Lựa chọn phương pháp giảng dạy phù hợp với mục tiêu bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức hành chính

(QLNN) – Mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được quy định trong Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ, theo đó: trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực hiện nhiệm vụ trong hoạt động công vụ của cán bộ, công chức và hoạt động nghề nghiệp của viên chức, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng và năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, sự nghiệp phát triển của đất nước.

 

Để đạt được mục tiêu này, ngoài việc trang bị kiến thức thì trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) cần hướng vào các hoạt động huấn luyện kỹ năng và phương pháp làm việc nhằm giúp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) thực thi công vụ hiệu quả hơn. Do đó, cần chú trọng áp dụng phù hợp các phương pháp giảng dạy như sau:

Phương pháp giảng dạy truyền thống

Phương pháp dạy học truyền thống là những cách thức giảng dạy quen thuộc được duy trì và bảo tồn qua nhiều thế hệ. Không ai có thể phủ nhận được những thành công trong việc sử dụng phương pháp thuyết trình, giảng viên có thể cung cấp nhiều thông tin phong phú, những bài học sâu sắc, đặc biệt với những giảng viên bằng những phân tích, so sánh, đánh giá và tổng hợp, với ngôn ngữ sinh động, giàu hình ảnh, giúp người học dễ tiếp thu và hiểu sâu rộng hơn về nội dung môn học.

Nhưng cũng phương pháp trên, đặc điểm nổi bật là lấy hoạt động của người thầy là trung tâm. Theo Paulo Freire – nhà giáo dục học nổi tiếng người Bra-xin đã gọi phương pháp dạy học này là “Hệ thống ban phát kiến thức”, là quá trình chuyển tải thông tin từ thầy sang trò; nhà giáo là người thuyết trình, diễn giảng, là “kho tri thức” sống, học viên là người nghe, nhớ, ghi chép và suy nghĩ theo. Do đó, giảng viên là chủ thể, là tâm điểm, học viên là khách thể, là quỹ đạo. Giáo án được thiết kế kiểu đường thẳng theo hướng từ trend xuống1.

Do đặc điểm hàn lâm của kiến thức nên nội dung bài dạy theo phương pháp truyền thống có tính hệ thống, tính logic cao. Song lại quá đề cao người thầy nên nhược điểm là học viên thụ động trong tiếp thu kiến thức, giờ giảng thường đơn điệu, buồn tẻ, kiến thức thiên về lý luận, đôi khi còn là lối mòn và không bắt kịp thực tiễn, ít chú ý đến kỹ năng thực hành của người học, do đó hạn chế kỹ năng vận dụng vào hoạt động công vụ.
Qua nghiên cứu, tìm hiểu, khảo sát và tham dự giờ giảng từ các chuyên gia phương pháp

sư phạm CHLB Đức của các giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia Việt Nam cho thấy, hầu hết trong các giờ học về quản lý hành chính nhà nước tại các trường hành chính, chính trị, một phần nội dung không nhỏ được trình bày nặng về lý thuyết. Điều đó sẽ hạn chế đóng góp về kiến thức và kinh nghiệm của học viên trong các giờ học, kém đi sự sinh động và cuốn hút người học2.

Phương pháp giảng dạy tích cực

Phương pháp giảng dạy tích cực khởi nguồn từ các nước như: Đức, Hoa Kỳ, Pháp… ngay từ đầu thế kỷ XX và được sử dụng rộng rãi, có ảnh hưởng sâu rộng tới các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Phương pháp giảng dạy đề cao tính chủ động, phát huy tính tích cực của người học.

Trong hoạt động dạy học, giảng viên là người giữ vai trò hướng dẫn, gợi ý định hướng giúp người học tự tìm kiếm, khám phá những tri thức mới thông qua thảo luận nhóm, tranh luận. Người thầy là đạo diễn, là trọng tài và là cố vấn điều hành quá trình học tập; bằng cách triển khai các phương pháp, như: nêu tình huống, đặt câu hỏi… để người học suy nghĩ và trả lời, khuyến khích học viên tham gia bài giảng, cách thức này đã xây dựng nên những giờ giảng hấp dẫn và lý thú.

