Nâng cao vai trò của Nhà nước trong phát triển ngành công nghiệp ô tô ở Việt Nam

TS. Nguyễn Ngọc Dương
Trường Đại học Thương mại

(Quanlynhanuoc.vn) – Xuất phát từ nhận định cho rằng, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam những năm qua chưa thực sự thành công như mong đợi, nghiên cứu được tiến hành với mục đích tìm hiểu nguyên nhân dưới góc độ quản lý nhà nước. Đồng thời, kết quả nghiên cứu thu được khá tương đồng so với nhiều nghiên cứu trước. Bài viết này đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao vai trò của Nhà nước trong phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trong thời gian tới.

Từ khóa: Ngành công nghiệp ô tô; vai trò của Nhà nước đối với ngành công nghiệp ô tô; cơ chế; chính sách; Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ về đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, cụ thể: đến năm 2025, là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao1. Với mục tiêu đó, xây dựng và phát triển nền công nghiệp chế tạo với công nghệ hiện đại do người Việt sáng tạo và làm chủ là một đòi hỏi thiết yếu không thể thiếu. 

Ngày 16/7/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1168/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã đặt ra mục tiêu cụ thể. Giai đoạn 2026 – 2035, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đáp ứng trên 65% nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước; đồng thời, phấn đấu đến năm 2035, tổng lượng xe xuất khẩu đạt khoảng 90.000 chiếc2. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngành công nghiệp phụ trợ cung cấp toàn bộ linh kiện đầu vào cho các doanh nghiệp lắp ráp ô tô vừa nhỏ về quy mô, số lượng, vừa yếu về chất lượng sản phẩm, mặt khác, chỉ sản xuất được những chi tiết đơn giản có hàm lượng công nghệ chưa cao, dẫn đến giá trị gia tăng còn khiêm tốn… 

2. Vai trò của Nhà nước trong phát triển ngành sản xuất công nghiệp

Ở bất kỳ quốc gia nào, Nhà nước đều đóng vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế – xã hội nói chung và các ngành sản xuất công nghiệp nói riêng. Nhà nước đưa ra định hướng phát triển, hướng tới các mục tiêu được cả xã hội mong đợi; đồng thời, bảo đảm điều kiện cho doanh nghiệp và các tổ chức thực hiện với mục tiêu là ưu tiên hàng đầu cho phát triển kinh tế, trong đó có ngành sản xuất công nghiệp thể hiện qua một số điểm sau:

Thứ nhất, Nhà nước thiết kế và thực thi các mục tiêu phát triển quốc gia theo thể chế nhằm đạt được sự phát triển về kinh tế – xã hội mà lợi ích chính đáng gồm Nhà nước – doanh nghiệp – người dân đều được bảo đảm và tôn trọng3. Đối với các ngành sản xuất công nghiệp, Nhà nước khẳng định tính dẫn dắt, định hướng, tránh sai đường, chệch hướng trong đường hướng phát triển, vì vậy, cần có thể chế phù hợp khuyến khích phát triển ba lĩnh vực chủ yếu: thể chế chính trị – xã hội – kinh tế.

Thứ hai, Nhà nước tập trung nâng cao năng lực con người bằng cách đầu tư vào giáo dục, chăm sóc về sức khỏe, nhà ở và cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội nhằm bảo đảm công bằng xã hội. Phát triển con người và xã hội được coi vừa là mục tiêu, vừa là động lực và là phương tiện của phát triển. Đồng thời, xây dựng hệ thống các nguồn lực xã hội tập trung đầu tư cho mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp, có thể là chi tiêu công, thuế, tín dụng, thương quyền… Ngoài ra, một điều kiện không thể thiếu, đó là phải ổn định kinh tế vĩ mô, vì thiếu sự ổn định kinh tế vĩ mô thì không doanh nghiệp hay ngành công nghiệp nào phát triển bền vững.

