Thực hiện mô hình lớp học đảo ngược trong giảng dạy ngoại ngữ cho sinh viên các trường đại học tại Việt Nam

ThS. Phùng Thanh Hà
Trường Đại học Xây dựng Hà Nội

(Quanlynhanuoc.vn) – Mô hình lớp học đảo ngược là mô hình lớp học có nhiều ưu điểm và mang lại nhiều lợi ích cho cả giảng viên lẫn sinh viên so với lớp học truyền thông. Chính vì vậy, Những năm vừa qua, mô hình này liên tục thu hút sự chú ý của các nhà giáo dục và ngày càng có nhiều nghiên cứu về mô hình này được thực hiện ở nhiều lĩnh vực hay môn học khác nhau trong giảng dạy. Bài viết chỉ ra một số thuận lợi và khó khăn khi áp dụng mô hình lớp học đảo ngược, đồng thời đưa ra các đề xuất giải pháp tăng cường hiệu quả áp dụng phương pháp này trong việc giảng dạy ngoại ngữ cho sinh viên bậc đại học hiện nay.

Từ khóa: Mô hình lớp học đảo ngược; giảng dạy ngoại ngữ; sinh viên đại học; hiệu quả; giảng viên; bậc đại học; trường đại học.

1. Đặt vấn đề

Phương pháp dạy học truyền thống trong đó giảng viên dành hầu hết thời gian trên lớp giảng bài, người học lắng nghe và ghi chép, sau đó về nhà, người học làm bài tập rồi giảng viên giao cho để ghi nhớ và củng cố các tri thức đã được tiếp nhận không còn phù hợp với xu thế và yêu cầu của thời đại mới. Các nhà giáo dục và giảng viên cần phải không ngừng nghiên cứu, tìm tòi, đổi mới các hoạt động dạy học, tăng cường sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin để khuyến khích người học tích cực, chủ động, sáng tạo hơn trong việc học tập, lĩnh hội tri thức để giải quyết vấn đề. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã chỉ ra rõ một trong những giải pháp để đổi mới phát triển toàn diện giáo dục đó là: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học”. 

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ giúp cho việc truy cập và tạo ra các tài liệu học tập trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn. Việc dạy học sử dụng công nghệ thông tin thúc đẩy quá trình học tập bên ngoài lớp học đang trở thành xu thế và ngày càng phổ biến trong giáo dục trên thế giới và ở Việt Nam, đặc biệt là bậc Đại học, nơi người học là sinh viên có trình độ hiểu biết rộng, khả năng tiếp thu kiến thức nhanh, độ tập trung cao, thích tìm tòi và áp dụng cái mới, thích giao lưu và kết nối. Thêm vào đó, thời gian “tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học” do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 vừa qua đã tạo ra sự thay đổi lớn trong cách dạy và cách học. 

Việc học ở nhà và học trên các nền tảng trực tuyến không còn xa lạ mà đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu của người học. Tuy nhiên, việc dạy và học này vẫn chỉ dùng lại ở hình thức: thay vì giảng bài trên lớp thì giảng viên sẽ truyền thụ kiến thức thông qua các nền tảng như Zoom, MS Team,… người học vẫn thụ động làm bài tập, thực hiện các nhiệm vụ giảng viên giao tại nhà. Hiệu quả của việc áp dụng công nghệ thông tin hoạt động dạy và học vẫn chưa được tận dụng triệt để.

Các trường đại học Việt Nam ngày càng quan tâm đến việc làm thế nào để nâng cao năng lực ngoại ngữ cho sinh viên trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập như hiện nay. Cùng với kiến thức, kỹ năng chuyên môn, ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh trở thành yêu cầu sinh viên tốt nghiệp bắt buộc phải có để khẳng định năng lực của mình. Tuy nhiên, đối với sinh viên đặc biệt là sinh viên không chuyên, các khối kiến thức chuyên ngành khá nặng, thời lượng và lượng kiến thức dành cho việc dạy và học ngoại ngữ bị hạn chế trong phạm vi lớp học. 

Các trường đại học tích cực tìm mô hình dạy và học mới, tăng cường thời lượng học ngoại ngữ ngoài lớp học, tạo sự linh động về thời gian và không gian học tập, kích thích sự hứng thú, tính tự giác học tập, nhu cầu học tập suốt đời của sinh viên. Ra đời từ cách đây hơn một thập kỷ, mô hình lớp học đảo ngược được áp dụng ngày càng phổ biến từ các nước có nền giáo dục phát triển như Mỹ, Australia, châu Âu. Tuy nhiên mô hình này vẫn khá mới, chưa được biết đến nhiều và áp dụng rộng rãi trong các trường học nói chung và trường đại học nói riêng ở Việt Nam.

