Nam Định đẩy mạnh thu hút đầu tư tạo bứt phá trong phát triển kinh tế – xã hội hiện nay

TS. Hoàng Đình Trung
Liên đoàn Lao động tỉnh Nam Định

(Quanlynhanuoc.vn) – Đẩy mạnh thu hút đầu tư tạo bứt phá trong phát triển kinh tế – xã hội là nội dung, biện pháp quan trọng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Nam Định để tận dụng tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực phát triển, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của Nhân dân, đưa Nam Định trở thành tỉnh khá của cả nước. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đó, tỉnh Nam Định đề ra những chủ trương, biện pháp mang tính đột phá, đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là doanh nghiệp, nhà đầu tư có tiềm năng, lợi thế ở khu vực và thế giới.
Ảnh minh hoạ: stttt.namdinh.gov.vn.
Nam Định đẩy mạnh thu hút đầu tư, từng bước tạo bứt phá trong phát triển kinh tế – xã hội

Nam Định có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để đẩy mạnh thu hút đầu tư, từng bước tạo bứt phá trong phát triển kinh tế – xã hội. Nam Định được mệnh danh là vùng đất học, với tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp, đại học đứng ở top đầu cả nước. Từ năm học 2010 – 2012 đến năm học 2022 – 2023, Nam Định có 938 học sinh đạt giải kỳ thi học sinh giỏi THPT quốc gia (trong đó 45 giải nhất, 315 giải nhì, 356 giải ba, 267 giải khuyến khích); 23 học sinh đoạt giải Olympic quốc tế (4 huy chương vàng, 4 huy chương bạc, 14 huy chương đồng, 1 bằng khen); có 32 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, năm 2022, tỉnh tuyển sinh đào tạo nghề được 35.200 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75,5%; tạo việc làm cho khoảng gần 32 nghìn người1.

Toàn tỉnh có trên 1 triệu lao động, trong đó có 356,3 nghìn người làm việc trong ngành nông, lâm, thuỷ sản chiếm (34,15%), 396,7 nghìn người làm việc trong ngành công nghiệp, xây dựng chiếm (38,02%) và 290,3 nghìn người làm việc trong lĩnh vực dịch vụ chiếm (27,83%)2.

Tỉnh có gần 1.400 di tích lịch sử văn hóa, 2 di tích quốc gia đặc biệt, 314 di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh, 10 di sản văn hóa phi vật thể được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia3.

Hệ thống giao thông, kết cấu hạ tầng của tỉnh tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ và hiện đại, kết nối với nhiều tỉnh, thành phố lân cận và xuất khẩu hàng hoá thông qua đường cao tốc, cảng biển; cùng với đó tỉnh đang triển khai tổ chức thực hiện tuyến đường trục phát triển kinh tế biển nối với đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình; bên cạnh đó, tỉnh gồm có 3 huyện (Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Hải Hậu) với 80 xã, thị trấn, trong đó có 19 xã, thị trấn giáp biển; tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 727 km2, vùng bãi biển ngập mặt có diện tích trên 22.000 ha; đường bờ biển kéo dài 72 km và hệ thống sông Hồng, sông Đáy, sông Ninh Cơ chảy qua; nhiều khu, cụm công nghiệp có quy mô lớn, trọng tải hàng hóa cao, như: khu kinh tế Ninh Cơ, khu Công nghiệp dệt may Rạng Đông… rất thuận lợi cho vận chuyển hàng hoá, phát triển công nghiệp. Hệ thống dịch vụ cảng biển của tỉnh cũng có nhiều thuận lợi, có thể phục vụ tàu có trọng tải trên 3.000 tấn hoặc lớn lên.

Những năm vừa qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Nam Định đã có nhiều cơ chế, chính sách thuận lợi, thông thoáng để khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên của các tầng lớp nhân dân và kêu gọi các doanh nghiệp, doanh nhân ở trong nước và ngoài nước đầu tư vào các ngành, các lĩnh vực. Lãnh đạo tỉnh, sở, ban ngành tích cực, chủ động trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho môi trường đầu tư, kinh doanh phát triển, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.

Theo số liệu Ban quản lý các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, từ năm 2020 đến nay, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 156 dự án, với tổng số vốn đăng ký và bổ sung là 246,7 triệu USD và 107.596 tỷ đồng, tỉnh đang hướng đến mục tiêu thu hút đầu tư giai đoạn 2021 – 2022 trực tiếp từ nước ngoài khoảng trên 2,0 tỷ USD4.

Toàn tỉnh hiện có 666 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch và 387 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch lưu trú, 30 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, 249 cơ sở kinh doanh dịch vụ khác. Mỗi năm các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ lữ hành tiếp nhận, tổ chức từ 100 -200 đoàn du lịch trong nước và quốc tế5.