Học viên là đối tượng trung tâm, vì thế các thông tin, kiến thức được khai thác, vận dụng nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn, coi trọng rèn luyện và tự học. Giáo án được thiết kế kiểu chiều ngang theo hai hướng song hành giữa hoạt động “dạy của thầy và học của trò” đồng thời cũng đặt ra yêu cầu giảng viên phải thường xuyên cập nhật kiến thức và thực tế khi xây dựng bài giảng, thiết kế mỗi giờ giảng, có thể cùng một chủ đề nhưng đối tượng các lớp khác nhau thì tiếp cận và khai thác thông tin sẽ khác nhau, tùy theo nhu cầu của người học và luôn lựa chọn phương pháp giảng dạy phù hợp với mỗi đối tượng.

Chẳng hạn, có thể nêu một ví dụ điển hình: hiện nay, một trong những mảng ĐTBD rất lớn của Học viện Hành chính Quốc gia mà học viên là những CBCCVC với các vị trí việc làm, chức danh khác nhau, như: lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở và tương đương; lãnh đạo cấp phòng, công chức, viên chức thực thi, thừa hành. Họ là những người được tuyển dụng và bổ nhiệm vào một vị trí ngạch bậc nhất định trong hệ thống hành chính và đã có một trình độ đào tạo nhất định, được đào tạo qua một trường đại học. Như vậy, người học vừa có kiến thức và kinh nghiệm làm việc, họ là những người cọ sát thực tiễn quản lý hành chính từng ngày, từng giờ, phải xử lý các khó khăn, các tình huống xảy ra, thậm chí các xung đột phát sinh trong thực thi nhiệm vụ.

Từ góc độ lý luận và thực tiễn trong giảng dạy các chương trình: cao học quản lý công, quản lý cấp vụ, chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính tại Học viện hiện nay cho thấy, trước khi đến lớp học, học viên đã có sự am hiểu, ham khám phá cái mới, văn minh tiến bộ. Chính vì thế, trong quá trình giảng dạy, nếu giảng viên chỉ sử dụng phương pháp thuyết trình thì vô hình chung đã truyền tải thông tin một chiều mà triệt tiêu mối quan hệ trao đổi qua lại giữa thầy và trò, triệt tiêu đi những kiến thức, kinh nghiệm và những ý tưởng độc đáo từ phía người học. Điều này sẽ giảm hiệu quả trong mỗi giờ lên lớp, đồng thời hạn chế mục tiêu ĐTBD về rèn luyện kỹ năng cho người học.

Hiện nay, CBCCVC đi học không chỉ với mục đích hoàn thành khóa học để được cấp chứng chỉ, bằng tốt nghiệp mà bên cạnh đó, họ còn thoả mãn nhu cầu nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, nhu cầu tự khẳng định mình trước cơ quan, tổ chức. Do vậy, chỉ thực sự tham gia tích cực vào bài giảng khi những vấn đề đưa ra đúng với nhu cầu và sát với thực tiễn công vụ nơi mà họ đang công tác.

Phương pháp và sự lựa chọn

Các phương pháp giảng dạy tích cực đã được giới thiệu và huấn luyện thông qua các chương trình, các lớp tập huấn về nâng cao năng lực giảng dạy của giảng viên tại Học viện Hành chính Quốc gia nhiều năm qua, như: Hỏi – Đáp; Làm việc nhóm; Tình huống; Đóng vai; Sàng lọc; Bể cá và một số phương pháp khác.

Một đặc điểm chung của những phương pháp này là các vấn đề, các câu hỏi được nêu ra đều theo hướng mở, có nghĩa là trả lời theo nhiều cách khác nhau; học viên có thời gian suy nghĩ hoặc trao đổi thảo luận để tìm ra những phương án giải quyết vấn đề… Đây là những hoạt động mà học viên chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm sống, kinh nghiệm làm việc với nhau.

