Phòng ngừa tội phạm vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ của lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh Bình Định

Trần Chí Dũng
Công an tỉnh Bình Định
Ngô Đức Thắng
Trường Đại học Cảnh sát nhân dân
(Quanlynhanuoc.vn) – Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ do người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy gây ra trên các tuyến quốc lộ thời gian qua đã được Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Bình Định tiến hành có hiệu quả, góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên, so với yêu cầu đề ra thì công tác này vẫn còn có nhiều hạn chế, cần có những giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.
Ảnh minh hoạ: binhdinh.gov.vn.
Đặt vấn đề

Bình Định là tỉnh ven biển nằm ở phía Bắc khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, miền Trung. Tỉnh có vị trí kinh tế đặc biệt quan trọng trong việc giao lưu với các quốc gia ở khu vực và quốc tế; nằm ở trung điểm của trục giao thông đường sắt và đường bộ Bắc – Nam, đồng thời, là cửa ngõ ra Biển Đông gần nhất và thuận lợi nhất của các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Đông Bắc Thái Lan thông qua Quốc lộ 19 và cảng biển quốc tế Quy Nhơn. Thêm vào đó là hệ thống các tuyến đường quốc lộ trọng yếu đi qua địa bàn, như: quốc lộ 1, quốc lộ 1D, quốc lộ 19, quốc lộ 19B, quốc lộ 19C…

Với các đặc điểm trên, Bình Định có rất nhiều thuận lợi trong giao thương kinh tế và phát triển xã hội, nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông nói chung, phòng ngừa tai nạn giao thông đường bộ nói riêng, đặc biệt trên các tuyến quốc lộ, nơi lưu lượng phương tiện giao thông lưu thông ở mức độ cao.

Thực tiễn công tác phòng ngừa tội phạm vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ của lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Bình Định

Từ năm 2019 – 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 806 vụ tai nạn giao thông, làm chết 561 người và bị thương 516 người, làm hư hỏng 517 ô tô, 917 xe mô tô, gắn máy và 33 phương tiện khác; riêng các tuyến đường quốc lộ qua địa bàn tỉnh đã xảy ra 344 vụ tai nạn giao thông, để lại nhiều hậu quả về vật chất và con người; trong đó, người điều khiển phương tiện là xe mô tô, xe gắn máy gây ra tai nạn giao thông ở mức cao. Đặc biệt, tình hình tội phạm vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ do người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy gây ra trên các tuyến quốc lộ diễn biến phức tạp, trong 5 năm đã xảy ra 264 vụ, làm 309 người chết, 265 người bị thương, làm hư hỏng 305 phương tiện các loại, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân1.

Nhận thức được tính cấp thiết của vấn đề, thời gian qua lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bình Định đã chú trọng hơn trong công tác quản lý trật tự an toàn giao thông nói chung, phòng ngừa tội phạm vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, trong đó luôn chú trọng hoạt động này trên các tuyến quốc lộ huyết mạch và tập trung vào đối tượng là người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy gây ra.

Thứ nhất, thường xuyên tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong hoạt động phòng ngừa tội phạm vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ do người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy gây ra trên các tuyến quốc lộ. Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bình Định đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của ngành Công an trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông để tham mưu, đề xuất các nội dung, biện pháp phòng ngừa tai nạn giao thông nói chung và phòng ngừa tai nạn giao thông trên tuyến Quốc lộ 1 nói riêng cho sát hợp với tình hình thực tế của tỉnh Bình Định.

