Những vấn đề đặt ra từ thực trạng tập trung ruộng đất trong sản xuất nông nghiệp ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc

Thượng úy, Phạm Trung Kiên
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

(Quanlynhanuoc.vn) – Vĩnh Tường nằm ở phía Tây Nam tỉnh Vĩnh Phúc, là huyện có truyền thống canh tác nông nghiệp lâu đời. Thời gian qua, huyện đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về tập trung ruộng đất, nhất là thực hiện công tác dồn thửa đổi ruộng, góp phần phát triển nông nghiệp hàng hóa với quy mô lớn, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế, bất cập nhất định bởi chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của huyện. Từ nghiên cứu thực trạng, bài viết nêu những vấn đề về tập trung ruộng đất trong sản xuất nông nghiệp ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay, đồng thời đề xuất biện pháp nhằm thực hiện công tác dồn thửa đổi ruộng ngày càng có hiệu quả hơn.

Từ khóa: Vấn đề đặt ra; tập trung ruộng đất; dồn thửa đổi ruộng; huyện Vĩnh Tường; tỉnh Vĩnh Phúc.

1. Đặt vấn đề

Trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, việc sử dụng đất nông nghiệp manh mún trước đây không còn phù hợp với yêu cầu của nền nông nghiệp hiện đại. Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 11/11/2016 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về tiếp tục thực hiện công tác dồn thửa đổi ruộng trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhấn mạnh “Chủ trương dồn thửa đổi ruộng có ý nghĩa lớn và tầm quan trọng nhằm khắc phục tình trạng manh mún, phân tán về ruộng đất, đẩy nhanh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển sản xuất hàng hóa, xây dựng nông thôn mới” và giao “thực hiện thí điểm ở 02 xã Ngũ Kiên và Cao Đại, huyện Vĩnh Tường”1

Để thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TU, Huyện ủy Vĩnh Tường đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/HU ngày 15/12/2016 về dồn thửa đổi ruộng giai đoạn 2016 – 2020; tiếp theo, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện và Đảng bộ, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Vĩnh Tường đã bàn bạc dân chủ để đi đến việc xây dựng hệ thống văn bản làm cơ sở tổ chức thực hiện có hiệu quả. 

2. Những kết quả bước đầu trong tập trung ruộng đất trong sản xuất nông nghiệp ở huyện 

Sau thành công trong thực hiện thí điểm ở 2 xã (Ngũ Kiên và Cao Đại), từ năm 2017 đến nay, công tác dồn thửa đổi ruộng đã được triển khai và thực hiện được ở 8 xã (gồm: Ngũ Kiên, Cao Đại, Phú Đa, Tuân Chính, Tân Phú, Vĩnh Ninh, Vũ Di, Lý Nhân). Tổng diện tích đất nông nghiệp thực hiện dồn thửa đổi ruộng là 1.252,3 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp đã giao đến từng hộ gia đình, cá nhân tại 8 xã là 1.166,5 ha2.

Dưới sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo dồn thửa đổi ruộng tỉnh, UBND tỉnh, sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội. Công tác triển khai thực hiện dồn thửa đổi ruộng trên địa bàn huyện cơ bản đã đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra và được Tỉnh ủy, UBND tỉnh đánh giá là đơn vị thực hiện tốt nhất. 

Thành công đạt được từ việc dồn thửa đổi ruộng giúp các địa phương quy hoạch vùng sản xuất tập trung, tạo điều kiện cho phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo điều kiện nâng cao năng suất và thu nhập cho nông dân. Các hộ gia đình, từ việc trung bình có 6,1 thửa ruộng nhỏ, manh mún; đến nay, mỗi hộ gia đình chỉ còn 1,5 – 2 thửa (giảm 78% tổng số thửa); riêng xã Phú Đa sau dồn thửa đổi ruộng các hộ còn 3 thửa3

Việc được đầu tư thiết kế lại đồng ruộng, nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi (tất cả các thửa ruộng sau dồn thửa đổi ruộng đều được tiếp giáp với đường giao thông và kênh mương nội đồng) đã tạo điều kiện thuận lợi để áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa đồng bộ, liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng ngành nông nghiệp. 

