Nâng cao đạo đức công vụ của công chức trong các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân thành phố Huế

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong những năm qua, nội dung đạo đức công vụ tại các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Huế luôn được coi trọng. Do đó, chất lượng đội ngũ công chức được nâng lên rõ rệt, đáp ứng yêu cầu thực thi công vụ, hoàn thành tốt công việc được giao. Trước xu thế hội nhập và phát triển của đất nước hiện nay, đòi hỏi công chức chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Huế không chỉ nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ mà còn phải nêu cao tinh thần đạo đức công vụ, tận tụy phục vụ nhân dân, xác định công chức là “công bộc của dân”, phải “vừa hồng, vừa chuyên”.
Lãnh đạo tỉnh tặng bằng khen cho các đơn vị dẫn đầu công tác CCHC năm 2021. 
Cơ cấu tổ chức và đặc điểm đội ngũ công chức trong các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Huế

Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Huế hiện có 12 phòng chuyên môn, 164 người, cơ bản bảo đảm các vị trí việc làm trong từng đơn vị. Với nguồn nhân lực hiện có, các phòng chuyên môn đã tham mưu thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành và lĩnh vực khác nhau tại địa phương.

Hầu hết công chức trong các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố Huế đều có trình độ đạt chuẩn về tin học và ngoại ngữ; có trình độ đại học; người có trình độ đại học đang chiếm tỷ lệ cao. Trong đó, thạc sỹ là 46 người, chiếm 28,1%; đại học là 117 người, chiếm 71,3 %; trung cấp 01 người, chiếm 0,6%. Tuy nhiên, trình độ ngoại ngữ mới chỉ dừng lại ở mức cơ bản, đạt tiêu chuẩn bổ nhiệm công chức, có 10 người có trình độ đại học ngoại ngữ trở lên, chiếm 6,1%, đây là tỷ lệ vẫn còn khiêm tốn, chưa đáp ứng trước yêu cầu của xu thế hội nhập và phát triển.

Đặc điểm về giới tính, nam 102 người, tỷ lệ 62,2%; nữ 62 người, tỷ lệ 37,8%. Hầu hết công chức thành phố đều là người kinh, không có các dân tộc khác và chỉ 6 người, chiếm 3,7% có theo tôn giáo. Mặt khác, cơ cấu về độ tuổi cũng đã phản ánh sự chuyển tiếp liên tục giữa các thế hệ trong các cơ quan chuyên môn, với tỷ lệ cơ cấu cho bốn độ tuổi là: dưới 30: 8,5%; từ 31-40: 39,6%; từ 41-50: 37,2% và trên 50: 14,7% là tương đối phù hợp. Trong đó, cơ cấu về độ tuổi từ 31-50 đang chiếm tỷ lệ lớn, 76,83%. Điều này phản ánh đội ngũ công chức trẻ, năng động, sáng tạo, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, kinh nghiệm thực thi công vụ, có thể hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Cán bộ phường Hương Xuân hướng dẫn người dân đến giải quyết thủ tục hành chính.
Đánh giá thực trạng đạo đức công vụ của công chức trong các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Huế

Qua các kết quả khảo sát, đánh giá của nhóm nghiên cứu cho thấy, đội ngũ công chức trong các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố Huế đều có trình độ và năng lực thực tiễn; có bản lĩnh chính trị, kiên định lập trường, quyết tâm thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng và Nhà nước. Tuy còn nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhưng nhìn chung, đa số công chức vẫn giữ được đạo đức trong thực thi công vụ, lối sống lành mạnh, có tinh thần rèn luyện, học tập vươn lên, không tham ô, lãng phí, luôn cần, kiệm, liêm, chính trong hoạt động công vụ, nêu cao ý thức kỷ luật và thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với các lĩnh vực công tác được giao. Bên cạnh đó, còn một số ít công chức vẫn thiếu tinh thần trách nhiệm, có biểu hiện tiêu cực trong hoạt động công vụ.

Ngoài kết quả đánh giá trên, chúng tôi đã tiến hành khảo sát với 150 người dân thành phố Huế khi đến tiếp xúc giải quyết công việc với công chức trong các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố Huế. Kết quả khảo sát, có 77% người dân rất hài lòng với thái độ, hành vi của công chức khi thực thi công vụ; 75% người dân cho rằng, công chức ở các bộ phận chuyên môn thuộc UBND thành phố làm việc với tinh thần trách nhiệm cao. Mặc dù chưa đạt được mức đánh giá tối đa như mong đợi, nhưng với chỉ số đánh giá trên của người dân đã minh chứng công chức trong các cơ quan chuyên môn của thành phố Huế đã thực hành tốt về đạo đức công vụ (ĐĐCV).

Bên cạnh những mặt đạt được, công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động công vụ còn hạn chế, do đó vẫn còn tình trạng một số công chức lợi dụng, lạm dụng chức vụ, nhiệm vụ, quyền hạn để vụ lợi, vi phạm pháp luật, vi phạm vào những điều công chức không được làm.

Theo đánh giá tại Báo cáo Đại hội Đảng bộ thành phố Huế nhiệm kỳ 2015 – 2020, vai trò tham mưu của một số phòng thuộc UBND thành phố còn hạn chế, thiếu chủ động, ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân của một bộ phận công chức còn thấp, chưa nêu cao tinh thần “công bộc” của dân, vẫn còn xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân trong quá trình giải quyết hồ sơ hành chính, nhất là lĩnh vực nhà đất.

