Nâng cao chất lượng giảng dạy các môn lý luận chính trị góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

TS. Nguyễn Thị Hồng Hoa
Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch, đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị giữ vị trí, vai trò hết sức quan trọng. Để nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, cần bảo đảm tính khách quan, tính khoa học, tính Đảng trong nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị, gắn lý luận với thực tiễn thông qua việc đổi mới phương thức giảng dạy. Chất lượng giảng dạy chính trị được nâng cao sẽ giúp hình thành kỹ năng, thái độ cần thiết cho người học trong quá trình nhận diện và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Từ khóa: Chất lượng giảng dạy; nâng cao chất lượng; giảng dạy lý luận chính trị; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

1. Đặt vấn đề

Thực tiễn cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam cùng với quá trình xây dựng và thực hiện đường lối chính trị, Đảng luôn xác định công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ trọng yếu, quyết định sự tồn vong của của Đảng, của chế độ. Nghị quyết số 35 NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Đảng, bảo vệ Nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”. Việc làm sáng tỏ bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh góp phần khẳng định tính tất yếu của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; đồng thời, kiên quyết đấu tranh chống những luận điệu sai trái, thù địch là việc làm có ý nghĩa cấp bách trong giai đoạn hiện nay, nhất là trong bối cảnh cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận ở nước ta tiếp tục diễn biến phức tạp, gay gắt và quyết liệt; các quan điểm sai trái, thù địch đang hằng ngày, hằng giờ tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng, phá hoại công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Do đó, nhiệm vụ nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới được đặt ra cấp bách.

2. Tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Việc giảng dạy lý luận chính trị có vai trò rất quan trọng giúp người học hình thành thế giới quan, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, từ đó hiểu và vận dụng đúng đắn, sáng tạo lý luận vào hoạt động thực tiễn. Trên cơ sở đó, giúp người học kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và củng cố niềm tin vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tri thức lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục Việt Nam là tổng thể các tri thức được khái quát trong các học phần: Triết học Mác – Lênin, Kinh tế Chính trị, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Các môn học, học phần này là nền tảng và bắt buộc trong các trường đại học, cao đẳng. 

Giảng dạy lý luận chính trị là việc sử dụng các phương pháp, cách thức để giải thích, luận chứng một cách khoa học những khái niệm, phạm trù, nguyên lý, quy luật, quan điểm chính trị nhằm giúp người học nhận thức đúng đắn về những nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ đó kiên định mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội, thấm nhuần đường lối, quan điểm của Đảng, có khả năng vận dụng những tri thức đó vào cuộc sống. V.I. Lênin đã khẳng định: “Không có lý luận cách mạng thì cũng không thể có phong trào cách mạng1

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam nhận thức rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác giáo dục lý luận chính trị để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Kết luận số 94-KL/TW ngày 28/3/2014 của Ban Bí thư nhấn mạnh cần: “Đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống quản lý giáo dục nhằm tạo bước tiến mới, có kết quả, chất lượng cao hơn, góp phần làm cho chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng giữ vai trò chủ đạo trong đời sống xã hội”2

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng đã xác định: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức công tác tư tưởng theo hướng chủ động, thiết thực, kịp thời và hiệu quả; nâng cao tính chiến đấu, tính giáo dục, tính thuyết phục trong tuyên truyền, giáo dục, học tập chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”3. Đồng thời, giáo dục lý luận chính trị phải nhằm “tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị”4.

Như vậy, để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thì việc giảng dạy các môn lý luận chính trị có vai trò rất quan trọng. Hoạt động không những làm sáng tỏ và khẳng định giá trị khoa học và sức sống của chủ nghĩa Mác – Lênin mà còn góp phần chứng minh sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay. Đồng thời, các môn lý luận chính trị đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành thế giới quan, phương pháp luận, nhân sinh quan, hệ thống giá trị văn hóa nhân văn cho người học, là kim chỉ nam giúp định hướng tính tích cực xã hội và chính trị của công dân vào mục đích xây dựng, sáng tạo. Chính vì vậy, việc nâng cao chất lượng giảng dạy các môn lý luận chính trị góp phần không nhỏ vào việc bảo đảm ổn định chính trị – xã hội, tạo sự đồng thuận xã hội trong quá trình xây dựng đất nước. 

Giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy các môn lý luận chính trị nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 

Thứ nhấtnắm vững cương lĩnh, đường lối của Đảng, nội dung cơ bản của các văn kiện, nghị quyết và bảo đảm tính khách quan, tính khoa học, tính Đảng. 

