Kinh nghiệm phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân tộc thiểu số ở Trung Quốc và một số gợi mở đối với đồng bào dân tộc Khmer vùng đồng bằng Sông Cửu Long 

ThS Nguyễn Thị Ngọc Anh
Học viện Chính trị khu vực IV

(Quanlynhanuoc.vn) – Thời kỳ cải cách, mở cửa, Trung Quốc rất coi trọng việc phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân tộc thiểu số. Bài viết đề cập thực tiễn và kinh nghiệm về phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Trung Quốc từ sau Đại hội lần thứ XVIII đến nay, từ đó, có một số gợi mở đối với chính sách phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện nay.

Từ khóa: Phát triển kinh tế, an sinh xã hội, dân tộc thiểu số, Trung Quốc, dân tộc Khmer, đồng bằng sông Cửu Long.

1. Vài nét về dân tộc thiểu số ở Trung Quốc

Ngoài dân tộc Hán với tư cách tộc người chiếm đa số, Trung Quốc hiện nay có 55 dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, có khoảng hơn 640.000 người chưa xác định được thuộc dân tộc nào1. Mặc dù dân số các dân tộc thiểu số ở Trung Quốc tương đối ít, nhưng lại sinh sống ở tất cả các tỉnh, khu tự trị và thành phố trực thuộc Trung ương. Hầu hết các đơn vị cấp huyện đều có ít nhất hai dân tộc thiểu số sinh sống. Tuy phân bố rải rác ở trên các vùng, các tỉnh và địa phương nhưng các dân tộc thiểu số này chủ yếu sống ở khu Nội Mông, Tân Cương, Ninh Hạ, Quảng Tây, Tây Tạng, Vân Nam, Quý Châu, Thanh Hải, Tứ Xuyên, Cam Túc, Liêu Ninh, Cát Lâm, Hồ Nam, Hồ Bắc, Hải Nam và một số tỉnh, khu tự trị khác. Hiện nay, Vân Nam là tỉnh có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống nhất ở Trung Quốc. Hiện tỉnh này có 52/55 dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó dân tộc từ 5.000 người trở lên có 25 dân tộc. 

Theo số liệu thống kê, năm 2010, dân số gốc Hán của Trung Quốc là 1.225.932.641 người (chiếm 91,51%); dân tộc thiểu số là 113.792.211 người (chiếm 8,49%); còn tính đến ngày 01/11/2020, tổng số dân của các dân tộc thiểu số ở Trung Quốc là 125.467.390 người (chiếm 8,89% dân số). So với kết quả điều tra năm 2010, số dân của các dân tộc thiểu số tăng thêm 11.675.179 người (tăng 10,26%)2. Trong số 55 dân tộc thiểu số ở Trung Quốc, các dân tộc có đông dân số bao gồm dân tộc: Choang, Mãn, Hồi, Duy Ngô Nhĩ, Tujia, Yi, Mông Cổ, Tibetan. Đối với các đơn vị hành chính cấp tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, Trung Quốc đặt tên là khu tự trị (tương đương với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương). Năm 2019, Trung Quốc có 5 khu tự trị, gồm: Khu tự trị Nội Mông với 17.11% là người dân tộc Mông Cổ; khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây: 33% là người dân tộc Choang; khu tự trị Tây Tạng: 96,4% là người dân tộc Tạng; khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ:34,9% là người dân tộc Hồi và khu tự trị Tân Cương: 60% là người dân tộc Duy Ngô Nhĩ.

2. Quan điểm và chủ trương của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với dân tộc thiểu số từ sau Đại hội Đại biểu lần thứ XVIII (năm 2012)