Qua đó, học viên được nói lên chính kiến của bản thân, học hỏi từ những người bạn cùng nhóm, cùng lớp. Quan hệ giữa thầy – trò gần gũi, cởi mở với nhau hơn, tạo không khí lớp học vui vẻ và hiệu quả. Giảng viên gợi mở, định hướng, khuyến khích người học phát huy đối chiếu lý luận với thực tế, thực hành trên cơ sở những tình huống; học viên có thể sẽ ghi chép ít hơn, nhưng thay vào đó, họ phải suy nghĩ, tư duy, trao đổi và tranh luận, phản biện để tìm ra sự thống nhất trong giải quyết một vấn đề, qua đó, sẽ rút ra bài học bổ ích, những kỹ năng cần thiết và nguyên tắc cơ bản, hiệu quả cho mỗi tổ chức, địa phương nơi họ đang làm việc.

Một số đề xuất khi lựa chọn và sử dụng phương pháp phù hợp của giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia

Để lựa chọn và sử dụng phương pháp phù hợp, giảng viên cũng cần xác định rõ mục tiêu của môn học để thiết kế sao cho mỗi giờ giảng hiệu quả với phương pháp cụ thể nhằm chuyển tải một nội dung hợp lý.

Benjamin Bloom – nhà tâm lý học người Hoa Kỳ đã đưa ra Bảng phân loại các tầng lớp nhận thức trong hoạt động dạy và học3. Căn cứ vào đó, chúng ta có thể xác định mục tiêu trong giảng dạy:

(1) Nếu như xác định mục chỉ cần cho người học biết về một vấn đề nào đó thì người dạy chỉ cần giới thiệu đầy đủ nội dung thông tin.

(2) Mục tiêu đặt ra muốn người học hiểu thì giảng viên cần phân tích, so sánh đối chiếu và trao đổi với người học.

(3) Mục tiêu hướng tới người học áp dụng kiến thức và kỹ năng vào thực tế công việc thì hoạt động giảng dạy không chỉ dừng lại ở việc đối chiếu, phân tích, trao đổi mà người học cần được thực hành giải quyết các tình huống cụ thể.

Như vậy, mục tiêu được đặt các cấp độ khác nhau và căn cứ vào mức độ của mục tiêu cũng như về đối tượng học viên mà chúng ta sẽ lựa chọn phương pháp giảng dạy thích hợp và hiệu quả nhất để áp dụng.

Mục tiêu đặt ra hiện nay là hướng tới người học áp dụng kiến thức và kỹ năng vào thực tế công việc – tương ứng với mục tiêu ĐTBD CBCCVC được quy định trong Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ. Đồng thời cũng phù hợp với mục tiêu ĐTBD của Học viện Hành chính Quốc gia (theo Quyết định số 05/2018/QĐ-TTg ngày 23/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ), đó là: bồi dưỡng, huấn luyện những chương trình kỹ năng quản lý hành chính nhà nước nhằm tăng cường năng lực cho đội ngũ CBCCVC để đổi mới tư duy, tác phong làm việc, hình thành những kỹ năng chuyên sâu phù hợp với nền văn minh công nghiệp và đa dạng hóa các kết nối quốc tế.

Chú thích:
1. Võ Hoàng Ngọ. Ưu, nhược của phương pháp dạy học truyền thống – phương pháp dạy học hiện đại và sự lựa chọn cho phù hợp thực tế. Diễn đàn giáo dục, 2013.
2. Ulrich lipp và Paul Schlueter. Đổi mới phương pháp giảng dạy. Một đóng góp của InWent vào quá trình cải cách hành chính tại Việt Nam, 2004.
3. Benjamin Bloom. Bảng phân loại các tầng lớp nhận thức, 1956.

TS. Trịnh Thanh Hà
Học viện Hành chính Quốc gia