Cải thiện năng lực cạnh tranh, hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân phát triển

(QLNN) – Mặc dù có nhiều đóng góp cho sự phát triển chung, song khu vực kinh tế tư nhân vẫn chưa thực sự phát triển đúng với tiềm năng của mình. Câu hỏi đặt ra là do đâu? Có rất nhiều cách lý giải, bài viết này đề cập một số vấn đề về chính sách hỗ trợ của Nhà nước nhằm tạo động lực cho khu vực kinh tế tư nhân tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức và nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển, ngày càng có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

 

Nhà máy Thaco Mazda của Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Khái quát về khu vực kinh tế tư nhân

Trong nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 6, khóa VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 1989), và trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VIII (năm 1996), Đảng ta xác định cơ cấu kinh tế nước ta bao gồm: khu vực kinh tế nhà nước; kinh tế hợp tác xã; kinh tế cá thể, tiểu chủ; kinh tế tư bản tư nhân và kinh tế tư bản nhà nước.

Khái niệm “thành phần kinh tế tư nhân” được sử dụng trong Văn kiện này, và chỉ có kinh tế nhà nước được gọi là “khu vực kinh tế” các hình thức tổ chức kinh tế còn lại trong đó có kinh tế tư nhân không được gọi là “khu vực kinh tế”. Cho đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX (năm 2001), Đảng ta xác định nền kinh tế Việt Nam có 6 thành phần, bao gồm: kinh tế nhà nước; kinh tế tập thể; kinh tế cá thể, tiểu chủ; kinh tế tư bản tư nhân; kinh tế tư bản nhà nước; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Sự xác định này của Đảng hoàn toàn phù hợp với thực tiễn hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và là xu thế thời đại. Trên cơ sở đó, Đảng ta cũng đã chia nền kinh tế Việt Nam thành 6 thành phần kinh tế, đó là: khu vực kinh tế nhà nước; khu vực kinh tế tập thể; khu vực kinh tế tư nhân; khu vực kinh tế cá thể; khu vực kinh tế hỗn hợp; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Có thể nói, thuật ngữ “thành phần kinh tế” và “khu vực kinh tế” được hiểu một cách đồng nhất, cho nên, khu vực kinh tế tư nhân được xem là một khu vực kinh tế độc lập với các khu vực kinh tế khác. Tại Đại hội X, Đảng ta xác định lại cơ cấu kinh tế Việt Nam có 5 thành phần kinh tế: kinh tế nhà nước; kinh tế tập thể; kinh tế tư nhân; kinh tế tư bản nhà nước; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Đến Đại hội XI, Đảng ta xác định lại cơ cấu thành phần kinh tế Việt Nam bao gồm bốn thành phần: kinh tế nhà nước; kinh tế tập thể; kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Văn kiện đại hội XI, khái niệm “khu vực kinh tế tư nhân” và “thành phần kinh tế tư nhân” cũng đã được sử dụng khi Đảng ta nói về kinh tế tư nhân.

Các chuyên gia tin tưởng kinh tế tư nhân có thể bứt phá tăng trưởng nhiều hơn, nếu được khơi mở bằng cơ chế phù hợp. Ảnh: HD
Thực trạng phát triển và đóng góp vào phát triển chung của khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế nước ta, khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam ngày càng phát triển cả về số lượng cũng như quy mô vốn; lao động; lĩnh vực và địa bàn…

Thứ nhất, về số lượng, được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Chính phủ, khu vực kinh tế tư nhân có sự gia tăng đáng kể. Đến cuối năm 2003, cả nước có khoảng 2,7 triệu hộ kinh doanh, 130.000 trang trại và 10 triệu hộ nông dân sản xuất hàng hóa và nhiều hộ đã chuyển lên thành lập công ty sau khi đã tích lũy được trong một thời gian dài, hơn nữa Nhà nước đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi trong thành lập doanh nghiệp. Ngay số lượng các doanh nghiệp cũng tăng dần qua các năm. Riêng trong năm 2016, đã có 110.000 doanh nghiệp được đăng ký, con số này đã tăng lên 126.800 vào năm 2017. Tỷ lệ doanh nghiệp trên 1000 người dân đã tăng lên là 10 doanh nghiệp vào năm 2017.

Thứ hai, quy mô vốn, Luật Doanh nghiệp không chỉ tạo nhiều điều kiện trong việc đăng ký thành lập mới, mà hơn nữa do đã giảm nhiều về thủ tục hành chính, thời gian; được đối xử bình đẳng trong tiếp cận các nguồn vốn… Vì vậy, số lượng doanh không những gia tăng, mà số lượng vốn đăng ký kinh doanh cũng tăng lên đáng ghi nhận. Các doanh nghiệp tư nhân đã và đang đóng góp lớn cho những nỗ lực chung của việc huy động vốn và nguồn lực đang ngày một khan hiếm.