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn coi trọng công tác dân tộc, nhất là giải quyết tốt các vấn đề dân tộc. Từ sau Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII, kế thừa và phát triển chủ trương, chính sách đối với dân tộc thiểu số trước đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề ra một số chủ trương, chính sách dân tộc nhằm phù hợp với yêu cầu của công tác dân tộc trong tình hình mới. Theo đó, từ Đại hội XVIII đến nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ban hành một số chủ trương, chính sách dân tộc chủ yếu, như: “Ý kiến về tăng cường và cải thiện công tác dân tộc trong bối cảnh mới” (năm 2014); “Ý kiến về việc giải quyết và xử lý các vấn đề dân tộc theo nguyên tắc pháp quyền và duy trì đoàn kết dân tộc” (năm 2017); “Ý kiến về tăng cường đoàn kết dân tộc và củng cố ý thức cộng đồng dân tộc Trung Quốc” (năm 2019). Trong các chủ trương, chính sách dân tộc, Đảng Cộng sản Trung Quốc nhấn mạnh các quan điểm chỉ đạo cơ bản gồm: (1) Kiên trì sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc; (2) Kiên trì con đường chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc; (3) Kiên trì duy trì sự thống nhất Tổ quốc; (4) Kiên trì sự bình đẳng giữa các dân tộc; (5) Kiên trì và hoàn thiện chế độ tự trì vùng dân tộc; (6) Kiên trì cùng phấn đấu, đoàn kết, cùng phát triển phồn vinh giữa các dân tộc và duy trì nền tảng tư tưởng của cộng đồng dân tộc Trung Hoa; (7) Kiên trì nguyên tắc pháp quyền3.

Về con đường phát triển kinh tế – xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Đảng Cộng sản Trung Quốc nhấn mạnh yêu cầu phát triển toàn diện với phương châm: “lấy nâng cao chất lượng dịch vụ công cơ bản và cải thiện dân sinh làm nhiệm vụ hàng đầu, lấy xóa đói, giảm nghèo làm trọng điểm, lấy phát triển giáo dục, giải quyết việc làm, điều chỉnh cơ cấu kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng và bảo vệ môi trường sinh thái làm điểm tập trung, lấy thúc đẩy sự lưu động các yếu tố của thị trường và tăng cường sự giao lưu, trao đổi, hội nhập giữa các dân tộc làm con đường”4.

3. Thực tiễn việc triển khai chính sách dân tộc ở Trung Quốc từ sau Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc đến nay

Đảng Cộng sản Trung Quốc đặc biệt coi trọng việc phát triển kinh tế – xã hội, văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái ở vùng dân tộc thiểu số. Có thể đề cập đến thực tiễn và chính sách phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội ở vùng dân tộc thiểu số ở Trung Quốc từ Đại hội XVIII đến nay qua một số phương diện sau:

Một là, thúc đẩy việc xây dựng một xã hội bảo đảm sự thịnh vượng ở tất cả vùng dân tộc. “Cùng hưởng” là một trong những triết lý phát triển mới được Đảng Cộng sản Trung Quốc đề ra tại Đại hội lần thứ XVIII và có nghĩa là bảo đảm để mọi người, mọi dân tộc, mọi vùng miền đều tham gia vào tiến trình phát triển và đều thụ hưởng thành quả của phát triển. Triết lý phát triển này đòi hỏi cần phải quan tâm hơn việc phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm an sinh xã hội ở vùng dân tộc thiểu số. Năm 2013, tổng số huyện nghèo ở Trung Quốc là 832, trong đó số huyện nghèo ở vùng dân tộc thiểu số là 416 (chiếm 50%). Tỷ lệ dân số nghèo là người dân tộc thiểu số ở Trung Quốc vào thời điểm này chiếm 1/3. Chính vì vậy, Trung Quốc đặc biệt nhấn mạnh việc giảm nghèo bền vững ở vùng dân tộc thiểu số. Để đẩy mạnh giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số, Trung Quốc đã thực hiện một loạt biện pháp như, tăng cường xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển dịch vụ công cơ bản ở các vùng nghèo, thực hiện chính sách ưu đãi và hỗ trợ cho vùng dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế – xã hội, từ đó, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. 

