Các yếu tố tác động vào việc định hướng nghề của sinh viên trong môi trường chuyển đổi số – nghiên cứu trường hợp Trường Đại học Nguyễn Tất Thành

ThS. Lê Ngọc Hải
Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, TP. Hồ Chí Minh
(Quanlynhanuoc.vn) – Chuyển đổi số cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và truyền thông đã tạo ra cơ hội và thách thức mới cho sinh viên trong việc nâng cao khả năng thích ứng hội nhập vào xã hội và thị trường lao động. Để thích ứng với xu thế chuyển đổi số này, sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cần không ngừng học hỏi, rèn luyện các phẩm chất để phù hợp với bối cảnh công nghệ và chuyển đổi số hiện nay.
Ảnh minh họa (ntt.edu.vn)
Đặt vấn đề

Trong môi trường chuyển đổi số như hiện nay, các tiêu chí mà doanh nghiệp cần và thường tuyển chọn ở sinh viên bao gồm: kiến thức, kỹ năng, thái độ (Knowledge – Skill – Attitude), trong đó kiến thức chuyên môn cần tương tác, mở rộng thêm và gắn liền với các thông tin về chuyển đổi số, kỹ năng sống và thái độ, sự cầu thị không ngừng học hỏi vươn lên là điều kiện rất quan trọng mà doanh nghiệp mong đợi.

Để đáp ứng về nhu cầu này, các trường đại học cần định hướng, đào tạo sinh viên  có các phẩm chất về năng lực số nhằm đáp ứng với yêu cầu việc làm phù hợp với thị trường lao động tương lai, qua đó, phát huy được sở trường của bản thân, hướng tới thành công trong nghề nghiệp đã lựa chọn. Bài viết nghiên cứu, đánh giá các yếu tố trong môi trường đại học tác động đến việc phát huy năng lực số của sinh viên, cũng như các điều kiện năng lực cần có của sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.

Phân tích các yếu tố tác động đến năng lực sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành

Qua kết quả khảo sát và phân tích số liệu trong khoảng thời gian từ ngày 15/11 – 25/11/2023 thông qua phương pháp khảo sát online đối với sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, với 66 mẫu tham gia khảo sát, trong đó khoa Marketing là 63 mẫu (chiếm 95,5%) và chủ yếu đến từ nhóm sinh viên khóa 2021 – 2025 (89,4%) và khóa 2022 – 2026 (10,6%).

Mô tả và kết quả nghiên cứu

Thông qua khảo sát thực tế, các yếu tố tác động đến định hướng nghề của sinh viên được thể hiện qua các biểu đồ dưới đây.

– Biểu đồ 1: Ngành học tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.

– Biểu đồ 2: Các yếu tố ảnh hưởng đến chuyển đổi số trong môi trường đại học.

– Biểu đồ 3: Các tác nhân làm cản trở sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tham gia quá trình chuyển đổi số.

– Biểu đồ 4: Yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến quá trình tham gia chuyển đổi số trong sinh viên.

– Biểu đồ 5: Các góp ý từ sinh viên về môi trường học tập để cải thiện năng lực số.

– Biểu đồ 6: Các yêu cầu về năng lực cần có của sinh viên để phát triển năng lực số

   

Qua khảo sát, sinh viên lựa chọn ngành học marketing chiếm đến 95,5% so với các ngành còn lại. Marketing là lĩnh vực chịu ảnh hưởng chính từ đối tượng là khách hàng, những người luôn mong muốn nhận được sự phục vụ tốt nhất từ các tổ chức, doanh nghiệp. Sự bùng nổ của công nghệ đã giúp ngành marketing cắt bỏ những khâu không cần thiết để dành thời gian tạo ra nội dung và chiến lược mà máy móc, công nghệ không thể thay thế. Do đó, sinh viên hiện nay lựa chọn ngành marketing rất nhiều do tính nhanh nhạy và thích ứng với chuyển đổi số của ngành rất cao, kích thích sự tìm tòi, sáng tạo, khám phá của người trẻ tuổi.

