Cải cách hành chính ở tỉnh Lạng Sơn

(QLNN) – Cải cách hành chính được xác định là khâu đột phá trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương hiện nay. Cải cách hành chính bao gồm: cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy và vị trí việc làm; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; hiện đại hóa nền hành chính, trong đó, cải cách thủ tục hành chính có vai trò hết sức quan trọng.

 

Thủ tướng chứng kiến lễ trao giấy chứng nhận đầu tư tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: VGP
Kết quả cải cách thủ tục hành chính của tỉnh Lạng Sơn

Trong năm 2018, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh Lạng Sơn đã đạt được những kết quả nhất định, thể hiện trên các mặt sau:

Về thực hiện cải cách TTHC trên các lĩnh vực quản lý nhà nước theo quy định của Chính phủ và các bộ, ngành

Triển khai và cụ thể hóa trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc thực hiện công tác kiểm soát TTHC trên địa bàn tỉnh theo Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 và Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đã phê duyệt Đề án cải cách TTHC tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020 (tại Quyết định số 1430/QĐ-UBND ngày 31/7/2018).

UBND tỉnh đã giao trách nhiệm cho các sở, ban, ngành tiến hành rà soát, đánh giá 412 TTHC, qua rà soát, đánh giá đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 10 quyết định thông qua phương án đơn giản hóa đối với 98 TTHC trong các lĩnh vực: đường bộ, khoa học công nghệ, khám chữa bệnh, giáo dục đào tạo1

Các phương án đề xuất, kiến nghị đơn giản hóa đã tập trung vào những nội dung thiết thực, như: bãi bỏ, thay đổi yêu cầu về thành phần hồ sơ không cần thiết, rút ngắn thời gian thực hiện, bổ sung cách thức thực hiện hướng tới mục tiêu tiết kiệm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng khi thực hiện TTHC.

Về kiểm soát TTHC

Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành 41 quyết định công bố danh mục TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh với tổng số 1.490 TTHC; trong đó: cấp tỉnh có 1.162 TTHC, cấp huyện có 245 TTHC, cấp xã có 83 TTHC; các TTHC đã được tổ chức cập nhật và công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về TTHC.

Tổ chức cập nhật và công khai 925/971 TTHC trên CSDLQG về TTHC. Còn 46/971 TTHC chưa được công khai trên CSDLQG về TTHC do các bộ, ngành chưa kịp thời công khai các TTHC này trên CSDLQG nên địa phương chưa thực hiện được việc tích hợp và bổ sung, sửa đổi các thông tin liên quan hoặc loại bỏ trên CSDLQG theo Quyết định công bố.

Công tác rà soát, đánh giá TTHC thực hiện theo Kế hoạch số 213/KH-UBND ngày 29/12/2017 của UBND tỉnh, theo đó, đã lựa chọn rà soát 385 TTHC, gồm: 325 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, 33 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện, 27 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp xã và giao các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện2.

Về tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị TTHC

Trong năm 2018, đã tiếp nhận và chuyển tới cơ quan có thẩm quyền để xử lý đối với 06 phản ánh, kiến nghị của cá nhân đối với việc giải quyết TTHC, trong đó có 01 phản ánh, kiến nghị do Văn phòng Chính phủ chuyển đến.

Về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông

Các cấp, các ngành của tỉnh tiếp tục thực hiện đẩy mạnh và nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông đối với các lĩnh vực đã được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Các TTHC được giải quyết theo cơ chế một cửa tại các cơ quan, đơn vị đối với các tổ chức, cá nhân được thực hiện bảo đảm đúng theo quy định. Kết quả giải quyết TTHC cụ thể như sau:

(1) Cấp tỉnh tiếp nhận 45.418 hồ sơ TTHC, trong đó: đã giải quyết 43.223 thủ tục, tương đương 95,16% (trả đúng hạn 41.198 thủ tục, tương đương 95,31%; trả quá hạn 1.991 thủ tục, tương đương 4,6%); đang giải quyết 2.216 thủ tục, tương đương 4,87%.

(2) Cấp huyện tiếp nhận 41.455 hồ sơ TTHC, trong đó: đã giải quyết 40.683 thủ tục, tương đương 98,13% (trả đúng hạn 39.996 thủ tục, tương đương 98,31%; trả quá hạn 239 thủ tục, tương đương 0,58%); đang giải quyết 722 thủ tục, tương đương 1,86%.

