Quản lý nhà nước đối với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ở tỉnh Thái Nguyên

(Quanlynhanuoc.vn) – Giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là một trong những ưu tiên hàng đầu trong hệ thống chính sách phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam. Bài viết nghiên cứu về quản lý nhà nước đối với quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

 

Lao động nông thôn (LĐNT) thuộc bộ phận người dân không có việc làm thường xuyên, hay còn gọi là thiếu việc làm hoặc bán thất nghiệp. Đặc biệt, những năm gần đây, tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn xảy ra do lao động tăng nhanh, trong khi đó diện tích ruộng đất trên một lao động ngày càng giảm. Tình trạng trên không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của chính LĐNT mà còn ảnh hưởng đến sự ổn định, phát triển kinh tế – xã hội ở nông thôn, gây lãng phí một nguồn lao động lớn ở nước ta.

Về giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ở tỉnh Thái Nguyên

Những năm qua, công tác hỗ trợ và tạo việc làm ở tỉnh Thái Nguyên có những chuyển biến tích cực: các ngành chức năng, chính quyền địa phương trong tỉnh không ngừng đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ việc làm cho người lao động bằng các hình thức: tổ chức hội chợ việc làm, tư vấn giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động… nhằm cung cấp những thông tin về thị trường lao động cho người lao động và người sử dụng lao động. Tham vấn cho người lao động và người sử dụng lao động thực hiện các hợp đồng, giao dịch về việc làm một cách chính thống qua các trang tin điện tử của cơ quan Nhà nước hoặc có sự quản lý, giám sát của nhà nước, tránh tình trạng người dân bị lừa đảo, mất niềm tin trong các giao dịch việc làm.

Tỉnh Thái Nguyên cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích nhằm GQVL cho người lao động. Thông qua hệ thống các ngân hàng chính sách xã hội tại các địa phương, nhiều đối tượng được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, tạo ra hàng nghìn việc làm mới. Cùng với công tác GQVL tại chỗ, tỉnh Thái Nguyên cũng rất chú trọng tới công tác xuất khẩu lao động, luôn đẩy mạnh tuyên truyền về xuất khẩu lao động bằng nhiều hình thức như phát tờ rơi, in những thông tin cần thiết về trình độ tay nghề, công việc cần  làm và thu nhập hằng tháng…

Tỉnh Thái Nguyên tặng Bằng khen cho các doanh nghiệp làm tốt công tác giải quyết việc làm trong Ngày hội việc làm Xuân Mậu Tuất 2018. Ảnh: Hoàng Nguyên- TTXVN

Đặc biệt, chính quyền các địa phương cùng với ngành Lao động – Thương binh và Xã hội theo dõi, nắm bắt thông tin thường xuyên của người lao động làm việc ở nước ngoài, cũng như liên lạc với gia đình, với đơn vị đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhằm tạo sự gắn bó, trách nhiệm trong phối hợp giải quyết các vấn đề khó khăn về thủ tục pháp lý, cũng như những sự cố xảy ra ngoài ý muốn.

Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế hiện nay, công tác tạo việc làm cho người lao động vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Cơ cấu ngành đào tạo chưa thật sự phù hợp với thị trường lao động, chương trình đào tạo, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn nên nhiều lao động được đào tạo nghề nhưng vẫn khó tìm được việc làm; nhiều lao động phải làm việc không phù hợp với chuyên môn, ngành nghề được đào tạo, dẫn đến tỷ lệ thiếu việc làm và thất nghiệp còn khá cao…

Năm 2018 tỉnh Thái Nguyên phấn đấu giải quyết việc làm cho 15.000 lao động (Nguồn: http://thainguyentv.vn).

Trong quá trình nghiên cứu thực trạng về việc làm và GQVL trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cho thấy, nguyên nhân của việc thiếu việc làm, đời sống LĐNT bấp bênh là do những đặc điểm cố hữu, đặc thù của người lao động khu vực nông thôn. Có thể kể đến một số đặc điểm chính của LĐNT tỉnh Thái Nguyên như sau:

(1) Dân số nông thôn chiếm tỷ lệ cao, cơ cấu lao động trong độ tuổi sống ở khu vực nông thôn khá lớn;

(2) Dịch chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị có xu thế tăng chậm;

(3) Lao động có việc làm chiếm tỷ lệ khá cao, trong đó, lao động làm việc trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm phần đa số. Xu thế lao động làm việc trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản không giảm;

(4) LĐNT trong độ tuổi hoạt động kinh tế chiếm tỷ lệ lớn;

(5) LĐNT có trình độ thấp, phần lớn chưa qua đào tạo;

(6) LĐNT chưa sử dụng hết thời gian làm việc, thời gian rảnh rỗi khá lớn, việc tận dụng thời gian rảnh rỗi mang tính tự phát và không ổn định;

(7) Năng suất lao động thấp, thu nhập bình quân thấp;

(8) Tỷ lệ lao động có thu nhập ở mức nghèo và cận nghèo khá cao, lao động có thu nhập trung bình chiếm đa số;

(9) Nhận thức của người dân về bảo hiểm còn hạn chế, tỷ lệ tham gia rất thấp giữa người lao động, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nghề, đặc biệt là bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế;

(10) Mối quan hệ 3 bên (giữa người lao động, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nghề) chưa chặt chẽ, vai trò đại diện cho người lao động của các tổ chức hiệp hội chưa rõ nét.