Qua khảo sát các yếu tố ảnh hưởng đến chuyển đổi số trong môi trường đại học, đánh giá từ môi trường thực tế tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho thấy, sinh viên chưa đánh giá cao về sự đóng góp của Trường vào quá trình chuyển đổi số khi chỉ có khoảng 10% câu trả lời là: “nhiều và rất nhiều”, trong khi có đến 63,6% có câu trả lời là: “trung bình” (Biểu đồ 2).

Tại khảo sát các yếu tố cản trở sinh viên tham gia vào quá trình chuyển đổi số trong hướng nghiệp tại Trường, nguyên nhân chủ yếu được đưa ra là do phần lớn các em chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của chuyển đổi số (48,5%), thiếu kiến thức (27,3%) và thiếu nguồn nhân lực hỗ trợ chuyển đổi số (19,7%) (Biểu đồ 3).

Trong các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia chuyển đổi số trong hướng nghiệp là các yếu tố đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động chiếm tỷ lệ cao nhất (72,7%), ngoài ra, chương trình đào tạo (36,4%) và đội ngũ giáo viên (39,4%) có ý nghĩa rất lớn trong việc định hướng sinh viên quan tâm, chú trọng đến việc tham gia chuyển đổi số (Biểu đồ 4).

Ngoài ra, khảo sát còn đưa ra các câu hỏi cho sinh viên để thu về các góp ý về Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cần có phương thức gì để cải thiện mức độ chuyển đổi số trong công tác hướng nghiệp cho sinh viên thì yếu tố tổ chức sự kiện giao lưu chiếm tỷ lệ cao nhất (72,7%), cập nhật chương trình đào tạo cho sinh viên đứng thứ 2 (chiếm 54,5%) (Biểu đồ 5). Về các yếu tố nào mà sinh viên cần trang bị để thích ứng với môi trường chuyển đổi số thì tư duy sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề chiếm tỷ lệ cao nhất (80,3%), yếu tố phổ cập về các yêu cầu về nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số lại chiếm tỷ lệ thấp nhất (1,5%) (Biểu đồ 6). Qua 2 biểu đồ thì các yếu tố được khảo sát là rất cần thiết để sinh viên tin tưởng vào định hướng nghề nghiệp mà nhà trường tư vấn, hướng nghiệp cho họ trong thời đại số chiếm ưu thế khi ra trường tìm việc làm.

Giải pháp nâng cao năng lực chuyển đổi số và định hướng nghề nghiệp cho sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành

Thứ nhất, các yếu tố hỗ trợ từ Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.

(1) Nhà trường cần đầu tư vào việc cung cấp các phòng thí nghiệm, phòng máy tính và phòng học được trang bị các thiết bị và công nghệ mới nhất để giúp sinh viên tiếp cận với các công cụ và phần mềm tiên tiến để phát triển kỹ năng số của mình. Tổ chức khóa học và buổi tập huấn về lập trình, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và quản lý dự án công nghệ để sinh viên có cơ hội học hỏi và rèn kỹ năng số của mình từ các chuyên gia trong ngành.

(2) Thiết kế chương trình học đa ngành nhằm kết hợp các kiến thức về công nghệ thông tin với lĩnh vực chuyên ngành khác, tạo ra môi trường thuận lợi để sinh viên tham gia vào các dự án nghiên cứu và phát triển công nghệ. Xây dựng cộng đồng học tập và chia sẻ về kỹ năng số, nơi sinh viên có thể gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau nhằm khuyến khích sự tương tác và hỗ trợ giữa các sinh viên trong việc phát triển năng lực số.

(3) Trường cần cung cấp tài liệu và tài nguyên trực tuyến miễn phí về công nghệ và kỹ năng số. Điều này có thể bao gồm sách điện tử, bài giảng video, bài viết hướng dẫn và các khóa học trực tuyến. Đồng thời, có thể xây dựng một thư viện kỹ thuật số chứa các tài liệu tham khảo và bài báo về các lĩnh vực liên quan đến công nghệ.

