Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hậu cần chất lượng cao trong quân đội hiện nay 

Thiếu tá, ThS. Nguyễn Hải Sinh
Học viện Hậu cần, Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Công tác hậu cần là có vai trò quan trọng, liên quan trực tiếp đến sức chiến đấu và kết quả hoàn thành nhiệm vụ của toàn quân. Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hậu cần chất lượng cao là rất cấp thiết, quyết định trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả của công tác hậu cần, do đó, cần phải tiếp tục xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành Hậu cần chính quy, tinh, gọn, tiến lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu về chất lượng cao của Quân đội nhân dân Việt Nam trong giai đoạn mới.

Từ khóa: Đào tạo, bồi dưỡng; nguồn nhân lực hậu cần; chất lượng cao; Quân đội nhân dân Việt Nam.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hậu cần chất lượng cao của quân đội trong thời gian qua

Nguồn nhân lực hậu cần chất lượng cao là đội ngũ cán bộ, nhân viên hậu cần được đào tạo cơ bản, chuyên sâu, có phẩm chất tiêu biểu, năng lực chuyên môn tốt, có năng lực sáng tạo, nhạy bén và triển vọng phát triển tốt; là lực lượng nòng cốt trong tổ chức thực hiện các mặt công tác hậu cần, góp phần xây dựng ngành Hậu cần quân đội vững mạnh toàn diện. Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hậu cần chất lượng cao là một trong những khâu quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của nguồn lực này. V.I. Lênin đã chỉ ra: “Trong lịch sử, chưa hề có một giai cấp nào giành được quyền thống trị, nếu nó không đào tạo ra được trong hàng ngũ của mình những lãnh tụ chính trị, những đại biểu tiền phong có đủ khả năng tổ chức và lãnh đạo phong trào”1. Kế thừa tư tưởng đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”2. Thông qua đào tạo, bồi dưỡng, phẩm chất, nhân cách, năng lực, phương pháp làm việc của cán bộ, nhân viên hậu cần được hình thành, củng cố và phát triển, đáp ứng yêu cầu xây dựng ngành Hậu cần quân đội theo hướng tinh, gọn, mạnh.

Những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng mà trực tiếp là Đảng ủy Tổng cục Hậu cần đã thường xuyên quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hậu cần chất lượng cao. Đặc biệt, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 86/NQ-ĐUQSTW ngày 29/10/2007 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về công tác giáo dục và đào tạo trong tình hình mới, 10 năm thực hiện Nghị quyết số 765-NQ/QUTW ngày 20/12/2012 của Quân ủy Trung ương về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2012 – 2020 và những năm tiếp theo, việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hậu cần chất lượng cao đã có sự đổi mới toàn diện, mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống nhà trường quân đội được tổ chức, sắp xếp từng bước tinh gọn theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. 

Chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng bảo đảm cơ bản, toàn diện, hệ thống, thiết thực, được điều chỉnh, bổ sung sát với đối tượng tác chiến, gắn với địa bàn, phù hợp với khả năng, cách đánh, nghệ thuật quân sự, vũ khí, trang bị kỹ thuật; khắc phục tình trạng dàn trải, trùng lặp nội dung ở các cấp học; tập trung phát triển phẩm chất, năng lực của người học… 

Phương pháp dạy học, hình thức bồi dưỡng có nhiều đổi mới, chuyển từ truyền thụ kiến thức một chiều, thụ động sang trang bị cho người học cách học, khả năng tư duy sáng tạo, biết vận dụng kiến thức vào giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra; chú trọng phương pháp dạy học tích cực, lấy người học làm trung tâm, ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin, mô phỏng vào dạy học. 

Đa dạng hóa, sử dụng linh hoạt các hình thức bồi dưỡng, như: tập huấn ngắn ngày; cấp trên kèm cặp, bồi dưỡng cấp dưới; tổng kết thực tiễn… Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục thường xuyên được kiện toàn đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng và từng bước được chuẩn hóa. Trong đó, chú trọng xây dựng đội ngũ nhà giáo có trình độ tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, phương pháp giảng dạy, trình độ ngoại ngữ, tin học. Cơ bản đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý thức tổ chức kỷ luật cao, có trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, khả năng và phương pháp sư phạm đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư ngày càng hiện đại: xây dựng các trung tâm điều hành huấn luyện, trung tâm mô phỏng, phòng học chuyên dùng, phòng học dạy học ngoại ngữ, tin học, thao trường, bãi tập, bể bơi, trang thiết bị huấn luyện, rèn luyện thể lực; đồng thời, sửa chữa, nâng cấp doanh trại, mua sắm trang thiết bị làm việc bảo đảm đủ chỗ ở, điều kiện làm việc của giáo viên, học viên… Nhờ đó, cán bộ, nhân viên hậu cần có sự phát triển toàn diện cả về số lượng, chất lượng, từng bước được chuẩn hóa theo vị trí, chức danh công tác; năng lực, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công tác được nâng lên…

