Phát triển nguồn nhân lực số của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới

ThS. Dương Thị Thu Thuỷ 
ThS. Trần Thị Diệp Tuyền 

Trường Đại học Công đoàn

(Quanlynhanuoc.vn) – Văn kiện Đại hội XIII xác định, đến năm 2025 kinh tế số của Việt Nam đạt tỷ trọng 20% GDP, đến năm 2030 kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP. Tuy nhiên, để chuyển đổi thành công nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế số, nhất thiết phải có nguồn nhân lực số; nguồn nhân lực số ngày càng phát triển, chiếm vai trò chủ đạo trong tổng số lực lượng lao động xã hội. Bài viết trao đổi về vấn đề phát triển nguồn nhân lực số của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, từ đó đề xuất một số giải pháp trong thời gian tới.

Từ khóa: Phát triển nguồn nhân lực số; quản trị nguồn nhân lực; Cách mạng nghiệp lần thứ tư.

1. Đặt vấn đề

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra sự thay đổi nhanh chóng trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội nói chung và cách thức quản trị nguồn nhân lực, thị trường lao động nói riêng. Theo các chuyên gia, cuộc Cách mạng này có thể sẽ phá vỡ thị trường lao động; khi tự động hóa, trí tuệ nhân tạo đang dần thay thế lao động con người trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, có thể khiến hàng triệu lao động trên thế giới rơi vào cảnh thất nghiệp. Đây là một trong những yếu tố tác động trực tiếp đến xu hướng phát triển nguồn nhân lực số, nhất là trong các doanh nghiệp hiện nay.

Hiện nay, Việt Nam đang theo đuổi mục tiêu phát triển kinh tế số. Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu cơ bản đến năm 2025: tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 80%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%; tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt trên 2%. Mục tiêu cơ bản đến năm 2030: tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng nền tảng hợp đồng điện tử đạt 100%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 70%; tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt trên 3%1. Điều này đặt ra yêu cầu cần phải phát triển nguồn nhân lực số phải bảo đảm cả về số lượng lẫn chất lượng. 

2. Nguồn nhân lực số trong kinh tế số

Kinh tế số tiếng Anh (Digital economy) là khái niệm xuất hiện sau kinh tế nông nghiệp và kinh tế công nghiệp. Khái niệm này được hiểu đơn giản là một nền kinh tế được vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt đó là các giao dịch điện tử trên internet. Theo nhóm cộng tác kinh tế số của Oxford, kinh tế số là “một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua internet”2.

Tại Việt Nam, kinh tế số là hoạt động kinh tế sử dụng công nghệ số và dữ liệu số làm yếu tố đầu vào chính, sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động chính, sử dụng công nghệ thông tin – viễn thông để tăng năng suất lao động, đổi mới mô hình kinh doanh và tối ưu hóa cấu trúc nền kinh tế3.

Nguồn nhân lực số là nguồn nhân lực trong nền kinh tế số, là lực lượng chủ yếu để triển khai và hiện thực hóa nền kinh tế số, quyết định sự tồn tại của nền kinh tế số, có năng lực làm chủ các thiết bị công nghệ số, vận hành trong quá trình sản xuất, kinh doanh và các hoạt động khác của nền kinh tế4. Trước bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp và yêu cầu của kinh tế số, sẽ có một số thay đổi cốt lõi trong nguồn nhân lực số như sau5:

(1) Quản trị nguồn nhân lực dựa vào công nghệ. Nguồn nhân lực số tập trung nhiều hơn vào các nhóm công việc chuyên môn có giá trị gia tăng cao bằng cách sử dụng công nghệ số, vì thế việc quản lý nguồn nhân lực phải trên cơ sở công nghệ số. Công nghệ cho phép đo lường, tính toán và xác định cụ thể phần đóng góp giữa doanhnghiệp và người lao động theo thời gian thực.

(2) Lượng hóa công tác nhân sự và xu hướng xây dựng dữ liệu lớn. Từ trước tới nay, những vấn đề trong nhân sự rất khó lượng hóa thông qua dữ liệu như gắn kết nhân viên, khả năng phát triển, mức độ hài lòng trong công việc. 

(3) Quản trị nguồn nhân lực số thông qua Dữ liệu lớn và Trí tuệ nhân tạo (AI). AI kết hợp với dữ liệu lớn sẽ thay thế công tác nhân sự như tuyển dụng, đánh giá, đào tạo, phát triển và gắn kết nhân viên. AI cũng có thể giám sát việc sàng lọc ứng viên thực tập và tốt nghiệp thông qua những bài kiểm tra số, logic và văn hóa trực tuyến một cách nhất quán, hiệu quả.