2. Mô hình lớp học đảo ngược

Mô hình lớp học đảo ngược (tên tiếng Anh: Flipped Classroom) là một loại hình học tập kết hợp đặc biệt1. Mô hình lớp học đảo ngược này lần đầu tiên thu hút sự chú ý của các nhà giáo dục vào năm 2007 khi các giảng viên hóa học Jonathan Bergmann và Aaron Sams từ trường trung học Woodland Park ghi lại các bài học trực tiếp và phát sóng trực tuyến cho những học sinh bỏ lỡ những bài học đó2. Mục đích chính của phương pháp học tập mới này là giúp sinh viên chuẩn bị môn học trước khóa học và trong suốt khóa học áp dụng các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trực tiếp. Đây là mô hình dạy học hoàn toàn “đảo ngược” so với mô hình lớp học truyền thống. Các hoạt động “học ở lớp, làm bài tập ở nhà” (trong mô hình lớp học truyền thống) được chuyển thành hoạt động “học ở nhà và làm bài tập ở lớp”. 

Trong mô hình lớp học đảo ngược, người học sẽ tự học ở nhà qua các video bài giảng quay sẵn, học trực tuyến, tìm tài liệu hỗ trợ qua sách, báo, tạp chí, Internet, chuẩn bị câu hỏi, chủ đề thảo luận. Sau đó, khi lên lớp, người học đặt các câu hỏi để giảng viên giải đáp; cùng nhau tham gia các hoạt động định hướng của giảng viên để hiểu sâu và mở rộng kiến thức mang tính đòi hỏi cao hơn như tranh luận, thảo luận theo cặp, nhóm,… Cuối cùng, giảng viên sẽ củng cố, chốt lại các nội dung của bài học. 

Cấu trúc của mô hình lớp học đảo ngược.

Lớp học đảo ngược được chia thành 2 giai đoạn:

So sánh lớp học đảo ngược với lớp học truyền thống.

So sánh dựa trên thang đo cấp độ tư duy Bloom cho thấy lớp học đảo ngược có nhiều ưu điểm hơn lớp học truyền thống được mô tả tại hình 1. Thang đo cấp độ tư duy của Bloom (đã được cải tiến) đi từ thấp đến cao là ghi nhớ thông hiểu, vận dụng, phân tích, đánh giá, sáng tạo. Trong lớp học truyền thống, do thời gian trên lớp bị giới hạn, giảng viên chỉ hướng dẫn, truyền đạt kiến thức. Vì thế, khi ở trên lớp người học chỉ đạt hai mức đầu của thang đo cấp độ tư duy là ghi nhớ, thông hiểu. Để đạt được mức độ cao hơn là ứng dụng, phân tích, đánh giá, sáng tạo, mấy người học phải nỗ lực tự học và nghiên cứu ở nhà. Đây là trở ngại lớn với đa số người học.

Còn trong lớp học đảo ngược, dưới sự hướng dẫn của giảng viên, mấy người học sẽ tự học, nghiên cứu bài giảng và tài liệu ở nhà để đạt hai mức đầu là ghi nhớ, thông hiểu. Sau đó, mấy người học rồi lên lớp tương tác, thảo luận, thuyết trình với giảng viên và các bạn cùng lớp để đạt bốn mức độ cao hơn là ứng dụng, phân tích, đánh giá, sáng tạo. Đây là một yêu cầu khó khăn nhưng người học có thể đạt được với sự trợ giúp, chia sẻ của giảng viên và bạn bè. Giáo viên có thời gian để cùng người học đào sâu hơn nữa vào những tri thức đã lĩnh hội và ứng dụng vào thực tiễn. Người học có thể biến thông tin trong sách thành kiến thức của mình thay vì chỉ dừng lại ở mức hiểu và nhớ nhưng không biết cách áp dụng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn. Đây cũng chính là vấn đề mà trước đây mô hình giáo dục truyền thống chưa làm được.

3. Thực tiễn áp dụng mô hình lớp học đảo ngược trong giảng dạy ngoại ngữ cho sinh viên không chuyên ở các trường đại học tại Việt Nam 

3.1. Ưu điểm

Về hình thức, mô hình lớp học đảo ngược chỉ đảo lại mô hình của lớp học truyền thống. Tuy nhiên, mô hình này mang lại nhiều lợi ích cho cả sinh viên và giảng viên:

Một là, đối với người học.

