Bồi dưỡng động cơ nghề nghiệp cho cán bộ cấp phân đội mới tốt nghiệp ra trường ở các đơn vị cơ sở quân đội

Vũ Phú Dũng
Tổng Cục chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam
Phạm Đại Nghĩa
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Động cơ nghề nghiệp là yếu tố quan trọng tác động trực tiếp đến quá trình hình thành và phát triển phẩm chất nghề nghiệp của cán bộ cấp phân đội ở các đơn vị cơ sở trong quân đội hiện nay. Bài viết đề cập các giải pháp nhằm bồi dưỡng động cơ nghề nghiệp cho cán bộ cấp phân đội mới tốt nghiệp ra trường ở các đơn vị cơ sở quân đội.
Ảnh minh họa (qdnd.vn).
Đặt vấn đề

Động cơ nghề nghiệp là yếu tố cần thiết để con người thực hiện tốt mục tiêu nghề nghiệp đã xác định. Khi tham gia hoạt động nghề nghiệp, con người phải sử dụng những tri thức, kỹ năng, kỹ xảo và kinh nghiệm mà họ đã được tích lũy nhằm tạo ra sản phẩm và nâng cao trình độ của bản thân đáp ứng yêu cầu của nghề nghiệp. Để tiến hành hoạt động nghề nghiệp có định hướng, đạt hiệu quả, con người phải hình thành những động cơ và mục đích nghề nghiệp thúc đẩy, chi phối quá trình lao động của mình. Trong đó, động cơ nghề nghiệp là đối tượng thỏa mãn nhu cầu được con người phản ánh, trở thành lý do thúc đẩy, định hướng họ lựa chọn, chiếm lĩnh và tham gia vào một lĩnh vực nghề nghiệp cụ thể nhằm đạt được đối tượng đó.

Đối với lĩnh vực nghề nghiệp quân sự, động cơ là bộ phận của xu hướng, động cơ trong xu hướng nhân cách quân nhân chính là sự phản ánh, sự thể hiện nhu cầu của quân nhân. Động cơ nghề nghiệp của cán bộ cấp phân đội mới ra trường ở các đơn vị cơ sở trong quân đội hiện nay là sự ý thức cao về xu hướng nghề nghiệp, động lực thúc đẩy trực tiếp người cán bộ vượt qua những khó khăn, hiểm nguy của môi trường làm việc quân sự đặc thù, nỗ lực học tập để hoàn thiện bản thân mình đáp ứng được yêu cầu nghề nghiệp đặt ra.

Biểu hiện động cơ nghề nghiệp của cán bộ cấp phân đội mới tốt nghiệp ra trường ở các đơn vị cơ sở trong quân đội

Thứ nhất, mong muốn có nghề nghiệp ổn định, bảo đảm cuộc sống vật chất của cá nhân sau này.

Cán bộ cấp phân đội mới ra trường là đối tượng đã qua đào tạo tại các nhà trường quân đội nên họ có sự trưởng thành nhất định về mặt nhân cách và có yêu cầu chuẩn bị cho tương lai của bản thân và gia đình. Tuổi đời của đối tượng này dao động từ 23 – 28 tuổi, đây là độ tuổi có sự ý thức về ổn định cuộc sống, công việc, vì thế khi họ nhận thức được khả năng thỏa mãn nhu cầu lao động, nhu cầu về việc làm, nhu cầu vật chất bảo đảm cho cuộc sống của chính nghề nghiệp quân sự trong tương lai, đồng thời tự nguyện theo đuổi nghề nghiệp đó thì “mong ước có nghề nghiệp ổn định, bảo đảm cuộc sống vật chất của cá nhân sau này” giữ vai trò là một động cơ thúc đẩy cán bộ nêu cao quyết tâm học tập, công tác.

Thứ hai, mong muốn đáp ứng được những kỳ vọng của gia đình, người thân.

Quá trình chuẩn bị cho cuộc sống của bản thân, cán bộ cấp phân đội luôn chịu tác động của các mối quan hệ xã hội, đặc biệt là các mối quan hệ với gia đình, người thân. Vì vậy, trong các hoạt động học tập, rèn luyện nâng cao phẩm chất, năng lực, trình độ và vị thế của cán bộ, gia đình, người thân luôn đặt kỳ vọng, mong mỏi họ sẽ trưởng thành, đạt thành tích cao trong cuộc sống, đồng thời thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện mọi mặt để họ thực hiện ước mơ, hoài bão của mình. Chính điều đó đã tạo ra ý thức trách nhiệm và mong muốn vươn lên đáp ứng thỏa mãn những mong mỏi, kỳ vọng của gia đình, người thân của cán bộ mới ra trường.