Thứ ba, Nhà nước là chủ thể chính trong việc xây dựng và thực thi các chiến lược dành cho nghiên cứu khoa học – công nghệ trong các ngành công nghiệp, chỉ có Nhà nước mới có đủ nguồn lực để thực thi chiến lược phát triển này. Vì vậy, những chiến lược này, cần được thực thi có hiệu quả đối với sản xuất – kinh doanh, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay. Ngoài ra, Nhà nước còn đóng vai trò chủ động định hướng, lập kế hoạch thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đây là vai trò mà các tổ chức, doanh nghiệp không thể thực hiện được nếu không có sự hiện diện sâu rộng của Nhà nước hoặc ít nhất là với vai trò là bảo lãnh.

Thứ tư, Nhà nước chủ động định hướng, can thiệp hay thúc đẩy thị trường nói riêng và cả xã hội nói chung thông qua các chiến lược phát triển và các chính sách được cụ thể hóa cho từng chiến lược trong từng ngành, lĩnh vực thông qua việc phân bổ và sử dụng các nguồn lực quốc gia một cách hiệu quả; tập trung vào các mục tiêu ưu tiên, tạo động lực cho sự phát triển chung của quốc gia. Nhà nước trực tiếp đề ra kế hoạch phát triển công nghiệp với những tham vọng lớn, bảo đảm tính khoa học, tính thực tiễn, khả thi; đồng thời, có quyết sách mạnh mẽ về cơ chế, chính sách, nguồn lực và kết hợp với các khuyến khích khác có liên quan để thúc đẩy công nghiệp phát triển.

Thứ năm, Nhà nước đóng vai trò tạo sự cạnh tranh lành mạnh để tất cả mọi chủ thể trong nền kinh tế hay xã hội nói chung và trong các ngành công nghiệp nói riêng đều phải vươn lên cạnh tranh về chất lượng và giá thành sản phẩm. Tiêu chí để cạnh tranh trong đời sống chính trị là tài giỏi hơn và đạo đức hơn, trong đời sống kinh tế là chất lượng hơn và giá rẻ hơn; đồng thời, thúc đẩy cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và kiểm soát gắt gao những doanh nghiệp còn chiếm giữ vị thế độc quyền là rất quan trọng. Vị trí độc quyền không chỉ dẫn đến lạm quyền mà còn làm cho hoạt động kinh tế kém hiệu quả và xã hội kém năng động.

3. Thực trạng phát triển ngành công nghiệp ô tô ở Việt Nam hiện nay

Những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước với mục tiêu sản xuất đạt xấp xỉ 500.000 ô tô và trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong chuỗi sản xuất công nghiệp ô tô thế giới vào năm 20253. Tuy nhiên, năng lực sản xuất ô tô của Việt Nam hiện nay vẫn còn tương đối nhỏ so với các ngành công nghiệp ô tô trong khu vực. 

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, năm 2022, Việt Nam sản xuất được tổng cộng 439,600 ô tô, tăng 30,8% so với năm trước. Tuy nhiên, con số này vẫn còn nhỏ so với các nước trong khu vực như Thái Lan và Indonesia lần lượt sản xuất 1,93 triệu và 983.000 xe trong cùng năm4. Cũng theo các nhà Hiệp hội này, năm 2022, có tổng cộng 508.547 ô tô được bán ra tại Việt Nam, tăng 44,8% so với năm trước5. Sự tăng trưởng này phần lớn được thúc đẩy bởi sự phổ biến của những chiếc xe nhỏ với giá cả phải chăng, chiếm phần lớn doanh số bán hàng.

