năm 200510.
Quỹ đầu tư mạo hiểm.
Để bảo đảm sự tiếp tục của các khoản đầu tư mạo hiểm từ thị trường, Chính phủ đã tạo ra quỹ đầu tư mạo hiểm trị giá 500 triệu đô la (năm 2006) bằng cách thành lập 102 công ty đầu tư mạo hiểm và 366 quỹ đầu tư mạo hiểm quan hệ đối tác. Để xây dựng một nền tảng cho sự ổn định tăng trưởng vốn mạo hiểm, Chính phủ cũng thành lập quỹ của các quỹ để thúc đẩy thành lập các quỹ đầu tư cho doanh nghiệp vừa và nhỏ và đầu tư mạo hiểm của các doanh nghiệp có quy mô khác, cụ thể 385 tỷ won đã được tạo ra, bao gồm 170 tỷ won (năm 2005) và 215 tỷ won (năm 2006). Năm 2005, Quỹ đầu tư mạo hiểm Hàn Quốc Corp được chỉ định là tổ chức vận hành quỹ của các quỹ11.
Nợ vốn chủ sở hữu.
Tài trợ vốn chủ sở hữu nợ được cung cấp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để tăng cường khả năng tiếp cận của họ với tài chính bằng cách giải quyết các thất bại của thị trường và thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới. Năm 2004, Chính phủ thiết lập biện pháp toàn diện để tăng cườngnăng lực cạnh tranh của doanh nghiệp vừa và nhỏ mở rộng cung cấp quỹ khởi nghiệp có tính dài hạn, quỹ cơ sở vật chất và quỹ dành cho các công nghệ đã phát triển ra thị trường. Năm 2005, các biện pháp tài trợ vốn cổ phần bằng nợ tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới như việc Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới tìm kiếm khách hàng một cách nhanh chóng, thuận lợithông qua việc đơn giản hóa các thủ tục, tạo ra nhiều kết quả hơn.
Chứng nhận doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới sáng tạo.
Có ba loại doanh nghiệp vừa và nhỏ sáng tạo ở Hàn Quốc. Thứ nhất, loại hình kinh doanh mạo hiểm và đầy thử thách. Hoạt động kinh doanh mạo hiểm dự kiến sẽ mang lại lợi nhuận cao và rủi ro cao khi đầu tư vốn mạo hiểm tăng lên. Thứ hai, loại hình doanh nghiệp đổi mới sáng tạo (Inno-biz), mang lại tốc độ tăng trưởng cao tiềm năng và có khả năng bảo đảm khả năng cạnh tranh công nghệ thông qua đổi mới công nghệ. Thứ ba, doanh nghiệp vừa và nhỏ có định hướng đổi mới quản lý, hiện đang thực hiện các hoạt động liên quan đến đổi mới quản lý hoạt động hoặc đã có thành tích đổi mới sau khi thực hiện hoạt động đổi mới quản lý trong vòng 3 năm liên tiếp.
Sau khi một doanh nghiệp được chứng nhận là doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới sáng tạo, Chính phủ cung cấp cho họ những lợi ích đa dạng như tiêu chuẩn giảm vốn phát hành, ưu tiên cao hơn và bổ sung điểm để được cấp bằng sáng chế, lợi ích đặc biệt khi niêm yết trên thị trường chứng khoán. Đặc biệt, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới công nghệ có thể tham gia hỗ trợ phát triển công nghệ khác nhau chương trình trên cơ sở ưu đãi.
Chính phủ đã định hướng lĩnh vực ưu tiên phát triển là các ngành công nghiệp chế tạo, hình thành loại hình “thung lũng Silicon Hàn Quốc” cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ 50% chi phí trang thiết bị và giảm thuế doanh thu, sử dụng tài sản, đất; nuôi dưỡng và thúc đẩy tăng trưởng, chính sách giúp các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo có kinh phí hỗ trợ từ Nhà nước để nghiên cứu đổi mới công nghệ phù hợp với ngành và phạm vi hoạt động, đồng thời, có thể tiếp nhận và ứng dụng nhanh những thành tựu của nghiên cứu mới vào hoạt động hiện hữu. Chính sách thương mại hóa sản phẩm gắn liền với chủ trương thực hiện các hợp đồng mua sản phẩm của Chính phủ và các tập đoàn công nghiệp lớn, trong đó có phần hỗ trợ bảo lãnh tín dụng và thiết kế mẫu mã thích nghi với thị trường12.
Kinh nghiệm của Xinh-ga-po
Những năm gần đây, tổng số doanh nghiệp tăng từ 273.100 (năm 2019) lên 291.600 năm 2021. Trong đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 99%, hỗ trợ 71% tổng số việc làm, 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc sở hữu trong nước, 20% thuộc sở hữu nước ngoài. Tuy nhiên, với số lượng doanh nghiệp lớn hơn thì số việc làm giảm nhẹ từ 3,52 triệu (vào năm 2019) xuống còn 3,4 triệu (vào năm 2021), nguyên nhân là do đóng cửa biên giới vì đại dịch Covid-19 gây ra13. Một số chính sách phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ của Xinh-ga-po.