Hai là, tiếp tục tăng cường các chính sách hỗ trợ để phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số và hỗ trợ người dân tộc thiểu số làm giàu. Trong đó, đặc biệt tăng cường đầu tư ngân sách để phát triển các tỉnh biên giới miền Tây có đông người dân tộc thiểu số và các chính sách cụ thể để người dân tộc thiểu số làm giàu; đồng thời, tăng cường sự hỗ trợ của các địa phương miền Đông cho các địa phương miền Tây. Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương ở Trung Quốc cũng đã thực hiện các dự án lớn để phát triển giáo dục, cung cấp nhà cho thuê với mức giá ưu đãi ở các vùng dân tộc thiểu số. Nhờ sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương và sự hỗ trợ của các tỉnh, thành phố trong cả nước, trình độ phát triển kinh tế ở các vùng dân tộc thiểu số ở Trung Quốc đã có sự cải thiện rõ nét. Năm 2020, GDP của 05 khu tự trị và 3 tỉnh có đông người dân tộc thiểu số đã tăng tăng lên 10.447 tỷ nhân dân tệ, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2010 và tăng 320 lần so với năm 19785

Ba là, phát triển hệ thống dịch vụ xã hội cơ bản và bao phủ ở vùng dân tộc thiểu số. Từ sau Đại hội XVIII đến nay, Trung Quốc không chỉ nỗ lực để giảm khoảng cách về phát triển kinh tế mà còn nỗ lực để thu hẹp khoảng cách phát triển về giáo dục, y tế và an sinh xã hội giữa vùng dân tộc thiểu số với vùng khác. 

Trong lĩnh vực giáo dục, nhờ sự hỗ trợ của trung ương và các địa phương nên toàn bộ hoặc một số vùng ở Tân Cương, Tây Tạng, Thanh Hải, Vân Nam, Tứ Xuyên và một số khu tự trị, các tỉnh khác đã thực hiện chính sách miễn học phí cho học sinh mầm mon, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông; thực hiện kế hoạch hỗ trợ 10.000 giáo viên cho Tây  Tạng, Tân Cương; thực hiện chính sách 100 trường tiểu học và trung học phổ thông chất lượng cao ở các tỉnh, thành phố ở miền Đông hỗ trợ cho 100 trường tiểu học, trung học cơ sở ở vùng dân tộc thiểu số. Trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe, một hệ thống an ninh y tế nhiều cấp đã được xây dựng và phát triển ở vùng dân tộc thiểu số. Theo số liệu thống kê, đến cuối năm 2019, người dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế ở 8 tỉnh, khu tự trị có đông người dân tộc thiểu số là 199 triệu người, chiếm 98,9% dân số6. Cùng với phát triển giáo dục, y tế, Trung Quốc còn rất coi trọng việc bảo vệ môi trường. Chẳng hạn, từ sau Đại hội XVIII đến nay, mỗi năm Trung Quốc đầu từ hơn 10 tỷ nhân dân tệ cho công tác bảo vệ môi trường ở Tây Tạng. Từ năm 2013 đến năm 2018, tổng kinh phí dành cho công tác bảo vệ môi trường ở Nội Mong khoảng hơn 83 tỷ nhân dân tệ7. Từ sau Đại hội lần thứ XVIII, Tân Cương đã đầu tư 3 tỷ nhân dân tệ để bảo tồn và phát triển 57 khu sinh thái, cải thiện về môi trường cho 2.438 thôn, làng người DTTS8.

5. Một số gợi ý phát triển chính sách đối với đồng bào Khmer ở vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam

a. Tình hình về đồng bào Khmer ở vùng đồng bằng sông Cửu Long    

Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam (năm 2019), dân số đồng bào Khmer là 1.319.652 người, chiếm 1,37% dân số cả nước, trong đó nam là 650.238 người (chiếm 49,2% dân số người Khmer) và nữ là 669.414 người (chiếm 50,8%), trong đó dân số Khmer sống ở thành thị là 310.776 người (chiếm 23,5%), sống ở nông thôn là gần 1,1 triệu người. Người Khmer là tộc người nhập cư sớm vào vùng đất Nam Bộ và là tộc người có dân số đông đứng hàng thứ hai, sau người Kinh ở đây. Hiện nay, đồng bào dân tộc Khmer phân bố và sinh sống ở các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ, trong đó có hai tỉnh: Sóc Trăng với 362.029 người, chiếm 30,1% dân số và Trà Vinh với 318.231 người, chiếm 31,5% dân số9.