Xét về tỷ lệ nội địa hóa trong ngành ô tô Việt Nam trong những năm gần đây, Bộ Công Thương cho biết, tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô sản xuất tại Việt Nam đã được cải thiện qua từng năm, và đạt mức trung bình 20% (năm 2021)6. Trong khi đó, Chính phủ đặt mục tiêu đạt tỷ lệ nội địa hóa 60% đối với ô tô sản xuất tại Việt Nam vào năm 20307. Tuy nhiên, tỷ lệ nội địa hóa đối với chất lượng của các cấu kiện hỗ trợ được sản xuất vẫn còn rất thấp, không chỉ so với các nước trong khu vực, như Thái Lan hay Indonesia mà so với ngay cả mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển ngành của Chính phủ. Mặc dù Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc tăng số lượng linh kiện có nguồn gốc trong nước nhưng chất lượng của những linh kiện này vẫn kém hơn so với các linh kiện được sản xuất tại Thái Lan hay Indonesia, ngoài ra, chưa nói đến các quốc gia sản xuất ô tô lâu đời, như Nhật Bản hay Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp hỗ trợ cho lĩnh vực sản xuất ô tô ở Việt Nam đã và đang phát triển nhanh trong những năm gần đây, tuy nhiên, nếu so với các nước trong khu vực thì Việt Nam còn đang ở khoảng cách quá xa. Điều này, đặt ra những thách thức lớn trong việc phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ mà đặc biệt là ngành công nghiệp sản xuất ô tô phải đối mặt, như: thiếu vốn đầu tư, trình độ chuyên môn và công nghệ hạn chế, chuỗi cung ứng kém hiệu quả… Vì vậy, Nhà nước cần thực hiện các chiến lược tốt hơn và hiệu quả hơn để phát triển ngành công nghiệp này, đồng thời nhận ra tiềm năng của ngành như một trung tâm sản xuất ô tô lớn ở Đông Nam Á8.

Theo kế hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam, tỷ lệ giá trị sản xuất đối với ô tô 9 chỗ ngồi là 30 – 40% và khoảng 40 – 45% năm 2025; tương tự ô tô từ 10 chỗ ngồi trở lên đạt 35 – 45% và 50 – 60% vào năm 2025; đối với ô tô tải, đạt 30 – 40% và 45 – 55% năm 20259. Nhưng sau gần 20 năm phát triển, tỷ lệ nội địa hóa của xe ô tô sản xuất tại Việt Nam còn rất thấp, đa số chưa đạt mục tiêu đề ra và thấp hơn so với tỷ lệ trung bình của các nước trong khu vực. Cụ thể, xe tải dưới 7 tấn đạt tỷ lệ nội địa hóa trung bình trên 20%; xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng đạt tỷ lệ 45 – 55%. Riêng đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi, tỷ lệ nội địa hóa bình quân mới đạt 7 – 10%10. Ngoài ra, các sản phẩm đã được nội địa hóa mang hàm lượng công nghệ rất thấp, như: săm, lốp ô tô, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc – quy, sản phẩm nhựa, đồng thời, chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi, như: động cơ, hệ thống điều khiển, truyển động… Đồng thời, tham gia chủ yếu vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị, phụ thuộc lớn vào sự phân công sản xuất của các tập đoàn ô tô toàn cầu nên chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống điều khiển, hệ thống truyền động…11. Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi về thuế, trong đó có thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt còn chưa đủ hấp dẫn để khuyến khích doanh nghiệp mở rộng đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Đây chính là một trong những nút thắt ảnh hưởng lớn đến sự phát triển ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam. Từ những bất cập, hạn chế trên, có thể chỉ ra một số nguyên nhân chính như sau:

(1) Chính sách ưu đãi về thuế, thuế tiêu thụ đặc biệt để tạo ra sức cạnh tranh cho ngành sản xuất ô tô trong nước. Bên cạnh đó, chính sách tín dụng cũng cần được mở rộng, ví dụ như hiện nay các doanh nghiệp FDI hoạt động trong cùng lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ thường vay vốn từ công ty mẹ hoặc từ ngân hàng nước ngoài với lãi suất chỉ từ 1 – 3%/năm, trong khi các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước phải vay lãi suất 8 – 10%/năm12. Sự chênh lệch lớn này đã làm hạn chế sự cạnh tranh của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước và hạn chế mở rộng sản xuất, đầu tư tiếp nhận công nghệ mới. Đồng thời, cần có chính sách bảo vệ thị trường trước sự phát triển nhanh chóng của xe nhập khẩu, nhất là trong gian lận thương mại. 