Thứ hai, tuyên truyền, vận động quần chúng bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng ngừa tội phạm vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ do người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy gây ra trên các tuyến quốc lộ nói riêng. Từ năm 2019 – 2023, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bình Định đã tổ chức 2.843 buổi tuyên truyền với 656.402 lượt người tham gia, trong đó có 531.837 người điều khiển xe mô tô, gắn máy. Đã phối hợp với cơ quan báo chí, Đài phát thanh và truyền hình, Đài truyền thanh tổ chức đăng 5.532 tin và xây dựng 324 phóng sự tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông. tổ chức 117 hội thi, phát 116.112 tờ rơi và 16.500 đĩa CD có liên quan đến nội dung bảo đảm trật tự an toàn giao thông; lắp đặt các khẩu hiệu tuyên truyền trên tuyến quốc lộ… xây dựng các mô hình trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trong đó có các mô hình được xây dựng ở các tuyến quốc lộ, điển hình như: “Thắp sáng quốc lộ”, “Đoạn đường tự quản về an toàn giao thông”2

Thứ ba, tổ chức đăng ký, quản lý xe mô tô, gắn máy. Từ năm 2019 – 2023, lực lượng Cảnh sát giao thông đã tổ chức đăng ký mới cho tổng cộng 14.909 ô tô và 249.896 mô tô, nâng tổng số xe hiện đang quản lý lên đến 1.040.037 xe gồm: 47.063 xe ô tô, 991.092 xe mô tô và 1.882 xe máy điện (trong đó xe có quyết định tịch thu, sung công quỹ nhà nước là 4.205 xe; xe có nguồn gốc nhập khẩu là tài sản di chuyển của Việt kiều hồi hương là 8 xe; xe có biển số ngoại giao là 37 xe; xe biển số xanh là 2.321 xe)3.

Đặc biệt trong năm 2023, đã tham mưu cho Ban Giám đốc ban hành 30 văn bản hướng dẫn công an các đơn vị, địa phương triển khai quyết định của Bộ Công an về thực hiện đăng ký trực tuyến qua dịch vụ công quốc gia, Bộ Công an mức độ 3, 4 và chấn chỉnh công tác đăng ký xe theo chỉ đạo của Bộ Công an. Tổ chức rà soát, cập nhật, làm sạch dữ liệu đăng ký xe theo Kế hoạch số 331/KH-BCA-C08 của Bộ Công an theo đúng lộ trình.

Thứ tư, tiến hành thanh tra kiểm soát phát hiện và xử lý vi phạm. Đã tổ chức được 118.229 cuộc thanh tra kiểm soát với 666.209 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia, tiến hành tổng kiểm soát đối với 296.301 trường hợp, phát hiện và xử lý 281.455 vụ vi phạm, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn 31.401 trường hợp, tạm giữ 50.760 phương tiện các loại, thu về ngân sách nhà nước 272.016.000.000 đồng4.

Qua công tác thanh tra kiểm soát, đã kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, đồng thời, tập trung kiểm tra xử lý các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra các vụ tai nạn giao thông, tội phạm vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trên các tuyến quốc lộ. Riêng đối với đối tượng xe mô tô, gắn máy, tập trung xử lý nghiêm các hành vi như: chạy quá tốc độ quy định, vi phạm về nồng độ cồn; đi không đúng phần đường, làn đường, không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông, lạng lách đánh võng…

Thứ năm, điều tra tai nạn giao thông do người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy gây ra trên các tuyến quốc lộ. Từ năm 2019 – 2023 trên địa bàn tỉnh Bình Định đã xảy ra tổng cộng 806 vụ tai nạn giao thông, làm chết 561 người, bị thương 516 người và gây thiệt hại hư hỏng 1.467 phương tiện các loại (517 ô tô, 917 xe mô tô, gắn máy và 33 phương tiện khác). Riêng các tuyến quốc lộ đã xảy ra tổng cộng 344 vụ tai nạn giao thông (chiếm 42,68% trong tổng số vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn tỉnh). Lực lượng Cảnh sát giao thông đã phối hợp điều tra 188 vụ tội phạm vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ do xe mô tô, xe gắn máy gây ra5. Các vụ tai nạn giao thông đều được phát hiện và xử lý kịp thời, đúng người đúng tội, đến thời điểm hiện nay chưa có vụ nào để phát sinh khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân, các đối tượng bị xử lý đều được dư luận quan tâm đồng tình.

