Vận dụng những giá trị phù hợp của lý thuyết quản trị nhà nước tốt vào quá trình cải cách hành chính nhà nước ở Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Quản trị nhà nước tốt là một lý thuyết quản lý được sử dụng từ thập niên 90 của thế kỷ XX khi quá trình cải cách khu vực công được thực hiện theo mô hình quản lý công mới. Nền hành chính ở nhiều quốc gia thời gian này chuyển dần từ mô hình truyền thống sang mô hình quản lý công mới, theo đó vai trò của nhà hành chính chuyển dần sang vai trò của nhà quản lý. Trên cơ sở những phân tích về đặc trưng của lý thuyết quản trị nhà nước tốt, bài viết đề xuất một số giải pháp để có thể vận dụng lý thuyết này vào thực tiễn công cuộc cải cách hành chính nhà nước tại Việt Nam hiện nay.
Ảnh minh họa (TTXVN).
Quan niệm về quản trị nhà nước tốt

Có nhiều quan niệm khác nhau về thuật ngữ quản trị nhà nước tốt (QTNNT). Thông thường, khái niệm QTNNT được sử dụng khi đánh giá hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. QTNNT trong bối cảnh một nước đang phát triển được diễn giải thành các yếu tố nội hàm1 sau đây: (1) Xây dựng nhà nước; (2) Xây dựng quốc gia, dân tộc; (3) Xây dựng nền kinh tế quốc dân; (4) Cải thiện vị thế kinh tế – xã hội của công dân và nuôi dưỡng niềm tin của Nhân dân vào tương lai ổn định và tốt đẹp hơn; (5) Quản lý mối quan hệ giữa nhà nước và Nhân dân.

Trên một phương diện khác, QTNNT bắt nguồn từ học thuyết phân chia quyền lực nhà nước thành ba nhánh là quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Trong quá trình phát triển, quản trị nhà nước chịu tác động nhiều yếu tố khác nhau như các lý thuyết về quản lý, hình thái kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia, những tác động của môi trường quốc tế. Đặc biệt, nhân tố khoa học, công nghệ từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã hình thành nên diện mạo khái niệm QTNNT hiện nay.

Ở các quốc gia đang phát triển, thuật ngữ quản trị được sử dụng ngày càng nhiều. Ban đầu, quản trị nhà nước để thích ứng với một giai đoạn chuyển đổi hoặc quá độ, dần dần được sử dụng phổ biến, khiến quản trị từ chỗ chỉ áp dụng trong một giai đoạn nhất định đã trở thành một công cuộc xây dựng phát triển dài lâu, nhất là đối với các quốc gia có thời kỳ quá độ kéo dài qua nhiều năm.

Nội hàm khái niệm QTNNT nhấn mạnh đến các quy tắc và quy định, cơ chế có tính chất kỹ trị2và thủ tục điều chỉnh, áp chế sai phạm. Ngoại trừ các trường hợp bảo mật nhà nước không cho phép mở rộng sự tham gia của nhiều chủ thể, trong đa số các trường hợp còn lại thì quản trị bộc lộ nhiều ưu điểm, trong số đó, ưu điểm lớn nhất là thông tin chuẩn mực, phổ biến rộng rãi. Nghiên cứu về đặc tính và sự vận động của lý thuyết và mô hình QTNNT, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra đặc tính vận động theo sự phát triển của xã hội loài người và kết luận rằng quản trị tốt là một khái niệm động, có ý nghĩa quan trọng để thực hiện các nghiên cứu phân tích cụ thể và nghiên cứu hệ thống.

Mặc dù có những khái niệm khác nhau về quản trị nhà nước nhưng đều có điểm chung là quản trị nhà nước là phương thức quản lý bảo đảm các chính sách, các quy định điều chỉnh hoạt động của các tổ chức tạo điều kiện cho tổ chức đạt được mục tiêu và các hoạt động được thực hiện một cách có trách nhiệm và đạo đức nhất. Trong khu vực công, quản trị nhà nước liên quan đến các cách thức thiết lập mục tiêu và thực hiện mục tiêu, các hoạt động đảm bảo uy tín của Chính phủ, thiết lập hệ thống cung cấp dịch vụ bảo đảm công bằng và đảm bảo các công chức có hành vi ứng xử đúng, giảm các nguy cơ tham nhũng.