3. Thực trạng phát triển nguồn nhân lực số trong doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay

Báo cáo của Google đánh giá tốc độ phát triển kinh tế số Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (2022 đạt 28%, 2023 đạt 19%), cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Bộ Thông tin và Truyền thông ước tính tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2023 đạt 16,5%. Tốc độ phát triển kinh tế số của Việt Nam vào khoảng 20%/năm, gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Bên cạnh đó, năm 2023 cũng được Bộ Thông tin và Truyền thông lựa chọn là năm đồng hành đưa doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam ra nước ngoài. Năm 2023, Việt Nam đã có hơn 1.500 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có doanh thu từ thị trường nước ngoài, tăng hơn 7% so với năm 2022. Tổng doanh thu từ thị trường nước ngoài ước đạt 7,5 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2022. Doanh thu của các khu công nghệ thông tin tập trung vào khoảng 15 triệu USD/ha/năm, cao hơn khoảng 15 lần so sánh với doanh thu của các khu công nghiệp6.

Bên cạnh đó, năm 2023, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam năm 2023 đứng thứ 46, tăng 2 bậc so với năm 2022, liên tiếp duy trì trong nhóm 50 nước dẫn đầu từ năm 2018 đến nay. Chỉ số chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam từ 2020 đến 2022 tăng 48%, từ 0,48 lên 0,71. Năm 2023, chỉ số này đạt khoảng 0,757.

Những con số trên cho thấy, kinh tế số của Việt Nam hết sức tiềm năng và có mức tăng trưởng khá cao so với nhiều quốc gia khác trong khu vực. Bên cạnh đó, cũng chứng tỏ rằng, nguồn nhân lực của Việt Nam cơ bản có tiềm năng để đạt được các yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới. Ngoài ra, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung năm 2023, lực lượng lao động đã qua đào tạo có bằng, chứng chỉ ước tính là 14,1 triệu người, chiếm 27,0%, tăng 0,6 điểm phần trăm so với năm 20228. Trình độ, năng lực chuyên viên công nghệ cao của Việt Nam cũng không thua kém so với khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, hiện nay, những thách thức đặt ra đối với các quốc gia đang phát triển khi tiếp cận với cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đó chính là thiếu hụt nguồn nhân lực số có tay nghề cao. Theo Tổng cục Thống kê, tính đến cuối năm 2023, cả nước vẫn còn 38,0 triệu lao động chưa qua đào tạo. Con số này cho thấy, thách thức không nhỏ trong việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động9.

Bên cạnh đó, sự mất cân bằng giữa các lĩnh vực, vùng miền; xuất hiện những đối tượng yếu thế ở vùng sâu,vùng xa, khó khăn trong tiếp cận kinh tế số. Thực tế cho thấy, nguồn nhân lực số chất lượng cao chủ yếu tập trung ở các đô thị, thành phố lớn nơi có điều kiện về hạ tầng số, thu nhập…, trong khi các vùng miền khó khăn gần như không có hoặc không thu hút được nguồn nhân lực số. 

Ngoài ra, hiệu quả công tác sử dụng và quản trị nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp Việt Nam còn khá thấp, chưa đáp ứng được sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế cũng như yêu cầu sử dụng nguồn nhân lực hiện nay10. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng của Việt Nam thường dao động ở mức 4%. Giai đoạn quý I/2020 đến quý II/2022, tỷ lệ này đạt mức cao kỷ lục là 10,4% vào quý III/2021 sau đó giảm dần và duy trì tại mức 4,2%. 

Tại thời điểm quý IV/2023, tỷ lệ này là 4,2% (tương ứng hơn 2,2 triệu người). Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng quý IV/2023 của khu vực thành thị là 4,2% (giảm 0,3 điểm phần trăm so với quý trước) và khu vực nông thôn là 4,3% (tăng 0,2 điểm so với quý trước). Đa số lao động không sử dụng hết tiềm năng là những người từ 15-34 tuổi (49,3%) cao hơn rất nhiều so với tỷ trọng lao động nhóm tuổi này trong lực lượng lao động (33,0%). Điều này cho thấy, Việt Nam vẫn còn một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là nhóm lao động trẻ11. Theo số liệu trong Báo cáo về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai 2018 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam xếp hạng thuộc nhóm cuối trong bảng thứ hạng về lao động có chuyên môn cao, thứ 81/100, xếp hạng sau Thái Lan và Philippines trong nhóm các nước ASEAN12.

Có rất ít doanh nghiệp lập kế hoạch nhân lực trong dài hạn, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn hậu đại dịch Covid-19 và biến động của địa chính trị trên thế giới. Theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 89,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 20,7% so với năm 2022; 65,5 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9%; 18 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 3,1%. Phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, ngừng hoạt động hay giải thể trong năm 2023 có thời gian hoạt động ngắn, dưới 5 năm, tập trung chủ yếu ở quy mô nhỏ (dưới 10 tỷ đồng)13.