Kế hoạch tổng thể doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Mục tiêu của kế hoạch nhằm xây dựng và tăng cường năng lực của các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước để phát triển doanh nghiệp bản địa đẳng cấp thế giới. Kế hoạnh hướng tới các mục đích chính là: thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong nước; tăng hiệu quả thị trường thông tin bằng cách khuyến khích trao đổi thông tin và cải thiện việc phổ biến thông tin về các phương pháp và cơ hội mới; thúc đẩy các phương pháp tốt nhất trong kinh doanh thông qua khả năng tiếp cận dễ dàng với việc áp dụng tư vấn và đào tạo; khuyến khích doanh nghiệp trong nước phát triển và mở rộng ra quốc tế14.
Để đạt được các mục tiêu trên, yêu cầu đối với doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, gồm: các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa chấp nhận và ứng dụng công nghệ phù hợp để cải tiến chất lượng, hiệu quả,gia tăng giá trị cho các sản phẩm, dịch vụ của họ; doanh nghiệp đổi mới sáng tạo chú trọng vào hệ thống thông tin, tự động hóa, thiết kế và quản lý sản phẩm; cần có hệ thống kế toán và quản lý thích hợp cho giám sát hiệu suất và kiểm soát chi phí; doanh nghiệp đổi mới sáng tạo nhận ra nhu cầu thay đổi nhu cầu lao động tại giai đoạn phát triển khác nhau của tổ chức cũng như cạnh tranh cho tài năng và đào tạo nhân viên của họ; để khắc phục tình trạng thiếu chuyên môn nội bộ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể thuê chuyên gia tư vấn bên ngoài để xác định và giải quyết các vấn đề liên quan đếnnăng suất lao động; thiết lập các liên minh chiến lược thông qua tiếp thị và kinh doanh quan hệ đối tác là cách hiệu quả để các doanh nghiệp vừa và nhỏ vượt qua quy mô hạn chế cũng như tiếp cận với các thị trường mới, vốn và công nghệ15.
Chính sách khởi động và phát triển hoạt động kinh doanh liền mạch.
Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đối mặt với những thách thức trong việc huy động vốn cho tăng trưởng. Để cải thiện khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Chính phủ đã thiết lập nhiều chương trình khác nhau như chương trình về cho vay tiếp cận doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, một chương trình cho vay được chứng khoán hóa cho đến nay đã tạo ra một lượng tín dụng cho vay lớn đối với khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngoài việc giảm thuế suất thuế thu nhập cho khu vực doanh nghiệp này. Đối với các sáng kiến trực tuyến, Đề án EnterpriseOne bao gồm một cổng web được hỗ trợ bởi đường dây nóng qua điện thoại và một mạng lưới các trung tâm phát triển doanh nghiệp (EDC) thu hút nhiều truy cập mỗi tháng và các EDC hỗ trợ thường xuyên khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tìm hiểu về thể chế kinh tế liên quan.
Nâng cao năng lực và mức độ đổi mới kinh doanh.
Chính phủ Xinh-ga-po quan tâm tới chia sẻ trách nhiệm giúp giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo hỗ trợ, tận dụng các thế mạnh và khả năng so sánh khác nhau của mỗi cơ quan hoặc trung tâm công nghệ. Điều này được điều phối bởi một cơ quan trung ương với tên là MITI (nay là MTI). Xinh-ga-po có thể thực hiện các chính sách và công nghệ tương đối nhanh và dễ dàng hơn thông qua các cơ quan trung ương và điều này rất hữu ích trong việc thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận các chiến lược nâng cao khả năng cạnh tranh và sử dụng các công nghệ. Xinh-ga-pođang cố gắng đạt được mức hỗ trợ tương tự như Hàn Quốc trong việc cung cấp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng không thông qua phân chia công việc giữa các công ty lớn và các công ty nhỏ mà thông qua trao quyền cho các doanh nghiệp nhỏ địa phương để họ có thể cạnh tranh hiệu quả hơn với các tập đoàn xuyên quốc gia và các công ty lớn cả trong và ngoài nước.
Các chương trình đào tạo.
Hỗ trợ của Chính phủ và các chính sách của Nhà nước cũng rất quan trọng trong hoạt động cung cấp quyền truy cập vào kho kiến thức, kỹ thuật và công nghệ cũng như giáo dục quản lý thông qua các khóa học ngắn hạn và các phương pháp đào tạo khác. Chính phủ Xinh-ga-po cũng trực tiếp tham giađể cung cấp khóa đào tạo này. Ví dụ, trong lĩnh vực thông tin và mở cửa tiếp cận với các nền kinh tế nước ngoài hay thị trường, Chính phủ cung cấp các buổi đào tạo cũng như các điều kiện cần thiết cơ hội kết nối do IE hoặc BuySingapore trực tuyến tổ chức để phù hợp với doanh nghiệp, qua đó, thúc đẩy hệ sinh thái giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Xinh-ga-po với người mua, nhà cung cấp, người bán hoặc các công ty lớn ở nước ngoài.