Trong công cuộc đổi mới, với các chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, vùng dân tộc Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long đã có sự phát triển toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế – xã hội trong vùng đồng bào Khmer phát triển; kết cấu hạ tầng và các công trình thiết yếu đã được tăng cường và không ngừng hoàn thiện; đầu tư phát triển ở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới được coi trọng và đạt kết quả tích cực; bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào được giữ gìn và phát huy; giáo dục, y tế phát triển mạnh mẽ, an sinh xã hội được quan tâm đúng mức; hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Khmer ngày càng được củng cố, kiện toàn; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. 

Tuy nhiên, bên cạnh những thay đổi tích cực, toàn diện nói trên, vẫn còn một số vấn đề đặt ra về kinh tế, văn hóa – xã hội, bảo vệ môi trường… trong đồng bào dân tộc Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long. Có thể kể đến một số vấn đề, như: chất lượng sản phẩm nông nghiệp chưa bảo đảm, hạn chế về trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ, phương thức sản xuất thiếu tập trung, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer còn cao (13,1% năm 2019), tỷ lệ nghèo đa chiều trong đồng bào dân tộc Khmer còn rất cao (khoảng 38,2% năm 2017). Tuy việc phát triển giáo dục trong đồng bào Khmer đã đạt được nhiều kết quả, nhưng đến năm 2022, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên không biết chữ trong đồng bào Khmer là 24,4%. Đặc biệt, tỷ lệ đồng bào Khmer học cao đẳng, đại học rất thấp, với tỷ lệ khoảng 1%; tính đến năm 2022, tỷ lệ nguồn nhân lực đồng bào Khmer chưa qua đào tạo khoảng 97,7% (cao thứ hai sau dân tộc Mông với 98,7%)10. Tỷ lệ thất nghiệp trong đồng bào Khmer vẫn còn cao (5% năm 2009 và hơn 4% năm 2022). Bên cạnh đó, trong lĩnh vực văn hóa, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự vẫn còn một số vấn đề đang đặt ra, như việc lạm dụng các lễ hội để “buôn thần, bán thánh” gây ảnh hưởng xấu đến môi trường văn hóa và đời sống kinh tế; cơ sở sản xuất – kinh doanh công nghiệp, thủ công nghiệp ở vùng đồng bào Khmer đang gây ô nhiễm môi trường nước và sức khỏe người dân (do công trình và thiết bị xử lý chất thải không đạt tiêu chuẩn và thiếu)11. Một bộ phận đồng bào Khmer có hoàn cảnh khó khăn bị các thế lực xấu mua chuộc và xúi giục.

b. Kinh nghiệm của Trung Quốc và những gợi ý phát triển cho Việt Nam

Từ kinh nghiệm của Trung Quốc và xuất phát từ điều kiện của đồng bào Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện nay, để thúc đẩy sự phát triển hơn nữa về kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội cho đồng bào Khmer, cần quan tâm đúng mức một số vấn đề sau:

Một là, nhấn mạnh hơn yêu cầu phát triển bền vững, bao trùm trong bối cảnh mới, từ đó có sự quan tâm đặc biệt đối với việc cải thiện điều kiện kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội ở vùng dân tộc thiểu số nói chung, vùng đồng bào dân tộc Khmer nói riêng. Để khắc phục tình trạng phát triển không cân bằng giữa các vùng miền, Đảng Cộng sản Trung Quốc coi “cùng hưởng” là một trong những triết lý phát triển trong thời kỳ mới. Việc chăm lo phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội ở vùng dân tộc thiểu số không chỉ nhằm góp phần thực hiện triết lý phát triển “cùng hưởng” mà còn là yếu tố quan trọng bảo đảm sự ổn định và phát triển của đất nước Trung Quốc. Từ kinh nghiệm này, chúng ta cần quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng về vị trí, vai trò quan trọng của phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội ở vùng dân tộc thiểu số nói chung, vùng đồng bào dân tộc Khmer nói riêng; đồng thời thực hiện có hiệu quả hệ thống các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội ở vùng đồng bào dân tộc Khmer.