Sinh viên chủ động, tích cực trong việc tìm hiểu, nghiên cứu các vấn đề ngoại ngữ chẳng hạn như ngữ pháp, từ vựng theo chủ đề, cách viết một đoạn văn, email… Sinh viên khám phá, lĩnh hội kiến thức để có thể tiến tới các cấp độ cao trong tư duy, áp dụng các kiến thức đó vào thực tiễn đời sống.

Sinh viên có thể tự lựa chọn địa điểm, thời gian, cách thức, tốc độ học tập phù hợp với bản thân ngoài lớp học. Chẳng hạn, nếu có chỗ nào chưa hiểu, sinh viên có thể dừng video, tua và nghe lại cho đến khi hiểu. Trên lớp, sinh viên có thêm thời gian hiểu sâu về kiến thức và dễ dàng áp dụng kiến thức ngôn ngữ vào trong thực tiễn dưới sự hướng dẫn của giảng viên, luyện tập kỹ năng giao tiếp, thảo luận về một chủ đề, viết đoạn văn liên quan đến kinh nghiệm của bản thân.

Sinh viên dễ dàng tiếp cận bài giảng hơn. Ngay cả khi nghỉ học và bỏ lỡ một số bài học, sinh viên vẫn có cơ hội xem lại các thông tin cần thiết và bắt kịp tiến độ học tập của các bạn cùng lớp.

Sinh viên có thể kết nối, tương tác, nhận hỗ trực trực tiếp từ giảng viên và bạn bè. Có cơ hội để phát triển kỹ năng thảo luận nhóm, thuyết trình trước đám đông, đặt câu hỏi phản biện. Đây là những kỹ năng cơ bản, là mục tiêu của việc và học ngoại ngữ trong trường Đại học. Bài học trở nên thú vị, thu hút sinh viên hơn. Đồng thời, mô hình này tạo ra môi trường học tập sát với sinh viên, phù hợp với mọi trình độ, giúp việc học hiệu quả và có ý nghĩa hơn.

Hai là, đối với giảng viên.

Tối ưu việc sử dụng thời gian: các video bài giảng quay sẵn giúp giảng viên tiết kiệm thời gian giảng dạy kiến thức trên lớp. Các video này có thể áp dụng cho nhiều lớp giúp giảm thời gian giảng viên phải nói lại. Thậm chí nếu không cần chỉnh sửa, video có thể áp dụng cho nhiều năm. Thời gian tiết kiệm được giảng viên có thể dành cho việc nghiên cứu thêm các kiến thức mới, điều hành lớp học và hướng dẫn sinh viên thực hành ngoại ngữ, học tập chuyên sâu hơn. Đồng thời, giảng viên cũng có thêm thời gian để tương tác, đánh giá các kỹ năng giao tiếp mạnh, yếu của mỗi sinh viên để nâng cao hiệu quả của hoạt động dạy học. Giáo viên cũng có thời gian kèm cặp sinh viên yếu, giúp các em nắm vững kiến thức cơ bản.

Phát huy khả năng nghiên cứu và sáng tạo: giảng viên phải tích cực không ngừng tìm tòi sáng tạo ra những nội dung và cách trình bày kiến thức sinh động, thú vị để thu hút sinh viên vào bài học. Giáo viên cần đọc sách, đào sâu nghiên cứu để trả lời các câu hỏi và mở rộng kiến thức cho người học.

Tốt cho sức khỏe: giảng viên không phải nói nhiều và tiếp xúc với bụi phấn bảng.

3.2. Những khó khăn khi áp dụng

Mặc dù mô hình lớp học đảo ngược đã và đang chứng tỏ là mô hình phù hợp với thời đại khoa học – kỹ thuật phát triển nhanh chóng và có nhiều ưu thế hơn so với việc dạy và học truyền thống nhưng vẫn còn nhiều khó khăn khi triển khai và áp dụng trong việc các trường đại học hiện nay:

Thứ nhất, mô hình dạy học này vẫn chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức công nhận và có văn bản hướng dẫn cách thức, các bước triển khai cụ thể, thống nhất. Hiện nay một số trường đại học đã chủ động áp dụng mô hình lớp học đảo ngược, học tập kết hợp trong giảng dạy ngoại ngữ, Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ và ủng hộ việc áp dụng mô hình này.

