Thực hiện chính sách người có công với cách mạng trên địa bàn huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh

Lưu Tấn Hùng
UBND xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè

(Quanlynhanuoc.vn) – Huyện Nhà Bè là vùng đất có bề dày truyền thống cách mạng vẻ vang trong sự nghiệp đấu tranh và bảo vệ Tổ quốc, các thế hệ cha anh đã nối tiếp nhau lên đường chiến đấu chống giặc ngoại xâm vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Hiện nay, quá trình thực hiện chính sách người có công trên địa bàn huyện Nhà Bè còn nhiều khó khăn do sự phối hợp giữa các ngành, địa phương ở một số nơi chưa chặt chẽ; nhận thức của người dân đối với người có công còn hạn chế… Bài viết đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác thực hiện chính sách người có công với cách mạng trên địa bàn huyện Nhà Bè.

Từ khoá: TP. Hồ Chí Minh; người có công; chính sách người có công với cách mạng.

1. Đặt vấn đề

Những năm qua, TP. Hồ Chí Minh nói chung, đảng bộ và chính quyền huyện Nhà Bè nói riêng đã tích cực thực hiện có hiệu quả nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng trên địa bàn huyện và đã được Thành ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) TP. Hồ Chí Minh đánh giá, ghi nhận; được người dân ủng hộ, thúc đẩy phong trào đền ơn đáp nghĩa trong Nhân dân. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức và thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng vẫn còn những hạn chế, khó khăn, vướng mắc ở nhiều khía cạnh, từ năng lực cán bộ, công chức thực hiện chính sách tới những quy định trong hệ thống chính sách chưa sát với thực tiễn, thiếu tính đồng bộ, gây khó khăn trong xác minh hồ sơ người có công… làm hạn chế hiệu quả của chính sách. Từ thực tiễn đó, đòi hỏi cần nghiên cứu một cách có hệ thống cả lý luận và thực tiễn về vấn đề thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng trên địa bàn huyện Nhà Bè. 

2. Thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng trên địa bàn huyện Nhà Bè

Quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với người có công trong giai đoạn mới, đặc biệt, sau khi Đảng, Nhà nước, Quốc hội ban hành những văn bản quan trọng liên quan đến người có công, như: Chỉ thị số 14 -CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng; Quyết định số 773/QĐ-TTg ngày 26/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương (khóa XII) về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng; Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14ngày 09/12/2020 của Ủy Ban thường vụ Quốc hội về ưu đãi người có công với cách mạng…, đảng bộ và Nhân dân huyện Nhà Bè luôn thực hiện đầy đủ các chính sách đối với người có công trên địa bàn huyện. 

Theo đó, ngày 18/7/2023 của UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch số 3411/KH-UBND về tổ chức và kinh phí thực hiện các hoạt động kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2023); Kế hoạch số 859/KH-UBND ngày 23/02/2024 của UBND TP. Hồ Chí Minh về tổ chức nguồn cho đối tượng là người có công tiêu biểu; người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày tiêu biểu nhân kỷ nhiệm 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024)… Từ đó, công tác “Đền ơn đáp nghĩa” đã thực sự trở thành phong trào quần chúng, sâu rộng, thu hút được đông đảo các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp, đoàn thể, tổ chức xã hội và Nhân dân tham gia hưởng ứng và phát triển ngày càng mạnh mẽ, bước đầu đem lại những hiệu quả thiết thực, tạo ra nguồn lực to lớn cả về vật chất lẫn tinh thần, góp phần chăm lo đời sống cho các gia đình chính sách và người có công. 

Việc quan tâm người có công và thân nhân người có công với cách mạng chính là sự thể hiện sự biết ơn sâu sắc của Đảng và Nhà nước, chính quyền và Nhân dân ta đối với người có công với cách mạng trong cuộc đấu tranh giành độc lập và bảo vệ Tổ quốc. Để công tác “Đền ơn đáp nghĩa” đối với người có công thực sự đi vào đời sống, ngày 04/10/2023, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Công văn số 22476/SLĐTBXH-NCC về việc báo cáo tiến độ thực hiện hỗ trợ cải thiện nhà ở đối với người có công và thân nhân liệt sĩ có nhu cầu; Công văn số 28894/SLĐTBXH-NCC ngày 18/12/2023 của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội về việc tăng cường thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh; Công văn số 1049/SLĐTBXH-XH ngày 12/01/2024 của Sở lao động Thương binh và Xã hội về việc đẩy mạnh công tác chi trả chế độ an sinh xã hội không dùng tiền mặt trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn – 2024.

