Một số quy định mới về tuyển dụng, nâng ngạch công chức và thăng hạng viên chức tại Nghị định số 161/2018/NĐ-CP

(QLNN) – Nhằm khắc phục những điểm chưa hợp lý về quản lý công chức, viên chức nói chung và tuyển dụng, nâng ngạch công chức và thăng hạng viên chức nói riêng, ngày 29/11/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 161/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi tắt là Nghị định số 161).

 

Nghị định số 161 đã kịp thời thể chế hóa một số giải pháp được đề ra tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đồng thời, nghiên cứu đổi mới công tác thi tuyển, thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức theo hướng tổ chức thi thực chất, công khai, minh bạch, giám sát chặt chẽ; đẩy mạnh phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương; làm rõ trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong kiểm tra, giám sát, hậu kiểm và trách nhiệm của các cơ quan trong quá trình tổ chức thi nâng ngạch, bảo đảm mặt bằng chung về trình độ, năng lực của công chức giữa các bộ, ngành, địa phương và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tổ chức thi tuyển, thi nâng ngạch, thi thăng hạng…

Bộ Nội vụ tổ chức thi công chức theo quy định tại Nghị định số 161/2018/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 11/5/2019. (Nguồn: https://www.moha.gov.vn).

Theo Nghị định số 161, từ ngày 15/01/2019, việc thi tuyển, thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức sẽ có nhiều đổi mới cả về nội dung, hình thức và quy trình nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường tính công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng công tác cán bộ, cụ thể:

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng không được phân biệt loại hình đào tạo, văn bằng, chứng chỉ, trường công lập, trường ngoài công lập

Thời gian qua, một số địa phương và cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức, viên chức đã chủ động xây dựng các điều kiện đăng ký tuyển dụng, trong đó quy định điều kiện thi tuyển đối với các ứng viên dự thi phải là người được đào tạo chính quy tập trung dài hạn (không chấp nhận bằng tại chức). Điều này đã từng gây xôn xao dư luận về sự công bằng trong lựa chọn ứng viên dự thi khi chỉ căn cứ trên tiêu chuẩn bằng cấp và trái với các quy định của Luật Giáo dục Đại học.

Khắc phục tình trạng này, Nghị định số 161 bổ sung quy định: các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng không được đưa ra các điều kiện, tiêu chuẩn trái với quy định của pháp luật, không được phân biệt loại hình đào tạo, văn bằng, chứng chỉ, trường công lập, trường ngoài công lập (khoản 1 Điều 1 và Điều 2). Quy định này để bảo đảm phù hợp với Luật Cán bộ, công chức năm 2008, Luật Viên chức năm 2010 và Luật Giáo dục Đại học năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) về việc không quy định phân biệt loại hình đào tạo, văn bằng chứng chỉ, cơ sở đào tạo.

Đổi mới nội dung, hình thức, quy trình thi tuyển và xét tuyển

Nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường tính công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng trong công tác tuyển dụng, gắn thẩm quyền tuyển dụng với thẩm quyền sử dụng công chức, viên chức và theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng, Nghị định số 161 sửa đổi, bổ sung nhiều điểm mới về nội dung, hình thức, quy trình thi tuyển và xét tuyển. Theo đó, việc tuyển dụng công chức, viên chức được tổ chức theo 2 vòng, Vòng 1 thi trắc nghiệm trên máy tính về kiến thức chung, ngoại ngữ, tin học để bảo đảm chính xác trong việc chấm thi và thuận tiện trong việc ứng dụng thi trên máy.

Kết quả thi Vòng 1 được xác định theo số câu trả lời đúng cho từng phần thi quy định nêu trên, nếu trả lời đúng từ 50% số câu hỏi trở lên cho từng phần thi thì người dự tuyển được thi tiếp Vòng 2. Vòng 2 thi môn nghiệp vụ chuyên ngành bằng hình thức phỏng vấn, thực hành hoặc thi viết do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng quyết định.

Đặc biệt, Nghị định cũng quy định cụ thể thời hạn để tiến hành các bước trong tổ chức tuyển dụng theo hướng rút gọn thời gian, đơn giản thủ tục hành chính (khoản 4 Điều 1 và khoản 3 Điều 2). Việc thi nâng ngạch công chức cũng tổ chức theo hướng đơn giản hóa thủ tục, thực hiện theo 2 vòng tương tự như thi tuyển công chức (khoản 14 Điều 1).