Thứ sáu, phối hợp với các lực lượng có liên quan trong phòng ngừa tội phạm vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ do người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy gây ra trên các tuyến quốc lộ. Phối hợp trong kiểm tra, khảo sát về hạ tầng, tổ chức giao thông. Trên cơ sở tham gia quan hệ phối hợp với Chi Cục quản lý đường bộ III, Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở Giao thông vận tải… lực lượng Cảnh sát giao thông đã cùng với các chủ thể này trong việc phát hiện những hạn chế, bất cập về hạ tầng giao thông trên các tuyến giao thông trọng điểm của tỉnh (trong đó có quốc lộ 1), kịp thời có 8 công văn kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức khắc phục những hạn chế trên các tuyến đường. Phối hợp với cơ quan báo chí, Đài phát thanh và truyền hình, Đài truyền thanh tổ chức đăng 5.532 tin và xây dựng 324 phóng sự tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông; phối hợp với Công an xã, phường, thị trấn tổ chức 2.843 buổi tuyên truyền với 656.402 lượt người tham gia, trong đó có 531.837 người điều khiển xe mô tô, gắn máy6

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong hoạt động phòng ngừa tội phạm vi phạm quy định về trật tự giao thông đường bộ do xe mô tô, gắn máy gây ra trên các tuyến quốc lộ của lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bình Định trong thời gian qua cho thấy, vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế cần phải được nhìn nhận và sớm đề ra các biện pháp khắc phục.

Công tác tham mưu vẫn tập trung vào thực hiện các đợt cao điểm trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông mà chưa quan tâm thực hiện thường xuyên; công tác tuyên truyền, vận động quần chúng vẫn còn chậm đổi mới, chưa sát hợp với tình hình thực tiễn và chưa thật sự huy động được sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa; quá trình thanh tra, kiểm soát và xử lý vi phạm còn thiếu kiên quyết, chưa xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật; công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông trong nhiều trường hợp vẫn còn chậm, chưa kịp thời tổ chức lực lượng đến nơi xảy ra các vụ tai nạn giao thông mà chủ yếu vẫn do lực lượng Công an cấp xã tổ chức bảo vệ hiện trường trước khi lực lượng Cảnh sát giao thông đến xử lý. Ngoài ra, khi thực hiện hoạt động phòng ngừa, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bình Định vẫn chưa phối hợp tốt với các chủ thể, nhiều nội dung chưa nhận được sự tham gia tích cực của các lực lượng có liên quan.

Một số giải pháp trong thời gian tới

Để nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ do người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy gây ra trên các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh Bình Định, thời gian tới, lực lượng Cảnh sát giao thông cần chú ý thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, tham mưu cho Ban Giám đốc Công an tỉnh, Ban chỉ huy Công an cấp huyện trong việc tổ chức sơ kết, tổng kết về công tác phòng ngừa tội phạm vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ do xe mô tô, gắn máy gây ra trên các tuyến quốc lộ nhằm tổ chức đánh giá những ưu điểm, những hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế, rút ra bài học kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa mà lực lượng Cảnh sát giao thông cũng như những chủ thể có liên quan đã thực hiện. Trên cơ sở đó, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bình Định cần tham mưu trong việc khen thưởng và xử lý kịp thời đối với từng trường hợp cụ thể.

Hai là, phân công, sắp xếp hợp lý đối với cán bộ, chiến sĩ làm công tác phòng ngừa tai nạn giao thông và nâng cao trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ chiến sĩ Cảnh sát giao thông. Rà soát, nắm chắc tình hình về việc phân công, sắp xếp việc thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm trật tự an toàn giao thông và việc thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa nói riêng. Trên cơ sở này, lãnh đạo, chỉ huy của lực lượng Cảnh sát giao thông phải xác định được nhu cầu ở các bộ phận để có kế hoạch phân công, bố trí cho phù hợp.

