Giải pháp phòng ngừa tai nạn giao thông đường bộ của lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh Khánh Hoà

Nguyễn Văn Cảnh
Công an tỉnh Khánh Hoà
(Quanlynhanuoc.vn) – Tai nạn giao thông gây ra thiệt cho xã hội cả về vật chất lẫn tinh thần, gây ảnh hưởng lớn đến trật tự an toàn xã hội và quá trình phát triển kinh tế – chính trị quốc gia. Vì vậy, công tác phòng ngừa, làm giảm thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra luôn được các lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng Cảnh sát giao thông chú trọng. Trên cơ sở nghiên cứu tình hình tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà, tác giả đề xuất một số biện pháp phòng ngừa tai nạn giao thông của lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Khánh Hoà trong thời gian tới.
Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra tải trọng phương tiện trên Quốc lộ 1 qua thị xã Ninh Hòa.
Đặt vấn đề

Khánh Hòa là tỉnh thuộc duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam, giáp với tỉnh Phú Yên về hướng Bắc, tỉnh Đắk Lắk về hướng Tây Bắc, tỉnh Lâm Đồng về hướng Tây Nam, tỉnh Ninh Thuận về hướng Nam và Biển Đông về hướng Đông; có mũi Hòn Ðôi trên bán đảo Hòn Gốm huyện Vạn Ninh, là điểm cực Ðông trên đất liền của nước ta.

Khánh Hoà hiện có 2 thành phố trực thuộc tỉnh là Nha Trang và Cam Ranh, 1 thị xã (Ninh Hòa) và 6 huyện (Vạn Ninh, Diên Khánh, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Cam Lâm và huyện đảo Trường Sa) với tổng diện tích 5217,6 km². Khánh Hòa có 140 đơn vị hành chính cấp xã1. Nằm ở vị trí thuận tiện về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không nên hoạt động giao thông giữa Khánh Hòa và các tỉnh rất thuận lợi.

Trong những năm gần đây, nhiều công trình giao thông, đặc biệt là các tuyến quốc lộ, các trục giao thông quan trọng, cảng hàng không, cảng biển đã và đang được đầu tư xây dựng, cải tạo, nhiều điều kiện thuận lợi trong giao lưu kinh tế và phát triển xã hội, nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông nói chung, phòng ngừa tai nạn giao thông đường bộ nói riêng. Đặc biệt, tình hình tai nạn giao thông đường bộ xảy ra trên địa bàn vẫn còn diễn biến rất phức tạp, gây nhiều thiệt hại.

Một số kết quả công tác phòng ngừa tai nạn giao thông đường bộ của lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Khánh Hoà

Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Khánh Hòa, tình hình tai nạn giao thông đường bộ xảy ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa trong 5 năm qua có số vụ tai nạn giao thông đường bộ đã xảy ra là 575 vụ làm chết 581 người và bị thương 191 người. Trung bình xảy ra 115 vụ/năm, làm chết 116 người/năm, bị thương 38 người/năm2. Trong 5 năm qua, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Khánh Hoà đã chú trọng hơn trong công tác phòng ngừa tai nạn giao thông đường bộ và bước đầu mang lại những kết quả khả quan, tác động vào tâm lý người vi phạm thông qua hình thức xử phạt mang tính răn đe, giáo dục kết hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân.

Một là, tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp những chủ trương, biện pháp nhằm phòng ngừa tai nạn giao thông đường bộ trên địa bàn. Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Khánh Hoà đã tiến hành tham mưu lãnh đạo các cấp triển khai thực hiện quy chế, tổ chức, hoạt động của tổ tự quản an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

Hai là, tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân chấp hành nghiêm pháp luật về trật tự an toàn giao thông nhằm phòng ngừa tai nạn giao thông đường bộ trên địa bàn. Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức tuyên truyền trực tiếp đến khoảng 42.727 lượt người vi phạm luật giao thông đường bộ. Tổ chức triển lãm tranh ảnh về an toàn giao thông cho người dân đến đăng ký xe; tổ chức chiếu phim về an toàn giao thông cho 183.923 lượt người xem3.

Nội dung tuyên truyền tập trung vào các quy tắc giao thông, các thủ tục hành chính có liên quan đến hoạt động quản lý trật tự an toàn giao thông cũng như hậu quả thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra cho người dân biết được, chủ động nâng cao ý thức chấp hành pháp luật nhằm hạn chế nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông khi lưu thông trên đường. Tổ chức tuyên truyền miệng, kết hợp thi trắc nghiệm tìm hiểu pháp luật giao thông đường bộ cho học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp phân bố dọc theo các tuyến quốc lộ 1.208 cuộc, có trên 256.398 lượt người nghe. Xây dựng 260 chương trình; 125 tin bài về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nêu gương “người tốt, việc tốt” trên Đài Phát thanh truyền hình Khánh Hòa và An ninh TV4.