(3) Cấp xã tiếp nhận 465.807 hồ sơ TTHC, trong đó: đã giải quyết 465.385 thủ tục, tương đương 99,9% (trả đúng hạn 465.299, tương đương 99,98%; trả quá hạn 86 thủ tục, tương đương 0,018%); đang giải quyết 389 thủ tục, tương đương 0,083%3.

Như vậy, công tác cải cách TTHC trên địa bàn tỉnh đã cơ bản đạt kết quả theo yêu cầu. Các cấp, các ngành đã tích cực chủ động bám sát Kế hoạch của UBND tỉnh để tổ chức triển khai có hiệu quả, bám sát nội dung nhiệm vụ kế hoạch đề ra và phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương.

Việc xây dựng dự thảo quyết định công bố danh mục TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được thực hiện theo đúng quy định. Công tác tiếp nhận hồ sơ, giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức về cơ bản đã được quan tâm, đa số các hồ sơ giải quyết TTHC được thực hiện đúng trình tự.

Người dân khi tham gia thực hiện các TTHC đã thực hiện quyền giám sát việc giải quyết TTHC của cơ quan hành chính nhà nước; thực hiện phản ánh, kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền đối với các TTHC giải quyết đúng với quy định. Hệ thống cán bộ đầu mối thực hiện công tác kiểm soát TTHC của các cấp đã được củng cố, kiện toàn, hoạt động đi vào ổn định, có hiệu quả.

Những năm gần đây, việc thực hiện TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông và ứng dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) có chuyển biến rõ nét. Nếu như hết năm 2016, số lượng TTHC thực hiện theo cơ chế này chưa đạt 50% tổng số TTHC thì đến thời điểm này đã tăng lên gần 75% với gần 1.500 TTHC. Trong đó, UBND thành phố Lạng Sơn đạt cao nhất với 241/260 TTHC (gần 93%); cơ quan hành chính cấp xã huyện Văn Lãng có số lượng TTHC thực hiện theo cơ chế này cao nhất, đạt trên 66%. Kết quả này đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC.

Đối với ứng dụng DVCTT cũng tăng đột biến. Cuối năm 2017, toàn tỉnh mới có 13/29 đơn vị triển khai ứng dụng, chủ yếu là DVCTT mức độ 2, chỉ có 14 DVCTT mức độ 3 thì đến nay đã tăng lên 29 cơ quan cơ quan, đơn vị triển khai ứng dụng 3.295 DVCTT (2.642 dịch vụ công mức độ 2; 607 dịch vụ công mức độ 3 và 46 dịch vụ công mức độ 4). Từ đầu năm 2018 đến nay, các cơ quan, đơn vị đã tiếp nhận 34.494 hồ sơ và đã giải quyết 30.767 hồ sơ qua dịch vụ công4.

Bên cạnh đó, công tác hiện đại hóa hành chính đã được tỉnh triển khai, chỉ đạo thực hiện sát sao, quyết liệt; khâu tổ chức thực hiện bảo đảm đồng bộ, có hiệu quả.

Năm 2018, UBND tỉnh đã ban hành 3 quyết định phê duyệt kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh phiên bản 1.0; ban hành mã định danh của các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh tham gia trao đổi văn bản điện tử qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành; ban hành đề án triển khai hệ thống hội nghị trực tuyến đến cấp xã trên địa bàn và các kế hoạch về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin; triển khai dịch vụ công mức độ 3, 4 và một cửa điện tử; tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Công tác triển khai xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001 tại các cơ quan hành chính nhà nước.

Nhìn chung, đến thời điểm này, nội dung của các kế hoạch về ứng dụng phát triển công nghệ thông tin, hiện đại hóa hành chính cơ bản được hoàn thành. Đặc biệt, đã hoàn thành triển khai trục liên thông nội bộ của tỉnh và đang triển khai kết nối các phần mềm ứng dụng chạy trên trục liên thông, đồng thời, nâng cấp hệ thống văn phòng điện tử – eOffice, liên thông theo chiều ngang tại 36 cơ quan, đơn vị và mở rộng đến gần 100% xã, phường, thị trấn phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành. Tỉnh cũng hoàn thành triển khai phần mềm một cửa điện tử, một cửa điện tử liên thông và dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đến 100% sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố; cung cấp được 615 DVCTT mức độ 3 và 46 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên cổng DVCTT và một cửa điện tử của tỉnh5.

Những tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác cải cách TTHC của tỉnh vẫn còn một số hạn chế nhất định, như: việc công bố, công khai TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền vẫn còn chậm do TTHC thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành Trung ương công bốchậm.

Việc niêm yết công khai TTHC, công tác rà soát, đề xuất phương án đơn giản hóa TTHC tại một số đơn vị còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Vẫn còn một số cơ quan trả kết quả giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân quá hạn (cơ bản là lĩnh vực đất đai, do hộ gia đình, cá nhân thời gian triển khai thực hiện nghĩa vụ tài chính chậm).

Mặc dù việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại, gắn với ứng dụng công nghệ, cung cấp thông tin, dịch vụ về TTHC trên môi trường điện tử tại các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã ở tỉnh Lạng Sơn đã đem lại nhiều kết quả khả quan nhưng so với yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh thì công tác cải cách TTHC hiện nay vẫn còn những bất cập, chưa thật sự tương xứng với tiến trình phát triển và hội nhập của tỉnh. Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC tại một số cơ quan, đơn vị vẫn chưa đồng đều.

TTHC đã được cung cấp trên môi trường điện tử nhưng hồ sơ phát sinh còn hạn chế, có nhiều lĩnh vực chưa có hồ sơ phát sinh. Công tác thông tin, phổ biến, hướng dẫn sử dụng còn hạn chế, chưa sâu rộng. Cơ sở dữ liệu nền tảng phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến, xây dựng Chính phủ điện tử chậm được triển khai, triển khai không đồng bộ, thiếu thống nhất.

Một số nhiệm vụ trọng tâm cần tiếp tục thực hiện

Để nâng cao hiệu quả thực hiện cải cách TTHC, tỉnh Lạng Sơn cần tập trung vào những nội dung sau:

Thứ nhất, chú trọng công tác xây dựng dự thảo quyết định công bố TTHC, niêm yết công khai TTHC đã được công bố chuẩn hóa; rà soát quy định, TTHC theo đúng tiến độ, đáp ứng yêu cầu tại Kế hoạch số 87/KH-UBND ngày 08/5/2017 về xây dựng Đề án Cải cách TTHC tỉnh giai đoạn 2017-2020.

Thứ hai, tổ chức triển khai thực hiện việc thực thi các kiến nghị đơn giản hóa TTHC(sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc thay thế các quy định về TTHC thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh); công bố bổ sung các TTHC, đồng thời, cập nhật kịp thời vào cơ sở dữ liệu về TTHC.

Thứ ba, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông đối với các TTHC được công bố tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh và tại bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã.

Thứ tư, để phục vụ tốt hoạt động điều hành của các cấp chính quyền và cơ quan đơn vị hành chính, Lạng Sơn cần hoàn thành đầu tư nâng cấp cổng thông tin điện tử tỉnh và 33 trang thông tin điện tử thành viên. Xây dựng cổng thông tin điện tử hỗ trợ doanh nghiệp.

Tích cực triển khai xây dựng trang thông tin điện tử đối với 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2020 và 5 xã, thị trấn thuộc cụm trung tâm của huyện Hữu Lũng. Xây dựng, hoàn thiện và tích hợp hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp trên cổng thông tin điện tử của tỉnh. Nâng cấp, mở rộng hệ thống hội nghị trực tuyến 4 cấp đến UBND 226 xã, phường, thị trấn.

Tài liệu tham khảo:
1,2,3,4. Báo cáo số 376/BC-SNV ngày 07/12/2018 của Sở Nội vụ tỉnh Lạng Sơn về tình hình triển khai và kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2018 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
5. Lạng Sơn: Cải cách hành chính là điểm nhấn hiện đại hóa hành chính.http://tcnn.vn, ngày 24/12/2018.
ThS. Hoàng Thị Hoài Hương
Học viện Hành chính Quốc gia