Tăng cường thực hiện công tác kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nhất là đối với việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tội phạm vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ do xe mô tô, xe gắn máy gây ra trên các tuyến quốc lộ, chú ý phát hiện những vấn đề hạn chế, thiếu sót, nguyên nhân của những hạn chế, thiếu sót để tìm ra giải pháp khắc phục kịp thời nhưng cũng phải luôn chú ý đến việc tìm ra những cách làm hay, những cách làm sáng tạo trong thực hiện công tác phòng ngừa tội phạm vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ do xe mô tô, xe gắn máy gây ra trên các tuyến quốc lộ để kịp thời động viên, khen thưởng và có biện pháp nhân rộng cho phù hợp. Trong đó, cần chú ý đến việc dựa trên kết quả kiểm tra, giám sát để phân công và bố trí công tác đối với việc thực hiện nhiệm vụ của từng đồng chí cho phù hợp.

Ba là, đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bình Định mà trực tiếp là Phòng Cảnh sát giao thông cần chủ động quan hệ phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình, cơ quan báo chí của tỉnh; Đội Cảnh sát giao thông, trật tự cơ động Công an cấp huyện cần chủ động quan hệ phối hợp với Đài Phát thanh của huyện, thành phố, thị xã tiến hành xây dựng các bản tin tuyên truyền về bảo đảm trật tự an toàn giao thông và phòng ngừa tội phạm vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ do xe mô tô, gắn máy gây ra trên các tuyến quốc lộ nói riêng. Khi tổ chức tuyên truyền trực tiếp, lực lượng Cảnh sát giao thông phải chú ý đến các hình thức trực quan sinh động, tránh việc tuyên truyền mang tính chất hình thức ở một số nơi hiện nay.

Đổi mới công tác xây dựng các mô hình vận động quần chúng tham gia phòng ngừa tội phạm vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ do xe mô tô, gắn máy gây ra trên các tuyến quốc lộ, cần chú ý đến việc xây dựng các mô hình mới gắn với đặc điểm của từng đoạn đường cụ thể thuộc các tuyến quốc lộ, nhất là đoạn đường thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông, tội phạm vi phạm quy định về tham gia giao thông. Đặc biệt, lực lượng Cảnh sát giao thông cần tuyên truyền thông qua những mạng xã hội phổ biến,như: Facebook, Instagram, Zalo, Youtube, Lotus, Gapo… Lập các tài khoản công khai, xây dựng những trang cộng đồng (Fanpage) với nội dung tuyên truyền và hình ảnh sinh động sẽ giúp người dùng tiếp cận tốt hơn với thông tin.

Bốn là, huy động sự tham gia của các lực lượng có liên quan trong phòng ngừa tội phạm vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ do người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy gây ra trên các tuyến quốc lộ. Tập trung xây dựng quy chế phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát giao thông với các lực lượng trong và ngoài ngành Công an trong công tác phòng ngừa. Trong quy chế cần phải xác định rõ những chủ thể tham gia phối hợp, các cán bộ được phân công thực hiện quan hệ phối hợp, trách nhiệm của từng chủ thể trong thực hiện quan hệ phối hợp, cũng như nội dung, hình thức và phương pháp phối hợp, chế độ thông tin lẫn nhau trong thực hiện quan hệ phối hợp và những vấn đề phát sinh khi cùng thực hiện nhiệm vụ.

Thường xuyên tổ chức thông tin, trao đổi những vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ cụ thể của hoạt động phòng ngừa tội phạm vi phạm quy định về tham gia giao thông do xe mô tô, gắn máy gây ra trên các tuyến quốc lộ để kịp thời có biện pháp khắc phục. Mặt khác, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bình Định cần thường xuyên phối hợp với các lực lượng có liên quan trong tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện quan hệ phối hợp trong hoạt động phòng ngừa. Trên cơ sở đó, kịp thời thống nhất về biện pháp, nội dung thực hiện quan hệ phối hợp khi phát sinh những vấn đề mới.

Chú thích:
1,2,3,4,5,6. Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bình Định. Báo cáo tổng kết tình hình và kết quả công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong các năm 2019, 2020, 2021, 2022, 2023 của lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh Bình Định.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội năm 2023 của Cục Thống kê tỉnh Bình Định.
2. Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 25/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới.