Một số kinh nghiệm nâng cao chất lượng sinh hoạt của các chi bộ lớp học viên thuộc Đảng bộ Học viện Lục quân 

Thiếu tá, Nguyễn Hải Long 
Học viện Chính trị, Bộ Quốc Phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Nâng cao chất lượng sinh hoạt của các chi bộ lớp học viên ở Đảng bộ Học viện Lục quân là một nội dung rất quan trọng, cơ bản và thường xuyên trong công tác xây dựng chi bộ, biện pháp thiết thực nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các chi bộ lớp học viên. Bài viết làm rõ những yếu tố cấu thành chất lượng sinh hoạt của các chi bộ, rút ra một số kinh nghiệm nâng cao chất lượng sinh hoạt của các chi bộ lớp học viên ở Đảng bộ Học viện Lục quân.

Từ khóa: Chất lượng sinh hoạt chi bộ; chi bộ lớp học viên; Học viện Lục quân.

Đặt vấn đề

Chi bộ là tế bào của Đảng, là hạt nhân lãnh đạo của đảng ở đơn vị cơ sở. Mọi hoạt động của Đảng đều diễn ra chủ yếu ở chi bộ. Chi bộ có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao thì nền tảng của Đảng mới vững, Đảng mới mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Để lãnh đạo cách mạng Đảng phải mạnh. Đảng mạnh là do chi bộ tốt”1. Sinh hoạt chi bộ được duy trì thường xuyên có chất lượng sẽ làm cho đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, chỉ thị, nghị quyết của các cấp được quán triệt thực hiện nghiêm túc; phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ của cán bộ, đảng viên xác định chủ trương, biện pháp lãnh đạo sát đúng, chi bộ có sự đoàn kết, thống nhất cao về tư tưởng và hành động. Do vậy, nâng cao chất lượng sinh hoạt của các chi bộ lớp học viên ở Đảng bộ Học viện Lục quân là biện pháp tiên quyết góp phần xây dựng chi bộ lớp học viên trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ.

Chất lượng sinh hoạt chi bộ thể hiện năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ, trình độ, năng lực, trách nhiệm của từng đảng viên. Chất lượng sinh hoạt chi bộ cao góp phần quán triệt và thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của đảng ủy các cấp, nâng cao tính tự giác, tinh thần trách nhiệm của từng đảng viên, nâng cao mối quan hệ giữa Đảng với quần chúng. Theo đó, chất lượng sinh hoạt của các chi bộ lớp học viên ở Đảng bộ Học viện Lục Quân là tổng hợp kết quả đạt được trong thực hiện các khâu, các bước của quy trình sinh hoạt, biểu hiện tập trung ở việc chấp hành nguyên tắc, tính chất trong sinh hoạt; phát huy trí tuệ, trách nhiệm của đảng viên hoàn thành mục đích, yêu cầu của sinh hoạt, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ, lãnh đạo lớp học viên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.  

Các yếu tố cấu thành chất lượng sinh hoạt của các chi bộ lớp học viên ở Đảng bộ Học viện Lục quân

Một là, năng lực của chi ủy, chi bộ, nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là bí thư chi bộ.

Đây là yếu tố cơ bản quan trọng nhất, tác động trực tiếp đến chất lượng sinh hoạt chi bộ. Chi ủy, chi bộ và đảng viên là chủ thể của sinh hoạt chi bộ. Chất lượng của một buổi sinh hoạt chi bộ biểu hiện ở trình độ, năng lực, phương pháp, tác phong công tác của chi ủy, bí thư và toàn thể đảng viên trong chi bộ. Tập thể chi ủy, bí thư phải có lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng; có năng lực quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy các cấp, khả năng phân tích, đánh giá tình hình, nhiệm vụ của đơn vị; kết quả thực hiện nhiệm vụ; đề xuất các chủ trương, biện pháp để chi bộ thảo luận. 

Mặt khác, bí thư chi bộ phải nắm chắc quy định, Điều lệ Đảng, đặc biệt những kiến thức cơ bản về công tác xây dựng, tổ chức và hoạt động của Đảng; chế độ, nền nếp, quy trình sinh hoạt chi bộ; có kỹ năng điều hành hội nghị chi bộ, phát huy dân chủ, đề cao tự phê bình và phê bình, tập trung trí tuệ của chi bộ đề ra chủ trương, biện pháp sát đúng lãnh đạo đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đối với đội ngũ đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, tích cực học tập nâng cao trình độ nhận thức, chuyên môn nghiệp vụ, có ý thức tổ chức kỷ luật tốt, thực hiện tốt nhiệm vụ của người đảng viên, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đề cao tự phê bình và phê bình, tích cực tham gia xây dựng nghị quyết và các quyết định của chi bộ.

Hai là, kết quả thực hiện các khâu, các bước trong quy trình sinh hoạt; việc chấp hành nề nếp, chế độ, bảo đảm các nguyên tắc, tính chất trong sinh hoạt chi bộ.

Đây là yếu tố quan trọng cấu thành chất lượng sinh hoạt chi bộ. Duy trì nghiêm chế độ, nền nếp sinh hoạt, thực hiện tốt các khâu, các bước trong quy trình sinh hoạt là tiền đề, cơ sở tạo nên chất lượng một buổi sinh hoạt chi bộ. Do đó, mọi cán bộ, đảng viên đặc biệt là bí thư chi bộ phải có nhận thức đúng đắn về vai trò, tầm quan trọng của việc thực hiện các khâu, các bước trong quy trình sinh hoạt, coi đây là vấn đề có tính nguyên tắc trong tổ chức sinh hoạt Đảng, sinh hoạt chi bộ. Từ đó, phát huy tinh thần trách nhiệm trong tổ chức thực hiện, đảm bảo quy trình sinh hoạt được tiến hành chặt chẽ, nghiêm túc góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.

Quán triệt, chấp hành, thực hiện nghiêm các nguyên tắc trong sinh hoạt chi bộ góp phần quan trọng tạo nên chất lượng sinh hoạt chi bộ. Mọi cán bộ, đảng viên trong chi bộ phải có nhận thức đúng vai trò việc chấp hành nghiêm các nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; từ đó, phát huy dân chủ, đề cao tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt nhằm tập trung trí tuệ tập thể, chỉ rõ những ưu điểm, hạn chế của chi bộ trong lãnh đạo lớp học viên thực hiện nhiêm vụ, những khuyết điểm của từng đảng viên với tinh thần trung thực, cầu thị; kiên quyết đấu tranh chống biểu hiện trung bình chủ nghĩa, độc đoán, chuyên quyền trong sinh hoạt chi bộ. Tổ chức thực hiện nghiêm việc phân công cá nhân phụ trách, quy rõ trách nhiệm từng cán bô, đảng viên trong từng nhiệm vụ cụ thể.

Ngoài ra, sinh hoạt chi bộ phải thể hiện rõ tính chiến đấu cao, đó là nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên về việc quán triệt, thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt, có thái độ tích cực, tự giác, đấu tranh chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm, từ đó đề ra biện pháp khắc phục có hiệu quả thiết thực, tránh biểu hiện qua loa, đại khái, e dè, nể nang trong sinh hoạt dẫn đến sinh hoạt chi bộ kém chất lượng, hiệu quả không cao.

Ba là, kết quả sinh hoạt đề ra những chủ trương, biện pháp lãnh đạo đúng đắn, phù hợp với thực tiễn của lớp học viên và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của sinh hoạt chi bộ là đề ra những chủ trương, biện pháp lãnh đạo đúng đắn, phù hợp với thực tiễn của lớp học viên. Chỉ có đề ra những chủ trương, biện pháp đúng đắn mới có sự lãnh đạo đúng, đó là sự phản ánh thiết thực nhất chất lượng một buổi sinh hoạt chi bộ, đồng thời thể hiện năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ. Sinh hoạt chi bộ phải đảm bảo đề cao tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu. Đánh giá đúng tình hình thực tiễn đơn vị, trên cơ sở đó xác định những nội dung trọng tâm, trọng điểm, những khâu yếu cần tập trung đột phá nhằm đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị và mọi mặt công tác của của lớp.

Sinh hoạt chi bộ phải quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của quân đội, chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy Đảng các cấp trong Đảng bộ Học viện. Đồng thời, thông qua sinh hoạt chi bộ phải giáo dục cho cán bộ, đảng viên nhận thức đúng đắn và ngày càng sâu sắc hơn về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng về công tác xây dựng, tổ chức và sinh hoạt Đảng, trong đó có sinh hoạt chi bộ, qua đó xây dựng động cơ, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Một số kinh nghiệm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ các lớp học viên

Thứ nhất, coi trọng thống nhất nhận thức của các chủ thể, lực lượng về nâng cao chất lượng sinh hoạt của các chi bộ lớp học viên.

Trước hết, phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể, lực lượng, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên, học viên trong lớp. Thống nhất nhận thức của các chủ thể, lực lượng mà trước hết là thống nhất về quan điểm, tư tưởng, biện pháp, cách thức tổ chức lãnh đạo, điều hành sinh hoạt chi bộ, các khâu, các bước trong quy trình sinh hoạt và công tác tổ chức thực hiện nghị quyết. Có như vậy,chất lượng sinh hoạt chi bộ mới được nâng cao, hiệu quả thực hiện nghị quyết sẽ được nâng lên rõ rệt; qua đó có tác động củng cố niềm tin, sự đồng thuận trong cấp ủy, chỉ huy và đội ngũ đảng viên trong chi bộ.

Thứ hai, thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực, phương pháp công tác cho cấp uỷ, bí thư chi bộ.