Hai là, phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer nhưng có bước đi ưu tiên và trọng tâm trong phát triển ở từng lĩnh vực cụ thể. Đảng Cộng sản và Chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh yêu cầu phát triển toàn diện với phương châm: “lấy nâng cao chất lượng dịch vụ công cơ bản và cải thiện dân sinh làm nhiệm vụ hàng đầu, lấy xóa đói, giảm nghèo làm trọng điểm, lấy phát triển giáo dục, giải quyết việc làm, điều chỉnh cơ cấu kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng và bảo vệ môi trường sinh thái làm điểm tập trung, lấy thúc đẩy sự lưu động các yếu tố của thị trường và tăng cường sự giao lưu, trao đổi, hội nhập giữa các dân tộc làm con đường”12. Từ kinh nghiệm này của Trung Quốc, việc phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội ở vùng đồng bào dân tộc Khmer ở nước ta cần tiếp tục nhấn mạnh tính toàn diện, nhưng cần xác định rõ trọng tâm, trọng điểm trong phát triển các lĩnh vực ở vùng đồng bào dân tộc Khmer nhằm vừa đáp ứng yêu cầu bức thiết của đồng bào Khmer, vừa hạn chế tình trạng phân tán về nguồn lực. 

Ba là, tăng cường đầu tư ngân sách của Nhà nước cho vùng đồng bào dân tộc Khmer thông qua đầu tư trực tiếp và các chính sách hỗ trợ gián tiếp.

Trong bối cảnh hiện nay, tuy việc nhấn mạnh ý chí tự lực tự cường của người dân tộc thiểu số là cần thiết nhưng để người dân tộc thiểu số có thể thực hiện điều này cần cơ sở ban đầu nhất định. Cơ sở ban đầu để phát triển vùng dân tộc thiểu số  và cải thiện cuộc sống của người dân tộc thiểu số chính là sự đầu tư ngân sách của Nhà nước cho phát triển vùng dân tộc, nhất là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và các dịch vụ xã hội cơ bản. Bên cạnh sự đầu tư ngân sách trực tiếp để tạo lập cơ sở cho phát triển kinh tế – xã hội, chúng ta cần dành ngân sách rất lớn để thực hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân tộc thiểu số, như:hỗ trợ khám, chữa bệnh, miễn học phí cho các cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông và dành học bổng cho con em người dân tộc thiểu số học cao đẳng, đại học. Nhà nước và chính quyền địa phương cần tăng cường đầu tư ngân sách cho sự phát triển của vùng dân tộc thiểu số nước ta nói chung, vùng đồng bào Khmer nói riêng.

Bốn là, huy động sức mạnh của toàn xã hội chăm lo, phát triển vùng dân tộc Khmer. Để có nguồn lực phát triển vùng dân tộc thiểu số bên cạnh việc nhà nước trực tiếp đầu tư ngân sách và các chính sách hỗ trợ, Trung Quốc đã thực hiện rất tốt việc phát huy sự hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp của các bộ, ngành và các địa phương cho vùng dân tộc thiểu số. Chẳng hạn như duy trì việc cả nước hỗ trợ, giúp đỡ Tây Tạng, các tỉnh miền Đông có trình độ phát triển cao hỗ trợ, giúp đỡ đối với các tỉnh, khu tự trị miền Tây có đông người dân tộc thiểu số cũng như việc từng tỉnh, thành phố có trình độ phát triển cao giúp đỡ. Các ngành cũng xây dựng các chương trình hỗ trợ, giúp đỡ cho vùng dân tộc thiểu số, như: Bộ Giáo dục triển khai việc các cơ sở giáo dục miền Đông nhận hỗ trợ, giúp đỡ các cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số cũng như triển khai chương trình tăng cường đội ngũ giáo viên. Từ kinh nghiệm này, Việt Nam cần có cơ chế và biện pháp để huy động sự tham gia, hỗ trợ của toàn xã hội và các cấp các, các ngành đối với sự phát triển của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào Khmer nói riêng.