Đặc điểm của lý thuyết quản trị nhà nước tốt

QTNNT là việc thực hiện các công việc của Nhà nước một cách có hiệu quả với sự tham gia của nhiều chủ thể trong xã hội, thỏa mãn tốt nhu cầu người dân và bảo đảm các quyền của công dân, tổ chức. Hiện có những quan niệm khác nhau về nội hàm của QTNNT. Tuy nhiên, xét một cách tổng quát nhất, lý thuyết QTNNT gồm các đặc điểm sau:

Thứ nhất, huy động, bảo đảm sự tham gia của người dân vào quá trình quản trị nhà nước. Đặc trưng cơ bản của mô hình QTNNT là huy động được sự tham gia cuả người dân vào giải quyết những vấn đề chung của đất nước. Mục đích của hoạt động quản lý nhà nước là hướng tới quản lý xã hội theo định hướng của Đảng đã đề ra, duy trì, bảo đảm ổn định và phát triển của xã hội với mục đích cuối cùng là vì con người, vì sự ấm no của Nhân dân. Chính vì thế, để những chính sách được xây dựng phù hợp với những yêu cầu của thực tiễn thì việc huy động và bảo đảm sự tham gia của người dân vào hoạt động quản trị nhà nước là cách để người dân thực hiện quyền làm chủ xã hội, làm chủ đất nước của mình.

Thứ hai, quản trị theo tinh thần nhà nước pháp quyền. Trong quá trình thực hiện quản lý nhà nước, có thể sử dụng nhiều biện pháp khác nhau trong đó pháp luật và chính sách là hai biện pháp cơ bản nhằm duy trì trật tự, kỷ cương và ổn định của xã hội. QTNNT đòi hỏi các quy định pháp luật không chỉ đầy đủ mà còn bảo đảm tính khách quan và công bằng. Đồng thời, các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật phải kịp thời, đầy đủ và khoa học, bảo đảm tổ chức thực hiện pháp luật một cách có hiệu quả trong thực tế.

Thứ ba, tính công khai, minh bạch. Công khai, minh bạch trong QTNNT thể hiện ở việc các hoạt động của chính phủ từ xây dựng chính sách đến tổ chức thực hiện chính sách phải được thông tin tới người dân một cách liên tục, chính xác, kịp thời theo những cách thức và phương pháp phù hợp với đối tượng tiếp nhận thông tin.

Thứ tư, thích ứng linh hoạt đối với sự thay đổi của môi trường quản trị. Môi trường quản trị luôn luôn vận động và biến đổi không ngừng dưới sự biến động của các mối quan hệ xã hội. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi xu hướng toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động đến tất cả các quốc gia thì các quốc gia cần phải có biện pháp chủ động hội nhập nhằm thích ứng với những sự thay đổi của môi trường quản lý. Bên cạnh đó, QTNNT đòi hỏi các quốc gia phải dự báo được những xu hướng vận động và biến đổi của môi trường quản lý (bao gồm cả môi trường trong nước và quốc tế) để xây dựng được các kịch bản quản lý phù hợp với sự biến động của môi trường quản lý.

Thứ năm, sự định hướng và đồng thuận. Quản trị nhà nước là nhằm hướng tới sự đồng thuận cao trong việc triển khai thực hiện chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Sự định hướng và đồng thuận trong hoạt động quản trị nhà nước thể hiện sự ủng hộ của người dân khi thực hiện các chính sách trong thực tiễn. QTNNT phải đưa ra được cách thức để tìm được sự đồng thuận của tất cả các đối tượng trong xã hội đối với những quyết sách của chính phủ. Để có thể nhận được sự đồng thuận này thì chính phủ phải quan tâm đến những chính sách mang tầm chiến lược để hướng tới sự phát triển bền vững, vừa giữ được ổn định xã hội, tăng trưởng kinh tế, vừa giữ gìn môi trường trong sạch cho thế hệ tương lai.