Để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ lớp học viên đòi hỏi cấp thiết của các tổ chức đảngtrong Đảng bộ Học viện là phải thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực mọi mặt cho đội ngũ chi ủy viên, nhất là bí thư, phó bí thư chi bộ. Khi tập thể chi ủy, nhất là bí thư chi bộ có nhận thức tốt, trách nhiệm cao, trình độ, phương pháp công tác tốt sẽ bảo đảm cho buổi sinh hoạt được diễn ra đúng nguyên tắc, bảo đảm được các khâu các bước trong sinh hoạt chi bộ được triển khai và tổ chức thực hiện đầy đủ, nghiêm túc có như vậy buổi sinh hoạt mới bảo đảm chất lượng, quy tụ được đông đảo đảng viên tham gia xây dựng và đóng góp cho chi bộ, đây là yếu tố trực tiếp tạo thành chất lượng sinh hoạt chi bộ. Hằng năm, cần phải tổ chức các đợt tập huấn, Hội thi “Bí thư chi bộ giỏi”, bồi dưỡng nâng cao trình độ, phương pháp chủ trì, điều hành, xử lý các vấn đề nảy sinh trong sinh hoạt chi bộ cho bí thư và phó bí thư chi bộ. Qua đó, kịp thời bồi dưỡng, nâng cao trình độ, phương pháp công tác cho từng chi ủy viên, nhất là bí thư, phó bí thư chi bộ.

Thứ ba, thực hiện đúng nền nếp, chế độ, quy trình, nguyên tắc trong sinh hoạt chi bộ.

Trên cơ sở nắm vững và thực hiện đúng những nội dung trên thì mới bảo đảm cho việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức mạnh chiến đấu của chi bộ nói chung, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ lớp học viên ở Đảng bộ Học viện Lục quân nói riêng. Đồng thời, chi bộ lớp học viên phải căn cứ vào đặc điểm, điều kiện, hoàn cảnh và nhiệm vụ cụ thể của lớp trong từng thời điểm để tiến hành các nội dung, vận dụng các hình thức, phương pháp cho phù hợp, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy trình, nguyên tắc của Đảng trong sinh hoạt chi bộ.

Thứ tư, tăng cường sự lãnh đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp trên; các cơ quan chuyên môn trong nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ lớp học viên.

Đây là kinh nghiệm có ý nghĩa quan trọng hàng đầu vì hoạt động lãnh đạo nói chung và hoạt động nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ lớp học viên ở Đảng bộ Học viên Lục quân nói riêng luôn được đặt dưới sự lãnh đạo của đảng ủy các cấp; sự chỉ đạo trực tiếp của Bí thư Đảng ủy Học viện, bí thư đảng ủy các Hệ quản lý học viên và sự hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra của Phòng Chính trị Học viện. Để thực hiện kinh nghiệm này đòi hỏi trong suốt quá trình tổ chức thực hiện, các cấp ủy, chi bộ lớp học viên phải luôn bám sát sự lãnh đạo của đảng ủy các cấp và sự hướng dẫn của Phòng Chính trị. Sự chỉ đạo của đảng ủy các cấp và sự hướng dẫn của Phòng Chính trị sẽ giúp cho chi ủy, chi bộ giải quyết đúng đắn, kịp thời các tình huống, các vấn đề mới và khó, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức và triển khai thực hiện nghị quyết chi bộ. Qua đó, tránh tình trạng làm bừa, làm ẩu, sai nguyên tắc và quy định của Đảng, góp phần nâng cao chất lượng của buổi sinh hoạt chi bộ. 

Bên cạnh đó, cấp ủy, cán bộ chủ trì và Phòng Chính trị thường sâu sát đơn vị, kịp thời phát hiện và chỉ đạo giúp các chi bộ tháo gỡ khó khăn trong quá trình tổ chức và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp sinh hoạt triển khai thống nhất trong toàn Đảng bộ Học viện; định kỳ tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực, phương pháp công tác cho bí thư chi bộ, chi ủy viên; tổ chức các hội thi về công tác xây dựng Đảng, góp phần nâng cao trình độ cho học viên nói chung và đội ngũ chi ủy viên nói riêng.

Kết luận

Nâng cao chất lượng sinh hoạt của các chi bộ lớp học viên ở Đảng bộ Học viên Lục quân là một biện pháp thiết thực nhằm nâng cao năng lực thực tiễn cho cán bộ, đảng viên, học viên và năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ lớp học viên. Vì vậy, nâng cao chất lượng sinh hoạt của các chi bộ lớp học viên chính là nhiệm vụ của mọi cán bộ, đảng viên nhằm thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, nghị quyết của cấp trên và nghị quyết của chi bộ lớp học viên. Do đó, các chi bộ lớp học viên phải luôn chú trọng nghiên cứu những kinh nghiệm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ góp phần xây dựng chi bộ lớp trong sạch vững mạnh tiêu biểu, xây dựng lớp học viên vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”.

Chú thích:
1. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 11. H. NXB Chính trị quốc gia, 1996, tr. 352.
Tài liệu tham khảo:
1. Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 30/3/2007 của Ban Bí thư Trung ương về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.
2. Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW ngày 06/7/2018 của Ban Tổ chức Trung ương “Một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”.
3. Quy định số 116-QĐ/TW ngày 25/01/2018 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở ở học viện, nhà trường trong Quân đội nhân dân Việt Nam.