Thứ ba, về số lượng lao động làm việc trong khu vực kinh tế tư nhân, liên tục tăng qua các năm, so với tổng lao động toàn xã hội, lực lượng lao động trong khu vực này chiếm 11%. Ở khu vực kinh tế tư nhân, số lao động trong công nghiệp chiếm tỷ trọng cao nhất (45,6%); lao động trong ngành thương mại, dịch vụ chiếm 37,37%; lao động trong các ngành khác chiếm 16,94%

Thứ tư, về lĩnh vực và địa bàn, khu vực kinh tế tư nhân phần đông là các doanh nghiệp hoạt động trong hầu hết các ngành nghề mà pháp luật cho phép, không chỉ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, mà còn trong các ngành công nghiệp, dịch vụ cao cấp như công nghiệp sản xuất tư liệu sản xuất, chế biến, công nghệ thông tin, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, tư vấn…

Thứ năm, đóng góp vào ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp đóng góp khoảng 39 tỷ USD vào ngân sách nhà nước vào năm 2016, chiếm 79,8% tổng thu ngân sách. Tỷ trọng đóng góp của các doanh nghiệp tư nhân trong nước trong tổng thu ngân sách nhà nước đã tăng từ 11,9% năm 2010 lên 14,3% năm 2016, tức là từ khoảng 3 tỷ USD đến 7 tỷ USD mỗi năm. Nếu tính cả khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tỷ trọng đóng góp của toàn bộ khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước và nước ngoài đối với ngân sách nhà nước đã tăng từ 22,9% năm 2010 lên 29,1% năm 2016.

Trong bảng xếp hạng do Bộ Tài chính công bố về 1.000 doanh nghiệp mức nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất cho ngân sách nhà nước năm 2017, các doanh nghiệp tư nhân trong nước chiếm 45,8% về số doanh nghiệp và 34,1% về số thuế đã nộp và doanh nghiệp tư nhân nước ngoài (doanh nghiệp FDI) chiếm 40,4% về số doanh nghiệp và 36,7% về số thuế thu nhâp doanh nghiệp đã nộp. Các doanh nghiệp nhà nước chiếm 11,7% về số doanh nghiệp và chiếm 27,7% số thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp.

Vấn đề còn tồn tại và hàm ý chính sách cho phát triển khu vực kinh tế tư nhân

Thứ nhất, về môi trường kinh doanh, trên thực tế, mặc dù có nhiều đóng góp vào sự phát triển như đã nêu ở trên, song có sự khác biệt đang ngày càng gia tăng giữa số lượng doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh và số lượng những doanh nghiệp đang thực sự hoạt động. Như vậy có thể thấy rằng, môi trường kinh doanh đối với hầu hết các doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn và đối diện với các thách thức. Hay có thể hiểu, môi trường kinh doanh chưa thực sự tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân phát triển, điều này khiến năng lực cạnh tranh của khu vực này không được cải thiện.

Thứ hai, việc tiếp cận các nguồn vốn trên thị trường của DN khu vực tư nhân còn nhiều khó khăn. Theo Cục Phát triển Doanh nghiệp, năm 2017, chỉ có 40% trong tổng số DN đang hoạt động có khả năng tiếp cận vốn vay từ ngân hàng. Nhiều DN khó đáp ứng quy định cho vay của các tổ chức tín dụng do chưa minh bạch, rõ ràng về tình hình tài chính của DN. Rõ ràng điều này cũng khiến cho năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân khó có thể được cải thiện.

Thứ ba, các yếu tố khách quan từ thể chế, chính sách còn tồn tại cũng cản trở sự phát triển của kinh tế tư nhân:

(1) Thủ tục hành chính còn phức tạp; liên thông giải quyết thủ tục cho DN còn bất cập; còn những điểm không thống nhất giữa Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu… hoặc chưa phù hợp với thực tiễn, làm chậm quá trình đầu tư phát triển của kinh tế tư nhân;

(2) Tồn tại nhiều rào cản điều kiện đầu tư kinh doanh. Theo thống kê sơ bộ của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (tháng 06/2017), có hơn 3.500 điều kiện kinh doanh tương ứng với 243 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Nhiều ngành nghề, điều kiện đầu tư kinh doanh không đáp ứng tiêu chí về sự cần thiết quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư. Các điều kiện đầu tư kinh doanh được quy định chung chung, không rõ ràng. Điều này tạo ra rào cản gia nhập thị trường, hạn chế cạnh tranh và tác động bất lợi đến DNNVV;

(3) Thị trường, cơ hội đầu tư chưa có cơ chế để khai thác triệt để. Tỷ lệ các gói thầu chào hàng cạnh tranh và đấu thầu rộng rãi áp dụng đấu thầu qua mạng chỉ chiếm lần lượt 5,7% và 4,4% trong khi quy định tối thiểu là 20% và 10%. Ngoài ra, một số ngành nghề vẫn do DNNN nắm giữ và việc quản lý chất lượng hàng hóa từ nước ngoài chưa hiệu quả dẫn tới sức ép cả trong và ngoài nước về cơ hội kinh doanh cho DN khu vực tư nhân.

