Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong chăm sóc sức khỏe Nhân dân hiện nay

TS. Vũ Thành Trung
ThS. Nguyễn Đức Thăng
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

(Quanlynhanuoc.vn) – Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định sức khỏe của Nhân dân là vốn quý báu nhất của dân tộc, có quan hệ chặt chẽ với thắng lợi của cách mạng. Tư tưởng của Người về chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân không những thể hiện sâu sắc chủ nghĩa nhân văn cao đẹp mà còn là kim chỉ nam cho Đảng và Nhà nước trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân ta trong thời kỳ mới.

Ảnh minh họa (chinhphu.vn)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm sóc sức khỏe Nhân dân

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, giữa những công việc bộn bề mà Đảng, Chính phủ, Nhân dân đang phải tiến hành, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm đến vấn đề sức khỏe và cải tạo giống nòi Việt Nam. Người luôn xác định Nhân dân vừa là mục tiêu, vừa là chủ thể của sự nghiệp cách mạng, trong đó sức khỏe của Nhân dân là nhân tố có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội, bởi: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe…” 1, “sức khỏe của cán bộ và nhân dân được bảo đảm thì tinh thần càng hăng hái. Tinh thần và sức khỏe đầy đủ thì kháng chiến càng nhiều thắng lợi, kiến quốc càng mau thành công” 2. Như vậy, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, sức khỏe của Nhân dân là vốn quý nhất, là nguồn của cải của xã hội và là động lực của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhận thức rõ vị trí, vai trò của việc chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, Người đã yêu cầu Đảng, Chính phủ: “Phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”3. Người nhấn mạnh: “Phải biết quý trọng sức người là vốn quý nhất của ta. Chúng ta cần hết lòng chăm sóc sức khỏe và sử dụng thật hợp lý sức lao động của nhân dân ta”4

Lực lượng nòng cốt để thực hiện tốt chính sách chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân là ngành Y tế. Do đó, Người đã rất nhiều lần viết thư hỏi thăm động viên gửi ngành Y tế; đồng thời trực tiếp đi thăm các bệnh viện, trạm xá, để động viên, khen ngợi, định hướng chiến lược cho sự nghiệp phát triển của ngành Y tế nước nhà. Trong Thư gửi Hội nghị cán bộ y tế năm 1955, Người chỉ rõ: “Trong những năm nước ta bị nô lệ, thì y học cũng như các ngành khác đều bị kìm hãm. Nay, chúng ta đã độc lập, tự do, cán bộ cần giúp đồng bào, giúp Chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu của nhân dân ta. Y học càng phải dựa trên nguyên tắc: khoa học, dân tộc và đại chúng” 5. Đó là nền y học phải xuất phát từ Nhân dân, của Nhân dân và vì Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở các cán bộ của Đảng, Nhà nước, cán bộ y tế phải đặc biệt quan tâm chăm sóc sức khỏe cho cụ già, trẻ em, cho người nghèo ở vùng xa xôi, hẻo lánh, cho bộ đội và thương binh. 

Mặt khác, Người rất coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ ngành Y tế một cách toàn diện. Người nhấn mạnh quan điểm cán bộ phải luôn đoàn kết và thanh khiết, luôn nêu cao trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Quan điểm đó được thể hiện sâu sắc và toàn diện trong nhiều bức thư, bài viết, bài nói chuyện trong những dịp Người thăm và làm việc với ngành Y tế hoặc cơ sở, cán bộ y tế. Người nhấn mạnh: “Luôn luôn ghi nhớ rằng người thầy thuốc giỏi đồng thời phải là người mẹ hiền, hết lòng hết sức cứu chữa và phục vụ thương binh, bệnh binh, tích cực nâng cao sức khỏe của bộ đội, góp phần cùng toàn quân, toàn dân đẩy mạnh sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn”6.

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ y tế vừa phải có năng lực chuyên môn vừa phải có phẩm chất chính trị và đạo đức nghề nghiệp. Người chỉ dạy: Thầy thuốc phải như mẹ hiền, đó là cốt lõi y đức của người thầy thuốc. Cán bộ ngành Y tế vừa là người chiến sĩ cách mạng trên mặt trận chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân, vừa phải mẫu mực về đạo đức cách mạng, giàu lòng nhân ái, yêu thương người bệnh như chính những người thân yêu, ruột thịt của mình: “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu…”7. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh:“Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”8Người đề cao vai trò của người thầy thuốc trong xã hội, đồng thời bày tỏ mong muốn người thầy thuốc phải như mẹ hiền, luôn yêu thương, đồng cảm, vị tha, tận tình, chu đáo, hết lòng vì người bệnh; không ngại khó, ngại khổ để làm tròn phận sự cứu người, hy sinh quên mình cho cộng đồng. Người cũng căn dặn đội ngũ y tá: “Y tá chẳng những là một nghề nghiệp, mà lại là một nghĩa vụ. Người y tá chẳng những giúp chữa bệnh mà còn phải phổ biến vệ sinh. Việc giữ gìn và bồi dưỡng sức khỏe của dân tộc, người y tá phải gánh một phần quan trọng. Vì vậy, y tá là những chiến sĩ đánh giặc ốm, để bảo vệ sự khang kiện của giống nòi. Những chiến sĩ y tá phải có chí chịu khổ, chịu khó. Phải giàu lòng bác ái hy sinh”9.