Mỗi giảng viên lý luận chính trị muốn thực hiện được vai trò, trách nhiệm trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng Đảng thì bản thân phải nghiên cứu kỹ những nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, cần kiên quyết chống lại các quan điểm sai trái, thù địch, cần phải nhận diện chính xác những quan điểm sai trái, thù địch, những nhóm đối tượng đang tìm cách chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay, để có biện pháp đấu tranh phù hợp. Quan trọng hơn, giảng viên lý luận chính trị có khả năng phân tích, phê phán những nhận thức mơ hồ, không đúng đắn, vạch ra bản chất phản động của kẻ thù, ngăn ngừa, loại bỏ được những ảnh hưởng tiêu cực, sự dao động, hoài nghi về tư tưởng, lý luận xuất hiện trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Điều cần thiết trong giảng dạy lý luận chính trị là phân tích làm cho người học nhận thức được những thành tựu mà Đảng đã lãnh đạo Nhân dân đạt được trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước. Đồng thời, dưới sự lãnh đạo của Đảng, những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước mà Việt Nam đã đạt được là cơ sở quan trọng khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Những thắng lợi to lớn trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội, quốc phòng – an ninh, đối ngoại…, là minh chứng cho giá trị khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng. Đồng thời, những thành tựu này là minh chứng hung hồn để đập tan các luận điệu xuyên tạc đang từng ngày từng giờ chống phá của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam.

Từ việc thực hiện vai trò chung của lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn là “tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, dự báo xu hướng phát triển, cung cấp luận cứ cho việc xây dựng đường lối, chính sách phát triển đất nước trong giai đoạn mới”5, trong giảng dạy lý luận chính trị cần coi trọng việc tổng kết thực tiễn để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện và phát triển tư tưởng, lý luận của Đảng trong điều kiện mới. Văn kiện Đại hội XIII Đảng ta xác định nhiệm vụ của công tác nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị là “Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, hoàn thiện hệ thống lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Gắn tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận với định hướng chính sách”6.

Việc đưa chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào giảng dạy lý luận chính trị cần đi đôi với việc đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch, làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch là nhiệm vụ cấp bách, kết quả của cuộc đấu tranh có ảnh hưởng đến sự tồn vong, hưng suy của chế độ.

Thứ hai, mỗi người giảng viên cần tăng cường trau dồi tri thức, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống.

Để góp phần vào thắng lợi của công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đòi hỏi mỗi giảng viên giảng dạy lý luận chính trị phải thường xuyên rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng; cần tỉnh táo nhận diện những thông tin sai lệch trong xã hội; chủ động đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đồng thời truyền bá tư tưởng và các kiến thức cho người học giúp họ miễn nhiễm với các thông tin xấu, độc của các thế lực thù địch; giúp cho người học có đủ nhận thức và sức đề kháng với sự xâm nhập của các luận điệu sai trái, thù địch, vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng trong mọi giai đoạn cách mạng. 

Giảng viên chia sẻ, hướng dẫn cho người học nhận diện các quan điểm thù địch, phân tích giảng giải một cách chính xác, khách quan, khoa học giúp cho người học hiểu bản chất vấn đề để đấu tranh, chống lại các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận giá trị khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng. Từ đó, định hướng tư tưởng cho người học để họ có nhận thức đúng đắn, đầy đủ và sâu sắc để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Bên cạnh đó, người giảng viên giảng dạy lý luận chính trị cần tích cực, thường xuyên nghiên cứu khoa học để có kiến thức sâu sắc về những nội dung của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chỉ khi có nền tảng kiến thức vững chắc, người dạy mới đủ bản lĩnh để phản bác lại những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, đồng thời vạch trần âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng Việt Nam. Mặt khác, những công trình nghiên cứu khoa học cũng là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng, góp vào thành công của công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.  

Mỗi người giảng viên giảng dạy lý luận chính trị cần nâng cao bản lĩnh chính trị xây dựng ý chí quyết tâm, tinh thần trách nhiệm trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch và xem đây là sự nghiệp vẻ vang của người giảng viên lý luận chính trị mà Đảng đã giao phó. Đồng thời, không hoang mang, dao động trước mọi luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch thì mới đủ khả năng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. 

Mỗi người giảng viên cần phải có niềm tin, bản lĩnh chính trị vững vàng là yêu cầu cơ bản đầu tiên đối với người làm công tác giảng dạy các môn lý luận chính trị. Bởi lẽ, để dạy tốt, truyền đạt tốt và làm cho người học tin tưởng vào chủ nghĩa Mác – Lênin thì trước hết, bản thân người dạy phải có niềm tin vào chủ trương, đường lối của Đảng, vào nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin. Chỉ khi có niềm tin và chỉ trên cơ sở có niềm tin thực sự mới có thể thuyết phục người học tin theo, nghe theo. Để có niềm tin đối với chủ nghĩa Mác – Lênin, người dạy phải nắm vững tri thức về lý luận chính trị, nắm được bản chất khoa học, cách mạng và nhân văn của chủ nghĩa Mác – Lênin. Trong đó, phải nắm được tính khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin là lý luận được tổng kết, được đúc rút từ thực tiễn.