(4) Tạo cơ hội cho sinh viên tham gia vào các dự án thực tế liên quan đến công nghệ thông tin. Điều này giúp sinh viên áp dụng kiến thức đã học vào thực tế, phát triển kỹ năng làm việc nhóm và giải quyết vấn đề, cũng như tạo cơ hội tiếp cận đến doanh nghiệp và công ty công nghệ.

(5) Giảng viên có thể thiết kế các khóa học hoặc môn học tập trung vào năng lực số, bao gồm các khía cạnh, như: lập trình, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và công nghệ thông tin. Cung cấp cho sinh viên kiến thức và kỹ năng cần thiết để làm việc và phát triển trong môi trường số hóa. Tạo điều kiện cho sinh viên để tham gia vào các hoạt động tương tác, ví dụ như dự án nhóm, thảo luận trực tuyến, và nghiên cứu thực tế. Tư vấn và hướng dẫn cá nhân cho sinh viên để giúp họ phát triển năng lực số. Điều này có thể bao gồm thảo luận về lộ trình sự nghiệp, cung cấp phản hồi về khả năng công việc số của sinh viên và đề xuất các tài liệu học tập, khóa học trực tuyến hoặc nguồn tài nguyên khác để nâng cao kỹ năng số của sinh viên. Bên cạnh đó, giảng viên có thể tổ chức các buổi thảo luận, diễn đàn hoặc sự kiện có liên quan đến năng lực số để tạo cơ hội cho sinh viên gặp gỡ và trao đổi với các chuyên gia và người đam mê về lĩnh vực này. Đội ngũ giảng viên tạo ra một môi trường hỗ trợ và khuyến khích sinh viên trong việc phát triển năng lực số, điều này sẽ giúp sinh viên hướng tới tương lai công việc trong một thế giới ngày càng số hóa.

(6) Nhà trường cần cung cấp tài liệu học tập số chất lượng cao trong định dạng điện tử. Điều này giúp sinh viên dễ dàng truy cập và tìm kiếm thông tin từ bất kỳ đâu, bất kỳ khi nào. Xây dựng các khóa học trực tuyến về năng lực số và công nghệ thông tin. Điều này giúp sinh viên có thể học tập linh hoạt theo lịch trình riêng của họ và tìm hiểu về các khía cạnh khác nhau của năng lực số như lập trình, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, thiết kế giao diện người dùng và quản lý dự án. Tạo ra môi trường học tập kỹ thuật số để tạo ra một môi trường học tập kỹ thuật số hiện đại. Điều này bao gồm việc cung cấp truy cập internet nhanh chóng và ổn định trên toàn khuôn viên, cung cấp phòng học trang bị công nghệ cao và thiết bị di động cho sinh viên.

(7) Xây dựng mạng lưới và cộng đồng năng lực số trong trường, kết nối sinh viên với nhau và với các chuyên gia trong lĩnh vực. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc thành lập các câu lạc bộ, nhóm nghiên cứu, diễn đàn trực tuyến hoặc nền tảng xã hội dành riêng cho sinh viên quan tâm đến năng lực số.

Thứ hai, nâng cao phẩm chất năng lực định hướng nghề cho sinh viên. 

Về kiến thức chuyên môn. Sinh viên cần xác định rõ mục tiêu của mình trong lĩnh vực chuyên môn bằng cách tìm hiểu chương trình học, khóa học mà mình theo học. Lập kế hoạch và xây dựng lịch học hợp lý. Đọc và nghiên cứu chuyên đề; tham gia thực tập và dự án liên quan đến lĩnh vực chuyên môn; tham gia các khóa học và hội thảo liên quan về chuyên ngành mà mình học. Tham gia nhóm học tập hoặc nhóm thảo luận trực tuyến trong lĩnh vực chuyên môn, giao lưu, chia sẻ kiến thức và học hỏi từ những người có cùng quan tâm và đam mê. Thường xuyên kiểm tra và đánh giá năng lực của mình để biết mình đã đạt được những tiến bộ gì và điều chỉnh phương pháp học tập nếu cần thiết. Bên cạnh lý thuyết, thực hành vả trải nghiệm thực tiễn là chìa khóa để phát triển năng lực số và làm việc hiệu quả của sinh viên ngày nay. Áp dụng kiến thức chuyên môn vào thực tế, tham gia vào các dự án là chìa khóa để rèn kỹ năng và năng lực của mình.