(2) Cơ chế kiểm tra, giám sát, định hướng hoạt động của các liên doanh chưa theo đúng cam kết, phát triển nội địa hóa theo đúng tiến độ quy định, hạn chế những liên doanh chỉ khai thác thị trường, lợi dụng các chính sách ưu đãi ban đầu… 

(3) Chưa rà soát triệt để về cải cách chính sách thuế, phí (thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc và linh, phụ kiện; thuế tiêu thụ đặc biệt…) bảo đảm khả thi và ổn định lâu dài phù hợp với các cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập.

(4) Thiếu sự đồng bộ của cơ chế, chính sách liên quan, đặc biệt là đối với những dự án đầu tư sản xuất xe thân thiện môi trường.

(5) Trình độ công nghệ kỹ thuật còn nhiều hạn chế nên chưa đáp ứng được yêu cầu khắt khe của các liên doanh; thiếu chuyên môn hóa sản xuất dẫn đến linh kiện sản xuất tại Việt Nam có giá cao hơn các nước trong khu vực. 

4. Một số giải pháp trong thời gian tới

Một là, Nhà nước hỗ trợ tài chính cho ngành công nghiệp ô tô, chẳng hạn như cho vay lãi suất thấp hoặc bảo lãnh khoản vay để khuyến khích đầu tư. Ví dụ, Nhà nước có thể thành lập một quỹ quốc gia để phát triển ngành công nghiệp ô tô, quỹ này có thể được sử dụng để hỗ trợ tài chính cho các công ty, đặc biệt là những công ty vừa và nhỏ hoặc có thể cung cấp các ưu đãi về thuế cho các công ty đầu tư vào R&D, đào tạo và chuyển giao công nghệ. Điều chỉnh các chính sách về thuế, phí để giúp các doanh nghiệp giảm chi phí, dẫn đến giảm giá thành xe, người dân có nhiều cơ hội để sở hữu ô tô. 

Hai là, cần phát triển chuỗi cung ứng nội địa bằng cách khuyến khích sự phát triển của các nhà cung cấp địa phương để Nhà nước có thể giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu và giảm chi phí cho các doanh nghiệp. Điều này, sẽ tạo ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp địa phương và tăng khả năng cạnh tranh của ngành. Ngoài ra, xây dựng chuỗi cung ứng trong nước, các doanh nghiệp có thể cải thiện khả năng tiếp cận nguyên liệu thô và giảm khả năng bị gián đoạn chuỗi cung ứng; đồng thời, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu. 

Đối với ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô, cần đáp ứng nhu cầu nội địa của các công ty lắp ráp trong nước, từ đó, tạo cơ sở phát triển ổn định và mở rộng sản xuất tiến tới xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần xây dựng và hỗ trợ thành lập các trung tâm tiếp thị, quảng bá sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ô tô.

Ba là, thúc đẩy các doanh nghiệp FDI chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước như đã cam kết trong hợp đồng đầu tư. Trước hết, Nhà nước cần phải thiết lập khung pháp lý yêu cầu các doanh nghiệp FDI chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp nội địa như một phần của hợp đồng đầu tư. Điều này đã cụ thể trong hợp đồng phác thảo các yêu cầu chuyển giao công nghệ, hình phạt đối với việc không tuân thủ và cơ chế thực thi hoặc có thể thành lập văn phòng chuyển giao công nghệ để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao từ các doanh nghiệp FDI sang các doanh nghiệp trong nước. Văn phòng này có thể hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp trong nước cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ đối tác và hợp tác giữa các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp địa phương. Ngoài ra, Nhà nước có thể khuyến khích liên doanh liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp nội địa như một biện pháp tạo điều kiện chuyển giao công nghệ. 