Chỉ trên cơ sở nắm vững tính khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin và có bản lĩnh chính trị vững vàng người dạy mới có thể bảo vệ được niềm tin, quan điểm của mình và người học cũng chỉ bị thuyết phục thực sự bởi những cơ sở khoa học mà thôi. Ở đây, người dạy phải có đủ các yếu tố niềm tin, bản lĩnh và tri thức về lý luận chính trị mới có khả năng thuyết phục, lôi cuốn được người học tin tưởng một cách tự giác. Đồng thời, người dạy phải tự trang bị cho mình một vốn kiến thức thực tế phong phú. Bên cạnh có niềm tin, bản lĩnh và tri thức lý luận chính trị vững vàng, để bài giảng thực sự sinh động, lôi cuốn, hấp dẫn, người dạy cần có một vốn kiến thức thực tế phong phú. 

Ngoài việc dựa vững chắc trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, để có một bài giảng dễ hiểu và mang tính thuyết phục cao, giảng viên cần phải lồng vào trong bài giảng những minh họa bằng những ví dụ thực tiễn sinh động. Tính hình thức và giáo huấn một chiều trong bài giảng sẽ làm xơ cứng, nghèo nàn, đơn điệu, làm cho lý luận trở thành “lý luận suông” mà không gắn với thực tiễn sinh động đang vận động không ngừng của đất nước, của thế giới. 

Đối với các môn lý luận chính trị, những ví dụ, dẫn chứng sinh động, thuyết phục nhất chính là những vấn đề gắn với tình hình thời sự kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội hiện tại của đất nước. Không những vậy, để bảo đảm tính khách quan, tính thuyết phục cao trong bài giảng, người dạy cần có đầy đủ thông tin về các quan điểm phản diện, sai trái, thù địch…, để cung cấp cho người học dưới nhiều hình thức khác nhau. Đương nhiên khi đưa ra các thông tin này đòi hỏi phải biết chọn lọc, biết lý giải một cách rõ ràng, tránh gây hiểu lầm cho người học, và quan trọng hơn, người dạy phải có đủ bản lĩnh, đủ vốn kiến thức mới có khả năng định hướng đúng đắn cho người học. Bằng những thông tin từ thực tế hiện thực sinh động sẽ hấp dẫn người học, làm cho người học hứng thú khi tiếp nhận bài giảng. Chính yếu tố này làm cho tính thuyết phục của bài giảng được nâng cao.

Do vậy, giảng viên cần tự trang bị cho mình khối lượng thông tin đa dạng thông qua các nguồn thông tin khác nhau. Trong đó, cần thường xuyên bồi dưỡng, tái đào tạo và cập nhật kiến thức để không ngừng hoàn thiện chuyên môn và bản lĩnh chính trị để có đủ “tâm và tầm”, “trí và lực” cung cấp cho người học những vấn đề lý luận và thực tiễn một cách thuyết phục, sinh động. 

Thứ ba, đổi mới phương thức trong giảng dạy lý luận chính trị để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. 

Để nâng cao nhận thức của xã hội về nền tảng lý luận của Đảng, cần đổi mới phương thức giảng dạy sao cho sinh động, hấp dẫn, thuyết phục người học, giúp người học hiểu biết đúng đắn và tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng một cách tự giác. Trong đổi mới phương thức giảng dạy, cần sử dụng phương pháp lấy người học làm trung tâm, đồng thời, đa dạng hóa các phương pháp giảng dạy, tổ chức hướng dẫn cho sinh viên tự học, gợi mở những đề tài nghiên cứu cho sinh viên tự tìm hiểu, khám phá để gây hứng thú cho người học. 

Trước hết, người dạy luôn chú trọng lấy người học làm trung tâm, học cách thức đi tới sự hiểu biết là chính thay vì học nội dung kiến thức là chính, học kỹ năng thực hành và thái độ thực tiễn trong nghề nghiệp nhiều hơn việc lĩnh hội kiến thức tổng quát… Phương pháp này sẽ gây hứng thú hơn cho người học, bớt sự nhàm chán, bởi những gì mà thầy cô giảng không đơn điệu, lý thuyết khô cứng, mà gắn với thực tiễn. Đồng thời, người giảng viên cần đa dạng hóa các phương pháp giảng dạy, trong đó chú trọng việc đối thoại, trao đổi, thảo luận với người học trong giờ giảng. Cập nhật hóa kiến thức đi đôi với tăng cường phương pháp đối thoại, trao đổi, thảo luận với người học là một trong những yêu cầu cơ bản đối với giảng viên trong điều kiện bùng nổ thông tin như hiện nay. Về vấn đề này, trước đây có xu hướng dạy xong một bài hoặc một cụm bài, sau đó ra câu hỏi cho sinh viên chuẩn bị và thảo luận. Ưu điểm của hình thức này là giúp sinh viên có điều kiện hệ thống hóa, nhớ lại nội dung bài giảng song dễ nhàm chán, tạo nên sự thụ động khi lặp lại nội dung bài giảng mà giảng viên đã trình bày trên lớp. 