Thứ ba, mong muốn nâng cao trình độ học vấn, trình độ nghề nghiệp và vị trí công tác.

Đây là một trong những biểu hiện nổi bật trong động cơ nghề nghiệp của cán bộ cấp phân đội. Trước tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những đòi hỏi của xu hướng hội nhập, toàn cầu hóa như hiện nay, đặt ra yêu cầu cao cả về phẩm chất và năng lực đối với thanh niên. Là những thanh niên đã được đào tạo cơ bản trong các nhà trường quân đội, cán bộ cấp phân đội luôn mong muốn được tiếp tục nâng cao trình độ năng lực của mình nhằm chiếm lĩnh, làm chủ lĩnh vực công tác. Đối với hoạt động nghề nghiệp quân sự nhất là trên cương vị của người cán bộ cấp phân đội càng đặt ra yêu cầu đòi hỏi họ phải không ngừng nỗ lực học tập, rèn luyện nâng cao trình độ, tìm kiếm cơ hội thuận lợi để phát triển vị trí công tác của bản thân.

Thực tiễn ở các đơn vị cơ sở trong quân đội thời gian qua cho thấy, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong các đơn vị luôn quan tâm giáo dục, bồi dưỡng động cơ nghề nghiệp cho cán bộ mới tốt nghiệp ra trường với nhiều nội dung, hình thức đa dạng; tạo điều kiện tốt nhất để họ yên tâm công tác, tích cực học tập, rèn luyện, phấn đấu vươn lên. Thường xuyên rà soát, bổ sung quy hoạch, đề nghị tuyển chọn, tuyển dụng, tạo nguồn đào tạo, bồi dưỡng đúng nguyên tắc; sắp xếp, bổ nhiệm đúng chuyên môn, chuyên ngành đào tạo. Nhờ đó, đa số cán bộ cấp phân đội có lập trường tư tưởng, chính trị vững vàng, yên tâm công tác, gắn bó với con đường binh nghiệp; nhận thức đúng về nhiệm vụ, phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, luôn có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ nhất, sát cánh cùng bộ đội trong thực hiện nhiệm vụ, từng bước khẳng định vị trí, vai trò của mình trên các cương vị, chức trách được giao, được cấp trên tin tưởng bổ nhiệm chức vụ cao hơn.

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận cán bộ trẻ nhận thức giá trị nghề nghiệp quân sự chưa đầy đủ, ít quan tâm đến tích lũy tri thức, kinh nghiệm; chưa nỗ lực học tập, rèn luyện, thiếu tâm huyết, trách nhiệm trong công việc, còn so sánh thiệt hơn về môi trường, điều kiện công tác; chưa giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa cống hiến với hưởng thụ, đề cao lợi ích cá nhân, ngại khó, sợ khổ. Cá biệt có những biểu hiện giảm sút niềm tin, phai nhạt lý tưởng, ý thức tổ chức kỷ luật kém, sống buông thả,… dẫn đến vi phạm pháp luật, kỷ luật, không còn động cơ phục vụ lâu dài trong Quân đội. Nguyên nhân của hạn chế trên có cả khách quan và chủ quan, do tác động mặt trái của kinh tế thị trường; điều kiện hoàn cảnh gia đình; môi trường làm việc… Song, một phần trách nhiệm lớn thuộc về một số cấp ủy, chỉ huy chưa làm tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng động cơ nghề nghiệp cho cán bộ trẻ.

Một số giải pháp bồi dưỡng động cơ nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ cấp phân đội ở các đơn vị cơ sở quân đội hiện nay

Một là, phát huy vai trò nêu gương về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên ở các đơn vị cơ sở.

Đối với cán bộ cấp phân đội, nêu gương là một yêu cầu thuộc về phương pháp, tác phong, công tác của họ. Ở các đơn vị cơ sở trong quân đội hiện nay, nêu gương về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong công tác của cán bộ, đảng viên lại càng có ý nghĩa hơn. Bởi lẽ, cán bộ, đảng viên chính là mô hình nhân cách hiện thực mà từng cán bộ trẻ mới ra trường đang hướng tới. Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong công tác của cán bộ, đảng viên thường xuyên, trực tiếp tác động đến nhận thức, tình cảm, xu hướng nghề nghiệp, phong cách công tác của cán bộ trẻ sau này.