Về kỹ năng mềm. Kỹ năng tự quản lý là khả năng xác định mục tiêu, lập kế hoạch và quản lý thời gian một cách hiệu quả. Sinh viên nên học cách ưu tiên công việc, tạo lịch làm việc hợp lý và tuân thủ nó, đồng thời bảo đảm cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân. Trong đó, kỹ năng giao tiếp hiệu quả là kỹ năng cần thiết để truyền đạt ý kiến, ý tưởng và thông tin một cách rõ ràng và dễ hiểu. Sinh viên cần rèn luyện kỹ năng nghe và nói, biết lắng nghe và hiểu ý kiến của người khác, đồng thời tự tin trong việc trình bày ý kiến của mình. Tiếp đến là kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng này sẽ tăng khả năng hợp tác và làm việc cùng nhau để đạt được mục tiêu chung. Kỹ năng giải quyết vấn đề là kỹ năng quan trong với mỗi sinh viên, giúp sinh viên tiếp cận và giải quyết vấn đề một cách có hệ thống và sáng tạo. Sinh viên nên học cách phân tích vấn đề, tìm ra các giải pháp khả thi và thực hiện chúng một cách có hiệu quả.

Bên cạnh đó, kỹ năng quản lý stress trong thời đại áp lực công việc luôn đè nặng là một kỹ năng mềm không thể thiếu. Quản lý stress là khả năng xử lý áp lực và căng thẳng một cách hiệu quả. Sinh viên nên học cách thư giãn, tạo ra môi trường làm việc thoải mái và biết cân bằng giữa công việc và thời gian nghỉ ngơi. Ngoài ra, kỹ năng kỹ thuật số, tự động hóa trong thời đại số hóa là rất quan trọng. Sinh viên nên nắm vững các công cụ và phần mềm công nghệ thông tin, biết sử dụng internet và tìm kiếm thông tin hiệu quả, và có kiến thức về các khái niệm cơ bản về công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo. Kỹ năng tự động hóa giúp sinh viên tối ưu hóa quá trình làm việc bằng cách áp dụng công nghệ và các công cụ tự động hóa. Sinh viên nên tìm hiểu về quy trình tự động hóa và cách áp dụng nó vào công việc để tăng hiệu quả và tiết kiệm thời gian.

Thứ ba, sinh viên cần ý thức về vai trò xã hội đối với định hướng nghề nghiệp của bản thân trong thời đại số.

Theo đó, sinh viên có thể tham gia các khóa học, tìm hiểu và sử dụng các công cụ, phần mềm và ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao khả năng làm việc với dữ liệu, xử lý thông tin và giải quyết vấn đề. Việc nắm vững kiến thức và kỹ năng số học, tin học, lập trình, và phân tích dữ liệu sẽ giúp sinh viên làm việc hiệu quả trong thế giới số hóa ngày càng phát triển. Tham gia vào dự án và hoạt động xã hội liên quan đến công nghệ và số hóa để tạo ra các ứng dụng, website, hoặc giải pháp công nghệ để giải quyết các vấn đề xã hội, hoặc tham gia vào các hoạt động tình nguyện như giảng dạy công nghệ cho cộng đồng, hỗ trợ kỹ thuật cho các tổ chức phi lợi nhuận và tham gia vào các nhóm nghiên cứu và dự án về công nghệ xã hội. 