Để khắc phục tình trạng trên, bên cạnh việc tổ chức thảo luận theo những chủ đề lớn, cần tạo điều kiện cho sinh viên vận dụng tri thức đã học để lý giải những vấn đề về lý luận, những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn. Trong giờ giảng, giảng viên cần nêu tình huống, những vấn đề liên quan đến bài giảng để sinh viên trao đổi, thảo luận hoặc tạo điều kiện cho sinh viên được đặt những câu hỏi để giảng viên giải đáp. Thông qua việc giải đáp những thắc mắc của giảng viên, sinh viên sẽ nhận thức được nội dung bài giảng một cách sâu sắc. Đây cũng chính là một cách làm cho tính thuyết phục của bài giảng được nâng lên và bài giảng chỉ có tính thuyết phục cao khi người học được giải đáp thông suốt mọi vấn đề.

Để giúp sinh viên trao đổi, thảo luận, vận dụng lý thuyết vào lý giải và tiếp cận những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn, người giảng viên phải thường xuyên cập nhật kiến thức, thu thập thông tin bảo đảm tính thời sự, tập trung vào những vấn đề nổi cộm, bức xúc, những luận điệu chống phá nguy hiểm. Người giảng viên cần tiếp cận thông tin từ nhiều góc độ, chiều cạnh khác nhau để từ đó có định hướng rõ ràng về chủ trương, quan điểm, phương pháp đấu tranh. Đồng thời, có đánh giá để nêu bật những giá trị về mặt lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, quyết sách đúng đắn của Đảng.

Việc sử dụng phương pháp đối thoại trực tiếp kết hợp với phương pháp thuyết trình, thảo luận không những giúp bài giảng sinh động mà còn giúp việc tiếp nhận nội dung của sinh viên dễ dàng hơn. Điều không kém phần quan trọng là hướng dẫn cho sinh viên tự học, tự nghiên cứu bài học, tìm tài liệu và nghiên cứu tài liệu trước khi bắt đầu bài giảng. Đồng thời, hướng dẫn tự học phải gắn liền với việc kiểm tra nhằm đánh giá được mức độ và hiệu quả của việc tự học, tự nghiên cứu của sinh viên. Ngoài ra, giảng viên cần gợi mở những đề tài nghiên cứu cho sinh viên tìm hiểu, khám phá, để thông qua việc nghiên cứu khoa học giúp cho sinh viên tìm hiểu sâu sắc hơn nội dung bài học, từ đó có sự say mê trong học tập, nghiên cứu, khám phá khoa học… Với những phương pháp này, nội dung bài giảng sẽ trở nên phong phú, sinh động, thu hút, lôi cuốn người học.

Như vậy, việc nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cần chú trọng đổi mới phương thức giảng dạy lý luận chính trị và phát huy vai trò của người giảng viên trong quá trình dạy học. Trong đó, việc đổi mới phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị là cần thiết nhằm cung cấp kiến thức một cách hiệu quả cho người học, trên cơ sở của phương pháp diễn giải, kết hợp với phương pháp nêu vấn đề, định hướng giải quyết vấn đề, thảo luận để đưa người học vào trung tâm của quá trình dạy học, tạo hứng thú cho người học. Để làm được điều đó, đòi hỏi người giảng viên cần nắm vững cương lĩnh, đường lối của Đảng, nội dung cơ bản của các văn kiện, nghị quyết và bảo đảm tính khách quan, tính khoa học, tính Đảng trong giảng dạylý luận chính trị để bảo vệ Đảng trong tình hình mới. Đồng thời, người giảng viên cần phải có niềm tin, bản lĩnh chính trị vững vàng, có vốn kiến thức thực tế phong phú để làm cho bài giảng sinh động, lôi cuốn, nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy các môn lý luận chính trị và cũng chính là góp phần quan trọng vào việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Chú thích:
1. V.I.Lênin toàn tập. Tập 6. H. NXB Tiến Bộ, Mátxcơva, 1975, tr. 30.
2. Kết luận số 94-KL/TW ngày 28/3/2014 của Ban Bí thư Trung ưởng Đảng về việc tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân.
3, 4, 6. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIIITập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 81, 183, 119 – 120.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 220.