PGS.TS. Nguyễn Hữu Lập
Chu Xuân Đại Thắng
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Chủ tịch Hồ Chí Minh là danh nhân văn hóa kiệt xuất của thế giới, ở Người hội tụ đầy đủ những tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại, điển hình của nhân cách con người Việt Nam. Một trong những đặc trưng cơ bản của văn hóa Hồ Chí Minh đó là văn hóa ứng xử. Trong lần đầu tiên gặp chiến sĩ cộng sản Nguyễn Ái Quốc ở Mát-xcơ-va, nhà báo Liên Xô Ôxíp Manđenxtam đã dự cảm: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã toả ra một thứ văn hoá, không phải văn hoá Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hoá tương lai”1. Văn hóa ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành hình mẫu cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta học tập và làm theo, nhất là đối với thanh niên quân đội – lực lượng cơ bản, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.
Nội dung văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh
Nhân cách lớn và cuộc đời vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo nên lối ứng xử rất mẫu mực. Văn hóa ứng xử đó được biểu hiện toàn diện và hết sức sâu sắc thông qua các mối quan hệ với bản thân, với mọi người, với công việc và với thiên nhiên, cụ thể:
Một là, ứng xử với mình.
Bác Hồ ra đi tìm được cứu nước ngày 05/6/1911, trải qua hành trình 30 năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài, khi về nước lãnh đạo cách mạng, trở thành lãnh tụ của Đảng, của dân tộc nhưng Ngườiluôn canh cánh trong lòng nỗi niềm thương nước, thương dân, làm sao cho nước được độc lập, dân được tự do, đồng bào có cơm ăn, áo mặc, được học hành. Vì lý tưởng cao cả đó, Người lặng lẽ, kiên trì theo đuổi và thực hiện. Khi nói chuyện trước đồng bào trước khi sang Pháp ngày 30/5/1946, Người khẳng định: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo – là vì mục đích đó”2. Xuyên suốt cuộc đời của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh không màng đến danh lợi cá nhân, bởi lẽ cả cuộc đời Người là sự hiến dâng cho Nhân dân, cho dân tộc và nhân loại.
Hai là, ứng xử với mọi người.
Trong cách ứng xử với mọi người, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có thái độ trân quý, nhã nhặn, lịch thiệp nhưng nhất quán trong lời nói đi đôi với hành động, vừa bao dung, vừa đồng cảm, sẻ chia, vừa thấu hiểu. Ở Người luôn toát lên sự giản dị, tế nhị và khiêm nhường một cách vô cùng tự nhiên. Càng khiêm nhường, Người càng được kính trọng. Trong những năm tháng được sống và làm việc bên cạnh Bác Hồ, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã cảm nhận: “Bình sinh Hồ Chủ tịch là người rất giản dị, lão thực. Vĩ nhân, thật vĩ nhân bao giờ cũng giản dị, lão thực”3.
Trong cách ứng xử với người già, Người luôn nêu cao truyền thống kính già, tôn trọng và quan tâm đến sức khỏe, nhu cầu và mong muốn người già nêu gương cho con cháu. Với phụ nữ, Người luôn ân cần, chu đáo, tạo mọi điều kiện chăm lo để phụ nữ được bình đẳng với nam giới và giải phóng triệt để phụ nữ khỏi mọi áp bức, bóc lột và bất công. Với các cháu thiếu niên, nhi đồng, Người cũng luôn dành những tình cảm thương yêu, quý mến và chăm lo cho các cháu – lớp người là tương lai của dân tộc. Với bạn bè quốc tế, Người luôn ứng xử với tình cảm thủy chung, trước sau như một, như một người thân chân tình nhất, nên Người cũng nhận được từ bạn bè quốc tế niềm yêu thương quý trọng nhất. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Anh Giôn Gô-lan có nhận xét sau khi làm việc với Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Được gặp gỡ và nói chuyện với đồng chí Hồ Chí Minh là một ấn tượng không thể nào quên được. Đây là một con người vĩ đại nhưng không bao giờ tỏ ra mình là một con người vĩ đại. Mặc dầu có những trọng trách phải gánh vác, Người vẫn thân ái, nhiệt tình và sôi nổi làm cho bạn cảm thấy thoải mái”4.
Với đồng chí, đồng đội, Người luôn gần gũi, thẳng thắn, quan tâm, động viên, chia sẻ, lắng nghe, học hỏi và hướng dẫn tận tình, chu đáo, qua đó giúp mọi người tiến bộ, cống hiến hết sức cho cách mạng. Với tù binh, hàng binh, Hồ Chí Minh không phân biệt đối xử mà tôn trọng họ, quan tâm, động viên họ giác ngộ, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của Nhân dân Việt Nam.