Khuyến nghị đối với Việt Nam
Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam hiện chiếm một tỷ lệ lớn nhất, gần như xuất hiện ở hầu hết các ngành nghề, địa phương, có vai trò quan trọng đối với giải quyết việc làm và phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, trong nhiều thập kỷ đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, khu vực quan trọng này vẫn còn khá nhiều bất cập, hạn chế như trình độ công nghệ, chất lượng nhân lực, năng lực điều hành, tiếp cận thị trường, do đó, năng lực cạnh tranh vẫn là một nút thắt, đòi hỏi cần có những hỗ trợ nhất định từ chính sách vĩ mô của Nhà nước. Qua nghiên cứu kinh nghiệm về chính sách phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa của một số nền kinh tế điển hình tại châu Á, một số khuyến nghị chính sách cần rút ra nhằm thúc đẩy chất lượng, năng lực cạnh tranh của khu vực này như sau:
Một là, Nhà nước cần xây dựng các chính sách thúc đẩy tính kết nối khu vực doanh nghiệp nội địa của Việt Nam mà phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa với khu vực kinh tế đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Cụ thể, cần có lộ trình thực hiện việc chuyển giao công nghệ, lan toả chất lượng nhân lực, quy trình quản lý tiên tiến của các tập đoàn xuyên quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam tới các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chẳng hạn như kinh nghiệm về việc doanh nghiệp FDI phải tiến hành đặt hàng đối với hàng hóa công nghiệp hỗ trợ thông qua ký kết hợp đồng đối với các doanh nghiệp nội địa, hoặc tiến hành thành lập công ty cổ phần giữa doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp nội địa trong sản xuất hàng hóa và dịch vụ trung gian.
Hai là, Nhà nước cần tiếp tục thúc đẩy và hỗ trợ hiệu quả, kịp thời đối với khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa về tiếp cận các nguồn lực cho hoạt động sản xuất – kinh doanh, đặc biệt là nguồn lực tài chính và công nghệ. Việc này đòi hỏi cần có những nghiên cứu kỹ lưỡng, cụ thể tình hình hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam hiện nay, thực hiện sự hỗ trợ đúng đối tượng, phù hợp với tình trạng và quy mô; tiến hành giám sát thường xuyên hoạt động hỗ trợ và có những phân tích, đánh giá tổng kết.
Ba là, chất lượng nhân lực và năng lực quản trị của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam vẫn còn khá nhiều điểm yếu làm suy giảm sức cạnh tranh cả về sản phẩm và năng lực doanh nghiệp, từ đó, chưa thực sự thúc đẩy năng lực cạnh tranh quốc gia. Qua nghiên cứu kinh nghiệm nêu trên, Nhà nước cần tiến hành nhiều phương thức hỗ trợ đào tạo nhân lực, bồi dưỡng kiến thức quản trị, kiến thức thương mại quốc tế dành cho các doanh nghiệp thuộc khu vực này.
Bốn là, hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn có tính rủi ro cao, thậm chí nhiều lĩnh vực mới đầy thách thức đối với các doanh nghiệp này, do vậy, Nhà nước cần thành lập đa dạng các quỹ hỗ trợ rủi ro cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề, hoặc thậm chí bảo lãnh đối với tiền vay, tiền bảo hiểm cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Chú thích:
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Sách Trắng: Doanh nghiệp Việt Nam năm 2020. H. NXB Thống kê, 2020.
2, 3. Statista (2023). Number of small to medium-sized enterprises in China from 2012 to 2016 with forecasts until 2020. https://www.statista.com, ngày 10/8/2023.
4. Kinh nghiệm của một số quốc gia trong thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa – giá trị tham khảo cho Việt Nam. https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 28/10/2022.
5, 6, 11, 12. Nguyễn Thế Bính. Kinh nghiệm quốc tế về chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và bài học cho Việt Nam. Tạp chí Phát triển và Hội nhập, số 12 (22) tháng 9/2013, tr. 21 – 31.
7. Liu, X. (2008). SME Development in China: A Policy Perspective on SME Industrial Clustering, in Lim, H. (ed.), SME in Asia and Globalization, ERIA Research Project Report 2007-5, pp.37-68.
8. Statista (2023). Number of small and medium-sized enterprises (SMEs) in South Korea from 2017 to 2020. https://www.statista.com, ngày 9/8/2023.
9, 10, 11, 12. Joo – Yong Kim (2010). SME Innovation polices in Korea, Pacific Economic Cooperation Council, 2010. https://www.pecc.org
13, 14. Lim, H. (2008). SMEs Development Policy Environment and Challenges in Singapore, in SME in Asia and Globalization, ERIA Research Project Report 2007-5, pp.267-286.
15. Wei Siang, C. (2015). Understanding the development of SMEs in Singapore and various SMEs development stages, Developing Government Policies for SME Development. Workshop for Central Asia Organized by ADB, 25-30 Oct 2015. https://www.carecprogram.org