Bên cạnh đó, sinh viên tăng cường sử dụng công nghệ để tăng cường hiệu quả làm việc, quản lý thời gian, tổ chức công việc và tăng cường hiệu suất làm việc. Xây dựng tư duy phản biện và đạo đức công nghệ để đánh giá một cách khách quan về tác động của công nghệ và số hóa đối với xã hội và cá nhân. Đồng thời, sinh viên cần hiểu và tuân thủ các nguyên tắc đạo đức và quy định liên quan đến việc sử dụng công nghệ, bảo vệ thông tin cá nhân và bảo đảm an toàn và bảo mật trực tuyến.

Đồng thời, sinh viên nên có đóng góp cho xã hội thông qua công nghệ. Đây có thể là việc phát triển các giải pháp công nghệ để giải quyết vấn đề xã hội, tham gia vào các dự án ứng dụng công nghệ cho cộng đồng, hoặc chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm với những người khác thông qua việc viết blog, tham gia diễn đàn trực tuyến hoặc tổ chức các buổi workshop. Sinh viên có thể thể hiện ý thức vai trò xã hội và phát triển năng lực số bằng cách tự rèn luyện, tham gia hoạt động xã hội, tăng cường hợp tác, sử dụng công nghệ hiệu quả, liên tục học tập và cập nhật kiến thức, xây dựng tư duy phản biện và đạo đức công nghệ, tương tác và giao tiếp hiệu quả và đóng góp cho xã hội qua công nghệ.

Thứ tư, sinh viên cần có tinh thần học hỏi liên tục để có thêm yếu tố xác định mục tiêu nghề nghiệp trong tương lai.

Đó chính là tư duy và thái độ mà sinh viên luôn phải có mang trong quá trình học tập và phát triển bản thân. Nó đề cập đến việc không ngừng tìm kiếm cơ hội để học hỏi, phát triển kỹ năng và kiến thức mới, không chỉ trong môi trường học đường mà còn trong cuộc sống hàng ngày. Tinh thần học hỏi liên tục đòi hỏi sự sẵn lòng tiếp thu thông tin mới và thách thức bản thân để phát triển, bao gồm khả năng tự động cập nhật kiến thức, chấp nhận sự thay đổi và sẵn lòng thử nghiệm những điều mới mẻ. Tinh thần này cũng khuyến khích sự sẵn lòng học từ những nguồn thông tin khác nhau, như sách, bài báo, khóa học trực tuyến, người khác và các trải nghiệm thực tiễn. Có tinh thần học hỏi liên tục mang lại nhiều lợi ích, bao gồm việc mở rộng kiến thức, phát triển kỹ năng, tăng cường khả năng tư duy sáng tạo và thích ứng với những thay đổi trong công việc và cuộc sống. Đồng thời, cũng giúp duy trì sự năng động và cập nhật trong một thế giới liên tục thay đổi. 

Kết luận

Chuyển đổi số đang diễn ra và làm thay đổi tất cả, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển năng lực làm việc của sinh viên bằng cách tạo ra tiếp cận thông tin và kiến thức, phát triển kỹ năng số, tạo cơ hội tương tác và hợp tác trực tuyến, khuyến khích sáng tạo và sử dụng công nghệ. Vì vậy, để giúp sinh viên vững tin có được năng lực số, Trường luôn không ngừng tạo điều kiện tốt nhất trong môi trường học tập, sinh hoạt cho sinh viên từ học thuật, nghiên cứu, cơ hội phát triển bản thân. Và để tạo lợi thế cạnh tranh trong môi trường số hiện hữu, sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành phải luôn không ngừng nỗ lực học tập, vươn lên và tạo sự khác biệt hữu ích trong thị trường lao động hiện nay.

Tài liệu tham khảo:
1. Yến Đỗ. Cẩm nang nghề nghiệp hiện đại. H. NXB Lao động, 2017.
2. Marty Nemko. Hướng nghiệp for dummies. H. NXB Công thương, 2020.
3. Chuyển đổi số trong tư vấn hướng nghiệp, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm. https://tapchilaodong.vn, ngày 28/11/2022.