Ba là, tổ chức nắm chắc tình hình tai nạn giao thông đường bộ phục vụ hoạt động phòng ngừa tai nạn giao thông trên địa bàn. Kết quả công tác thể hiện qua chất lượng hồ sơ, các hồ sơ này đã thống kê đầy đủ về lưu lượng phương tiện lưu thông trên tuyến quốc lộ 1, giờ cao điểm, các loại hình vận tải hoạt động, các cơ sở kinh doanh vận tải hàng hóa và vận chuyển hành khách, các địa điểm phức tạp về trật tự an toàn giao thông…

Quá trình điều tra cũng đã lập sơ đồ tuyến, đánh giá tình hình hạ tầng giao thông và trật tự an toàn giao thông trên từng tuyến, từ đó tổ chức tuần tra kiểm soát thường xuyên vào giờ cao điểm, thời điểm thường xảy ra tai nạn giao thông và tập trung xử lý các lỗi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông.

Bốn là, tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm các hành vi là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông đường bộ trên địa bàn. Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an Khánh Hoà đã chú trọng tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, tập trung bố trí lực lượng hợp lý, bảo đảm có mặt thường xuyên trên các tuyến, địa bàn trọng điểm. Từ năm 2019 đến 2023, lực lượng Cảnh sát giao thông đã chủ động xây dựng nhiều kế hoạch, chuyên đề, đã tổ chức được 32.480 lượt cán bộ, cảnh sát tham gia tuần tra kiểm soát, phát hiện và xử lý 40.727 vụ vi phạm, thu về ngân sách nhà nước hơn 44,556 tỷ đồng5.

Tập trung kiểm tra xử lý các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông trên các tuyến đường, như: chạy quá tốc độ quy định; tránh vượt sai quy định; điều khiển xe trong tình trạng hơi thở có nồng độ cồn; đi sai phần đường, làn đường… và các hành vi gây cản trở giao thông, kết hợp với dự báo tình hình và đối tượng cần tập trung đấu tranh, luôn chủ động trong công tác phòng ngừa tai nạn giao thông.

Năm là, nghiêm túc thực hiện các quy định về công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông và các văn bản khác có liên quan. Thực hiện tốt quy chế dân chủ trong công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, các tài liệu, lời khai các bên liên quan và dấu vết trong vụ tai nạn giao thông được thu thập đầy đủ, khách quan; không có cán bộ, chiến sỹ nào bị khiếu nại trong công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông. Công tác thống kê, báo cáo tình hình tai nạn giao thông về Phòng Cảnh sát giao thông được thực hiện đầy đủ, đúng thời gian, qua đó làm rõ các đặc điểm đặc trưng về tai nạn giao thông trên địa bàn. Đây là cơ sở quan trọng để lực lượng chức năng lên kế hoạch, bố trí lực lượng, phân bổ thời gian tiến hành các biện pháp phòng ngừa tai nạn giao thông đạt hiệu quả.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thời gian qua, công tác phòng ngừa tai nạn giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà còn có những hạn chế, như: công tác phòng ngừa tai nạn giao thông mặc dù có sự quan tâm chỉ đạo thực hiện, nhưng chưa thực sự tập trung, còn nhiều vướng mắc trong việc tổ chức thực hiện, còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu nghiệp vụ đề ra; cán bộ, chiến sĩ còn thiếu chủ động trong việc theo dõi, nắm tình hình, chưa kịp thời báo cáo, đánh giá trước những diễn biến phức tạp để có biện pháp kịp thời. Công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên trên diện rộng, tuy nhiên các hình thức tuyên truyền cũng mới chỉ theo phong trào, nội dung và hình thức khá đa dạng nhưng lại chưa chú ý đến đối tượng tác động đến tuyên truyền. Công tác điều tra cơ bản phục vụ phòng ngừa tai nạn giao thông vẫn chưa thật sự đạt hiệu quả cao.

Thực tiễn trên xuất phát từ một số nguyên nhân: hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh tuy đã có sự phát triển và mở rộng nhưng chưa theo kịp được tốc độ tăng trưởng kinh tế, xã hội; công tác tuần tra kiểm soát giao thông chưa có sự đổi mới trong hình thức tiến hành, chưa theo dõi được những đối tượng tái phạm để có biện pháp răn đe, giáo dục hiệu quả hơn; nội dung, hình thức tuyên truyền khá đa dạng nhưng lại chưa chú ý đến chất lượng cũng như đối tượng tác động; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ chưa đáp ứng được yêu cầu công tác; còn tình trạng thiếu thông tin và cơ chế phối hợp giữa các lực lượng có liên quan trong công tác phòng ngừa tai nạn giao thông trên địa bàn.

