Nâng cấp 28 dịch vụ công trực tuyến ngành hàng không lên mức độ 4

(Quanlynhanuoc.vn) – Nâng cấp 28 dịch vụ công trực tuyến ngành Hàng không lên mức độ 4, mức cao nhất hiện nay; đến 2030 không còn giao dịch tiền mặt trong hoạt động giao thông vận tải.
Nâng cấp 28 dịch vụ công trực tuyến ngành Hàng không lên mức độ 4

Thực hiện chỉ tiêu đến năm 2020, cung cấp 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến 2025 và các văn bản chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, cho đến ngày 08/12/2020, Cục Hàng không Việt Nam đã hoàn thành cung cấp 28 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đạt tỷ lệ 38% trong tổng số dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực hàng không.
Để đạt được kết quả như trên trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt của Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, các đơn vị đã tích cực thực hiện các biện pháp để đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến như: rà soát để lựa chọn các thủ tục hành chính đưa lên dịch vụ công trực tuyến mang lại hiệu quả cao; tận dụng để nâng cấp, phát triển các hệ thống thông tin hiện có nhằm bảo đảm khả năng sẵn sàng tiếp nhận hồ sơ trực tuyến và xử lý hồ sơ hoàn toàn trên môi trường mạng.
Cùng với đó, Cục Hàng không Việt Nam cũng tập trung triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu để giảm thành phần hồ sơ phải nộp hoặc xuất trình khi thực hiện thủ tục trực tuyến. Đồng thời, tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến hiệu quả; khuyến khích tổ chức, cá nhân đăng ký nộp hồ sơ qua mạng khi có nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính; chỉ đạo, quán triệt đội ngũ công chức tiếp nhận hồ sơ tại Bộ phận Một cửa phải tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn, khuyến khích cá nhân, tổ chức đến liên hệ giải quyết hồ sơ hành chính đăng ký để nộp hồ sơ trực tuyến; chỉ tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 giữa các cơ quan nhà nước khi nộp trực tuyến…
Danh sách 28 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 lĩnh vực hàng không được công bố trên Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử – Bộ Giao thông vận tải, xem tại đây.

Đến 2030 không còn giao dịch tiền mặt trong hoạt động giao thông vận tải

Bộ Giao thông vận tải ban hành “Chương trình chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, mục tiêu đến 2030 xóa bỏ các giao dịch sử dụng tiền mặt trong hoạt động giao thông vận tải.
Đến 2025, với mục tiêu phát triển chính phủ số, sẽ hình thành được cơ sở hạ tầng dữ liệu của ngành Giao thông vận tải, trong đó có cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung được kết nối, tích hợp dữ liệu từ các hệ thống nghiệp vụ chuyên dùng nhằm cung cấp thông tin phục vụ quản lý, điều hành Giao thông vận tải tới được người ra quyết định đầy đủ, kịp thời và chính xác.
Cung cấp đầy đủ dữ liệu mở của ngành Giao thông vận tải đối với các số liệu thống kê hàng năm và các loại thông tin phải được công khai theo quy định của pháp luật. 100% hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Giao thông vận tải được quản lý theo dõi tiến độ xử lý trên Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử. Tất cả các dịch vụ công phổ biến liên quan tới nhiều người dân và doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến mức độ 3, 4 và được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia; tối thiểu 50% số lượng bộ hồ sơ thực hiện tại Bộ Giao thông vận tải được nộp trực tuyến mức độ 3, 4…
Với mục tiêu phát triển kinh tế số đến 2025, 100% các tuyến đường bộ cao tốc có triển khai lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh (ITS); hình thành được các trung tâm tích hợp quản lý, điều hành giao thông của đô thị thông minh tại các thành phố trực thuộc Trung ương và địa phương có nhu cầu.
Hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC) được triển khai đồng bộ tại tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc, tiến tới xóa bỏ tất cả các làn thu phí sử dụng tiền mặt.
Tạo ra các nền tảng số kết nối dịch vụ vận tải đa phương thức, xây dựng chuỗi cung ứng logistics được làm chủ bởi doanh nghiệp của Việt Nam…
Giai đoạn đến năm 2030, với mục tiêu phát triển Chính phủ số, hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng dữ liệu của ngành Giao thông vận tải với các nguồn dữ liệu được cập nhật thường xuyên, đầy đủ và chính xác; tạo lập được cơ sở dữ liệu không gian về kết cấu hạ tầng giao thông có đủ tính pháp lý để khai thác sử dụng trong các hoạt động quản lý, điều hành và phát triển của ngành.
Với mục tiêu phát triển kinh tế số, hệ thống giao thông thông minh được triển khai rộng khắp trên mạng lưới giao thông toàn quốc; có sự kết nối đồng bộ, liên thông kết cấu hạ tầng giao thông các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa và hàng không.

Nguồn: tapchigiaothong.vn