Ngoài ra, dựa trên thực trạng về lao động và việc làm ở khu vực nông thôn Thái Nguyên cho thấy, việc làm của LĐNT tỉnh Thái Nguyên chưa đạt chuẩn bền vững. Nguyên nhân là do các hộ nông dân thiếu vốn đầu tư phát triển sản xuất – kinh doanh, diện tích đất canh tác bình quân của hộ gia đình thấp, cơ cấu kinh tế trong nông thôn còn lạc hậu, giao thông còn khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế.

Những hộ có thu nhập khá có tỷ suất sử dụng thời gian lao động cao hơn các hộ khác do họ có vốn đầu tư mở rộng sản xuất – kinh doanh. Hướng sản xuất của các hộ gia đình này là yếu tố ảnh hưởng lớn đến việc làm của các thành viên trong gia đình, đối với các hộ thuần nông có tỷ suất sử dụng thời gian lao động thấp nhất. Điều này cho thấy, việc phân công lao động trong nông thôn có vai trò quan trọng trong GQVL trong nông thôn.

Đánh giá tác động của các nhân tố đến thu nhập của hộ gia đình nông dân cho thấy, số lao động, số ngày công lao động, vốn đầu tư, hướng sản xuất, diện tích canh tác, trình độ văn hóa của người chủ gia đình, có ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của các thành viên trong gia đình đó. Đây cũng chính là các nhân tố ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của LĐNT trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

 Một số giải pháp tạo việc làm cho lao động nông thôn ở tỉnh Thái Nguyên

Có 3 nhóm giải pháp cụ thể nhằm GQVL và tăng thu nhập cho LĐNT phù hợp với điều kiện cụ thể của Thái Nguyên.

Một là, nâng cao chất lượng nguồn LĐNT, tăng cường đầu tư nâng cấp các cơ sở dạy nghề, nghiên cứu kỹ nhu cầu học nghề của LĐNT, có chế độ ưu tiên đối với học sinh, sinh viên các trường đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp và phát triển nông thôn, giúp LĐNT tự tin, có ý chí vươn lên không ỷ lại.

Tiếp tục sửa đổi, bổ sung và ban hành các chính sách liên quan đến công tác đào tạo nghề theo hướng phù hợp với yêu cầu của thị trường. Tăng cường xã hội hóa công tác đào tạo nghề, đào tạo nghề gắn với việc làm. Đổi mới cơ chế kế hoạch và tài chính đào tạo nghề từ ngân sách tỉnh theo hướng tập trung vào các cơ sở trọng điểm, ngành nghề trọng điểm, nhóm nhân lực trọng điểm. Tăng cường quản lý nhà nước thông qua các chính sách, pháp luật đối với mọi hoạt động đào tạo nghề, tạo việc làm; kiểm định chặt chẽ chất lượng các cơ sở đào tạo nghề và chương trình đào tạo nghề trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Cán bộ chuyên trách công tác đào tạo nghề – việc làm cần trau dồi nâng cao năng lực quản lý dạy nghề.

Hai là, GQVL nhằm tăng thu nhập của hộ nông dân, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn theo hướng toàn diện và hợp lý; cho nông dân vay vốn kết hợp với công tác khuyến nông. Có kế hoạch sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên có sẵn trong nông thôn. Giới thiệu và quản lý chặt chẽ lao động trong các khu công nghiệp cũng như hoạt động xuất khẩu lao động. Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của học nghề và việc làm, nắm vững pháp luật lao động.

Các cấp chính quyền địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chương trình xúc tiến việc làm; tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn của chương trình xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, GQVL cho người lao động trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn cho lao động lập dự án vay vốn và sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả; hỗ trợ cho người thất nghiệp, người thiếu việc làm đến đăng ký tìm việc làm tại các trung tâm dịch vụ việc làm trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ đẩy mạnh dịch vụ xuất khẩu lao động.

Ba là, nhóm giải pháp riêng cho từng địa bàn nông thôn cần được tính đến như là một giải pháp hiệu quả từ nhu cầu việc làm của chính các thành viên hộ gia đình nông thôn nhờ tính đặc thù trong phát triển kinh tế hộ gia đình LĐNT, như: có địa phương cần ưu tiên phát triển cây nông nghiệp lâu năm, các loại cây trồng vật nuôi đặc sản; có địa phương lại cần ưu tiên phát triển cây ngắn ngày, chăn nuôi lợn, gia cầm và thủy sản…

Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 34/2011/NQ-HĐND ngày 12/12/2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên về việc thông qua Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 tỉnh Thái Nguyên.
2. Kế hoạch số 150/KH-UBND ngày 27/11/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011-2015 theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
3. Kế hoạch số 112/KH-UBND ngày 24/8/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên về đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
4. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên. Báo cáo công tác lao động, thương binh và xã hội các năm 2010 – 2018.

Nguyễn Thị Thùy Dương
NCS của Học viện Hành chính Quốc gia