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tai nạn giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà

Thứ nhất, tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ là nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông đường bộ. Bảo đảm bố trí lực lượng khép kín mọi địa bàn và mọi thời điểm, đặc biệt chú ý khoảng thời gian từ 18h – 24h và tập trung vào các tuyến, địa bàn dễ xảy ra tai nạn giao thông như tuyến Quốc lộ 1A, Quốc lộ 28, địa bàn thành phố và những nơi tập trung đông dân cư. Đồng thời, chú ý mở các đợt cao điểm tấn công bảo vệ các ngày lễ, như: 2/9, Giáng sinh, Tết Nguyên đán… nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh, hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn giao thông có thể xảy ra.

Tập trung xây dựng và thực hiện có hiệu quả các kế hoạch tuần tra kiểm soát giao thông tập trung vào các tuyến giao thông thường xảy ra tai nạn trong khung giờ từ 18 đến 24h hàng ngày. Xây dựng các chuyên đề tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ tập trung vào các nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông, như: đi không đúng phần đường, làn đường quy định; tránh vượt không đúng quy định, chuyển hướng không có tín hiệu báo hướng rẽ, sử dụng rượu bia trước khi tham gia giao thông…

Thứ hai, tăng cường năng lực cho lực lượng cán bộ, kinh phí cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông. Xây dựng và thống nhất cơ chế phối hợp hiệu quả trong công tác tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông giữa các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức có liên quan trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông, như: Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh, các nhà trường, ban quản lý các khu công nghiệp để hoạt động tuyên truyền có hiệu quả. Đối với vùng sâu, vùng xa, cần tận dụng tối đa nhân lực tại chỗ, cung cấp tài liệu tuyên truyền và tập huấn chuyên môn cho cán bộ cơ sở; đồng thời, đề xuất lãnh đạo các cấp quan tâm, tạo điều kiện cả về vật chất và tinh thần cho cán bộ tuyên truyền tại địa phương.

Thứ ba, kiện toàn về tổ chức lực lượng, đầu tư các trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện nghiệp vụ, thực hiện công tác sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm về hoạt động phòng ngừa tai nạn giao thông đường bộ. Cụ thể: trang bị các phương tiện thiết bị kỹ thuật, phương tiện nghiệp vụ cho công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông, như: máy bắn tốc độ có ghi hình, máy đo nồng độ cồn, hệ thống xử lý vi phạm hành chính thông qua camera ghi hình đặt ở những tuyến đường chính, các loại xe hiện đại phục vụ công tác tuần tra kiểm soát… Nhờ các trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện nghiệp vụ hiện đại mà các cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông có thể xử lý chính xác các hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ mà đó chính là một trong các nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông.

Thứ , tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát giao thông và các lực lượng nghiệp vụ khác trong hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông và điều tra tai nạn giao thông. Tăng cường mối quan hệ phối hợp với các lực lượng khác trong hoạt động phòng ngừa tai nạn giao thông đường bộ trên địa bàn. Thông qua đó, phát hiện và giải quyết nhanh chóng các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, như: tụ tập đua xe trái phép, xâm phạm về cơ sở hạ tầng giao thông, cản trở Cảnh sát giao thông thi hành nhiệm vụ.

Phối hợp với ngành giao thông vận tải trong việc rà soát, lắp đặt hệ thống tín báo hiệu đường bộ cho phù hợp với tình hình trật tự an toàn giao thông. Đồng thời, tiếp tục khảo sát các tuyến giao thông, kịp thời phát hiện các bất hợp lý trong tổ chức giao thông để kiến nghị, đề xuất các biện pháp khắc phục. Đề xuất biện pháp khắc phục các “điểm đen” trên các tuyến quốc lộ và các tuyến trọng điểm phức tạp về trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, phối hợp với Thanh tra giao thông trong công tác tuần tra, xử lý các vi phạm liên quan đến bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ, lấn chiếm lòng, lề đường, vi phạm các quy định về bảo vệ công trình đường bộ. Tăng cường mối quan hệ phối hợp với các tổ chức chính trị – xã hội, như: Đoàn thanh niên, Hội Nông dân, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh. Thông qua các tổ chức này, tiến hành công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các quy định pháp luật đến rộng rãi quần chúng nhân dân.

Chú thích:
1,2. UBND tỉnh Khánh Hòa. Báo cáo kết quả phát triển kinh tế – xã hội năm 2023, Khánh Hòa.
3,4,5. Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Khánh Hòa. Báo cáo kết quả công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ từ năm 2019 đến năm 2023, Khánh Hòa.