Quy định nhiều trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức, viên chức

(1) Đối với tuyển dụng công chức: Người đứng đầu cơ quan quản lý công chức được tiếp nhận không qua thi tuyển vào công chức đối với các trường hợp có ít nhất 05 năm công tác ở vị trí việc làm yêu cầu trình độ đào tạo đại học trở lên phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng và có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, gồm:

– Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập;

– Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang (quân đội, công an) và người làm công tác cơ yếu;

– Người đang giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc được cử làm người đại diện phần vốn nhà nước giữ các chức danh quản lý tại doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Đặc biệt, trong trường hợp đã là cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên sau đó được điều động, luân chuyển sang các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác, nay cơ quan có thẩm quyền có nhu cầu điều động, tiếp nhận trở lại thì không phải thực hiện quy trình tuyển dụng lại (khoản 11 và 13 Điều 1).

(2) Đối với tuyển dụng viên chức: Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức được xem xét tiếp nhận vào viên chức đối với các trường hợp có ít nhất 05 năm công tác ở vị trí việc làm yêu cầu trình độ đào tạo đại học trở lên phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng và có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, gồm:

– Người ký hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập;

– Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang (quân đội, công an) và người làm công tác cơ yếu;

– Cán bộ, công chức cấp xã;

– Người đang làm việc tại doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Quy định này cũng được áp dụng đối với trường hợp đã là cán bộ, công chức, viên chức, sau đó được cấp có thẩm quyền đồng ý chuyển đến làm việc tại lực lượng vũ trang, cơ yếu, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (khoản 7 Điều 2).

Bên cạnh đó, chế độ ưu tiên trong tuyển dụng được quy định theo hướng cộng điểm ưu tiên và áp dụng thống nhất giữa tuyển dụng công chức và tuyển dụng viên chức. Theo đó, một số đối tượng thi tuyển công chức, viên chức không còn được hưởng nhiều điểm ưu tiên như trước đây, cụ thể: nếu như trước đây, theo quy định tại Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, Anh hùng Lao động… được cộng 30 điểm vào điểm thi tuyển hoặc xét tuyển thì theo khoản 2 Điều 1 và khoản 4 Điều 2, Nghị định số 161 chỉ còn được cộng 7,5 điểm vào kết quả thi Vòng 2.

Tương tự, đối với người dân tộc thiểu số, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an, quân nhân chuyên nghiệp, con liệt sĩ, con thương binh, con bệnh binh, con Anh hùng Lực lượng vũ trang, con Anh hùng Lao động được cộng 5 điểm vào kết quả điểm thi tại Vòng 2 thay vì cộng 20 điểm vào tổng số điểm thi tuyển hoặc xét tuyển…

Phân cấp thẩm quyền tổ chức thi nâng ngạch công chức từ chuyên viên chính và tương đương trở xuống cho các bộ, ngành, địa phương

Các bộ, ngành, địa phương được quyền quyết định danh sách công chức, viên chức đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi nâng ngạch và chịu trách nhiệm toàn bộ trong quá trình tổ chức các kỳ thi nâng ngạch công chức theo thẩm quyền. Bộ Nội vụ có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể nội quy, quy chế tổ chức thi nâng ngạch công chức. Bộ Nội vụ và Ban Tổ chức Trung ương chỉ chủ trì tổ chức thi nâng ngạch lên chuyên viên cao cấp (khoản 15 Điều 1), cụ thể:

Đối với thi nâng ngạch từ ngạch chuyên viên hoặc tương đương lên ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương: Cơ quan quản lý công chức theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP chủ trì tổ chức thi nâng ngạch sau khi có ý kiến về nội dung đề án và chỉ tiêu nâng ngạch của Bộ Nội vụ (đối với công chức trong các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập) hoặc Ban Tổ chức Trung ương (đối với công chức trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội).

Đối với thi nâng ngạch từ ngạch nhân viên lên ngạch cán sự hoặc tương đương; từ ngạch nhân viên, cán sự hoặc tương đương lên ngạch chuyên viên hoặc tương đương: Cơ quan quản lý công chức theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP chủ trì tổ chức thi nâng ngạch sau khi có ý kiến về chỉ tiêu nâng ngạch của Bộ Nội vụ (đối với công chức trong các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập) hoặc Ban Tổ chức Trung ương (đối với công chức trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội).

ThS. Đoàn Kim Huy
Tạp chí Quản lý nhà nước