Bốn là, Nhà nước có thể đầu tư phát triển năng lực thiết kế và kỹ thuật địa phương để cho phép các nhà sản xuất địa phương thiết kế và sản xuất các bộ phận và linh kiện của riêng họ. Điều này, sẽ giảm nhu cầu nhập khẩu linh kiện, phụ tùng từ các nước khác, đồng thời tăng tỷ lệ nội địa hóa cao; đồng thời, cần xây dựng danh mục các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ô tô, từ đó, giúp cho các nhà hoạch định chính sách, các công ty có sự nhìn nhận rõ ràng về công nghiệp hỗ trợ ô tô, khắc phục được sự nhận thức mơ hồ về công nghiệp hỗ trợ như đồng nhất việc phát triển công nghiệp hỗ trợ với nâng cao tỷ lệ nội địa. Việc xây dựng danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ bao gồm cả việc đánh giá mức độ công nghệ hay hàm lượng kỹ thuật trong sản phẩm, từ đó, có thể định vị Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu đối với quá trình sản xuất ô tô. 

Năm là, phát triển lực lượng lao động lành nghề là điều cần thiết cho sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô. Nhà nước có thể đầu tư vào các chương trình giáo dục và đào tạo, tập trung vào việc phát triển các kỹ năng, kiến thức cần thiết của lĩnh vực này. Điều này, có thể bao gồm các chương trình đào tạo nghề tập trung vào các khía cạnh cụ thể của ngành cũng như quan hệ đối tác với các trường đại học để phát triển các khóa học chuyên ngành. Điều này sẽ tạo ra một lực lượng lao động có tay nghề cao và có khả năng đáp ứng nhu cầu của ngành trong thời gian tới.

5. Kết luận

Để nâng cao vai trò của Nhà nước trong phát triển ngành công nghiệp ô tô ở Việt Nam trong thời gian tới, cần thực hiện các chiến lược tốt hơn và hiệu quả hơn để phát triển hơn nữa ngành công nghiệp ô tô bằng cách tập trung vào phát triển chuỗi cung ứng trong nước, thúc đẩy lực lượng lao động lành nghề, áp dụng công nghệ mới và thực hiện các chính sách thân thiện với môi trường để nâng cao khả năng cạnh tranh và đạt được mục tiêu biến Việt Nam thành một trung tâm sản xuất ô tô lớn ở Đông Nam Á.

Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 135 – 136.
2, 3, 7. Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.
4, 5. Báo cáo bán hành của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô tại Việt nam (VAMA) năm 2022. http://vama.org.vn, ngày 30/01/2023.
6. Đề cương chiến lược phát triển các ngành thép, ô tô, sữa, thị trường bán lẻ Việt Nam. https://moit.gov.vn, ngày 05/04/2024
8. Hoàng Văn Châu. Công nghiệp hỗ trợ: Kinh nghiệm của các nước và giải pháp cho Việt Nam. NXB Văn hóa truyền thông, 2020, tr. 154.
9, 10. Tỷ lệ nội địa hóa ô tô sản xuất trong nước mới đạt bình quân khoảng 7 – 10%. https://mof.gov.vn, ngày 06/7/2022.
11. Ngành công nghiệp ôtô Việt Nam: Chưa làm chủ được công nghệ cốt lõi. https://laodong.vn, ngày 29/11/2019
12. Làm công nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp phải vay lãi từ 8 – 10%/năm. https://vov.gov.vn, ngày 25/9/2019.
Tài liệu tham khảo:
1. Hoàng Văn Châu. Công nghiệp hỗ trợ: Kinh nghiệm của các nước và giải pháp cho Việt Nam. H. NXB Văn hóa truyền thông, 2020.
2. Hồ Quế Hậu. Những nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển công nghiệp hỗ trợ: bằng chứng từ Thành phố Hồ Chí Minh. Tạp chí Kinh tế và Phát triển, số 243 tháng 9/2017.
3. Công nghiệp ô tô Việt nam, cơ hội ghi tên trên bản đồ xuất khẩu ô tô thế giới. https://vioit.org.vn/vn, ngày30/8/2021.
4. Phát triển ngành công nghiệp ô tô: Những vấn đề đặt ra. http://consosukien.vn, truy cập ngày 15/4/2024.
5. Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô: Thực trạng và giải pháp. https://congnghiepmoitruong.vn, 25/9/2023.
6. UNDP (2012), Democratization in a Developmental State: The Case of Ethiopia – Issues, Challenges, and Prospects. https://www.et.undp.org.