Theo đó, tính đến tháng 6/2023, tổng số người hưởng trợ cấp ưu đãi đối với người có công ở huyện Nhà Bè đang quản lý 456 đối tượng người có công với cách mạng1, trong đó chiếm tỷ lệ nhiều nhất là thương binh, với 115 người2. Việc nắm bắt được chính xác, đầy đủ, bổ sung kịp thời các đối tượng người có công và thân nhân người có công được diễn ra liên tục hằng năm nhằm thực hiện ưu đãi theo đúng quy định của pháp luật, hạn chế bỏ sót các đối tượng hoặc các trường hợp hưởng sai chế độ hay sử dụng hồ sơ giả để hưởng trợ cấp bất hợp pháp từ ngân sách nhà nước. Phòng Lao động – Thương bình và Xã hội huyện Nhà Bè hằng năm đều thực hiện các cuộc rà soát lại đối tượng và có những sự điều chỉnh kịp thời, phù hợp với thay đổi của từng giai đoạn.

Qua tìm hiểu, người có công với cách mạng có độ tuổi thấp nhất là 55 tuổi và cao nhất là 97 tuổi có sức khỏe tốt, được các con cháu thường xuyên quan tâm, chăm sóc, kiểm tra sức khỏe đột xuất và định kỳ. Họ đều là những người lớn tuổi sống cùng với con, cháu và có tiền trợ cấp ổn định hằng tháng; đa phần, đời sống của những gia đình có công với cách mạng thuộc dạng khá, thu nhập ổn định; mức sống vượt xa hơn chuẩn hộ nghèo, cận nghèo theo quy định của TP. Hồ Chí Minh. Hiện nay, huyện Nhà Bè không có gia đình có công với cách mạng thuộc hộ nghèo, cận nghèo. 

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính sách về người có công với cách mạng trên địa bàn huyện Nhà Bè vẫn còn nhiều hạn chế, cụ thể:

Thứ nhất, nhận thức của toàn xã hội về người có công với cách mạng cũng như vai trò trách nhiệm của bản thân họ đối với công tác chăm lo đến đời sống của người có công với cách mạng còn hạn chế. Một bộ phận người có công với cách mạng chưa nhận thức một cách đầy đủ, đúng đắn về quyền lợi của mình cũng như các chế độ được hưởng theo quy định.

Thứ hai, tại Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng thì người còn sống phải có lý lịch mới được xác nhận, trong khi người đã hy sinh, từ trần thì được sử dụng những căn cứ khác để công nhận, như: lịch sử đảng bộ địa phương, các giấy tờ, tài liệu lưu trữ… Vì vậy, đối với các đối tượng là lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa cần phải mở rộng căn cứ xác nhận, đặc biệt là đối với người còn sống trong quá trình thực hiện thủ tục làm chế độ hưởng trợ cấp. Đồng thời, cần thực hiện các chế độ bảo hiểm y tế đối với thân nhân lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa còn sống.

Thứ ba, các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách cho người có công với cách mạng do cấp trên gửi về huyện đôi khi không rõ ràng, không thống nhất, cứng nhắc đã không phát huy được tính linh động trong quá trình thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng. Bên cạnh đó, còn thiếu sự đồng bộ trong quá trình thực hiện các chính sách ở các cơ sở; thiếu sự phối hợp liên ngành; sự phối hợp giữa các tổ chức, đoàn thể cá nhân; sự kiểm tra giám sát của cán bộ lãnh đạo cấp trên dẫn đến thực trạng một số cán bộ ở cơ sở làm sai, sót đối tượng được hưởng chính sách.