Trước hết, cần thường xuyên nêu cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, tình yêu nghề nghiệp và ý thức nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Cơ quan chính trị, cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp cần tiến hành thường xuyên, liên tục, bằng nhiều hình thức, biện pháp khác nhau để quán triệt, giáo dục cho cán bộ, đảng viên về tinh thần trách nhiệm, tình yêu nghề nghiệp và ý thức nêu gương trước cán bộ trẻ. Xác định nội dung bồi dưỡng và hình thức bồi dưỡng phải toàn diện và phù hợp với từng đối tượng. Tiếp tục tổ chức các lớp bồi dưỡng về phương pháp, tác phong công tác, kỹ năng sống, kỹ năng mềm cho cán bộ trẻ. Thực hiện cấp trên bồi dưỡng cho cấp dưới, hướng dẫn lực lượng nòng cốt để bồi dưỡng. Bồi dưỡng thông qua tham quan, thực tế, trao đổi, giao lưu giữa các đơn vị và các đơn vị kết nghĩa trên địa bàn đóng quân.

Cùng với đó, bản thân mỗi cán bộ trẻ phải có ý thức tự học tập, tự rèn luyện. Bởi lẽ, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, phương pháp, tác phong công tác không phải tự nhiên mà có, mà phải thông qua quá trình học tập, rèn luyện, phấn đấu, công tác thường xuyên, hằng ngày của từng cán bộ. Nó là biện pháp quan trọng, có tính chất quyết định, ảnh hưởng đến sự phát triển phẩm chất, năng lực của mỗi người.

Hai là, kết hợp chặt chẽ giữa đơn vị và gia đình, người thân trong bồi dưỡng động cơ nghề nghiệp cho cán bộ trẻ mới ra trường.

Động cơ nghề nghiệp của cán bộ trẻ mới ra trường chịu tác động không nhỏ từ kỳ vọng của gia đình và mong muốn của người thân. Vì vậy, quá trình bồi dưỡng động cơ nghề nghiệp, các chủ thể bồi dưỡng trong đơn vị cần chủ động giữ mối liên hệ chặt chẽ với gia đình, người thân của cán bộ trẻ. Ngay từ khi họ mới về đơn vị công tác, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần chỉ đạo nắm chắc lai lịch chính trị, cách thức liên hệ để phối hợp cùng theo dõi tình hình tư tưởng, ý thức, thái độ trách nhiệm của cán bộ trẻ; định kỳ thông báo cho người thân, gia đình cán bộ nắm được kết quả công tác, rèn luyện và hướng phấn đấu của từng cán bộ. Quá trình công tác tại đơn vị, chỉ huy đơn vị phải thường xuyên phối hợp với gia đình, người thân tổ chức giáo dục động cơ nghề nghiệp cho cán bộ trẻ trong các khoảng thời gian như giờ nghỉ, ngày nghỉ, các dịp lễ, tết… Đồng thời, thông qua các nguồn thông tin mà gia đình, người thân cung cấp để nắm chắc tình hình tư tưởng, thái độ của cán bộ, từ đó có biện pháp ngăn chặn kịp thời các biểu hiện suy nghĩ và hành động lệch lạc, không phù hợp với định hướng của đơn vị và kỳ vọng của gia đình.

Ba là, bảo đảm tốt điều kiện học tập, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ trẻ trong quá trình công tác tại đơn vị.

Quan tâm đời sống vật chất, tinh thần và bảo đảm tốt các điều kiện học tập cho cán bộ trẻ là giải pháp tạo nên tính đồng bộ, toàn diện góp phần phát triển động cơ nghề nghiệp của cán bộ trẻ mới tốt nghiệp ra trường hiện nay. Thực tế cho thấy cường độ công tác, rèn luyện của đối tượng cán bộ cấp phân đội là rất căng thẳng, liên tục bởi khối lượng công việc nhiều, gắn bó trực tiếp với công tác quản lý hạ sĩ quan, binh sĩ cũng như vũ khí, trang bị của đơn vị, nhưng thời gian để họ tiếp cận làm quen công việc là không nhiều. Do đó, nếu như không được bảo đảm tốt các điều kiện về vật chất và tinh thần thì không những chất lượng công tác, rèn luyện hạn chế mà việc phát triển động cơ nghề nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Các cơ quan chức năng trong đơn vị cần thường xuyên bảo đảm đầy đủ các chế độ, tiêu chuẩn quy định và những điều kiện phục vụ cho nhiệm vụ rèn luyện, công tác, sinh hoạt của cán bộ trẻ. Trong đó, cơ quan hậu cần – kỹ thuật hướng dẫn đơn vị thực hiện tốt chế độ dân chủ, công khai kinh tế, tài chính và các quyền lợi, giải đáp kịp thời những thắc mắc của cán bộ trẻ. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, quản lý chặt chẽ mọi cơ sở vật chất của đơn vị, đồng thời chủ động khắc phục khó khăn, củng cố xây dựng, mua sắm thêm các trang thiết bị mới, phục vụ ngày càng tốt hơn cho công tác và sinh hoạt của cán bộ trẻ. Chủ động ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật trong huấn luyện, không ngừng đổi mới cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật huấn luyện, nâng cao trình độ khai thác và sử dụng của đội ngũ cán bộ các cấp để phát huy được tối đa khả năng của các phương tiện đó. Quan tâm chăm lo đến điều kiện sinh hoạt, hoạt động, đời sống vật chất, tinh thần, phát triển thể chất, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ; đồng thời quản lý tốt các phương tiện, kỹ thuật phục vụ hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của đơn vị.