Thứ sáu, trách nhiệm báo cáo và giải trình. Trong mô hình QTNNT, trách nhiệm giải trình là một đặc điểm cơ bản. Trách nhiệm giải trình bản thân nó không chỉ là trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm trong thực thi công vụ, mà hơn hết còn là trách nhiệm chính trị, trách nhiệm đạo đức công vụ của người thực thi quyền lực nhà nước. Trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền và bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch thì các chủ thể thực hiện quyền lực nhà nước phải nâng cao trách nhiệm giải trình trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Trách nhiệm giải trình ở đây không chỉ dừng lại ở việc giải trình với cơ quan cấp trên, cơ quan dân cử mà còn phải thực hiện giải trình với cấp dưới và giải trình với người dân, với khu vực tư nhân, các tổ chức xã hội về những tồn tại, vướng mắc, những khó khăn khi thực hiện quản trị nhà nước. Việc thực hiện tốt trách nhiệm giải trình sẽ góp phần quan trọng vào việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong hoạt động quản lý nhà nước.

Thứ bảy, hiệu lực và hiệu quả. QTNNT phải đạt tới mục tiêu hiệu lực và hiệu quả. Để bảo đảm được hiệu lực và hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước thì đòi hỏi rất nhiều những vấn đề khác nhau như: quy trình ban hành và thực hiện các quy định pháp luật, chính sách phải bảo đảm theo quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục, thẩm quyền ban hành; hệ thống thể chế hành chính nhà nước phải đồng bộ và phù hợp; tổ chức hành chính nhà nước có cơ cấu rõ ràng, chức năng, nhiệm vụ không bị trùng lặp, cơ chế phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ cụ thể; chất lượng đội ngũ nhân sự hành chính nhà nước phải bảo đảm yêu cầu; các nguồn lực cần thiết phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước được bảo đảm… Trong QTNNT cần có các biện pháp nhằm nâng cao năng lực hoạt động của nền hành chính nhà nước, đáp ứng ngày càng tốt những yêu cầu mới của nền công vụ. Quản trị có hiệu lực, hiệu quả nghĩa là tạo ra lợi thế cạnh tranh cho sự phát triển bền vững của đất nước4.

Vận dụng lý thuyết quản trị nhà nước tốt vào cải cách hành chính nhà nước hiện nay

Cải cách HCNN tại Việt Nam được bắt đầu từ khi Đảng và Nhà nước ta thực hiện chủ trương đổi mới toàn diện đất nước từ sau Đại hội lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1986. Trải qua cả một giai đoạn dài thực hiện cải cách toàn diện nền HCNN, về cơ bản, nền hành chính đã có những sự thay đổi lớn theo hướng gọn nhẹ, hoạt động hiệu quả, nhận được sự ủng hộ của người dân.

Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện Chương trình tổng thể cải cách HCNN giai đoạn 2021 – 2030 theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ với 6 nội dung là: (1) Cải cách thể chế; (2) Cải cách thủ tục hành chính; (3) Cải cách tổ chức bộ máy HCNN; (4) Cải cách chế độ công vụ; (5) Cải cách tài chính công; (6) Xây dựng và phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số… Để có thể vận dụng những yếu tố phù hợp vào thực tiễn Việt Nam trong quá trình đẩy mạnh cải cách hành chính như hiện nay, có thể áp dụng một số vấn đề sau:

Một là, thực hiện rà soát thể chế HCNN, đánh giá một cách toàn diện về mức độ phù hợp của thể chế hành chính với sự vận động, biến đổi của môi trường kinh tế – xã hội, từ đó có sự điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định pháp luật sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Trong quá trình hoàn thiện thể chế, cần chú trọng tới việc đảm bảo sự tham gia của người dân vào hoạt động quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực. Hiện nay, ở nước ta còn thiếu các cơ chế để người dân có thể tham gia một cách thực chất và hiệu quả vào quản lý nhà nước. Do đó, hoàn thiện thể chế cần đổi mới các quy định pháp luật để mở rộng dân chủ trực tiếp, đồng thời hoàn thiện cơ chế và tăng cường năng lực phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng chính sách và lựa chọn cán bộ. Bên cạnh đó, cũng cần đổi mới các quy định pháp luật nhằm nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan hoạch định, xây dựng và thực hiện chính sách công; chú trọng việc lấy ý kiến góp ý của người dân vào dự thảo các văn bản pháp luật; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân.