Thứ tư, các loại hình hoạt động của các tổ chức, đoàn thể, chính quyền địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần cho người có công với cách mạng chưa phong phú, đa dạng, chưa thu hút được sự quan tâm tham gia của đông đảo người có công với cách mạng. Ngoài ra, huyện còn thiếu nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp trong lĩnh vực quản lý và thực hiện các chế độ cho người có công trên địa bàn huyện.

3. Một số giải pháp

Một là, tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng các chế độ chính sách cho người có công với cách mạng theo Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 ngày 09/12/2020, Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành trung ương về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; công tác tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ. Tập trung chỉ đạo, giải quyết những trường hợp còn vướng mắc về hồ sơ, thủ tục để đáp ứng nguyện vọng chính đáng của những người tham gia kháng chiến, đã đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước.

Hai là, ưu tiên nguồn lực giải quyết những nhu cầu cấp thiết đối với người có công và thân nhân người có công, như: phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, dạy nghề, tạo việc làm, thiết thực giúp đỡ các gia đình chính sách khó khăn phát triển sản xuất – kinh doanh bằng các hoạt động cụ thể. Đẩy mạnh phong trào xã hội hóa công tác chăm lo đời sống cho người có công với cách mạng, trên cơ sở huy động mọi nguồn lực xã hội kết hợp với nguồn lực của Nhà nước.

Ba là, thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, chế độ của Đảng và Nhà nước đối với người có công; thực hiện tốt công tác giáo dục phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, đất nước, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” đối với các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ để xây dựng ý thức, trách nhiệm, tích cực hưởng ứng tham gia phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc đời sống người có công với cách mạng.

Bốn là, đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện chính sách đối với người có công; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và thực hiện chế độ, chính sách, gắn với việc nâng cao hiệu quả quản lý đối tượng người có công ở các đơn vị, địa phương. Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức, trách nhiệm của những người làm công tác người có công ở các cấp, nhất là ở cơ sở.

Năm là, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, huyện, UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện tốt các phát động phong trào phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách. Tham mưu UBND huyện huy động, quản lý, sử dụng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đúng quy định, bảo đảm công khai, minh bạch. 

Sáu là, tổ chức triển khai các cuộc thanh tra, kiểm tra theo quyết định của UBND Thành phố, kế hoạch của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh theo quy định của pháp luật. Cử cán bộ tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của UBND Thành phố, cấp có thẩm quyền và đột xuất khi phát hiện các đơn vị, cá nhân thuộc ngành có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, tổ chức thanh tra, kiểm tra, rà soát đối tượng hưởng chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, việc thực hiện các chế độ ưu đãi; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng ở cơ sở; nắm bắt đời sống, tâm tư và nguyện vọng người có công với cách mạng để có những giải pháp hỗ trợ kịp thời những thiếu sót.

4. Kết luận

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Nhà Bè luôn quan tâm tới đời sống của người có công và thân nhân người có công đang sống trên địa bàn bằng các nghị quyết, chương trình hành động, lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa” gắn với phong trào xây dựng nhà tình thương, bảo đảm người có công và thân nhân người có công được tiếp cận đầy đủ các chính sách, không bỏ sót đối tượng, như: nhà ở, bảo hiểm y tế, giáo dục… Trong thời gian tới, việc phát huy tốt hiệu quả, tăng cường công tác thực hiện chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng sẽ đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của người có công và toàn xã hội. Tập trung giải quyết cơ bản những tồn tại, vướng mắc, khó khăn trong việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; kiên quyết khắc phục thiếu sót, chậm trễ trong việc thực hiện chính sách đối với người có công. Tích cực, chủ động triển khai thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng, với phương châm: “Thiết thực, toàn diện”; huy động mọi nguồn lực, nâng cao hiệu quả hoạt động “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”.

Chú thích:
1, 2. Báo cáo số lượng đối tượng đang hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hằng tháng ngày 12/6/2023 của Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh.
Tài liệu tham khảo:
1. Chỉ thị số 14 -CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương (khóa XII) về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng.
2. Công văn số 22476/SLĐTBXH-NCC ngày 04/10/2023 của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh về việc báo cáo tiến độ thực hiện hỗ trợ cải thiện nhà ở đối với người có công và thân nhân liệt sĩ.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2021.
5. Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020.