Thứ ba, ứng xử với công việc.
Ở Hồ Chí Minh, say mê công việc, nhưng không phải làm việc một cách hấp tấp, vội vàng mà cần phải cẩn trọng trong từng loại việc cụ thể và tùy từng hoàn cảnh để làm việc một cách khoa học. Người thường xuyên nhắc nhở, yêu cầu cán bộ phải tự rèn luyện để có được lối ứng xử khoa học trong công việc. Ngoài ra, Người luôn nhất quán thể hiện nói đi đôi với làm, làm việc tận tâm và đến nơi đến chốn. Với tinh thần vị công, vong tư, trong quá trình hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh vì say mê và trách nhiệm với công việc mà quên đi hạnh phúc của bản thân mình. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rất rõ quan điểm này: “Suốt đời tôi hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”5.
Bốn là, ứng xử với thiên nhiên.
Dù ở đâu, làm gì, Hồ Chí Minh luôn thể hiện tình yêu thiên nhiên, chăm sóc, bảo vệ thiên nhiên, hòa mình với vạn vật xung quanh. Những năm tháng đi tìm đường cứu nước, dù phải làm thuê đủ mọi việc vất vả trên con tàu vượt đại dương, Người vẫn thường dậy thật sớm để xem mặt trời mọc, chờ mặt trời lên trên biển để có phút ngắm biển, ngắm trời, say mê trước cảnh hùng vĩ của thiên nhiên để tâm hồn vọng về quê hương đất nước. Dù phải làm đủ mọi nghề để kiếm sống và hoạt động cách mạng, Người vẫn tìm cách để đi thăm nhiều nơi, tìm hiểu tận mắt nhiều đất nước, nhiều dân tộc. Trở về Tổ quốc, hoạt động ở núi rừng Việt Bắc, Người tìm cho mình thú vui cùng cảnh vật thiên nhiên, hòa mình với thiên nhiên. Ngay cả trong thời gian chịu cảnh tù ngục dưới chế độ Tưởng Giới Thạch nhưng gông cùm, xiềng xích và bao thử thách khắc nghiệt vẫn không làm cho sự lạc quan, giao cảm với tự nhiên của người tù tự xưng là khách tiên thấy bi quan. Ngay trong Di chúc, Người vẫn không quên căn dặn mọi người: “Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào thì phải tốt cây ấy. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp”6.
Tình yêu thiên nhiên, trong đó có việc phát động phong trào trồng cây của Bác Hồ được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định: “Hồ Chí Minh rất quý trọng thiên nhiên… Phong cách trồng cây của Bác thể hiện một quan điểm triết lý về xã hội rất đẹp, rất hay là hòa quyện thiên thời, địa lợi, nhân hòa”7. Cách ứng xử thân thiện với thiên nhiên và môi trường là một nét đẹp của văn hóa ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thanh niên quân đội đẩy mạnh học tập và làm theo văn hóa ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Là một bộ phận của thanh niên Việt Nam, thanh niên quân đội có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong thực hiện xây dựng Quân đội vững mạnh, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Dưới sự quan tâm của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong cơ quan, đơn vị toàn quân, đại đa số thanh niên quân đội đã hình thành động cơ, thái độ, hành vi văn hóa ứng xử đúng đắn; cơ bản giữ vững và phát huy tốt phẩm chất, nhân cách người quân nhân cách mạng trong thời đại mới. Trong hoạt động quân sự, thanh niên quân đội luôn nỗ lực phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện nâng cao tri thức, hình thành thái độ, hành vi văn hóa ứng xử theo chuẩn mực văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ”. Đó là cách ứng xử chân thành, tự nhiên, gần gũi, chứa chan lòng yêu thương đồng bào, đồng chí, đồng đội; trước yêu cầu nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, thanh niên Quân đội sẵn sàng xả thân hy sinh vì hạnh phúc của Nhân dân, vì nghĩa vụ với Tổ quốc; sẵn sàng lên đường làm nghĩa vụ quốc tế. Bên cạnh đó, thanh niên Quân đội còn tích cực tham gia vào nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống cháy nổ, cứu sập, các hoạt động bảo vệ môi trường, trồng cây xanh, vệ sinh phòng dịch… Những nét đẹp trong văn hóa ứng xử của thanh niên Quân đội đã góp phần tô thắm thêm văn hóa ứng xử “Bộ đội Cụ Hồ”, xứng đáng là lực lượng xung kích, đi đầu trong bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, trước sự phát triển của đời sống kinh tế – xã hội, nhất là trước sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình” mà trọng tâm trên lĩnh vực văn hóa – tư tưởng, nhằm làm phai nhạt tư tưởng, tình cảm của thanh niên Quân đội, hướng lái họ sang lối sống thực dụng, cá nhân chủ nghĩa, đề cao giá trị vật chất,… Mặt khác, trước tác động từ các tệ nạn xã hội, sự suy thoái về văn hóa, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; những sản phẩm phi văn hóa, phản văn hóa được truyền bá trên internet, mạng xã hội đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến suy nghĩ, lối sống, cách ứng xử của thanh niên Quân đội. Những tác động này làm xuất hiện những biểu hiện văn hóa ứng xử lệch chuẩn ở một số thanh niên Quân đội. Đáng chú ý, “việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chưa có nhiều đổi mới, sáng tạo”8; một bộ phận thanh niên quân đội có tư tưởng chỉ quan tâm đến hưởng thụ; có suy nghĩ thỏa mãn, dừng lại, phấn đấu cầm chừng, ngại rèn luyện; chưa tích cực trong thực hiện nhiệm vụ, chưa dám dấn thân vào những công việc khó, còn có trường hợp thanh niên Quân đội vi phạm pháp luật hà nước, kỷ luật Quân đội; chưa thấu cảm với môi trường sống, thiếu ý thức trong bảo vệ môi trường…
Một số giải pháp
Từ thực tế văn hóa ứng xử của thanh niên Quân đội hiện nay, việc nghiên cứu, tìm hiểu và đẩy mạnh học tập và làm theo văn hóa ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thanh niên quân đội có tính cấp thiết, để tiếp tục phát huy, làm cho văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” tỏa sáng. Do đó, cần tập trung thực hiện tốt những giải pháp sau:
Một là, thanh niên Quân đội cần thường xuyên nâng cao việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, năng lực của bản thân trên tinh thần ham học hỏi, cầu tiến bộ.
Đây là giải pháp quan trọng, quyết định đến chất lượng, hiệu quả việc học tập và làm theo văn hóa ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh của thanh niên Quân đội, đồng thời là nền tảng để thực hiện các giải pháp khác. Bởi, chỉ có ứng xử tốt với bản thân thì mỗi thanh niên Quân đội mới có thể ứng xử tốt với mọi người, với công việc, thiên nhiên môi trường. Do đó, mỗi thanh niên Quân đội cần đề cao việc rèn luyện tu dưỡng phẩm chất đạo đức, lối sống; thực hiện cần, kiệm, liêm, chính; sống có trách nhiệm với bản thân, luôn giữ vững tinh thần lạc quan cách mạng, không giao động trước bất kỳ khó khăn thử thách để “Giàu sang không thể quyến rũ. Nghèo khó không thể chuyển lay. Uy lực không thể khuất phục”9.
Có tinh thần tự phê bình, cầu tiến; không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn công tác, tích cực rèn luyện phương pháp, tác phong làm việc khoa học. Có dũng khí để chống lại những hành vi, biểu hiện phi văn hóa với tinh thần. Đòi hỏi việc tu dưỡng, rèn luyện của thanh niên Quân đội phải được thực hiện mọi lúc, mọi nơi trong học tập, sinh hoạt, công tác, trong mọi mối quan hệ; kết hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn giữa “xây” và “chống” trong tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao phẩm chất và năng lực.
Hai là, yêu thương đồng đội, gắn bó với Nhân dân, sống có trách nhiệm với gia đình và xã hội.
Đây là giải pháp nhằm giúp thanh niên Quân đội nâng cao thái độ, hành vi đúng đắn, tốt đẹp trong giải quyết các mối quan hệ. Thông qua các mối quan hệ này giúp cho thanh niên Quân đội lan tỏa giá trị văn hóa ứng xử đến với mọi người, đồng thời, từ các mối quan hệ này giúp thanh niên Quân đội có điều kiện học tập lối giao tiếp, ứng xử đẹp để hoàn thiện, phát triển văn hóa ứng xử của bản thân. Muốn vậy, trong mối quan hệ đồng chí đồng đội, mỗi thanh niên quân đội cần phải luôn có ý thức tôn trọng, yêu thương, đoàn kết, chia sẻ giúp đỡ nhau; chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của Quân đội, các quy định của cơ quan, đơn vị. Với cán bộ, cấp trên là những người không chỉ quản lý, truyền thụ kiến thức, hiểu biết mà quan trọng hơn còn truyền thụ cho thanh niên Quân đội lối sống phù hợp với chuẩn mực của xã hội; do đó, mỗi thanh niên Quân đội phải có thái độ “tôn sư, trọng đạo”, tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên.