4. Đề xuất giải pháp

Một là, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục tăng cường quản lý kinh tế số gắn với việc đẩy nhanh hoàn thiện thể chế, khung pháp lý liên quan đến phát triển nền kinh tế số, nhân lực số. Đẩy nhanh hoạt động chuyển đổi số quốc gia với các yếu tố trọng tâm: chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, xây dựng chính phủ điện tử trên nền tảng công nghệ hiện đại, để người dân từng bước thích nghi với xã hội số và kinh tế số. Có định hướng chiến lược dài hạn cho việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực số cùng với các chính sách hỗ trợ cả về tài chính, công nghệ… để các cơ sở đào tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Hai là, các doanh nghiệp cần mạnh dạn chuyển đổi số trong hoạt động để phù hợp với định hướng phát triển chung của nền kinh tế. Thiết lập bộ máy nhân sự thích ứng với công nghệ cao, đặc biệt là cấp quản lý. Đẩy mạnh việc sử dụng phần mềm quản lý nhân sự để điều hành và phân công công việc nhằm tránh chồng chéo và giúp cho nhà quản lý kiểm soát và phân công nhiệm vụ một cách đơn giản, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả. Phần mềm phát triển nguồn nhân lực số mang đến những giải pháp quản lý toàn diện cho doanh nghiệp, giúp quy trình quản lý nhân sự trở nên dễ dàng và hiệu quả cao, tiết giảm chi phí.

Xây dựng môi trường lao động chuyên nghiệp, điều kiện làm việc an toàn hiện đại, điều chỉnh các chính sách về thu nhập, phúc lợi một cách phù hợp, cải thiện chính sách nhân sự hợp lý để kích thích khả năng sáng tạo của người lao động trong quá trình lao động sản xuất và giữ chân người lao động. Ngoài duy trì các chế độ phúc lợi tốt, doanh nghiệp cần hình thành hệ thống phân quyền, ủy quyền để các cấp quản lý tự chủ trong công việc. Chú trọng đào tạo nhân sự nội bộ. Doanh nghiệp cần đầu tư chi phí và thời gian cho công việc này thông qua việc cử nhân sự đi học trong, ngoài nước để nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực quản lý. Có thể mời chuyên gia tư vấn hoặc cố vấn độc lập về huấn luyện cho cán bộ chủ chốt để lĩnh hội trực tiếp kiến thức và cách làm thực tiễn… Phối hợp với cơ sở đào tạo để trao đổi, kết nối nhu cầu nhân lực số có chất lượng, phục vụ cho năng lực cạnh tranh và sự phát triển lâu dài của chính doanh nghiệp.

Ba là, các cơ sở đào tạo đại học cần thay đổi chương trình, nội dung đào tạo theo hướng xây dựng chương trình đào tạo số chú trọng đào tạo tri thức công nghệ thông tin, viễn thông, kỹ năng ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong hoạt đông sản xuất, kinh doanh cho sinh viên. Thay đổi phương pháp dạy và học, nâng cao trình độ giảng viên để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Trong quá trình giảng dạy, cần cung cấp thông tin về kinh tế số, quản trị nguồn nhân lực số, phát triển nhân lực số để người học làm quen, thay đổi nhận thức và tự thân thay đổi để đáp ứng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ. Xây dựng hệ thống học liệu số, thư viện số giúp phát huy khả năng tự học, tiếp cận thông tin tri thức của người học, người cần nghiên cứu. Phát triển tốt mối quan hệ “Nhà trường – Doanh nghiệp – Người lao động”. Dựa trên nhu cầu và chiến lược phát triển của doanh nghiệp, các sơ sở đào tạo đại học tiến hành đào tạo theo đơn đặt hàng, đào tạo kiến thức chuyên sâu cho người học trong các lĩnh vực doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động.

Chú thích:
1, 3. Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
2. Harbhajan S. Kehal, Varinder P. Singh (2005), Digital Economy Impacts and Influences and Challenges, Idea Group.
4. Phạm Thị Kiên (2022). Phát triển nguồn nhân lực số trong các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Tạp chí Cộng sản. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/825659/phat-trien-nguon-nhan-luc-so-trong-cac-doanh-nghiep-viet-nam-hien-nay.aspx.
5, 10. Phạm Thị Kiên (2020). Nguồn nhân lực số trong doanh nghiệp. Link truy cập: https://doanhnhansaigon.vn/nguon-nhan-luc-so-trong-doanh-nghiep-203600.html.
6, 7. Kinh tế số Việt Nam phát triển nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp. Báo Chính phủ điện tử. https://baochinhphu.vn.
8, 9, 11. Tổng cục Thống kê (2023). Tình hình thị trường lao động Việt Nam năm 2023.
12. Tổ chức lao động quốc tế: “Nền kinh tế mở thay đổi hình thức, phân phối, chất lượng việc làm Việt Nam”. https://www.ilo.org, ngày 11/02/2022.
13. Tổng cục Thống kê (2023). Bức tranh về tình hình đăng ký doanh nghiệp năm 2023 và dự báo xu hướng doanh nghiệp trong năm 2024.