Hai là, Việt Nam cần xây dựng chiến lược thu hút và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc trong các cơ quan HCNN và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả. Thực hiện chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về thu hút và trọng dụng người tài năng làm việc trong các cơ quan nhà nước, thời gian qua, chúng ta đã thu hút được lực lượng nguồn nhân lực được đào tạo bài bản làm việc chủ yếu trong các đơn vị sự nghiệp công lập là chủ yếu. Để có thể thu hút được nhóm người có tài năng và đạo đức vào làm việc tại các cơ quan HCNN từ trung ương đến địa phương cần xây dựng tiêu chuẩn xác định rõ như thế nào là nguồn nhân lực chất lượng cao; các tiêu chí đánh giá nguồn nhân lực chất lượng cao theo ngành, nghề và vị trí việc làm phải rõ ràng, cụ thể. Cần có các chính sách ưu đãi đặc thù đối với nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc trong các cơ quan HCNN phải tạo ra được sự cạnh tranh với khu vực tư nhân.

Bên cạnh việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ bên ngoài thì cũng cần quan tâm hơn nữa đến công tác phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo nhân lực tại chỗ để chuẩn bị tốt về lực lượng lao động cho những giai đoạn phát triển tiếp theo. Nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức. Đào tạo, bồi dưỡng phải đi vào thực chất. Bên cạnh đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ, cần chú trọng đào tạo kỹ năng nghề nghiệp và đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức.

Ba là, trách nhiệm giải trình được hình thành từ những yêu cầu đặt ra trong cơ chế phân cấp, ủy quyền và trong sự phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực nhà nước nhằm chống lại sự lạm quyền. Trong bối cảnh cải cách hành chính, để các cơ quan HCNN thực hiện tốt trách nhiệm giải trình cần hoàn thiện pháp luật quy định về trách nhiệm giải trình của các cơ quan HCNN với người dân và xã hội. Xây dựng các văn bản hướng dẫn chi tiết về thực hiện trách nhiệm giải trình của các cơ quan HCNN. Đồng thời, cần quy định rõ trách nhiệm này tại nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, cũng như tại các nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng bộ, cơ quan ngang bộ. Mặt khác, cũng cần xác định cụ thể trách nhiệm của các cá nhân và trách nhiệm của tập thể để từ đó xác định rõ trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước.

Cần ban hành quy định về trình tự, thủ tục để cơ quan nhà nước thực hiện trách nhiệm giải trình chủ động trước người dân và xã hội. Việc sớm quy định về trình tự, thủ tục giải trình chủ động sẽ giúp các chủ thể quản lý nhà nước tăng cường tính công khai, minh bạch, dân chủ trong hoạt động công vụ… Đồng thời, đây cũng là căn cứ quan trọng để người dân và xã hội thực hiện quyền giám sát thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước. Cần bổ sung các quy định để xác định cơ chế kiểm soát, xử lý khi các cơ quan HCNN vi phạm trách nhiệm giải trình (không thực hiện hoặc thực hiện không hết trách nhiệm giải trình). Mặt khác, cần có cơ chế phù hợp để thu hút đông đảo sự tham gia của người dân vào quy trình chính sách và hoạt động ra quyết định quản lý, nhất là ở cấp địa phương cơ sở; sự tham gia của người dân càng nhiều, càng tích cực thì mới tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết lập và thực hiện trách nhiệm giải trình.