Kể từ năm 1999, khung khổ pháp lý cho khu vực tư nhân ở Việt Nam đã liên tục được cải thiện. Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư được sửa đổi vào năm 2004 thông qua thống nhất các luật khác nhau áp dụng chung cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp trong nước, DNNN và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp FDI). Nhiều ý kiến không chỉ của các nhà quản lý mà ngay cả các nhà quản trị doanh nghiệp về một khuôn khổ pháp lý chung áp dụng cho tất cả các nhà đầu tư, không phân biệt hình thức sở hữu đã được hiện thực hóa.

Trong vài thập kỷ qua, sự đổi mới trong tư duy của Đảng, thể hiện trong nhiều văn bản nghị quyết và chiến lược, đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Nghị quyết hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã tái khẳng định yêu cầu phát triển kinh tế tư nhân trở thành động chính sách và tư duy của Đảng, được thực hiện thông qua các chính sách, luật, quy định và biện pháp khác nhau của Chính phủ nhằm phát triển khu vực tư nhân nói chung và các doanh nghiệp tư nhân nói riêng ở Việt Nam.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã khẳng định: “Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển một nền kinh tế độc lập, tự chủ”. Vai trò của kinh tế tư nhân được nâng lên, là nòng cốt của nền kinh tế, bên cạnh kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể, thay vì chỉ là một trong những động lực của nền kinh tế như trước đây.

Về phát triển bền vững khu vực tư nhân nhấn mạnh yêu cầu tập trung vào chất lượng phát triển và hiệu quả hoạt động của khu vực tư nhân. Nghị quyết này đề ra mục tiêu 1 triệu các doanh nghiệp trong khu vực tư nhân đang hoạt động vào năm 2020 và 2 triệu vào năm 2030. Nghị quyết cũng hướng tới mục tiêu khu vực kinh tế tư nhân sẽ đóng góp 50% cho GDP vào năm 2020, 55% vào năm 2025 và 60-65% vào năm 2030. Nghị quyết cũng khuyến khích việc chính thức hóa các hộ kinh doanh, chuyển đổi thành mô hình doanh nghiệp đăng ký chính thức và khuyến khích sự hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước, có đủ khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị trong khu vực cũng như vươn ra toàn cầu.

Cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và khu vực tư nhân là một trong những nội dung quan trọng để tăng cường năng lực quốc gia của Việt Nam. Những nền tảng về năng lực cạnh tranh của Việt Nam được phân tích và thể hiện rõ nét trong báo cáo Năng lực Cạnh tranh Việt Nam.

Cần có một chính sách khẳng định rõ ràng về việc các doanh nghiệp tư nhân trong nước sẽ là trụ cột của nền kinh tế quốc dân và của năng lực cạnh tranh quốc gia. Cần nhìn nhận thấu đáo về sự tăng trưởng vượt bậc của khu vực kinh tế tư nhân dường như đã khiến người ta quên đi một thực tế rằng các doanh nghiệp tư nhân trong nước thuộc khu vực được đăng ký chính thức mới chỉ đóng góp vỏn vẹn 8,2% GDP.

Phần lớn của mức đóng góp 38,64% vào GDP bởi khu vực kinh tế tư nhân là từ các hộ kinh doanh – vốn vẫn đang bị xem là thuộc khu vực không chính thức. Trong khu vực doanh nghiệp nói chung, cần có các biện pháp chính sách nhằm thúc đẩy quá trình tái phân bổ nguồn lực giữa những khu vực doanh nghiệp (nhà nước và tư nhân) có khả năng sử dụng nguồn lực (vốn, lao động, đất đai) hiệu quả hơn. Điều này phải được coi là tiền đề cho nâng cao năng lực cạnh tranh. Thêm vào đó, cần chính thức hóa hoạt động kinh doanh không chính thức bởi những đóng góp của họ như đã nêu.

Tài liệu tham khảo:
1. Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam, Hà Nội 2019
2. Kinh tế tư nhân Việt Nam, Năng suất và Thịnh vượng, Hà Nội 2018
3. Trương Công Đắc – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Phát triển kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, 2017
4. Võ Văn Lợi, Phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam và một số vấn đề đặt ra, Học viện Chính trị Khu vực 3
5. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội 2016
TS. Đặng Thị Hà
Học viện Hành chính Quốc gia