Thứ hai, với sinh viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn hoặc ở vùng sâu vùng xa thì đây là một trở ngại. Để có thể học tập theo mô hình lớp học đảo ngược sinh viên cần có máy tính, điện thoại thông minh, internet và thành thạo công nghệ để học tại nhà.

Thứ ba, mô hình lớp học đảo ngược có thể gây ra những tác dụng ngược đối với việc khuyến khích sinh viên tự học, tự chủ và độc lập trong học tập. Một số sinh viên không có thói quen tự học hoặc khả năng tiếp thu chậm sẽ gặp khó khăn khi phải tự học tại nhà. Nếu không có sự giám sát, các em dễ mải chơi, xao nhãng, dễ sa vào các kênh giải trí hấp dẫn khác, quên cả việc học. Sinh viên không chịu tự giác học, chuẩn bị bài mới ở nhà, khi đến lớp thiếu kiến thức nền tảng, gây khó khăn cho hoạt động tư duy cấp cao hơn trên lớp. Sau thời gian dài, nếu không tự học, sinh viên sẽ càng thụt lùi và thua kém so với các bạn tự học nghiêm túc.

Thứ tư, giảng viên cần có nhiều thời gian chuẩn bị và bỏ ra nhiều công sức hơn. Giáo viên phải dành thời gian quay video, ghi âm, biên tập và đăng tải các bài giảng. Ngoài ra, cần có nhiều kiến thức và kỹ năng hơn so với lớp học truyền thống, trong đó cần định hướng, xây dựng nội dung bài giảng phù hợp với sinh viên. Trong quá trình giảng dạy trên lớp, giảng viên phải liên tục quan sát, đưa ra những phản hồi thích hợp vào thời điểm cần thiết, đánh giá bài làm, thảo luận của sinh viên. Đồng thời, giảng viên phải kết nối được các thành viên trong lớp, cộng tác với các giảng viên khác để cùng cải tiến phương pháp, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao kết quả dạy học.

Thứ năm, mô hình lớp học đảo ngược không thật sự phù hợp với nhu cầu “học để thi” của sinh viên Việt Nam. Theo mô hình lớp học đảo ngược, nhiều thông tin được chia sẻ làm cho sinh viên cảm thấy bối rối khi lựa chọn thông tin ôn thi. Mô hình này cũng không nhằm tới mục đích cải thiện và nâng cao điểm số. Hơn nữa, việc sinh viên dành nhiều thời gian chuẩn bị cho các kỳ thi có thể làm gián đoạn quy trình của lớp học đảo ngược.

4. Một số khuyến nghị nâng cao hiệu quả áp dụng mô hình lớp học đảo ngược trong giảng dạy ngoại ngữ cho sinh viên tại các trường đại học ở Việt Nam.

Lớp học đảo ngược cần được tiến hành theo các bước sau:

(1) Trước giờ lên lớp: giảng viên xây dựng một lớp học ảo trong hệ thống quản lý học tập trên mạng. Sinh viên được cấp tài khoản để tham gia vào lớp học. Giáo viên giao nhiệm vụ học tập cho sinh viên và sinh viên thực hiện các nhiệm vụ học tập theo yêu cầu của giảng viên chẳng hạn, như: đọc một đoạn văn, bài báo, nghe một cuộc hội thoại, chuẩn bị từ vựng theo một chủ đề… Giáo viên cung cấp các học liệu trên mạng, như: video bài giảng, tài liệu tham khảo để sinh viên tự mình tìm hiểu và hình thành các kiến thức cơ bản cho bản thân. Sinh viên tự tóm tắt các kiến thức, chuẩn bị các câu hỏi để thảo luận trên lớp. Để tránh việc sinh viên lên lớp không chuẩn bị bài, giảng viên có thể dùng các công cụ hỗ trợ tạo ra các câu hỏi kèm theo video, sinh viên xem xong sẽ trả lời câu hỏi và kết quả sẽ báo trực tiếp đến cho giảng viên.

(2) Trong giờ học trên lớp: giảng viên tổ chức thảo luận vấn đề theo nhiều hình thức khác nhau. Sinh viên có thể tham gia vào các hoạt động, như: thuyết trình, thảo luận nhóm về một chủ đề, chơi trò chơi, sau đó kết luận và đưa ra những luận điểm chung. Giáo viên nhận xét đánh giá sự tiến bộ của sinh viên, giải đáp câu hỏi của sinh viên, tổng kết kiến thức và giao bài tập, nhiệm vụ mới cho bài học sau.