Bốn là, tăng cường việc thực hiện nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong hoạt động của các cơ quan HCNN. Nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa là một nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của HCNN. Việc thực hiện nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong hoạt động quản lý HCNN sẽ bảo đảm quyền lực nhà nước được tổ chức thực hiện có hiệu quả, hạn chế được vi phạm pháp luật, hạn chế được tình trạng lạm quyền, lộng quyền và bỏ rơi quyền lực. Hoạt động quản lý HCNN là hoạt động đưa pháp luật và chính sách vào thực tiễn đời sống, việc đảm bảo nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa sẽ giảm thiểu những hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình tổ chức thực thi pháp luật. Trong bối cảnh cải cách hành chính, cần nâng cao ý thức pháp luật của các cán bộ, công chức, viên chức và người dân. Cán bộ, công chức, viên chức phải là tấm gương tôn trọng, chấp hành, thực hiện và tuân thủ nguyên tắc pháp quyền. Để làm được điều này, các cấp chính quyền cần quan tâm hơn nữa tới việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ, ý thức chính trị và ý thức pháp luật, năng lực, kỹ năng thực hiện các nguyên tắc pháp quyền cho cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, chú trọng đến hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động quản lý HCNN. Cần chú trọng đến việc giám sát trong quá trình thực hiện pháp luật. Bên cạnh việc xây dựng pháp luật, việc thực hiện pháp luật, đặc biệt là giám sát trong quá trình thực hiện pháp luật cần được coi trọng, vì đó là vấn đề phức tạp, đa dạng, liên quan đền nhiều chủ thể, đến nhiều hoạt động khác nhau trong việc đưa pháp luật vào cuộc sống.

Năm là, tăng cường sự tham gia của người dân vào hoạt động quản lý HCNN. Việc huy động được sự tham gia của người dân vào hoạt động quản lý HCNN sẽ giúp cho người dân thực hiện quyền làm chủ đất nước của mình, giúp người dân được tham gia quyết định những vấn đề quan trọng liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Mặt khác, sự tham gia của Nhân dân còn là một giải pháp để xây dựng lòng tin của công chúng đối với Nhà nước, từ đó nâng cao hiệu quả thực thi chính sách công. Xét chung, sự tham gia của nhân dân giúp tăng cường tính dân chủ, hiệu quả và tính bền vững trong hoạt động quản trị nhà nước.

Để thúc đẩy sự tham gia thực chất và hiệu quả của Nhân dân trong quản trị nhà nước ở nước ta trong thời gian tới, cần chú ý đến các điều kiện, môi trường bảo đảm, trong đó bao gồm: trách nhiệm giải trình và sự minh bạch của các cơ quan công quyền; sự tự nguyện và sáng tạo của người dân và vai trò của các thiết chế phi chính thống, như các nhóm cộng đồng, các tổ chức xã hội và diễn đàn người tiêu dùng, cũng như cơ hội tham gia trực tiếp thông qua tham vấn công dân, các sáng kiến của công dân, trưng cầu dân ý và trao đổi qua các phương tiện thông tin và công nghệ giao tiếp mới.

Sáu là, công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý HCNN. Cần thúc đẩy việc thực hiện hiệu quả Luật Tiếp cận thông tin và tăng cường vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông. Bên cạnh đó, cũng cần phát huy vai trò và tạo lập môi trường khuyến khích sự tham gia của Nhân dân và các tổ chức xã hội chính trong việc thúc đẩy sự minh bạch trong quản trị nhà nước. Xây dựng hệ thống thông tin quốc gia về thủ tục hành chính và hoạt động của các cơ quan HCNN. Tiếp tục xây dựng, ban hành và áp dụng các bộ quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp gắn với bồi thường về tính liêm chính đối với cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ.

Chú thích:
1. Muhammad Junaid Usman Akhtar, Denita Cepiku, Antonio Lapenta. Chapter: Public participation and co-production in the irrigation sector of Punjab, Pakistan.Book Public Sector Reforms in Developing Countries, Routledge, 2014.
2. Ooi, K. Chương. Excessive Governance Is Not Good Governance trong sách “Catharsis: A Second Chance for Democracy in Malaysia”. Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS – Yusof Ishak, 2018, tr. 92 – 94.
3. Ali Farazmand. The future of Public administration. https://www.researchgate.net, June 2012, p. 487 – 517.
4. Quản trị nhà nước tốt và những vấn đề đặt ra với quản lý nhà nước ở Việt Nam.https://snv.bacgiang.gov.vn, ngày 05/02/2021.
Tài liệu tham khảo:
1. Học viện Hành chính Quốc gia. Lịch sử các học thuyết hành chính. H. NXB Bách Khoa Hà Nội, 2021.
2. David Held. Các mô hình quản lý nhà nước hiện đại. NXB Tri thức, 2019.
ThS. Vũ Thị Hồng Diệp
Trường Đại học Thành Đông