Cơ quan chính trị tiếp tục tham mưu cho Đảng ủy, chỉ huy đơn vị hoàn thiện cơ chế, chính sách về khen thưởng, xét phong quân hàm sau khi tốt nghiệp ra trường để khuyến khích cán bộ trẻ nỗ lực phấn đấu trong công tác và rèn luyện. Có thể thấy, cơ chế, chính sách có tác động không nhỏ đến động cơ hoạt động của người cán bộ nói chung, động cơ nghề nghiệp nói riêng. Cơ chế, chính sách đãi ngộ, khuyến khích phù hợp sẽ tạo đà cho sự phấn đấu ngay khi đang công tác tại đơn vị của mỗi cán bộ trẻ.

Bốn là, các chủ thể cần chú trọng bồi dưỡng phẩm chất, ý chí, nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn cho cán bộ trẻ mới tốt nghiệp.

Đây là biện pháp quan trọng để quá trình tự tu dưỡng, hình thành động cơ nghề nghiệp của cán bộ diễn ra và đạt kết quả cao. Phẩm chất ý chí là một trong những phẩm chất tốt đẹp trong nhân cách của cán bộ trẻ mới tốt nghiệp ra trường. Tự tu dưỡng, tự rèn luyện là quá trình diễn ra lâu dài, với nhiều khó khăn, phức tạp nảy sinh; đây là cuộc đấu tranh nội tâm gay gắt, có sự chi phối ảnh hưởng bởi nhu cầu, thói quen, lối sống của họ. Chỉ có ý chí mạnh và sự tích cực trong hoạt động thực tiễn mới giúp cán bộ trẻ vượt qua được khó khăn để đạt mục đích và tự phát triển, tiến tới hình thành động cơ nghề nghiệp của mình. Do vậy, việc bồi dưỡng ý chí cho cán bộ trẻ là công việc thường xuyên, liên tục của các chủ thể bồi dưỡng trong các đơn vị cơ sở ở Quân đội hiện nay.

Năm là, kết hợp chặt chẽ việc quản lý của các tổ chức, lực lượng trong đơn vị với việc tự quản, tự tu dưỡng, tự rèn luyện của cán bộ trẻ mới tốt nghiệp ra trường trong bồi dưỡng động cơ nghề nghiệp.

Ở các đơn vị cơ sở trong quân đội hiện nay, nhân cách của đội ngũ cán bộ, chỉ huy các cấp có ảnh hưởng rất lớn đến tính chủ động tích cực, tự học, tự rèn luyện của cán bộ trẻ. Tấm gương về đạo đức, nhân cách người thầy, người cán bộ là những hình mẫu trực quan sinh động về tính mô phạm để cán bộ trẻ mới tốt nghiệp ra trường học tập, rèn luyện và phấn đấu. Nên đội ngũ cán bộ, chỉ huy các cấp cần thể hiện tầm ảnh hưởng của mình đến việc tự bồi dưỡng động cơ nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ thuộc quyền nhất là cán bộ trẻ mới tốt nghiệp.

Trong thời gian qua, các chủ thể ở các đơn vị cơ sở trong toàn quân đã tiến hành nhiều nội dung, biện pháp nhằm bồi dưỡng động cơ nghề nghiệp của cán bộ cấp phân đội mới tốt nghiệp ra trường. Tuy nhiên, quá trình bồi dưỡng vẫn còn tồn tại những hạn chế, bất cập cả trong nhận thức và hành động của chủ thể bồi dưỡng cũng như đối tượng bồi dưỡng. Thực trạng đó phản ánh những thuận lợi, khó khăn của việc bồi dưỡng động cơ nghề nghiệp của cán bộ cấp phân đội mới tốt nghiệp ra trường và chỉ ra những yêu cầu căn bản cần phải tiến hành để bồi dưỡng động cơ nghề nghiệp cho đối tượng này trong thời gian tới.

Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
2. Tổng cục Chính trị Quân đội. Tài liệu nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025. H. NXB Quân đội nhân dân, 2020.
3. Công văn số 1323/TC-ĐV ngày 18/10/2019 của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam về việc nâng cao chất lượng công tác kết nạp, quản lý, rèn luyện đảng viên.
4. Đặng Quốc Thành. Động cơ công tác của cán bộ trẻ ở các nhà trường quân sự. Tạp chí Tâm lý học, số 8, 2008.