(3) Sau giờ lên lớp: sinh viên có thể tiếp tục phát triển năng lực tự học, tự khám phá bằng việc thực hiện các nghiên cứu nhỏ, đăng công khai trên nhóm học tập để chia sẻ cho giảng viên và bạn bè, qua đó tạo hứng thú học tập, nuôi đam mê, thích thú với việc học ngoại ngữ. 

Mô hình này cần được nghiên cứu triển khai ở những trường đại học có điều kiện tốt về cơ sở hạ tầng và đội ngũ giảng viên, sau đó lan tỏa đến nhiều trường nhiều vùng. Các trường đại học cần chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống phần mềm quản lý học tập chuyên nghiệp, đưa ra những chế tài chặt chẽ để kiểm soát và nâng cao hiệu quả hoạt động tự học, chủ động tiếp cận kiến thức của sinh viên, rèn cho các em thói quen, kỹ năng tự học, tự nghiên cứu ngay từ khi bước chân vào trường. Các trường đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, xây dựng phòng học ngoại ngữ được trang bị hiện đại với máy tính, mạng internet, mic, loa… để sinh viên luyện tập các kỹ năng ngoại ngữ. Ngoài ra, cần thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo cho giảng viên về mô hình lớp học đảo ngược, các quy trình tiến hành lớp học đảo ngược, hỗ trợ giảng viên nâng cao kiến thức về công nghệ thông tin, tạo cơ hội cho giảng viên tiếp cận với các nguồn tư liệu, tài liệu trong và ngoài nước. 

Kết luận

Mặc dù còn thiếu các nghiên cứu thực nghiệm để chứng minh rằng mô hình lớp học đảo ngược là một cách dạy và học hiệu quả tích cực, tuy nhiên, những lợi ích mang lại đầy hứa hẹn. Nếu được áp dụng hiệu quả, đúng hướng và triển khai rộng rãi, mô hình lớp học đảo ngược sẽ có khả năng tạo ra những cơ hội tốt để nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ, góp phần phát triển năng lực ngoại ngữ cho sinh viên, xa hơn là phát triển khả năng tư duy, sáng tạo và thích ứng tốt với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế, khoa học và kĩ thuật, đáp ứng nhu cầu của thời đại 4.0.

Chú thích:
1. Strayer, J. F. (2007). The effects of the classroom flip on the learning environment: A comparison of learning activity in a traditional classroom and a flip classroom that used an intelligent tutoring system (Doctoral dissertation). The Ohio State University.
2. Bergmann, J., & Sams, A. (2012). Flip your classroom: Reach every student in every class every day. ASCD.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Chính. Dạy học theo mô hình Flipped Classroom. Báo Tia Sáng – Bộ Khoa học và Công nghệ, số ra ngày 04/4/2016.
2. Nguyễn Thế Dũng. Nghiên cứu sử dụng mô hình lớp học đảo ngược: những khó khăn, thách thức và khả năng ứng dụng. Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 60 (8D), tr. 85 – 92.
3. Nguyễn Thị Thịnh. Ứng dụng phương pháp lớp học đảo ngược trong một khóa học tiếng Anh học thuật. Vnu Journal of Foreign Studies, Vol. 37, No. 3 (2021).
4. Đỗ Tùng, Hoàng Công Kiên. Áp dụng mô hình lớp học đảo ngược trong dạy học trực tuyến tại trường đại học Hùng Vương. Tạp chí khoa học công nghệ còn như đại học Hùng Vương. Tập 19, Số 2 (2020).
5. Vận dụng mô hình lớp học đảo ngược cho các trường đại học ở Việt Nam. https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 27/10/2023.
6. Berrett, D. (2012). How ‘flipping’ the classroom can improve the traditional lecture. The Chronicle of Higher Education. Retrieved from http:// chronicle.com/article/How-Flipping-the-Classroom/130857/
7. Bishop, J. L. & Verleger, M. A. (2013). The flipped classroom: A survey of the research. Proceedings of the 120th ASEE National Conference, Vol. 30, pp. 1-18.
8. Bloom, B. S. Rehage, Kenneth J.; Anderson, Lorin W.; Sosniak, Lauren A., eds., 1994. “Bloom’s taxonomy: A forty-year retrospective”. Yearbook of the National Society for the Study of Education (Chicago: National Society for the Study of Education) 93 (2). ISSN 1744-7984.