Trong ứng xử với những người trong gia đình, thanh niên Quân đội cần tôn trọng, thương yêu, gần gũi, chia sẻ, động viên, gánh vác những phần việc quan trọng, nặng nhọc… Trong ứng xử với Nhân dân, phải kính trọng người lớn tuổi, tôn trọng phụ nữ, yêu thương trẻ em; thực hiện học dân, hiểu dân, gần dân, gắn bó mật thiết với Nhân dân, dựa vào dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.
Ba là, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, phấn đấu hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.
Đây là giải pháp quan trọng, thể hiện văn hóa ứng xử của thanh niên Quân đội với công việc. Theo đó, thanh niên Quân đội cần phấn đấu, nỗ lực luôn đi đầu, xung kích trong mọi nhiệm vụ, phần việc được giao, nhất là những việc khó, khi nhận bất cứ nhiệm vụ nào đều thi hành nhanh chóng, chính xác và hiệu quả; luôn có tinh thần “7 dám”: “Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung”. Đồng thời, là những người trực tiếp thực hiện mọi nhiệm vụ trong hoạt động môi trường quân sự đặc thù, luôn đòi hỏi sự sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, vì Nhân dân, thanh niên Quân đội phải luôn tích cực trong thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng nền nếp chính quy; tích cực lao động sản xuất; thực hiện tốt công tác dân vận, đi đầu trong xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; tham gia phối hợp chặt chẽ với các địa phương trên địa bàn đóng quân, tích cực xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế – xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; tích cực thực hiện tốt nghĩa vụ quốc tế, tham gia hiệu quả hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc khi được phân công.
Bên cạnh đó, thanh niên Quân đội còn phải nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, tích cực đấu tranh với những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong mọi công việc, thanh niên Quân đội phải thấm nhuần tinh thần đặt lợi ích của Tổ quốc, của Đảng, Quân đội, Nhân dân lên trước hết, trên hết và theoquan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”.
Bốn là, ứng xử đúng đắn, hài hòa, có trách nhiệm với thiên nhiên và môi trường sống.
Đây là giải pháp không thể thiếu góp phần hoàn thiện văn hóa ứng xử của thanh niên Quân đội. Ứng xử với thiên nhiên, môi trường sống của thanh niên Quân đội trước hết được biểu hiện qua thái độ, hành vi của họ đối với tài sản, vật chất của Nhà nước, Nhân dân. Theo đó, thanh niên Quân đội phải có ý thức, trách nhiệm trong bảo quản, giữ gìn cơ sở vật chất, vũ khí trang bị, không được để mất mát, hư hỏng, thực hành tiết kiệm của công, không lãng phí. Bên cạnh đó, phải luôn có ý thức xây dựng, bảo vệ, chăm sóc cảnh quan môi trường; thường xuyên dọn vệ sinh, củng cố doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp.
Ngoài ra, thanh niên Quân đội cần phải đi đầu trong tham gia có hiệu quả vào việc xây dựng thao trường bãi tập, nhà ở, nhà ăn, khuôn viên doanh trại và luôn nêu cao trách nhiệm bảo vệ môi trường sống, vì môi trường sống trong sạch và chủ động phòng, chống phát sinh dịch, bệnh. Ở các địa bàn xảy ra thảm họa do thiên tai, cháy nổ, khi có tình huống xảy ra thì thanh niên Quân đội cầnnhanh chóng báo cáo với cấp trên, đồng thời sẵn sàng xung kích, dũng cảm xông pha vào nơi nguy hiểm, nhận và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Kết luận
Văn hóa ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất tinh tế, sâu sắc và trở thành hình mẫu cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta học tập và làm theo. Với thanh niên Quân đội hiện nay, học tập và làm theo văn hóa ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa cấp thiết, cần phải được thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ, chặt chẽ ở mọi cơ quan, đơn vị trong toàn quân. Việc làm này là trách nhiệm của mọi tổ chức, lực lượng trong cơ quan, đơn vị Quân đội, nhưng trách nhiệm của mỗi thanh niên có ý nghĩa quyết định. Theo đó, mỗi thanh niên Quân đội phải tự giác, chủ động, tích cực học tập và làm theo văn hóa ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh và không ngừng lan tỏa giá trị đó, góp phần xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.