Công tác dồn thửa đổi ruộng trên địa bàn huyện Vĩnh Tường đang đi đúng hướng, song tốc độ còn chậm, tồn tại nhiều hạn chế cần được khắc phục. Trong Báo cáo số 143/BC-UBND của UBND huyện Vĩnh Tường ngày 19/4/2021 về tình tình thực hiện dồn thửa đổi ruộng trên địa bàn huyện, trong đó giai đoạn 2021 – 2025 có khoảng hơn 1.000 ha tại các xã: Thượng Trưng, Tuân Chính, Yên Lập, An Tường, Tân Tiến, Nghĩa Hưng, Vĩnh Sơn, Đại Đồng, đến nay vẫn chưa thực hiện được4.

Các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn huyện đầu tư vào nông nghiệp cũng đã được quan tâm, tuy nhiên việc thúc đẩy việc hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, hiệu quả kinh tế mang lại thấp. Trong quá trình triển khai thực hiện còn nhiều đơn thư, khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác dồn thửa đổi ruộng tại các xã Lý Nhân, Phú Đa, Tuân Chính5.

3. Một số vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện tập trung ruộng đất trong sản xuất nông nghiệp tại huyện Vĩnh Tường

Trên cơ sở phân tích những thành tựu, hạn chế thời gian qua cho thấy, quá trình tập trung ruộng đất trong sản xuất nông nghiệp của địa phương đang gặp phải những vấn đề cần phải giải quyết:

Thứ nhất, mẫu thuẫn giữa yêu cầu đẩy mạnh tập trung ruộng đất với thực tiễn cơ chế, chính sách bảo đảm.

Đây là vấn đề đã và đang cần được giải quyết để đẩy nhanh tập trung ruộng đất ở huyện Vĩnh Tường. Các quy định về quyền chuyển đổi quyền sử dụng đất trong Luật Đất đai chưa cụ thể, tính pháp lý chưa rõ ràng; chưa có quy định thu hồi đất bị bỏ hoang hoặc thiếu chế tài xử lý đối với đất nông nghiệp sử dụng sai mục đích, không đúng với quy hoạch, các quy định cụ thể về tập trung ruộng đất đã được quy định trong Luật Đất đai năm 2024 nhưng chưa có hiệu lực và các văn bản hướng thi hành cụ thể. 

Hiện nay, chưa có chính sách thu hút phát triển nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao sau dồn thửa đổi ruộng, hỗ trợ nông hộ sản xuất, kết hợp dồn thửa đổi ruộng với thực hiện các hình thức tập trung ruộng đất khác,… Vì vậy, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp lý về các vấn đề nêu trên, từ đó tạo điều kiện để đẩy nhanh dồn thửa đổi ruộng trên địa bàn huyện.

Thứ hai, mâu thuẫn giữa yêu cầu đẩy mạnh tập trung ruộng đất với tâm lý tiểu nông của người nông dân.

Đây là mâu thuẫn cơ bản, nảy sinh và tồn tại trong quá trình thực hiện công tác dồn thửa đổi ruộng trên địa bàn huyện Vĩnh Tường và không đạt như kỳ vọng, tỷ lệ địa phương hoàn thành kế hoạch dồn thửa đổi ruộng còn thấp (8/28 xã, thị trấn). Nhiều hộ nông dân hiện nay vẫn giữ thói quen sản xuất nhỏ, làm ăn thời vụ, không chú trọng đầu tư, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Bên cạnh đó, dồn thửa đổi ruộng diễn ra nhanh cũng tất yếu dẫn đến một bộ phận nông dân mất hoặc thiếu việc làm do áp dụng cơ giới hóa sản xuất, làm giảm nguồn thu nhập chủ yếu của họ. Điều này đặt ra vấn đề đối với chính quyền địa phương cần quan tâm giải quyết hài hòa lợi ích của các chủ thể liên quan đến quá trình tập trung ruộng đất, quan tâm việc giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân sau dồn thửa đổi ruộng.