Những năm tới, tình hình thế giới, khu vực, trong nước diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. Cách mạng khoa học – công nghệ phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, trong đó có hậu cần quân sự. Sức mạnh tổng hợp của đất nước ngày càng được củng cố, nâng cao, tạo tiền đề quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, nước ta còn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, nhất là các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá Đảng, Nhà nước và quân đội. Bên cạnh đó, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nhiệm vụ xây dựng quân đội có những bước phát triển mới. Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới xác định: “Phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”3, đặt ra những yêu cầu mới cao hơn đối với công tác hậu cần quân đội, như: ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ, thực hiện chuyển đổi số theo kịp xu thế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…

Một số biện pháp trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hậu cần chất lượng cao 

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hậu cần chất lượng cao.

Cấp ủy đảng, chỉ huy các cấp cần xác định rõ trách nhiệm trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hậu cần chất lượng cao, coi đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, là một mặt quan trọng của công tác cán bộ. Trong đó, cần tập trung quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc Phòng, của Đảng ủy Tổng cục Hậu cần về cán bộ và công tác cán bộ; về giáo dục và đào tạo…, như: Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về đổi mới công tác giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới; Nghị quyết số 1658-NQ/QUTW ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về công tác hậu cần quân đội đến năm 2030 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 1659-NQ/QUTW ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2023 – 2030 và những năm tiếp theo… Căn cứ những văn bản nêu trên, cụ thể hóa, triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức, biện pháp, tạo chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, cán bộ chủ trì các cấp đối với việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hậu cần chất lượng cao. Lãnh đạo, chỉ huy các cấp định hướng nội dung, phương pháp, tạo điều kiện về thời gian, tài liệu, trang thiết bị… cho cán bộ, nhân viên hậu cần tự đào tạo, bồi dưỡng; định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, lấy kết quả đào tạo, bồi dưỡng làm tiêu chí cơ bản để đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp.                                                        

Thứ hai, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hậu cần quân sự chất lượng cao theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa.

Đây là vấn đề cơ bản, cốt lõi trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hậu cần chất lượng cao. Chuẩn hóa chương trình đào tạo, bồi dưỡng bảo đảm cách mạng, khoa học, liên tục, kế thừa, tích hợp, sát với thực tế, nhận thức của từng đối tượng; đào tạo một số chuyên ngành chất lượng cao, chuyên sâu, mũi nhọn, đặc thù. Các nhà trường triển khai thực hiện nghiêm túc Đề án “Đổi mới quy trình, chương trình đào tạo cán bộ các cấp trong Quân đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”, Ban hành kèm theo Quyết định số 3061/QĐ-BQP ngày 11/7/2023 của Bộ Quốc phòng. xây dựng chuẩn đầu ra nhất quán với mục tiêu của chương trình đào tạo và liên thông với chuẩn đầu vào của trình độ cao hơn, liên thông giữa chương trình đào tạo cùng trình độ, cùng nhóm ngành. Đặc biệt, trong điều kiện một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến lên hiện đại, chương trình đào tạo, bồi dưỡng phải phù hợp với trình độ phát triển của khoa học – công nghệ, kịp thời phản ánh những thành tựu, sự phát triển mới của khoa học hậu cần quân sự… đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực hậu cần chất lượng cao trong tình hình mới.

Cùng với đó, chắt lọc, chỉnh nội dung đào tạo, bồi dưỡng bảo đảm tính khả thi, cơ bản, toàn diện, thiết thực, hiệu quả, có hệ thống, từng bước hiện đại và cập nhật thường xuyên phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ bảo đảm hậu cần, nâng cao trình độ, năng lực chỉ huy, chỉ đạo, quản lý, tổ chức bảo đảm hậu cần; coi trọng giáo dục chính trị tư tưởng, truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu, giáo dục truyền thống của quân đội, ngành Hậu cần, rèn luyện phẩm chất đạo đức… Ngoài ra, cập nhật những kiến thức mới về khoa học – công nghệ, thực tiễn công tác hậu cần của các quốc gia, những môn học, vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn bảo đảm hậu cần của các đơn vị; tăng cường những nội dung về ngoại ngữ, tin học, kỹ năng số, an toàn thông tin, an ninh mạng cho cán bộ, nhân viên hậu cần để thúc đẩy việc ứng dụng khoa học – công nghệ, chuyển đổi số trong công tác hậu cần.     