Kinh tế – xã hội của tỉnh Nam Định cũng đã có nhiều khởi sắc, năm 2022, tốc độ tăng trưởng đạt 9,07%; khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 3,90%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 13,11%; khu vực dịch vụ tăng 7,47%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 6,10%; sản xuất đồ uống tăng 11,25%. Đầu tư xây dựng năm 2022 ước đạt 48.720 tỷ đồng, tăng 16,5%, trong đó vốn nhà nước là 8.151 tỷ đồng, tăng 3,3%; vốn ngoài nhà nước là 36.224 tỷ đồng, tăng 19,9%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là 4.344 tỷ đồng, tăng 13,8%… Thu nhập bình quân đầu người/tháng đạt 5.100 nghìn đồng, tăng 15,6 % so với năm 2021, trong đó khu vực thành thị là 6.495 nghìn đồng, tăng 16,2%, khu vực nông thôn 4.957 nghìn đồng, tăng 15,0%6.

Bên cạnh kết quả đã đạt được tạo ra những bứt phá trong phát triển kinh tế – xã hội, Nam Định vẫn còn một số hạn chế như: một số cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương nhận thức chưa sâu sắc tầm quan trọng của các nguồn lực tự nhiên, xã hội vốn có để lãnh đạo, chỉ đạo, tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển vươn lên; một số cơ chế, chính sách, thủ tục trong thu hút đầu tư còn rườm rà, phức tạp, chưa tạo động lực mạnh mẽ để người dân, doanh nghiệp tham gia cùng với chính quyền địa phương trong khai thác, sử dụng các nguồn lực trong phát triển kinh tế – xã hội; một số công trình, dự án còn chậm tiến độ, hiệu quả đầu tư chưa cao, chưa mang tính ổn định, bền vững.

Nguồn lao động có tay nghề kỹ thuật cao, những chuyên gia khoa học, kinh tế, giáo dục, đào tạo làm việc ở tỉnh còn ít. Ứng dụng khoa học – công nghệ ở một số lĩnh vực, ngành nghề còn thấp, nhất là ở các huyện ven biển, nuôi trồng đánh bắt thuỷ hải sản chưa có kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc. Vì vậy, hiệu quả kinh tế đem lại chưa cao, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa khu vực thành thị và nông thôn đang có xu hướng gia tăng, đời sống của một bộ phận người dân, nhất là công nhân còn nhiều khó khăn.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định: “Tiếp tục khơi dậy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, huy động và sử dụng mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực con người để xây dựng tỉnh Nam Định phát triển nhanh và bền vững… phấn đấu đến năm 2030, Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước”7. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đó, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Nam Định hành động mạnh mẽ, quyết liệt, đề ra hệ thống các giải pháp cụ thể, thiết thực cho từng ngành, lĩnh vực để khơi dậy tiềm năng, thế mạnh trong Nhân dân, từng bước đưa nghị quyết của Đảng bộ tỉnh trở thành hiện thực sinh động trong thực tiễn cuộc sống.

Một số biện pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư tạo bứt phá trong phát triển kinh tế – xã hội ở tỉnh Nam Định

Một là, tiếp tục rà soát các văn bản có liên quan đến phát triển kinh tế – xã hội theo hướng gọn, thống nhất, hiệu quả.

Các văn bản, quy định hướng dẫn của Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân, sở, ban, ngành về phát triển kinh tế – xã hội có ý nghĩa rất quan trọng để tạo bứt phá trong khơi dậy các nguồn lực, đặc biệt là thu hút đầu tư trong và ngoài nước trên địa bàn tỉnh Nam Định hiện nay và thời gian tới. Trên cơ sở các văn bản, quy định, hướng dẫn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ban, ngành của trung ương, lãnh đạo tỉnh Nam Định cụ thể hóa vào đặc điểm tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ vào từng khu vực, địa bàn ứng với các ngành, lĩnh vực để có sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, đánh thức, khơi dậy tiềm năng, lợi thế sẵn có, đẩy nhanh, mạnh hơn nữa phát triển kinh tế – xã hội.

Cần tổ chức phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các sở, ban, ngành, địa phương rà soát, đánh giá, tham mưu, đề xuất để điều chỉnh, bổ sung, thay thế văn bản cũ, bằng văn bản mới theo hướng có lợi cho người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư; tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát cấp dưới thực hiện chủ trương, biện pháp, kế hoạch của cấp trên, nếu phát hiện sai phạm, như: ban hành quy định không đúng với đường lối, chủ trương của tỉnh, cần xử lý nghiêm túc theo quy định của pháp luật về trách nhiệm của người đứng đầu; các văn bản, quy định khi được ban hành phải ngắn gọn, dễ thực hiện, không rườm rà, phức tạp; quy định rõ trách nhiệm của người thực hiện; ngăn chặn lợi ích nhóm, chủ nghĩa cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ; người đứng đầu sở, ban, ngành, địa phương chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về những khuyết điểm, hạn chế, yếu kém trong phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; khi cơ quan, địa phương để xảy ra sai phạm trong thực hiện các dự án, chương trình, kế hoạch gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, Nhân dân kiên quyết xử lý, không thể rút kinh nghiệm hay nhắc nhở mà có cơ chế, biện pháp cụ thể.

Hai là, chú trọng phát triển những ngành, lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm có khả năng thu hút đầu tư tạo bứt phá trong phát triển kinh tế – xã hội.