Có thể thấy, tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân phản ánh chiều sâu tư tưởng nhân văn của chế độ xã hội chủ nghĩa, là trách nhiệm của Đảng, Chính phủ và của cả xã hội, trong đó lực lượng nòng cốt là đội ngũ cán bộ y tế.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân hiện nay

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, đặc biệt là công cuộc đổi mới toàn diện đất nước từ năm 1986 đến nay, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng tới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra các chủ trương, chính sách nhằm chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, coi sức khỏe của Nhân dân là trách nhiệm của tất cả các ngành, các đoàn thể, là trách nhiệm và lợi ích thiết thân của mỗi công dân. Điều đó được cụ thể hóa trong Hiến pháp, Cương lĩnh xây dựng đất nước, trong từng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và trong các Nghị quyết của Đảng.

Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 14/1/1993 của Hội nghị lần thứ tư ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII) về những vấn đề cấp bách của sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của Nhân dân,nhấn mạnh quan điểm: sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người và của toàn xã hội, là nhân tố quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiếp đến, Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23/2/2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, khẳng định: sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người và của toàn xã hội. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của Nhân dân là hoạt động nhân đạo, trực tiếp bảo đảm nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI (năm 2011) đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011 – 2020, với nhiệm vụ: tập trung phát triển mạnh hệ thống chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Nhà nước cần tiếp tục tăng đầu tư công cho y tế, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa để phát triển nhanh hệ thống y tế công lập và ngoài công lập; hoàn chỉnh mô hình tổ chức và củng cố mạng lưới y tế cơ sở. Thực hiện tốt chính sách khám, chữa bệnh cho các đối tượng chính sách, người nghèo, trẻ em và người dân tộc thiểu số, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Tăng cường đào tạo và nâng cao chất lượng chuyên môn, y đức, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ y tế,…Ngày 25/10/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới, tiếp tục khẳng định mục tiêu không ngừng phấn đấu nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam…, trong đó, xác định: sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các ngành, trong đó ngành Y tế là nòng cốt10.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng (năm 2021) tiếp tục nhấn mạnh sự cần thiết phải: “Đổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của y tế xã, phường, thị trấn bảo đảm thực hiện đúng vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân trên địa bàn”11. Đồng thời, chỉ rõ một số nhiệm vụ trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, trong đó tập trung nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện hiệu quả các chính sách về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe; nâng cao năng lực, chủ động phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới toàn diện hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng. 

Thực tế cho thấy, bằng sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cũng như toàn xã hội, hệ thống chính sách, pháp luật ngày càng được hoàn thiện. Ngân sách nhà nước và nguồn lực xã hội đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tăng. Tỷ lệ chi phí viện cá nhân của hộ gia đình cho khám, chữa bệnh giảm nhanh. Y tế dự phòng được tăng cường. Các yếu tố ảnh hưởng tới sức khỏe như môi trường, thực phẩm, rèn luyện thân thể, đời sống tinh thần… được quan tâm hơn. Mạng lưới cơ sở y tế phát triển rộng khắp. Đội ngũ thầy thuốc và cán bộ, nhân viên y tế phát triển cả về số lượng và chất lượng. Năng lực và chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên, tiếp cận được hầu hết các kỹ thuật tiên tiến trên thế giới. Các chỉ số sức khỏe, tuổi thọ bình quân được cải thiện. Các yếu tố ảnh hưởng tới sức khỏe như môi trường, thực phẩm, rèn luyện thân thể, đời sống tinh thần… được quan tâm hơn. Lĩnh vực dược, thiết bị y tế có bước tiến bộ. Mô hình kết hợp quân – dân y được đẩy mạnh, phát huy hiệu quả, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là điểm sáng về thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc. Đạo đức, phong cách, thái độ phục vụ, trình độ chuyên môn của cán bộ y tế được chú trọng, nâng cao. Nhiều tấm gương y bác sĩ tận tuỵ chăm sóc, cứu chữa người bệnh được xã hội trân trọng, ghi nhận. Cụ thể, đến năm 2023: số bác sĩ trên 10.000 dân đạt 12 bác sĩ, kết quả thực hiện 6 tháng thống kê sơ bộ là 12 bác sĩ; ước thực hiện cả năm là 12,5 bác sĩ, vượt chỉ tiêu được giao. Số giường bệnh trên 10.000 dân đạt 32 giường bệnh, kết quả thực hiện 6 tháng thống kê sơ bộ là 31,5 giường bệnh; ước thực hiện cả năm là 32 giường bệnh, đạt chi tiêu được giao. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế tính đến 30/6/2023 thực hiện là 92% dân số; ước thực hiện cả năm là 93,2% dân số, phấn đấu đạt chỉ tiêu được giao (theo như các năm trước tỷ lệ đóng bảo hiểm y tế tăng vào cuối năm). Hầu hết chỉ số cơ bản về sức khỏe của Việt Nam đều đạt so với mục tiêu quốc gia và Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ cũng như Mục tiêu Phát triển bền vững đến năm 2030 và tốt hơn mức trung bình của các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người12

Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, với sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội với nòng cốt là ngành Y tế, Việt Nam trở thành một trong những nước “đi sau nhưng về trước” về phòng, chống dịch. Đặc biệt, từ một nước tiếp cận sau về vaccine, có tỷ lệ tiêm chủng rất thấp, Việt Nam trở thành một trong 5 nước có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất và là quốc gia duy nhất trong nhóm này có dân số đông khoảng 100 triệu người. Trong 3 năm (2021 – 2023), để tăng cường nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, tổng chi thường xuyên lĩnh vực y tế bố trí dự toán ngân sách nhà nước 3 năm đạt 226.264 tỷ đồng, bằng 73% mức chi cả 5 năm giai đoạn trước (tương đương tăng gần 1,3 lần so với điều kiện bình thường), chiếm khoảng 6,81% tổng chi thường xuyên của ngân sách nhà nước (tăng 0,11% về tỷ trọng so với 5 năm trước)13. Ngoài ra, đã tiếp nhận, sử dụng kinh phí ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 (từ tháng 3/2020 – 31/12/2022) do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam huy động cũng như vận động nguồn lực bằng hiện vật quy ra giá trị bằng tiền, đã tiếp nhận hơn 2.904 tỷ đồng; nguồn kinh phí của hệ thống mặt trận cả nước là hơn 15.000 tỷ đồng để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-1914

Nhờ có sự nỗ lực, chung sức, đồng lòng, Việt Nam đã kiềm chế và kiểm soát được dịch bệnh, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, Nhân dân đồng tình, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe của Nhân dân trong những năm tới

Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của người dân, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị – xã hội và của toàn xã hội trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho Nhân dân. Cấp uỷ, chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu. Thống nhất nhận thức, quyết tâm hành động của cả hệ thống chính trị và của mỗi người dân trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho bản thân, gia đình, cộng đồng.

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể và người dân về chính sách bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tập trung nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, đề cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và của mỗi người dân; xây dựng và tổ chức thực hiện đồng bộ các đề án, chương trình về nâng cao sức khỏe và tầm vóc người Việt Nam. Quan tâm, tạo các điều kiện để mỗi người dân được bảo vệ, nâng cao sức khỏe, đặc biệt là ở vùng nông thôn, miền núi, hải đảo.

Ba là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, pháp luật, bảo đảm hành lang pháp lý cho công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân. Thực hiện cung ứng dịch vụ y tế có chất lượng, chăm sóc toàn diện và liên tục cũng như tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ y tế và bảo vệ rủi ro về tài chính do chi phí y tế cho người dân. 

Bốn là, đổi mới, hoàn thiện hệ thống tổ chức y tế theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và hội nhập quốc tế; không ngừng nâng cao chất lực nguồn nhân lực y tế cả về y đức và chuyên môn. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của y tế cấp xã để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Kết luận

Những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chăm sóc sức khỏe của Nhân dân mang tầm vóc thời đại và đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Trong bối cảnh đất nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, vấn đề đầu tư phát triển nguồn nhân lực phát triển toàn diện, trong đó sức khỏe là yếu tố quan trọng hàng đầu. Do vậy, việc đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới càng trở nên cần thiết, có ý nghĩa sâu sắc, góp phần nâng cao tầm vóc con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Chú thích:
1. Hồ Chí Minh. Toàn tậpTập 4. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 241.
2. Hồ Chí Minh. Toàn tậpTập 8. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 154.
3, 5, 8. Hồ Chí Minh. Toàn tậpTập 9. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 518, 343 – 344, 343.
4. Hồ Chí Minh. Toàn tậpTập 13. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 70.
6. Hồ Chí Minh. Toàn tậpTập 15. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 361 – 362.
7. Hồ Chí Minh. Toàn tậpTập 5. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 487.
9. Hồ Chí Minh. Toàn tậpTập 6. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 34.
10. Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới.
11. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIIITập I. H. NXB Chính trị quốc gia, 2021, tr. 268.
12. Ngành Y tế vượt, đạt nhiều chỉ tiêu về chăm sóc sức khỏe, tỷ lệ hài lòng của người bệnh tăng lên 90%. https://moh.gov.vn, ngày 27/7/2023.
13. Ngân sách nhà nước luôn ưu tiên nguồn lực cho lĩnh vực y tế. https://thoibaotaichinhvietnam.vn, ngày 08/11/2023.
14. Tổng thuật: Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống dịch Covid-19. https://moh.gov.vn, ngày 29/10/2023.