Thứ ba, mâu thuẫn giữa thực trạng tập trung ruộng đất với mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Thành công đạt được từ việc dồn thửa đổi ruộng ở huyện Vĩnh Tường bước đầu đã giúp các địa phương quy hoạch vùng sản xuất tập trung, tạo điều kiện cho phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo điều kiện nâng cao năng suất và thu nhập cho nông dân nhưng quy mô thực hiện còn hạn chế, chưa có nhiều mô hình “cánh đồng mẫu lớn”, các hợp tác xã, các doanh nghiệp nông nghiệp thông minh, công nghệ cao trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, trình độ, khả năng ứng dụng khoa học – công nghệ của người dân còn hạn chế, nguồn lực đầu tư, tiếp cận vốn vay của ngân hàng để đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền địa phương cần quan tâm đến vấn đề huy động nguồn lực đầu tư thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế – kỹ thuật, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, giúp nông dân tìm được thị trường đầu ra cho hàng hóa nông sản.

Thứ tư, mâu thuẫn giữa yêu cầu đẩy mạnh tập trung ruộng đất với năng lực tổ chức thực hiện của chính quyền địa phương

Quá trình thực hiện công tác dồn thửa đổi ruộng ở huyện Vĩnh Tường còn nảy sinh nhiều mâu thuẫn, bất đồng, chưa tạo được niềm tin, sự đồng thuận của Nhân dân. Do đó, để giải quyết mâu thuẫn này, cần nâng cao chất lượng lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương địa phương, cán bộ làm công tác dồn thửa đổi ruộng, gương mẫu, có tín nhiệm cao, hiểu biết sâu sắc về đồng ruộng của địa phương; công tác tuyên truyền phải thực hiện thường xuyên, liên tục, bền bỉ; công khai, minh bạch, dân chủ trong tất cả các khâu, các bước triển khai thực hiện dồn thửa đổi ruộng; tôn trọng và lắng nghe ý kiến của Nhân dân, thực hiện có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

4. Kết luận

Đẩy mạnh tập trung ruộng đất, trước mắt là thực hiện hiệu quả công tác dồn thửa đổi ruộng là chủ trương lớn trong phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện. Những thành tựu trong công tác dồn thửa đổi ruộng chính là những bước đệm quan trọng giúp huyện Vĩnh Tường gặt hái thành công trong quá trình thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, từng bước ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất. Tuy nhiên, quá trình thực hiện tập trung ruộng đất ở huyện Vĩnh Tường còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập, đặt ra những mâu thuẫn cần phải giải quyết. Trong đó, đòi hỏi phải có các quan điểm, giải pháp phù hợp nhằm đẩy mạnh quá trình tập trung ruộng đất trên địa bàn huyện trong thời gian tới.

Chú thích:
1. Tỉnh ủy Vĩnh Phúc. (2016). Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 11/11/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện công tác dồn thửa đổi ruộng trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
2, 3, 5. Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Tường. (2021). Báo cáo số 802/BC-UBND ngày 17/12/2021 về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/HU ngày 15/12/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ Huyện khóa XXV về dồn thửa đổi ruộng giai đoạn 2016 – 2030.
4. Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Tường. (2021). Báo cáo số 143/BC-UBND ngày 19/4/2021 về tình hình thực hiện dồn thửa đổi ruộng tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Vĩnh Tường.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Chấp hành Trung ương (2022). Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
2. Chính phủ (1993). Nghị định số 64-NĐ/CP ngày 27/9/1993 về việc ban hành bản quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
4. Huyện ủy Vĩnh Tường. (2016). Nghị quyết số số 07-NQ/HU ngày 15/12/2016 về dồn thửa đổi ruộng.
5. Quốc hội (2013). Luật Đất đai năm 2013.
6. Tỉnh ủy Vĩnh Phúc (2016). Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 11/11/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện công tác dồn thửa đổi ruộng trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
7. Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Tường (2021). Báo cáo số 143/BC-UBND ngày 19/4/2021 về tình hình thực hiện dồn thửa đổi ruộng tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Vĩnh Tường.
8. Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc (2018). Kế hoạch số 256/KH-UBND ngày 22/6/2018 “Về thực hiện dồn thửa đổi ruộng (dồn điền đổi thửa) trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
9. Trịnh Xuân Việt, Bùi Đức Hòa (2023). Quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về tác động của quy mô ruộng đất đến năng suất lao động nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. https://quanlynhanuoc.vn, ngày 01/6/2023.