Hiện nay, một số ngành, lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm của tỉnh được xác định là: ngành cơ khí, điện, điển tử; phát triển du lịch; phát triển kinh tế biển; công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Đây là những ngành, lĩnh vực có khả năng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhà đầu tư trong và ngoài nước, đem lại thu nhập, lợi nhuận cao, giải quyết việc làm cho người lao động.

Những ngành, lĩnh vực đã được xác định là trọng tâm, trọng điểm, mũi nhọn của tỉnh cần tập trung ưu tiên mọi nguồn lực, xác định kế hoạch hợp tác đầu tư rõ ràng, đầy đủ bao gồm về thời gian, tiến độ, chất lượng và trách nhiệm của các bên nếu để xảy ra sai phạm ảnh hưởng đến chất lượng công trình, dự án khi đi vào hoạt động.

Ba là, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh phát triển khoa học – công nghệ, giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Nam Định.

Giáo dục và đào tạo cùng với khoa học – công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước8. Theo đó, tỉnh Nam Định cần tăng cường việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có chính sách thu hút, trọng dụng người có đức, tài về làm việc cho tỉnh; phân công, bố trí, sắp xếp những người có năng lực, trình độ chuyên môn công tác đảm nhiệm những lĩnh vực, ngành nghề theo đúng năng lực, chuyên môn, sở trường.

Chú trọng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học – công nghệ; rà soát đánh giá một cách căn cơ hệ thống giáo dục nghề nghiệp, đại học trên địa bàn tỉnh để sắp xếp, tổ chức bộ máy hoạt động tinh, gọn, mạnh, đào tạo những ngành, lĩnh vực mà thị trường lao động đang cần, đang thiếu, lao động lành nghề có tay nghề kỹ thuật cao, tiếp cận nhanh khoa học – công nghệ; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học tiếp cận với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong đào tạo nguồn nhân lực; bảo đảm sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp; mở rộng nội dung, chương trình giáo dục – đào tạo với các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn sau khi hoàn thành khoa học trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao trong phát triển kinh tế – xã hội, tư vấn, thiết kế xây dựng công trình trọng điểm thực sự là mũi nhọn, thế mạnh của tỉnh.

Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng cơ sở nghiên cứu khoa học ở các trường đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện các chính sách xã hội, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại; đầu tư thích đáng cho phát triển khoa học – công nghệ, đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các viện nghiên cứu về mô hình, cách thức, phương pháp trong quản lý, điều hành, giải quyết nhiệm vụ cho người dân và doanh nghiệp một cách hữu ích, phù hợp và hiệu quả nhất; định kỳ tổ chức đánh giá sơ kết, tổng kết việc đào tạo nguồn nhân lực, phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học – công nghệ trên địa bàn tỉnh.

Bốn là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, trách nhiệm của người đứng đầu sở, ban, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội.

Để tạo bứt phá trong thu hút đầu tư nhằm mục đích phát triển kinh tế – xã hội ở tỉnh Nam Định, vấn đề cơ bản, then chốt vẫn là con người. Nguồn lực tự nhiên, xã hội dù có dồi dào, phong phú, đa dạng nhưng con người không tốt, không đặt lợi ích của tập thể, của Đảng lên trên hết, trước hết sẽ không phục vụ hữu ích cho sự phát triển chung của tỉnh, thậm trí còn chệch hướng. Theo đó, tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng, quản lý nhà nước đối với các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội, thu hút đầu tư nước ngoài, tạo bước đột phá trên các mặt, lĩnh vực phục vụ đời sống Nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Phát huy vai trò của Nhân dân tham gia giám sát, phản biện các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội ở các địa phương; Nhân dân có quyền bày tỏ chính kiến, nguyện vọng khi có công trình, dự án triển khai xây dựng trên địa bàn nhưng không bảo đảm về chất lượng, ô nhiễm môi trường, cản trở hoạt động lao động sản xuất của người dân; hơn bao giờ hết, người đứng đầu sở, ban, ngành, địa phương phát huy tính tiền phong gương mẫu của người cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có trình độ, năng lực, sự hiểu biết cùng với lãnh đạo tỉnh tham mưu, đề xuất thực hiện giải pháp hiệu quả, phù hợp trong hợp tác đầu tư từng bước tạo bứt phá về phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững.

Chú thích:
1,2. Nam Định coi trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng thị trường lao động. https://vietnamhoinhap.vn, ngày 30/8/2023.
3. Nam Định: Tiếp tục khơi dậy và phát huy nguồn lực văn hóa, thúc đẩy quá trình phát triển toàn diện và bền vững. https://tapchicongsan.org.vn, ngày 28/5/2023.
4. Nam Định đột phá trong thu hút đầu tư. https://stttt.namdinh.gov.vn, ngày 06/9/2023.
5. Nam Định đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch bền vững https://vietnamtourism.gov.vn, ngày 09/6/2021.
6. Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tỉnh Nam Định. https://www.namdinh.gso.gov.vn, ngày 28/12/2022.
7. Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX (nhiệm kỳ 2020 – 2025). https://baonamdinh.vn, ngày 19/8/2025.
8. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 136.