Năm là, chính sách xây dựng bộ máy phụ trách công tác dân tộc. Chính sách phát triển vùng dân tộc thiểu số trên thực tế là một chính sách đa ngành, liên ngành, liên quan đến nhiều lĩnh vực, bộ, ngành khác nhau ở Trung ương và địa phương. Chính vì vậy, bên cạnh cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng phát triển vùng dân tộc thiểu số, cần phải phát huy vai trò của các cơ quan khác trong lĩnh vực này. Từ nhận thức này, để thực hiện tốt các chính sách dân tộc, Trung Quốc rất coi trọng việc xây dựng, củng cố hệ thống tổ chức bộ máy thực hiện công tác dân tộc. Ngoài Ủy ban Dân tộc thuộc Quốc vụ viện (Chính phủ), các bộ thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc đều thành lập các thiết chế để quản lý và điều phối công tác dân tộc. Ví dụ, Bộ Giáo dục Trung Quốc có Vụ Giáo dục Dân tộc, Bộ Thương mại có Vụ Thương mại Dân tộc, Bộ Văn hóa có Vụ Văn hóa Dân tộc, Bộ Y tế có Vụ Y tế Dân tộc. Ủy ban Văn hóa – Giáo dục thuộc Quốc vụ viện thành lập Ban chỉ đạo học tiếng và chữ dân tộc để hướng dẫn việc học tiếng ở các dân tộc thiểu số… Đồng thời, Trung Quốc còn thành lập các nhà xuất bản dân tộc để xuất bản các ấn phẩm sử dụng tiếng Mông Cổ, Tây Tạng, Ngô Duy Nhĩ, tiếng Triều Tiên và ngôn ngữ của dân tộc thiểu số khác…Việt Nam chúng ta có thể tham khảo kinh nghiệm này trong xây dựng tổ chức bộ máy thực hiện công tác dân tộc nói chung, công tác dân tộc ở vùng đồng bào Khmer nói riêng.

Sáu là, tăng tỷ lệ cán bộ là người dân tộc Khmer trong hệ thống chính trị.

Việc tăng tỷ lệ cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số có ý nghĩa quan trọng không chỉ góp phần bảo đảm quyền bình đẳng giữa các dân tộc mà còn nâng cao hiệu quả việc thực thi các chính sách phát triển ở vùng dân tộc thiểu số. Trung Quốc rất coi trọng việc tăng cường tỷ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị. Với nhiều biện pháp khác nhau, tỷ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị ở vùng dân tộc thiểu số ở Trung Quốc tương đối cao13. Từ kinh nghiệm này, chúng ta cần thực hiện nhiều biện pháp nhằm tăng tỷ lệ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị ở vùng dân tộc thiểu số nói chung, vùng đồng bào Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. 

Chú thích: 
1, 2. Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc. Công báo Tổng điều tra dân số toàn quốc lần thứ bảy. Bắc Kinh, ngày 11/5/2021.
3, 4, 12. Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc vụ viện Trung Quốc. Ý kiến về tăng cường và cải thiện công tác dân tộc trong tình hình mới. https://www.ynml.gov.cn, ngày 15/3/2019.
5. Ủy Ban dân tộc. Bản tin thống kê về phát triển kinh tế và xã hội của 8 vùng dân tộc thiểu số năm 2020. Hà Nội, ngày 15/10/ 2021.
6. Bản tin thống kê về sự phát triển của y tế quốc gia năm 2019. http://www.nhsa.gov.cn, ngày 15/3/2021.
7. Baolu. Lịch sử xây dựng và bảo vệ môi trường sinh thái trong 40 năm cải cách và mở cửa ở Nội Mông. Tạp chí Kinh tế phương Bắc, số 9, 2018, tr. 18.
8. Đánh giá về những thành tựu  của Tân Cương từ sau Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Cổng thông tin điện tử Đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày 12/3/2021.
9. Tổng Cục thống kê. Kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. H. NXB Thống kê, 2020, tr. 170.
10. Hà Thị Khiết. Bảo đảm chính sách bình đẳng giữa các dân tộc trên cơ sở phát triển nguồn nhân lực ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tạp chí Mặt trận (8/2022), tr. 42.
11. Nguyễn Thị Huệ. Những vấn đề cơ bản và cấp bách trong cộng đồng dân tộc Khmer tại Việt Nam hiện nay/ Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu đề tài khoa học cấp quốc gia, Hà Nội, 2020, tr.59.
13. Thanh Giác, Nghiêm Khánh. Hình thức biểu hiện chủ yếu của vấn đề dân tộc ở Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay và việc ứng phó. Tạp chí Dân tộc Hắc Long Giang, 2010, số 1, tr. 26.