Tham chiếu với những chỉ số hạn chế về thực trạng thực hiện các quy định về ĐĐCV của công chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố Huế có thể vạch rõ một số nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên, được thể hiện qua các nội dung cụ thể sau:

Một là, việc triển khai nghị quyết của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước ở các cơ quan, đơn vị còn chậm, thiếu quyết liệt nên hiệu quả chưa cao.

Hai là, chưa có sự quan tâm đúng mức đối với việc bồi dưỡng tinh thần trách nhiệm, chưa xử lý nghiêm minh công chức có hành vi vi phạm pháp luật, có thái độ quan liêu, hách dịch, cửa quyền, gây phiền hà cho Nhân dân.

Ba là, thiếu những quy định cụ thể trong các đơn vị về trách nhiệm của công chức; cơ chế quản lý, kiểm tra giám sát của tổ chức và thủ trưởng trực tiếp cũng như của Nhân dân đối với hoạt động công vụ của công chức còn hạn chế, chưa thường xuyên, thiếu nghiêm túc, còn cả nể và thiếu đồng bộ.

Bốn là, công tác đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra. ĐTBD chủ yếu nhằm để chuẩn hóa ngạch, bậc công chức, chưa chú trọng đúng mức để nâng cao khả năng thực thi công vụ, nâng cao tinh thần phục vụ Nhân dân.

Năm là, công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định về chuẩn mực ĐĐCV mang tính pháp lý chưa thường xuyên, mang tính hình thức. Nhiều công chức thiếu nghiêm khắc với bản thân, không thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng đạo đức.

Một số giải pháp nhằm nâng cao đạo đức công vụ của công chức trong các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Huế

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tiếp tục nâng cao nhận thức cho công chức về nội dung, ý nghĩa của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức cách mạng phù hợp với điều kiện mới, làm cơ sở cho công chức tự giác tu dưỡng, rèn luyện. Đẩy mạnh bồi dưỡng ĐĐCV, làm cho mỗi công chức thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, nêu cao bản lĩnh chính trị, đấu tranh có hiệu quả với mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, bệnh quan liêu, cơ hội, cục bộ, bè phái, lợi ích nhóm, mất đoàn kết, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, nâng cao ý thức tu dưỡng, “nói đi đôi với làm”, thường xuyên “tự soi”, “tự sửa”.

Thứ hai, thực hiện công tác ĐTBD về ĐĐCV cho công chức trong các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố Huế.

Với những hạn chế nêu trên, trong thời gian tới nhằm nâng cao việc thực hiện các quy định về ĐĐCV của công chức, chính quyền thành phố Huế cần chú trọng đổi mới chất luợng công tác ĐTBD công chức theo hướng xây dựng đội ngũ công chức không chỉ thành thạo về chuyên môn, nghiệp vụ mà còn nâng cao phẩm chất ĐĐCV; chấp hành tốt mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; trách nhiệm với công việc, tận tụy phục vụ Nhân dân; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp, chống lại những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, hoàn thành tốt mọi nhiệm được giao.

Thứ ba, chủ động phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố Huế.

Tiếp tục đổi mới, xây dựng kế hoạch phối hợp giữa tổ chức Đảng, các đoàn thể và chính quyền thành phố trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Thực hiện thường xuyên, liên tục, có biện pháp chặt chẽ, không để sơ hở trong công tác quản lý, điều hành và thực thi nhiệm vụ, công vụ. Do đó, một khi đã tẩy trừ được bệnh tham nhũng, lãng phí có nghĩa chúng ta khôi phục được tính liêm chính, lòng trung thực của công chức nhà nước, góp phần làm cho đội ngũ công chức thật sự “Lương tâm – Trí tuệ – Niềm tin” của Nhân dân.

Thứ tư, hoàn thiện các văn bản pháp luật về ĐĐCV.

Vấn đề ĐĐCV được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, thể hiện rõ trong các văn bản pháp luật về công vụ. Khi các quy phạm ĐĐCV được pháp luật hóa thì các chuẩn mực đạo đức đó có sức sống lâu bền, trở thành chuẩn mực pháp lý được công chức tuân thủ một cách tự nguyện, tự giác trong quá trình thực thi công vụ. Do đó, việc điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện văn bản pháp luật về ĐĐCV là tất yếu khách quan trong quá trình xây dựng và phát triển đội ngũ công chức “vừa hồng, vừa chuyên” trong nền hành chính quốc gia hiện nay.

Thứ năm, tăng cường thanh trakiểm tra về thực thi ĐĐCV của công chức.

Cần tăng cường thanh tra, kiểm tra chặt chẽ, hiệu quả về thực thi ĐĐCV nhằm xây dựng đội ngũ công chức thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong hoạt động công vụ; góp phần nâng cao trách nhiệm, tận tụy phục vụ Nhân dân; nói không với lợi ích nhóm, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, gây phiền hà cho Nhân dân. Cần xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước; quản lý con người trong tổ chức, đơn vị; quản lý cơ sở vật chất; quản lý vốn, quản lý về ngân sách thu chi… nhằm ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động công vụ.

Tài liệu tham khảo:
1. Ngô Thành Can. Đạo đức công chức trong thực thi công vụ. H.NXB Tư pháp, 2016.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, 2. H.NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2021.
3. Luật Cán bộ, công chức năm 2008.
4. Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.
5. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. H.NXB Chính trị quốc gia sự thật, 2019.
6. Quyết định số 48/2018/QĐ-UBND, ngày 31/8/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành quy định về quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
TS. Ngô Quang Tuệ
Học viện Hành chính Quốc gia
ThS. Bùi Thế Lực
Trường Cao đẳng Y tế Huế