Ba là, kết hợp chặt chẽ nhà trường với đơn vị trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hậu cần chất lượng cao.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Trường huấn luyện đã giúp anh em biết phương hướng, biết nhắm mục đích mà đi… rồi sau anh em còn phải học nữa, học mãi trong khi đi làm việc”4. Cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy các học viện, nhà trường, cơ quan, đơn vị cần nâng cao nhận thức về vấn đề này, đưa việc kết hợp vào nghị quyết, kế hoạch công tác, coi đây là nội dung quan trọng, thường xuyên để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ. Đặc biệt, quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả phương châm “lý luận gắn liền với thực tiễn”, “học đi đôi với hành” trong thực tiễn; thường xuyên trao đổi, phối hợp để rà soát, điều chỉnh đi đến thống nhất mục tiêu, phương thức của quá trình đào tạo, bồi dưỡng.

Đối với nhà trường, thực hiện có hiệu quả phương châm: “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”. Tổ chức cho cán bộ, giảng viên, học viên đi tham quan, nghiên cứu thực tế tại đơn vị cơ sở. Tăng cường mời lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị tham gia giảng dạy, thông tin chuyên đề, truyền thụ kinh nghiệm thực tiễn cho cán bộ, giảng viên và học viên. Đối với đơn vị, tạo điều kiện cho cán bộ, nhân viên hậu cần đi đào tạo, bổ túc tại các nhà trường, học viên thực tập được tham gia trực tiếp vào các hoạt động của đơn vị; chủ động mời giảng viên có kinh nghiệm bổ sung, cung cấp thông tin mới về tình hình phát triển khoa học hậu cần quân sự hoặc hệ thống hóa kiến thức. 

Bốn là, hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, hợp tác trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hậu cần.

Tăng cường đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hậu cần chất lượng cao. Tập trung xây dựng, nâng cấp các trung tâm điều hành huấn luyện, thao trường, bãi tập, phòng học chuyên dùng, phòng thí nghiệm, cơ sở sản xuất thử nghiệm; đồng thời, bổ sung vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại, trung tâm mô phỏng, thực tế ảo cho các nhà trường tương ứng với đơn vị. Tăng cường phối hợp khai thác, sử dụng chung thao trường, bãi tập và các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật giữa đơn vị và nhà trường để tiết kiệm, nâng cao hiệu quả. Ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, số hóa, hiện đại hóa thư viện, giáo trình, tài liệu; phát huy hiệu quả mạng internet, mạng nội bộ bảo đảm cho cán bộ, nhân viên hậu cần tự đào tạo, bồi dưỡng ở mọi nơi, mọi lúc.

Nâng cao hiệu quả hoạt động phối hợp, liên kết giữa các trường với các cơ sở giáo dục, đào tạo trong và ngoài quân đội. Tăng cường các hoạt động nghiên cứu, học tập, chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với các nước trên thế giới, như: lựa chọn cán bộ gửi đi đào tạo, bồi dưỡng; tổ chức các đoàn đi nghiên cứu, tham quan…

Kết luận

Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hậu cần chất lượng cao là một nhiệm vụ cơ bản, cấp bách, khâu đột phá trực tiếp nâng cao chất lượng công tác hậu cần quân đội, xây dựng ngành Hậu cần quân đội vững mạnh toàn diện; góp phần hiện thực hóa chủ trương xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Do đó, cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chức năng các cấp cần thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ mặt công tác này, xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, nhân viên hậu cần có đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ.

Chú thích:
1. V.I. Lênin toàn tập. Tập 4. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2005, tr. 473.
2. Hồ Chí Minh toàn tậpTập 5. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 309.
3. Ban Tuyên giáo Trung ương. Tài liệu học tập các văn kiện Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2023, tr. 128.
4. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 4. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 116.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về đổi mới công tác giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới.
2. Nghị quyết số 1658-NQ/QUTW ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về công tác hậu cần Quân đội đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
3. Nghị quyết số 1659-NQ/QUTW ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2023 – 2030 và những năm tiếp theo.